Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-12-2019
- Thứ Ba, 10 tháng Mười Hai năm 2019 17:45
- Tác Giả: Anh Vũ
Pháp tiếp tục tê liệt vì làn sóng chống cải cách hưu bổng
Đoàn người biểu tình chống cải cách chế độ hưu trí tại thành phố Marseille, miền nam Pháp, ngày 10/12/2019.
REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Thời sự chiếm trang nhất của các báo Pháp ngày 10/12/2019 vẫn là cải cách hưu bổng và các cuộc đình công biểu tình tiếp tục phong tỏa cả nước Pháp trước khi dự luật được thủ tướng chính thức công bố ngày 11/12.
Nước Pháp tiếp tục bị tê liệt kéo dài bởi phong trào biểu tình đình công chống dự án cải cách hưu bổng.
Báo La Croix đến với đối tượng giáo viên, những người đang lo ngại sẽ bị thiết thòi nhất trong chương trình cải cách hưu bổng.
Tờ báo dành nhiều bài viết để giải thích giáo viên thực sự là những người sẽ bị thiệt trong cách tính lương hưu theo dự án cải cách của chính phủ.
Đó cũng lý do để họ huy động tham gia đông đảo vào phong trào phản đối cải cách hưu bổng.
Nhật báo Libération có phóng sự dài trong các cuộc xuống đường chống cải cách hưu bổng ở khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu căn nguyên nỗi phẫn nộ của phong trào phản kháng.
Tờ báo cảnh báo sẽ có hàng trăm nghìn người trên khắp nước Pháp xuống đường ngày 10/12, trong bối cảnh mà nỗi bất bình dấy từ phong trào Áo Vàng vẫn còn đó.
Nhật báo Le Monde chạy tựa chính : « Hưu bổng : Chính phủ tới giờ lựa chọn ».
Le Monde gọi đây là « tuần đầy nguy hiểm của hành pháp ». Tờ báo cho biết : Ngày thứ 5 đình công, các cuộc họp liên tiếp ở phủ tổng thống và thủ tướng để có được quyết định mấu chốt trước khi trình toàn bộ cuộc cải cách ngày 11/12.
Các tổ chức công đoàn vẫn không chịu lùi bước trong khi chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện bằng được chương trình cải cách bị phản đối rộng khắp.
Trong khi đó, Le Figaro ngắn gọn bằng hàng tựa lớn trang nhất : « Phong tỏa lớn ».
Tờ báo dành tới 6 trang báo cho sự kiện. Trong bài xã luận, Le Figaro nhấn mạnh vấn đề cốt lõi của cuộc cải cách hưu bổng : « Đó là hệ thống hưu trí của chúng ta không thể chịu được về mặt tài chính.
Ở đất nước của chúng ta cũng như nhiều nơi khác, mọi người giờ ngày càng sống lâu hơn, tức là thời gian không làm việc cũng kéo dài hơn.
Không tính đến thực tế hiển nhiên này tức là để lại cho thế hệ tương lai gánh nặng không chịu nổi.
Các nước trên thế giới đều hành động, quyết định kéo dài tuổi về hưu, thường là 65 tuổi, muộn hơn Pháp 3 năm. Vậy thì phải đợi đến bao giờ chúng ta mới hành động cho có trách nhiệm ».
Một trong những điểm gai góc nhất của cuộc cải cách này là chính phủ muốn xóa bỏ một số chế độ đặc biệt về hưu bổng, những ưu đãi có từ thế kỷ trước mà chỉ có nhân viên đường sắt và một số ngành nghề hay ngạch công chức được hưởng.
Đây cũng là điểm mà các công đoàn quyết giữ bằng được.
Le Figaro cũng cho biết thêm, theo một thăm dò dư luận của Viện Elabe, 43% người dân Pháp cho rằng phong trào đình công hiện nay trước hết là cuộc huy động chống lại chính sách của tổng thống Emmanuel Macron trước khi phản đối cải cách hưu bổng.
Người ta đang chờ đợi chính phủ sẽ nhượng bộ đến đâu để chèo lái con thuyền cải cách rất cần phải có đi trong trong bão tố xã hội.
Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi ra trước tòa án quốc tế
Về chủ đề quốc tế, các báo Pháp đặc biệt chú ý tới sự kiện, ngày 10/12, lãnh đạo chính quyền Miến Điện, giải Nobel Hòa Bình 1991, bà Aung San Suu Kyi ra trước Tòa Án Quốc Tế La Haye giải trình về những cáo buộc Miến Điện phạm tội diệt chủng trong các cuộc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Hiện nắm giữ chức cố vấn đặc biệt Nhà nước, bà Aung San Suu Kyi từ năm 2016 thực chất là lãnh đạo chính quyền Miến Điện.
Le Monde nhận xét việc bà Aung San Su Kyi phải đích thân đế Tòa Án Quốc tế để biện minh cho đất nước Miến Điện là một chớ trêu của số phận.
Trong thời gian dài là nhà ly khai, kình địch của giới quân sự Miến Điện, từng bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trong suốt 15 năm, giờ bà Aung San Suu Kyi đích thân đến Hà Lan làm một cái việc đầy nghịch lý mà thực chất là biện hộ cho những hành động tàn bạo của quân đội.
Le Monde nhận thấy, từ đầu thảm kịch của người Rohingya, bà Aung San Suu Kyi đã tạo cảm giác cho thấy dường như bà là người đang bênh vực các tướng lĩnh quân đội.
Bà vẫn lập luận là các nước phương Tây không hiểu gì về thực tế chính trị, xã hội ở bang Rakhine (Arakan), nơi có đa số dân là người Rohingya.
Theo tác giả của bài viết, thực tế thì bà Aung San Suu Kyi quan tâm trước hết là vấn đề đối nội Miến Điện khi đến La Haye.
Người dân tộc Miến, chiếm 70% dân số của nước này, hầu hết thù ghét người Rohingya do nhiều yếu tố lịch sử để lại.
Tờ báo phân tích : « Đến La Haye để bảo vệ đất nước sẽ được người ủng hộ trong nước nhìn nhận như là một hành động can đảm ».
Đó sẽ là một hình ảnh đẹp, có lợi cho bà trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm 2020.
Trong kỳ bầu cử trước 2015, đảng của bà Aung San Suu kyi, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (LND) đã giành chiến thắng lớn, giờ đây đang chuẩn bị cho một cuộc đua mới.
Cùng thời sự này, La Croix có bài « Diệt chủng người Rohingya, Aung San Suu Kyi lên tuyến đầu ».
Biểu tượng của dân chủ ở Miến Điện một thời sẽ ăn nói thế nào với các quan tòa ?
Tờ báo trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị.
Theo các nhà nghiên cứu, tại La Haye, « bà Aung San Suu Kyi sẽ đề nghị cộng đồng quốc tế kiên nhẫn, bà sẽ biện hộ cho tính chất vô cùng phức tạp của tình hình và công cuộc tái thiết đang diễn ra trong đất nước Bà.
Bà sẽ bảo đảm người Rohingya có thể trở về… ».
Nhưng dù sao thì lần xuất hiện trước tòa án Quốc Tế La Haye lần này cũng làm mờ nhạt thêm hình ảnh của một giải Nobel Hòa Bình, từng là « nhà vô địch » của phương Tây về dân chủ.
Hồ sơ Bắc Triều Tiên trở lại vạch xuất phát
Liên quan đến châu Á, báo les Echos đề cập đến hồ sơ Bắc Triều Tiên với nhận định :
« Bắc Triều Tiên cố tình khuấy động lại căng thẳng ».
Tờ báo nhận thấy, « Từ hàng thập kỷ qua luôn là bên kiểm soát lịch trình ngoại giao, giờ đây Bình Nhưỡng đã khép lại giai đoạn hòa dịu hai năm vừa qua bằng một loạt các vụ thử tên lửa và ngày càng cứng giọng với Washington.
Bắc Triều Tiên cũng vừa cho mở lại căn cứ quân sự chiến lược mà họ đã cho đóng cửa năm 2018 ».
Sau thời gian hai năm thử hòa hoãn đàm phán không được như ý muốn, Bình nhưỡng bắt đầu thay đổi chiến thuật, thậm chí đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song hôm thứ Bảy 07/12 còn tuyên bố :
« Vấn đề giải trừ hạt nhân không còn đặt trên bàn đàm phán nữa ». Dường như thái độ cứng rắn trở lại của Bắc Triều Tiên cũng lại một lần nữa tìm sự chú ý của Washington.
Nga bị xóa tên trên bản đồ thể thao thế giới
Một thời sự khác đang gây xáo động làng thể thao thế giới « Nga bị gạch tên khỏi bản đồ thể thao thế giới », tựa của báo Le Figaro.
Cơ quan Chống doping Thế giới (AMA) tại Lausanne Thụy Sĩ hôm 09/12 vừa thông báo một loạt trừng phạt chưa từng có, cấm các vận động viên Nga trong vòng 4 năm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế.
Như vậy, các vận động viên Nga sẽ bị loại khỏi Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 và mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Trong thời gian trên, Nga còn bị cấm đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế.
Nga sẽ phải rút quyền tổ chức giải vô địch thế giới bóng chuyền và vật vào năm 2022.
Tất nhiên Nga và Cơ quan chống doping của mình (Rusada) có 21 ngày để kháng nghị lên Tòa Án Trọng Tài Thể Thao, định chế phán xử cao nhất.
Le Figaro ghi nhận, đây là « những trừng phạt nặng nề nhất trong lịch sử của Cơ quan Chống doping Thế giới » (thành lập năm 1999).
Đây cũng là sự đáp trả mạnh mẽ vụ bê bối từ nhiều tháng qua đã đầu độc bầu không khí thế thao thế giới.
Ngược lại thời gian, Le Figaro cho biết :
Năm 2014, Sotchi đã trở thành biểu tượng của niềm kiêu hãnh khi Nga đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở Thế vận hội mùa Đông.
Mặt trái của vị thế thống trị của thể thao Nga lộ ra sau phát giác vụ bê bối tổ chức cho các vận động viên Nga sử dụng doping một cách có hệ thống từ năm 2011 đến 2015, trong đó có sự tham gia chỉ đạo của nhiều cơ quan của chính phủ như bộ Thể Thao và cơ quan tình báo FSB.
Từ đó đến nay, các vận động viên Nga đã bị nhiều trừng phạt cấm tham gia các giải thi đấu quốc tế lớn.
Xác định cơ quan chống doping Nga đã cung cấp các dữ liệu sử dụng doping giả mạo, không đúng sự thật, MAM quyết định ra đòn trừng phạt nặng lần này.
Nhật báo Libération ghi nhận quyết định đã tác động tới cả một thế hệ vận động viên chân chính. Họ vừa cảm thấy bất công nhưng đồng thời phẫn nộ với chính định chế thể thao của nước nhà.
Các vận động viên Nga vẫn có cơ hội được tham gia các cuộc thi đấu quốc tế nhưng dưới màu cờ trung lập.
Đặc ân này sẽ trở nên vô nghĩa khi các vận động viên thể thao đến so tài ở các cuộc thi đấu quốc tế là vì màu cờ sắc áo của đất nước và vì niềm tự hào của dân tộc.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-12-2019 - 13/12/2019 18:31
- Bầu cử Anh : Đảng Bảo Thủ chiếm đa số áp đảo - 13/12/2019 16:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-12-2019 - 13/12/2019 03:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-12-2019 - 12/12/2019 23:28
- Mỹ : Trump tố cáo thủ tục truất phế để tranh thủ quyên góp tái tranh cử - 12/12/2019 23:06
- Vùng Donbass, « con tin » để Nga giữ chân Ukraina - 12/12/2019 22:51
- Mạnh Vãn Châu nhàn nhã, hai tù nhân Canada khốn khổ tại Trung Quốc - 12/12/2019 02:27
- Thương mại : Việt Nam cố giải tỏa áp lực của Mỹ - 11/12/2019 22:36
- Bỏ tù nhà báo : Trung Quốc nhất thế giới, Việt Nam hạng nhì châu Á - 11/12/2019 16:31
- Mỹ phạt Ericsson hơn 1 tỉ đô la vì hối lộ tại 5 nước, trong đó có Việt Nam - 10/12/2019 20:51
Các tin khác
- Phát triển mạng 5G: Châu Âu có sự lựa chọn nào khác ngoài Hoa Vi? - 10/12/2019 17:28
- Miến Điện: Aung San Suu Kyi điều trần trước tòa án quốc tế về cáo buộc "diệt chủng" người Rohingya - 10/12/2019 16:56
- Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Con đường còn dài - 10/12/2019 02:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-12-2019 - 10/12/2019 01:37
- Bêu xấu biểu tình Hồng Kông: Bắc Kinh bị gậy ông đập lưng ông - 09/12/2019 23:41
- Cơ Quan Chống Doping Thế Giới cấm Nga tham gia Olympic trong 4 năm - 09/12/2019 21:08
- Một triệu người biểu tình ở Hồng Kông, báo chí Trung Quốc im lặng - 09/12/2019 18:51
- Khủng hoảng Ukraina: Tổng thống Nga gặp đồng nhiệm Ukraina tại Paris - 09/12/2019 18:27
- Mỹ - Iran trao đổi tù nhân : Tổng thống Donald Trump cảm ơn Teheran - 08/12/2019 23:10
- Địa chiến lược : Mỹ muốn tập trung đối đầu với Nga và Trung Quốc - 08/12/2019 19:03