Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ chùa Ba Vàng: Phật giáo Việt Nam đã đến hồi mạt pháp


chuabavang 1
Một buổi thuyết giảng tại chùa Ba Vàng. Photo: facebook Chùa Ba Vàng

Mấy ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền video clip của bà Phạm Thị Yến rao giảng vong báo oán, tức những ác nghiệp trong kiếp trước nên kiếp này phải trả, liên quan đến vụ nữ sinh giao gà bị giết chiều 30 Tết vừa qua ở tỉnh Điện Biên.

Bà Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, là chủ nhiệm một câu lạc bộ tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Dù không nắm giữ chức vụ nào cụ thể tại chùa Ba Vàng nhưng bà thường xuyên xuất hiện tại các buổi tọa đàm và trong các tài liệu tuyên truyền của nhà chùa.

Từ clip của bà Yến, báo Lao Động làm một phóng sự điều tra, và chuyện chùa Ba Vàng tổ chức những buổi lễ oan gia trái chủ, trục vong, gọi hồn với số tiền thu được lên đến trăm triệu gây chú ý trên mạng xã hội cũng như báo chí chính thống.

Theo báo Lao Động thì với những xui xẻo, bệnh tật trong cuộc sống, người dân đến chùa được ‘vong’ phán rồi ‘chốt giá’. Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook hôm 21/3 rằng việc tổ chức lễ oan gia trái chủ ở chùa là có thật. Việc các phật tử tham gia là tự nguyện và việc cúng tiền không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam Bảo và theo yêu cầu của ‘vong’.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận xét vụ chùa Ba Vàng báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam:

“Qua hiện tượng chùa Ba Vàng và một số chùa khác thì tôi thấy là đạo Phật của Việt Nam đang đến hồi mạt pháp và làm rối loạn tâm linh, rối loạn lòng người và báo hiệu một chương rất đen tối của lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại không còn nữa. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.

Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi. Họ quyết liệt phải trục lợi bằng được. Vì vậy cho nên là nó mới xuất hiện những cái chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Phúc Khánh hay Ba Vàng như vậy. Tôi cho rằng đây đã đến hồi mạt pháp của Phật giáo Việt Nam và khó có thể chấn hưng lại.”

chuabavang 2
Toàn cảnh chùa Ba Vàng photo: facebook Chùa Ba Vàng

Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhận định bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp:

“Theo tôi thì bây giờ đời sống xã hội Việt Nam về mọi mặt đều suy yếu, xuống cấp. Người dân bây giờ quá nhiều khổ đau, cuộc sống bấp bênh nên họ không có niềm tin vào xã hội mà họ chỉ biết tin vào Thần Thánh.”

Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, nghĩa là “ánh sáng quý”, tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Căn cứ vào những dấu tích di chỉ từ các nhà khảo cổ thì ngôi chùa có thể được xây dựng vào thời Trần thế kỷ thứ 13.

Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.

Hòa Thượng Thích Không Tánh cho rằng đây là ngôi chùa của nhà nước lập ra để kinh doanh, trục lợi, đồng thời ru ngủ người dân rằng có tự do tín ngưỡng:

“Chùa đó là chùa của nhà nước nên họ thường lấy việc buôn Thần bán Thánh để kinh doanh. Nhà nước họ biết Việt Nam rất đông Phật tử nhưng nhiều người trong số họ không được hướng dẫn đúng theo chánh pháp nên họ chỉ tin vào Thần Thánh. Chính vì vậy Nhà nước phối hợp với các nhà đầu tư lập ra nhiều chùa lớn để kinh doanh, như chùa Bái Đính, Ba Chúc, Ba Vàng…

Chùa dựa hơi nhà nước tổ chức như vậy vừa để kinh doanh vừa để người dân họ thấy tự do tín ngưỡng. Còn người dân họ không phân biệt được tự do tín ngưỡng. Nó có sự lợi dụng trong đó.”

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng những ngôi chùa như thế không còn gọi là chùa mà phải gọi là nơi buôn bán Phật Thánh và đánh vào lòng tin của con người để trục lợi. Trục lợi nhiều thứ chứ không chỉ là tiền cúng.

Trước những ồn ào liên quan đến chùa Ba Vàng, vào tối 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì ngôi chùa này đã tổ chức buổi pháp thoại về thế giới tâm linh, oan hồn, luật nhân quả với sự tham dự của gần một ngàn phật tử.


Bên trong chùa Ba Vàng Photo: facebook Chùa Ba Vàng

Tại buổi pháp thoại, vị trụ trì chùa Ba Vàng nói rằng: “Chùa chúng ta là ngôi chùa lớn trong nước cũng như thế giới, vì vậy có những đối tượng ghen ghét đố kỵ, tà đạo ngoại đạo cũng muốn bôi nhọ mình, ác hại mình. Cho nên các phật tử phải xác định chúng ta phải chấp nhận chông gai đầy đủ lòng tin, chông gai nào cũng vượt qua.”

Cư sĩ Như Huyễn ở Đà Nẵng, người không có liên quan gì đến chùa Ba Vàng nhận định về việc này:

“Chùa này họ muốn quảng cáo là tài giỏi nhất, linh thiêng nhất để đè bẹp tất cả những ngôi chùa đi ngược lại hay nói thẳng về cái sai phạm của họ. Vấn đề chùa Ba Vàng là vấn đề trục lợi chứ không liên quan tự do tôn giáo.

Thực sự với quan niệm giải oán kết, giải oan gia thì theo Phật giáo đại thừa vẫn có, nhưng không theo kiểu vong nhập về, đưa bao nhiêu tiền thì trả hết nghiệp thì hoàn toàn không đúng. Tiền chỉ là vật chất của người còn sống chứ với người đã chết thì họ đâu có hưởng được gì. Chỉ có con người lợi dụng điều đó để trục lợi mà thôi.”

Báo Lao Động hôm 22/3 trích chia sẻ của ông N.K.V (60 tuổi, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết cách đây 3 tháng đã đi thỉnh "vong" tại chùa Ba Vàng:

"Lúc mới vào, ‘vong’ phán 80 kiếp trước, tôi có nghiệp sát sinh, muốn ‘vong’ giải oán thì phải cúng dường 2 tỉ. Khi tôi bảo quá cao, ‘vong’ nói sẽ giảm xuống 1 tỉ rồi tiếp tục giảm xuống còn 500 triệu. Khi tôi bảo không đủ khả năng, ‘vong’ nói thôi thì 60 triệu và làm công quả một tháng cũng được".

Theo các video của chùa Ba Vàng được truyền trực tiếp trên tài khoản facebook của chùa hay trên youtube thì rõ ràng là những buổi thuyết pháp, giảng đạo của chùa thu hút khá nhiều người đến nghe.

Cư sĩ Như Huyễn cho rằng những việc làm tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu, và để quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của chùa thì ngoài Phật tử ra, có thể có những tín đồ bị mua chuộc để đến chùa. Cư sĩ giải thích:

“Những người được vào chùa đó có phải là Phật Tử hay không hay chỉ là tín đồ?. Tín đồ họ là những người có thể bị mua chuộc để đến chùa, có nghĩa là qua những lời tuyên truyền trực tiếp từ những vị tăng sĩ, hay thông qua những vị được đào tạo theo cách của chùa Ba Vàng đề ra mà không thông qua bài bản Phật học hay hệ thống giáo dục chính thống. Tín đồ đến chùa để quảng cáo cho ngôi chùa.”

Theo truyền thông trong nước thì chiều 20/3, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở và Thanh tra Bộ làm rõ việc chùa Ba Vàng bị phản ánh tổ chức "tuyên truyền vong báo oán", mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 25/3.

Ban Tôn giáo chính phủ hôm 22/3 đã lên tiếng về những hoạt động trục vong, gọi hồn ở chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh là vi phạm luật tín ngưỡng, tôn giáo, không phù hợp với truyền thống và phải loại bỏ khỏi các cơ sở Phật giáo.

Switch mode views: