Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đức Giáo Hoàng không gặp Đạt Lai Lạt Ma để tránh phật lòng Trung Quốc

POPE-SOUTHKOREA



Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân "Hội nghị các giải Nobel hòa bình" - REUTERS

Theo tin báo chí, “Hội nghị các giải Nobel Hòa bình” lần thứ 14 sẽ được diễn ra ở Roma.

Dù rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma có mặt ở Roma để tham dự Hội nghị nói trên, nhưng sẽ không có một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Thông tín viên Huê Đăng cho biết thêm chi tiết.

Huê Đăng : Trước hết tôi xin phép tóm tắt sơ lược về buổi Hội nghị: trong ba ngày 12, 13 và 14/12/2015 tại Roma diễn ra “Hội nghị lần thứ 14 của những nhân vật đã được trao giải Nobel về hòa bình”.

Như ta đã biết là Hội nghị này đúng ra đã phải được tổ chức hồi tháng 9 ở thành phố Cape Town ở Nam Phi, nhưng do sự phản đối của công luận trong việc chính quyền Nam Phi đã không cấp thị thực nhập cảnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Do vậy, dự định tổ chức ở Nam Phi đã bị hủy bỏ và sau đó Hội nghị đã được dời sang Roma.

Theo chương trình, Hội nghị sẽ hội thảo về các khả năng để phòng chống lại các mối đe dọa chiến tranh và bạo lực tình dục, về các sáng kiến để gìn giữ hòa bình ổn định, đặc biệt là nhấn mạnh đến vai trò của các cơ chế tổ chức quốc tế.

Khác với trường hợp của Nam Phi, chính phủ Ý đã không hề đặt ra vấn đề nhập cảnh đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, thậm chí các lực lượng dân chủ tiến bộ của Ý đã hoan nghênh sự có mặt của các vị Nobel về hòa bình.

Nhưng sáng hôm qua, 12/12/2015, các mạng truyền thông đã đưa tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối không gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Theo báo chí thì từ mấy tuần trước Tòa thánh Vatican đã nhận được yêu cầu của phái đoàn Tây Tạng để có được một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng sau khi xem xét điều nghiên, phía Tòa thánh Vatican đã từ chối buổi gặp gỡ.

RFI : Vì những lý do gì mà Đức Giáo Hoàng đã từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ? Trong khi Tòa thánh Vatican vẫn luôn luôn đề cao tinh thần liên tôn giáo như một trong những đường lối của Tòa thánh ?

Huê Đăng : Theo báo chí, quyết định từ chối hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma là bởi vì Tòa thánh Vatican không muốn “can thiệp vào quan hệ xung đột giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Trung Quốc”, tức là Tòa thánh đã chấp nhận áp lực đến từ phía chính quyền Bắc Kinh vốn xưa nay vẫn liên tục áp lực lến tất cả các chính phủ trên thế giới để các chính phủ này “cô lập” Ngài.

Vẫn theo báo chí Ý, nguồn tin trên cũng đã được phía Tòa thánh Vatican xác nhận.
Điều đáng chú ý là cũng chính vì áp lực của chính phủ Trung Quốc mà Nam Phi hồi tháng 9 đã từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và do đó “Hội nghị lần thứ 14 của những nhân vật đã được trao giải Nobel về hòa bình” đã phải di dời từ Cape Town sang Roma.

Điều này khẳng định một lần nữa chính sách gây áp lực của chính quyền Bắc Kinh lên bất cứ một chính phủ nào, một cơ quan nào, một tổ chức nào để tìm cách cô lập Đức Đạt Lai Lạt Ma và bóp nghẹt những yêu cầu tự do dân chủ của người Tây Tạng.

Thực ra, chuyện Trung Quốc gây áp lực lên các chính phủ không phải là điều gì mới mẻ, trong quá khứ cũng đã từng xẩy ra với một số chính phủ, nhưng cái mới mẻ lần này là chính Trung Quốc gây áp lực lên Tòa thánh Vatican, vốn là một cơ chế tôn giáo có tính toàn cầu chứ không phải là một chính phủ của một quốc gia, và nhất là Vatican vẫn luôn luôn đề cao tinh thần liên tôn giáo.

RFI : Các mạng truyền thông có đưa ra nhận xét nào về nguyên nhân vì sao mà Tòa thánh Vatican đã chấp nhận áp lực của Trung Quốc ?

Huê Đăng : Có chứ. Theo tin báo chí, hiện nay Tòa Thánh Vatican và chính quyền Bắc Kinh đang trong vòng đàm phán để có thể tiến đến một khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican.

Một trong những tín hiệu cho thấy là đàm phán đang có những kết quả như hai bên mong muốn là hồi hè vừa rồi chính phủ Bắc Kinh đã đồng ý cho chuyên cơ chở Đức Giáo Hoàng từ Roma sang công du ở Nam Hàn được quyền bay trên không phận của Trung Quốc, điều mà từ xưa đến nay chưa bao giờ xẩy ra.

Và cũng chính lần đó Đức Giáo Hoàng từ trên chuyên cơ đã lập tức gởi điện thư đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để chúc mừng “nhân dân Trung Quốc”.

Cũng vẫn theo các nguồn tin báo chí thì hiện nay từ phía chính quyền Bắc Kinh đã đề ra với Vatican hai “phương án” để giải quyết vấn đề “tấn phong Giám mục”, vì như ta đã biết là cho đến nay ở Trung Quốc các Giám mục không do Tòa thánh trực tiếp tấn phong, mà do “Hội đồng Giám mục của Giáo hội yêu nước Trung Quốc” đảm nhận.

Phương án thứ nhất là các ứng cử viên vào chức Giám mục sẽ được các giáo phận tuyển chọn thông qua các thủ tục “dân chủ” hiện hành ở Trung Quốc, sau khi các giáo phận nhận được sự đồng ý của Hội đồng Giám mục của Trung Quốc (tức là của Giáo hội yêu nước), và sau khi danh sách ứng cử viên đã được thông báo cho các cơ quan quản lý về tôn giáo của Trung Quốc, và cuối cùng các ứng cử viên giám mục sẽ được tấn phong chỉ sau khi có sự chấp thuận của Tòa Thánh Vatican.

Phương án thứ hai là Trung Quốc sẽ đệ lên Tòa Thánh tên của hai ứng cử viên. Và nếu Vatican không đồng ý “phê chuẩn” bất cứ người nào thì Trung Quốc sẽ phải lập lại quá trình lựa chọn từ đầu để tìm kiếm hai ứng cử viên mới.

Theo một số nguồn tin thì các cuộc đàm phán, vốn đã bắt đầu từ năm 2006, và theo dự tính là có thể sẽ kết thúc đàm phán vào khoảng đầu năm 2015 sắp tới.
Và nếu quan hệ sẽ được thiết lập trong thời gian ngắn sắp tới, thì có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đi vào lịch sử với việc đưa hàng tỉ con chiên Trung Quốc lạc lõng trở về lòng Giáo hội. Mục tiêu cực kỳ lịch sử … nên Đức Giáo Hoàng đành phải "hy sinh" Đức Đạt Lai Lạt Ma.

 

Switch mode views: