Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sau phán quyết về Biển Đông, quan hệ Trung-Nhật có thể căng thẳng hơn

CHINE JAPON 2


Một tầu tuần duyên Trung Quốc Hải Kiến (G) bị tầu tuần duyên Nhật Bản bao vây tại biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh chụp ngày 23/04/2013.
REUTERS/Kyodo/Files

Thất bại của Bắc Kinh trong vụ kiện về những đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông mà Philippines khởi kiện năm 2013 có thể sẽ tác động đến tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản tại biển Hoa Đông.

Nhận định trên của ông J. Berkshire Miller, giám đốc Hội đồng Thái Bình Dương về Chính sách Quốc tế (Council on International Policy) ở Los Angeles, được tờ The Diplomat đăng trong số ra ngày 14/07/2016.

Theo chuyên gia này, căng thẳng trên biển Hoa Đông tập trung vào nhiều mặt, không chỉ đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
 Hai bên cũng đang bất đồng về các vấn đề tài nguyên ở biển Hoa Đông khi Bắc Kinh tiếp tục xích gần hơn vào khu đặc quyền kinh tế của Nhật Bản để thăm dò khí đốt tự nhiên.

Tokyo đã cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các dự án khí đốt tự nhiên, cho dù các dàn khoan không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, nhưng rất có thể sẽ hút khí đốt từ các mỏ nằm gần đường phân định, bên phía Nhật Bản.

Trong khi đó, căng thẳng vẫn không suy giảm trong các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong vài tháng qua một số sự cố đáng lo ngại đã xảy ra và điều này càng cho thấy tình hình bất ổn ở biển Hoa Đông.

Tháng 06/2016, một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp với vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - một hành động chưa từng có trong mối quan hệ căng thẳng.
 Trước đó, việc xâm nhập vào khu vực đệm - nằm giữa vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia và lãnh hải - chỉ là các tàu hải cảnh Trung Quốc hoặc các tàu thương mại.

Cũng vào tháng 06/2016, Trung Quốc đã đưa một tàu do thám của hải quân nước này vào vùng lãnh hải Nhật Bản. Đây là động thái chưa từng có, và mới chỉ xảy ra lần thứ hai, kể từ khi Thế Chiến Thứ II kết thúc.

Thực ra, các nước được phép đi qua một cách vô hại vùng biển của các nước khác (như yêu cầu của Bắc Kinh), song không được phép tiến hành các hành vi do thám. Thế nhưng, sự việc này đã xảy ra ở vùng biển gần tỉnh Kagoshima ở cực nam Nhật Bản, cách xa quần đảo Senkaku/Điều Ngư.

Dù vậy, động thái có tính toán của Bắc Kinh được gắn liền với tranh chấp về lãnh thổ và là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn đa dạng hóa chiến lược thách thức chính quyền Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Việc Trung Quốc đưa các tàu hải quân vào cuộc tranh chấp là một động thái mang tính rủi ro, đặc biệt khi vẫn chưa có cơ chế tránh khủng hoảng được hai bên thỏa thuận.

Tàu chiến của Trung Quốc vẫn lặp đi lặp lại các cuộc xâm nhập cả vùng lãnh hải Nhật Bản lẫn vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bắc Kinh cũng tiếp tục tăng đáng kể khả năng hoạt động của các tầu tuần duyên Trung Quốc và là bậc thầy trong việc chuyển đổi các tầu chiến cũ phục vụ lực lượng tuần duyên.

 Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch đóng hai « siêu tàu » để bảo vệ bờ biển của mình, trong đó có một chiếc có trọng lượng rẽ nước 10.000 tấn.
 Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích buộc chính quyền Nhật Bản nhượng bộ ở biển Hoa Đông.

Tiềm năng xảy ra một cuộc đụng độ hoặc một sự cố ngoài ý muốn càng lớn trong những điều kiện như trên.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận xử lý khủng hoảng - tập trung vào các lĩnh vực hàng hải và hàng không - vẫn tiếp tục do có những bất đồng về việc đưa vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào phạm vi khu vực cần đàm phán.

Trong tháng 11/2013, Bắc Kinh đơn phương công bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Vùng nhận dang phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng đã chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản có từ trước.

Căng thẳng trong không phận ở biển Hoa Đông đã khiến Nhật Bản tăng cường trang bị cho Lực lượng Phòng vệ (ASDF) trong vài tháng qua.
 Và gần đây đã xảy ra một vài sự cố giữa lực lượng quân sự Nhật Bản và các chiến đấu cơ của Trung Quốc.

Giới chuyên gia quan ngại rằng căng thẳng tại biển Hoa Đông có thể leo thang sau phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông.
Bắc Kinh có thể tìm cách gây áp lực với Tokyo, một đồng minh của Hoa Kỳ.

Trong những tháng tới, điều quan trọng với Nhật Bản là chuẩn bị tinh thần chống lại những hành động khiêu khích của Trung Quốc và tiếp tục tập trung vào việc giảm khả năng xảy ra một cuộc đụng độ với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Switch mode views: