Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyên gia Mỹ vạch trần các tin đồn về virus corona: Nguy hiểm nhất là khi bạn tin vào những điều sai sự thật

coronavirus 2

 


Các thông tin sai lệch về dịch bệnh có thể tạo ra niềm tin không đúng, hoàn toàn có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, thậm chí gây chết người.



Có thể nói, mạng xã hội là nơi nhiều thông tin nhất, được lan truyền một cách nhanh nhất, đặc biệt là những thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải tin nào cũng đúng. Vì là môi trường mạng xã hội, rất nhiều tin đồn sai sự thật về dịch bệnh cũng được lan truyền chóng mặt.
Chẳng hạn như thời gian gần đây, đã có một thông tin về bí kíp “tự xét nghiệm virus”, rằng chỉ cần nín thở trong 10s mà không bị ho tức là bạn không bị nhiễm.

Tin đồn trên thậm chí còn lấy dẫn chứng từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ), đã lan tỏa qua rất nhiều kênh mạng xã hội, được chia sẻ hết sức dữ dội.
Duy chỉ có một vấn đề là nó hoàn toàn không đúng!
Bản thân ĐH Stanford sau đó đã phải lên tiếng, cho biết thông tin trên hoàn toàn không dính dáng đến trường, đồng thời cho rằng rằng mọi người có thể gặp nguy hiểm nếu tiếp tục nghe theo những tin đồn tương tự như vậy.

Chuyên gia Mỹ vạch trần các tin đồn về virus corona: Nguy hiểm nhất là khi bạn tin vào những điều sai sự thật

Và đó chỉ là một trong những tin đồn sai lệch về virus corona chủng mới. CNN mới đây đã tiến hành phỏng vấn tiến sĩ Robert Legare Atmar – chuyên gia dịch tễ học từ ĐH Y Baylor College, để giải quyết những thông tin không đúng sự thật đang lan truyền.

1- Uống nhiều nước sẽ bảo vệ bạn khỏi virus corona

Tin đồn: Nếu uống không đủ nước, virus có thể xâm nhập khí quản và tiến vào phổi. Mọi người nên uống nước 15 phút/lần, nhằm rửa trôi virus từ cổ họng vào dạ dày. Ở đây, acid sẽ giúp tiêu diệt chúng.

Thực tế: Atmar cho biết không có bất kỳ bằng chứng nào, dù là từ các virus gây bệnh hô hấp khác cho thấy phương pháp này có hiệu quả.
“Kể cả khi nó có hiệu quả đi chăng nữa (thực tế là không), con người vẫn hít thở qua mũi chứ không chỉ có miệng. Phương pháp này sẽ chỉ bảo vệ được miệng, còn mũi thì không.” – Atmar bổ sung thêm.

2 - Uống nước muối sẽ phòng ngừa được virus


Tin đồn: Chỉ cần uống nước ấm pha muối là đủ để chống virus.

 

Thực tế: Atmar cho biết, dựa trên dữ liệu về các loại virus gây bệnh hô hấp tương tự, nước muối – dù là ấm hay lạnh – nhiều khả năng sẽ không hiệu quả.

3 - Nếu nín thở được trong 10s mà không ho, bạn không nhiễm virus

Tin đồn: Hít một hơi thật sâu và nín thở trong 10s. Nếu làm được mà không ho, không khó chịu, ngực không bị căng cứng, nó cho thấy phổi của bạn không bị xơ hóa và có nghĩa bạn không bị nhiễm virus.

Thực tế: Theo Atmar, thông tin này đơn giản là “không đúng sự thật”

“Khi nhiễm một loại virus cấp tính, bạn sẽ khó hít sâu, và dễ ho vì đường thở bị kích ứng, nhưng chỉ có vậy thôi. Nó không có nghĩa phổi của bạn bị xơ hóa, dù đúng là những bệnh nhân xơ phổi gặp khó khi làm vậy.

Và nhìn chung, việc có thể nín thở hơn 10s chẳng chứng minh được bạn có nhiễm virus hay không.”

4- Bị chảy nước mũi chỉ là bị cảm thường thôi

Tin đồn: “Nếu chỉ bị chảy nước mũi và ho có đờm, đó đơn giản là triệu chứng cảm cúm thường thôi. Virus corona sẽ gây ho khan, và mũi không bị chảy nước.”

Thực tế: Tin đồn này chỉ đúng một phần. Sự thực là chảy nước mũi còn có thể là triệu chứng của cảm cúm, dị ứng và một số căn bệnh khác.
Và dù đúng là những người nhiễm virus corona thường ho khan, nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp ho ra đờm, và có chảy nước mũi.

5 - Nhiễm virus corona là sẽ bị viêm phổi

Tin đồn: “Virus sẽ hòa lẫn cùng dịch mũi, xâm nhập khí quản và gây ra viêm phổi.”
Ngoài ra, người đăng tải thông tin này còn cho biết virus ban đầu sẽ xâm nhập khoang miệng, gây đau họng trong khoảng 3-4 ngày, rồi theo dịch mũi tiến vào phổi.

Thực tế: Đây cũng là một thông tin không hoàn toàn đúng.


Thời gian virus corona bộc phát triệu chứng sẽ khác biệt theo từng bệnh nhân.
Hơn nữa, không phải ai đau họng cũng nhiễm virus, cũng như không phải ai nhiễm virus cũng đau họng.

6 - Người nhiễm Covid-19 sẽ cảm thấy khó thở, như đang chết đuối

Tin đồn: Nghẹt mũi khi bị nhiễm virus corona không giống như bình thường. Bạn có thể thấy như đang đuối nước.

Thực tế: Điều này không đúng. “Triệu chứng được mô tả trên không giống bất kỳ các trường hợp nhiễm virus nào từ trước đến nay. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhiễm virus còn không hề bị nghẹt mũi.” – trích lời Atmar.

7 - Thời điểm người bệnh nhập viện, phổi của họ đã bị xơ hóa

Tin đồn: “Ở thời điểm người bệnh bộc phát triệu chứng ho, sốt và phải nhập viện, phổi của họ đã bị xơ hóa 50% và nhiều khả năng là đã quá muộn. Xơ hóa là tổn thương không thể phục hồi của phổi, và có thể dẫn đến suy hô hấp.”

Thực tế: Hoàn toàn không chính xác.
“Những kiểu thông tin như vậy là cực kỳ đáng báo động. Xơ hóa chỉ xảy ra đối với một số rất ít các bệnh nhân, và có đến 80% trường hợp nhiễm virus corona chỉ có triệu chứng nhẹ.”

Cũng theo Atmar, thời hạn ủ bệnh kéo dài từ 2 – 14 ngày. Các triệu chứng thường bắt đầu bộc lộ vào ngày 5 hoặc 6 sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, như ho, đau họng, sốt, đau mỏi cơ.
Một số ít bệnh nhân phát triệu chứng nặng vào tuần thứ hai mới có rủi ro bị xơ hóa.

Nguồn: CNN

Switch mode views: