Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khủng hoảng Chilê - « sản phẩm » của 40 năm chính sách tân tự do

chile protests


Người biểu tình đốt hình nộm của tổng thống Chilê Sebastian Piñera, ngày 23/10/2019, tại thành phố Concepcion.
REUTERS/Jose Luis Saavedra



Từ vài ngày nay, chính quyền Chilê đối mặt với phong trào phản kháng xã hội mạnh mẽ chưa từng có suốt gần 30 năm qua, kể từ khi chế độ độc tài Pinochet sụp đổ vào năm 1990.

Ngày 20/10,tổng thống Chilê Sebastián Piñera tuyên bố đất nước đang trong tình trạng « chiến tranh ».

Trước đó hai ngày, vào ngày 18/10, ông ban bố tình trạng khẩn cấp dự kiến kéo dài 15 ngày tại thủ đô Santiago sau khi xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình nhằm phản đối chính quyền tăng 3% giá vé métro, kèm theo đó là các cuộc bạo động, cướp bóc, đốt phá bùng lên và lan ra nhiều thành phố khác, bất chấp việc chính quyền đã hủy quyết định tăng giá vé métro.

Gần 10.000 cảnh sát và binh lính được triển khai, lần đầu tiên quân lính đi tuần trên đường phố kể từ sau chế độ độc tài Pinochet.
Ngoài thủ đô Santiago với 7,6 triệu dân, lệnh giới nghiêm còn được ban bố tại 9/16 vùng.

Bạo lực đã khiến 18 người thiệt mạng trong những ngày qua, trong đó có 1 em bé 4 tuổi. Khoảng 240 dân thường và 50 cảnh sát, binh lính bị thương, hơn 6.000 người bị bắt giữ.

Tại thủ đô Santiago, 78 bến tàu của hệ thống métro hiện đại nhất Nam Mỹ, với tổng chiều dài 140 km, phục vụ mỗi ngày 3 triệu hành khách, đã bị đập phá, thiệt hại lên tới 300 triệu đô la.

Nhiều bến tàu bị phá hủy hoàn toàn. Hầu như toàn bộ trường phổ thông và đại học tại Santiago phải tạm đóng cửa.
Nhiều chuyến bay bị hủy, hoãn. Hành khách bị mắc kẹt trong sân bay của Santiago.
Sau gần 1 tuần, phong trào nổi dậy của dân chúng dường như chưa có dấu hiệu tạm lắng.

Bà Michelle Bachelet, cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người từng lãnh đạo đất nước Chilê trong hai nhiệm kỳ, kêu gọi chính quyền và dân chúng đối thoại tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Đâu là nguyên do thực sự khiến dân chúng nổi giận?

Đất nước Chilê, với 18 triệu dân, bất ngờ lâm vào khủng hoảng chỉ ít ngày sau khi tổng thống Piñera tự hào ví Chilê với một « ốc đảo » ổn định, an toàn, trong khu vực vốn đang bị suy yếu do khủng hoảng rình rập.

Trên thực tế, Chilê thường được xem như một hình mẫu lý tưởng về thành công kinh tế tại châu Mỹ La-tinh, là tấm gương cho nhiều nước trong khu vực, với mức tăng trưởng kinh tế mà nhiều nước châu Âu cũng phải thèm muốn.
Vậy, trong bối cảnh kinh tế phát triển thuận lợi, chính trị ổn định, đâu là nguyên nhân thực sự đẩy người dân Chilê vào cuộc phản kháng ?

Trả lời báo Le Monde, sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về châu Mỹ La-tinh (IHEAL) nhận định căn nguyên, nguồn cội của cuộc khủng hoảng lần này là sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nạn bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng.

Theo nhà sử học Compagnon, cuộc khủng hoảng bùng nổ tại Chilê không có gì đáng ngạc nhiên. Chilê là nước đầu tiên cho áp dụng học thuyết tân tự do của trường phái « Chicago Boys » (học thuyết của các nhà kinh tế theo học đại học Chicago, Hoa Kỳ).

Dưới thời độc tài Pinochet, những người theo trường phái của nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman, khôi nguyên Nobel 1976, người hăng say bảo vệ học thuyết tân tự do, được giao trách phiệm phục hồi nền kinh tế Chilê bằng cách đẩy mạnh tư nhân hóa, giảm vai trò quản lý của Nhà nước và tự do hóa gần như toàn bộ các lĩnh vực, giáo dục, y tế, hưu bổng …

Nhờ chính sách trên, Chilê đạt mức tăng trưởng kinh tế đáng nể, dự kiến đạt 2,5% trong năm nay.
Thế nhưng, Chilê cũng đồng thời trở thành « quán quân » về bất bình đẳng ở khu vực Nam Mỹ, ngang với Brazil.

Giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về châu Mỹ La-tinh cho rằng cuộc nổi dậy của người dân Chilê lần này là « sản phẩm của 40 năm học thuyết tân tự do ».
Từ năm 2000 đến năm 2012, việc tăng giá nguyên liệu sản xuất đã giúp nhiều nước Nam Mỹ phát triển kinh tế.
Chilê, cũng như Brazil, có nguồn quặng đồng rất lớn. Khai thác và xuất khẩu đồng mang lại nhiều lợi nhuận cho Chilê.

Cũng nhờ đó mà tỉ lệ đói nghèo đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 8,5%.
Thế nhưng, theo sử gia Olivier Compagnon số người nghèo giảm không có nghĩa là tỉ lệ bất bình đẳng xã hội cũng giảm theo.


Muốn hạn chế bất bình đẳng xã hội, cần thực hiện chế độ tái phân phối.
Trong khi đó, suốt 4 thập niên qua, mô hình kinh tế dưới thời độc tài quân sự chưa bao giờ được thay đổi, kể cả sau khi nền dân chủ được tái lập.

Quá chán ngán vì bất bình đẳng xã hội

Trong những ngày này, người dân Chilê không đấu tranh để được tăng lương, mà họ chống bất công xã hội.

Họ đòi hỏi có quyền được đáp ứng nhu cầu thiết yếu như điện, nước, các quyền lợi, dịch vụ một cách công bằng để được sống đúng nhân phẩm.
Biện pháp tăng giá vé métro của chính quyền chỉ là « giọt nước làm tràn ly ».
Người dân Chilê còn đấu tranh chống tham nhũng, phản đối việc các nhà lãnh đạo thâu tóm quá nhiều quyền lực kinh tế.

Quả thực, cho dù là nước Nam Mỹ đầu tiên gia nhập tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OCDE vào năm 2010, nhưng cho đến năm 2018, Chilê vẫn nằm ở nhóm các nước có chỉ số bất bình đẳng thu nhập cao nhất OCDE, chỉ sau Nam Phi và Costa Rica.

Le Monde trích dẫn số liệu của OCDE cho thấy chỉ số trên cao hơn 65% so với mức trung bình của tổ chức này.
Theo thống kê của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc hồi năm 2007, 33% tổng thu nhập của Chilê nằm trong tay 1% dân số.

Trong số đó, có tổng thống đương nhiệm Sebastián Piñera, một trong những người giàu nhất thế giới.
Theo tạp chí Forbes, tài sản của tổng thống Chilê ước tính lên đến 2,8 tỉ đô la.

Theo số liệu năm 2019 của OCDE, tỉ lệ người dân ở các đô thị hài lòng với việc được hưởng các dịch cụ chăm sóc y tế có chất lượng đã giảm mạnh trong vòng 10 năm, từ 43% vào năm 2007 xuống còn 33% vào năm 2017.

Cũng giống như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, rất cao.
Vì thế, trong số những người tham gia phong trào phản kháng lần này, có đông đảo thanh niên, sinh viên.
Le Monde cho biết, vào năm 2017, chỉ có 49% dân chúng hài lòng về hệ thống giáo dục.

Nhà xã hội học Carlos Ruiz, chủ tịch Fundaction Nodo XXI, nhận định cơn giận dữ trong xã hội Chilê trước hết là do mọi mặt đời sống hàng ngày của người dân đều bị tư hữu hóa mạnh mẽ, từ sức khỏe, giáo dục, đến chính sách hưu bổng, điện, nước …
Công dân Chilê chỉ bị coi như một người tiêu dùng đơn thuần. Người dân đã quá chán ngán trước tình trạng bất công xã hội.

Tổng thống Sebastián Piñera liệu có tìm ra giải pháp ổn định lại tình hình ?

Điều khiến giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về châu Mỹ La-tinh ngạc nhiên nhất chính là biện pháp đàn áp mạnh mẽ của nhà chức trách.
Sau khi phong trào phản kháng xã hội bùng nổ, nhà lãnh đạo Chilê trao quyền cho một vị tướng kiểm soát tình hình an ninh, ban lệnh giới nghiêm, cho quân đội triển khai binh lính đi tuần, thậm chí điều cả xe tăng ra đường phố.

Những biện pháp này gợi nhắc dân chúng Chilê về quá khứ đen tối dưới thời độc tài quân sự của tướng Pinochet 1973-1990.

 Trong các cuộc biểu tình, người dân căng biểu ngữ « Binh lính hãy rút ra ngoài ».
Không những thế, tổng thống Sebastián Piñera còn nói tới chiến tranh, tới « kẻ thù nội bang ».
Nhà lãnh đạo Chilê như vậy đã chọn củng cố nền dân chủ bằng phương thức từng được sử dụng trong quá khứ độc tài quân sự Pinochet …

Tuy nhiên, đối mặt với làn sóng chống chính phủ, tổng thống Sebastián Piñera đã có quyết định mang tính tích cực là ngưng biện pháp tăng giá vé métro.

Do không làm dịu nổi cơn giận dữ của dân chúng, hôm thứ Hai 21/10, nhà lãnh đạo đắc cử hồi năm 2018, sau một nhiệm kỳ 2010-2014, đã tuyên bố sẽ họp với lãnh đạo các đảng phái, kể cả phe đối lập, để tìm kiếm một thỏa thuận xã hội nhằm nhanh chóng thiết lập tình đoàn kết một cách hiệu quả và có trách nhiệm, nhằm hướng tới những giải pháp tốt đẹp nhất cho các vấn đề đang gây ảnh hưởng tới dân chúng.

Sau cuộc họp với các đảng, tổng thống thông báo hàng loạt biện pháp cải tổ, trong đó có đảm bảo mức lương tối thiểu, tăng 20% lương hưu và ổn định giá điện. Tổng thống Piñera cũng thừa nhận không lường được chuyện tăng giá vémétro lại khiến xã hội nổi giận đến như vậy và ông xin lỗi dân chúng.

Dường như các các nỗ lực của tổng thống vẫn là chưa đủ để giải quyết những bất công xã hội tích tụ trong xã hội suốt mấy thập kỷ qua, ngày hôm qua 23/10/2019, hàng chục ngàn người, nhất là sinh viên và công chức, tham gia đình công và biểu tình tại nhiều nơi trong cả nước.


Switch mode views: