Người 'Mễ lậu' ở Little Saigon: Một ngày của Juan
- Chúa Nhật, 18 tháng Mười năm 2015 11:28
- Tác Giả: Đằng-Giao
SANTA ANA, California (NV) - Ông sống bất hợp pháp trên đất Mỹ tổng cộng 28 năm. Ban ngày ông đi làm thuê, làm “cửu vạn,” tối về, ông ngả lưng trong một apartment tầng trệt tại Santa Ana cùng 12 người khác.
Ông tên là Juan Ruiz. Năm nay ông 59 tuổi.
"Mỗi đêm về đến chỗ ngủ tôi mới biết hôm ấy bình an." (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Tha phương cầu thực
Ông đến Mỹ lần đầu vào năm 1974, lăn lóc cùng “giấc mơ Mỹ” được 19 năm, đến 1993. Rồi ông quay trở lại đây lần thứ hai, từ 2006 đến giờ.
Ông nói, nụ cười hiền hòa: “Chắc vì tôi tuổi con ngựa nên phải chạy nhiều. Ông chủ cũ của tôi, một người Việt Nam, đã nói vậy.”
Hiện thời, mỗi ngày ông Juan đạp chiếc xe đạp màu đỏ trầy trụa đi làm. Ông dậy từ 4 giờ sáng, làm bữa sáng, ăn vội vã, rồi vội vã đi làm.
“Bụng đói thì chỉ đến trưa là hai đầu gối tôi bủn rủn, Tôi đã quỵ một lần vì ăn không no.” Ông kể.
Juan rời nhà lúc 5 giờ sáng, đến Home Depot ở góc đường MacArthur và Harbor thuộc Santa Ana lúc 5:30 sáng.
Ông giải thích: “HomeDepot mở cửa lúc 6:00 giờ sáng, nhưng đến càng sớm thì càng dễ kiếm khách. Hôm nào hên, có người mướn liền thì tôi có $100. Nhưng hiếm lắm.”
“Hôm nào đến 8:00 giờ sáng mà tôi còn đây thì coi như hôm đó ế. Thế là tôi lại đạp xe xuống góc đường Euclid và Edinger, đối diện nhà thờ St. Barbara tìm mối khác.”
Ông nói về chỗ làm “dự bị:” “Ở đó, như mọi người, tôi tính $10 một giờ. Nhưng thật ra thì bao nhiêu cũng lấy.”
Mắt ông chăm chú quan sát một chiếc xe truck vừa quẹo từ MacArthur vào Home Depot, nhưng niềm hy vọng tắt nhanh. Juan thở dài thất vọng.
Rồi ông kín đáo hất cằm về hướng một nhóm người Mexico trẻ tuổi ở góc khác: “Làm ở đây sáu năm rồi nhưng tôi sẽ phải tìm chỗ khác. Những người Mexico trẻ không thích tôi. Họ nói tôi phá giá và dọa đánh tôi. Tôi gần 60 tuổi rồi. Bị đánh, chắc tôi chết mất.”
Vượt biên lần đầu
Ông Juan sinh năm 1956 tại Jalisco, Mexico.
Năm 1974, vừa lên 18, ông theo cha vượt biên sang Mesa, Arizona, trong một chuyến đi “vô cùng gian truân và đầy rẫy hiểm nghèo.”
Trong chiếc xe chở gà sống, gia đình ông gồm ba người – bản thân Juan, thân phụ và em gái Sandra, 17 tuổi. Họ sống chui rúc bên dưới chuồng gà, lẫn với phân gà tươi suốt 72 giờ ròng rã.
Ông nhăn mặt: “Họ phát mỗi người một bình nước và một hộp thịt gà. Tôi không hiểu sao mà tôi có thể ăn trong không khí hôi thối ấy.”
“Ban ngày, họ che kín bạt nên trong xe tối om om. Ban đêm họ kéo bạt ra nên tôi được ngắm trăng,” ông hồi tưởng rồi tiếp: “Đến giờ tôi cũng không thể ăn thịt gà được vì cái mùi phân gà đã 'làm nám' phổi tôi rồi.”
Chuyến xe bị chặn lại và lục soát tất cả tám lần. Lần nào cũng làm gia đình Juan đứng tim, thót ruột. Có lần, người em gái Sandra ngất đi vì quá sợ, tay chân cứng lại và lạnh ngắt, phải xoa bóp nửa ngày mới cử động được.
Ông Juan ngẹn lời: “Sau đó thì em tôi không ăn được nữa. Lâu lâu lại ói mửa, chỉ toàn nước.”
“Suốt chuyến đi, cha tôi không nói gì với chúng tôi cả. Ông lặng thinh, lâu lâu chùi nước mắt.”
Em gái ông chỉ nằm co ro khóc thút thít.
Ông ngậm ngùi: “Tôi biết, cũng như tôi, Sandra nhớ mẹ và em trai còn ở lại.”
Ba ngày đêm khủng khiếp ấy rồi cũng qua đi, nhưng ký ức để lại không bao giờ nhạt nhòa.
“Đến ngày cuối, Sandra không khóc nữa, chỉ nằm thiêm thiếp,” ông khẽ nói.
Sáng sớm hôm ấy, khi đến nơi tạm trú tại Mesa, Arizona, hai cha con ông mới biết cô gái 17 tuổi đã chết từ đêm trước.
Juan chua chát: “Họ đâu có tha. Họ vẫn tính tiền như thường. Họ bảo không trả tiền thì họ giữ xác. Họ nói em tôi đẹp quá, họ 'dùng' được.”
Người cha giấu tiệt vợ mình về cái chết thảm thương của người con gái duy nhất.
Ông muốn vợ có tinh thần để còn có thể chăm lo đứa con trai 14 tuổi bị liệt chân trái vì rắn cắn năm chín tuổi khi đang chăn gà cho hàng xóm.
Vào đời sống mới, rồi hai cha con lần mò tìm về California, làm nghề hái nho ở San Francisco.
Hồi còn ở quê nhà, hai cha con ông đã có nghề mộc. Năm 12 tuổi, ông theo cha vào rừng chở gỗ về. Mỗi khi rảnh, ông phụ người chú đóng tủ, bàn ghế.
Ông Juan làm dấu Thánh: “Nghề của Chúa Giê Su.”
Rồi hai cha con lại đi tiếp về hướng Nam. Họ về Los Angeles, làm cho một xưởng gỗ do một người đồng hương điều hành.
Tám năm sau, người cha quyết định về quê để ở với vợ và đứa con tật nguyền. Rồi ông qua đời tại nơi chôn nhau cắt rốn.
Lần đầu bạo động
Một mình ở lại quê người, ông Juan lập gia đình với cô thư ký cùng xưởng gỗ, tên Anita. Người vợ cũng không có giấy tờ định cư như ông.
Ông sống yên bình như thế đến năm 1994.
Ông ôn lại giây phút hạnh phúc cuối cùng của vợ chồng ông: “Tôi không bao giờ quên được hôm ấy. Vợ tôi có thai được ba tháng.”
Năm đó, Juan đã 37 tuổi. Vợ ông, 29.
“Từ ngày đến Mỹ, tôi toàn gặp dấu trừ. Đây là dấu cộng đầu tiên nên tôi vui không thể tả được,” Juan rạng rỡ cười về quá khứ.
Không ngờ tai bay vạ gió lại đổ ập xuống gia đình khi người em họ của ông chủ đến chơi rồi để ý Anita.
Khi thấy vợ ông về nhà với quần áo lót rách bươm, Juan dằn không được cơn giận. Hôm sau ông đánh gãy sống mũi người hành hung vợ mình.
“Tôi chưa bao giờ đánh nhau cả. Nhưng hôm ấy, tôi muốn giết nó,” ông Juan rít qua kẽ răng.
Rồi ông cúi mặt: “Giờ nghĩ lại vẫn còn tức mặc dù đã đi xưng tội. Tôi rất ghét bạo động.”
Tuần sau, vừa đến xưởng mộc thì nhân viên Sở Di Trú ập đến. Ông cùng tám người khác bị bắt.
Vợ ông lúc ấy đã xin được việc ở San Bernardino.
Về quê
Ông Juan kể: “Họ giải tôi đến San Diego làm giấy tờ trục xuất ngay lập tức.”
Về ở với mẹ và em trai, bảy tháng sau thì Anita cũng tìm về với ông.
Ông nói: “Vì thương tôi nên vợ tình nguyện xin về nước. Nhưng tôi không thấy con tôi đâu hết.”
Vợ ông xảy thai trong trại tạm giam ở San Diego.
Tai nạn gây chấn động nặng nề cho bà. Nó ám ảnh bà mỗi đêm.
Juan đau đớn: “Đêm nào vợ tôi cũng nằm mơ, khóc sướt mướt vì sợ đói. Rồi đi quanh nhà tìm con. Tội nghiệp lắm.”
Hai năm sau, ông Juan đi Oxacana, thành phố phía Nam cách quê ông 520 dặm, để làm rượu mezcal, một loại gần gần như tequila.
Ông Juan tâm sự: “Mỗi tháng tôi kiếm chưa được $200 mà gia đình bốn người cần $400. Vì em tôi cần thuốc động kinh. Vợ tôi cũng phải đi giặt quần áo thuê.”
Hiện thời, mẹ ông, bà Luciana, 75 tuổi, vẫn chăm lo cho em trai ông, Alejandro, 53.
Tìm đường trở lại Mỹ
Từ 1994 đến 2006, vợ chồng ông chật vật dành dụm được $1,400.
Với lời hứa của người em họ ở Los Angeles là sẽ cho mượn thêm $1,100, ông lại chuẩn bị lên đường quay lại Mỹ. Không đủ tiền, bà Aniata phải ở lại.
Xe khởi hành từ Jalisco đi El Paso, Texas, chuyến đi này mất bốn ngày. Vừa đi vừa trốn.
Cùng chuyến với ông có 18 ông khác.
Họ cũng bị dấu trong xe bít bùng với khẩu phần mỗi ngày là hai chai nước nhỏ, hai quả chanh, sáu miếng taco và một hộp cá mòi.
Ông lại làm dấu Thánh: “Tôi tin đức mẹ Maria che chở cho tôi.”
Đến ngày thứ ba, xe ông bị nhân viên di trú chận lại.
Ông rùng mình: “Tôi sợ quá. Họ kéo bạt ra đếm người rồi quay ra nói chuyện với tài xế.”
“Họ nói gì đó rồi cười rất to trước khi bỏ đi.”
Cả nhóm chưa kịp mừng thì được thông báo mỗi người sẽ phải đóng “thuế di trú” $300.
Quay về đất hứa
Đến El Paso, Juan và bốn người nữa được đưa vô một vựa thóc được tân trang thành nhà, có phòng ngủ và phòng vệ sinh.
Mỗi người ở một phòng khóa kín. Họ chỉ nói chuyện lén với nhau vì bị cấm ngặt.
Ông nói: “Họ có 'đồ nghe em bé' để kiểm tra nên không ai dám nói nhiều. Nhưng tôi đếm được 13 giọng đàn ông khác nhau.”
Em họ ông chưa kịp chạy ra $300 tiền trả thêm nên ông bị phạt tội ở thêm năm ngày.
Ông than thở: “Mỗi ngày họ phạt tôi $100. Ở năm ngày thêm $300 'thuế di trú' thành $800.”
“Phải chi dùng tiền này cho mẹ tôi làm răng giả.”
Ông tính bằng ngón tay: “Số tiền này hơn sáu năm làm việc của tôi. Sáu năm tôi chỉ được $700 thôi.”
Ông buồn rầu: “ Ở El Paso, họ rất dữ. Cả ngày họ la mắng, hối thúc. Rồi dọa đưa mọi người vào rừng đập đá làm gạch lót đường.”
Rồi ông cũng bình an về đến Santa Ana.
Phương tiện giao thông duy nhất của Juan. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Hiện giờ Juan Ruiz ngày ngày rời nhà lúc 5:00 giờ sáng, đến Home Depot trên đường MacArthur, chầu chực, hy vọng được làm lao công.
“Mỗi tháng được $1,000 là tôi an tâm. Tiền phòng $380, gởi về nhà $500.”
“Lúc không đủ tiền, tôi phải sắp hàng ăn miễn phí với người vô gia cư. Hoặc lãnh đồ hộp họ phát cho người nghèo,” Juan bộc bạch.
Bao nhiêu năm nay, tuy không có giấy tờ, ông vẫn có cách gởi tiền về cho gia đình.
“Các siêu thị lớn đều nhận chuyển tiền. Nhưng tôi thường ra các nhà thuốc Tây. Ở đó ít khách, nhanh hơn.”
Vấn đề của Juan không là chuyển tiền mà là kiếm tiền.
Nghĩ về một tương lai
“Gần 60 rồi, người ta không thuê tôi nhiều như trước nên tôi phải lấy rẻ. Chỉ $70, $80 là làm ngay.” Ông cười méo mó: “Cho nên mấy người trẻ dọa sẽ đánh tôi một trận vì tội phá giá. Vì có nghề xây cất nên họ đòi $140 một ngày.”
Theo thống kê của trung tâm thăm dò Pew, có 10.3 triệu di dân bất hợp pháp tại Hoa Kỳ tính đến năm 2012, tương đương 3.5% dân số nước Mỹ.
Trong số 10.3 triệu người này, người Mexico chiếm 5.9 triệu, nghĩa là đã giảm xuống từ con số 6.4 triệu hồi năm 2009.
Sáu tiểu bang qui tụ 60% cư dân Mexico bất hợp pháp đông nhất là California, Texas, Florida, New York, New Jersey và Illinois.
Trong khu vực Little Saigon, những người như Juan đã và đang phụ giúp cho cộng đồng gốc Việt rất nhiều, từ việc nhà hàng, siêu thị đến xây cất hay cắt cỏ, làm vườn. Thật khó có thể hình dung giá cả dịch vụ ở Little Saigon sẽ ra sao nếu một ngày không còn lực lượng lao động người Mexico.
Ở góc đường Euclid và Edinger, nơi Juan thường đến tìm việc, những người chung quanh đều có ý nghĩ tốt về họ.
“Mấy ông 'Mễ' này rất dễ thương. Họ chưa hề ồn ào hay bất lịch sự với ai cả,” bà Thúy Nguyễn trong một tiêm bán đồ gốm Công Giáo nói.
Trong khu chợ Người Việt ở góc đường Euclid và Westminster, nơi có một nhóm khá đông người Mexico tụ tập chờ việc, nhân viên an ninh Abraham Quinteros cũng nghĩ vậy: “Suốt hai năm làm ở đây, tôi chưa thấy ai than phiền bất cứ điều gì về họ cả. Ai cũng khen họ làm việc tốt cả.”
Cảnh những nhóm người Mexico không giấy tờ đứng thành từng nhóm ở các chợ của người Việt Nam chờ việc làm, từ lâu đã trở thành một phần hình ảnh của Little Saigon. Ai cũng biết phần lớn trong số họ là di dân bất hợp pháp. Nhưng cảnh sát địa phương không bao giờ, và cũng không có quyền, bố ráp họ.
Một lần, một cảnh sát địa phương giải thích: Cảnh sát không có quyền bố ráp chỉ vì nghi ngờ về tình trạng di trú. Ai có thể phân biệt sự công tâm khi thi hành công vụ hay sẵn dịp làm bậy, gây phiền nhiễu, hay trả thù? Chính sách di trú của Mỹ là “thà thả lầm hơn bắt lầm.”
***
Ông Juan trầm ngâm, do dự: “Nếu qua Halloween mà không có gì khá hơn, tôi và hai người bạn già sẽ đi Nevada. Người ta nói bên đó dễ kiếm tiền hơn mà giá sinh hoạt thì thấp hơn bên này.”
Ông dí dỏm: “Tôi tuổi con ngựa nên đi hoài. Mà sao nhiều người Mexico tuổi ngựa vậy?”
Rồi ông nhìn xa xăm: “Dĩ nhiên tôi thích ăn đồ Mexico, nhưng nếu phải đi xa Santa Ana, tôi sẽ nhớ sữa đậu nành của người Việt vì nó ngon hơn horchata, một thức uống của người Mễ bằng gạo, quế và va ni.”
“Tôi cũng sẽ nhớ cơm sườn nướng ở quán Thành, Santa Ana.” Ông nói.
Related news items:
Tin mới
- Nạn quỵt hụi bùng phát - 05/11/2015 18:10
- Ðông đảo người dân viếng mộ TT Ngô Ðình Diệm ở Bình Dương - 04/11/2015 11:53
- Phía sau sự hào nhoáng Hà Nội - 30/10/2015 19:29
- Những cánh rừng cuối cùng trên dãy Trường Sơn - 30/10/2015 19:16
- Nạn số đề bùng phát ở miền Trung - 30/10/2015 19:09
- Thú vui hiking của giới trẻ Việt ở Quận Cam - 26/10/2015 17:42
- Sông Việt bị tác động bởi đập Trung Quốc - 22/10/2015 20:00
- Hải sản khan hiếm vì mất ngư trường - 21/10/2015 22:00
- 'Cậu Thủy' bị phạt chung thân vì tìm hài cốt liệt sĩ 'dỏm' - 19/10/2015 14:51
- Mơ về những gánh hàng rong... - 19/10/2015 14:30
Các tin khác
- Nghề chăn nuôi, may ít rủi nhiều - 15/10/2015 17:20
- Cây xăng ở Sài Gòn: Phi gian bất phú - 15/10/2015 17:08
- Lớp song ngữ Việt-Anh đầu tiên trên toàn tiểu bang California - 14/10/2015 11:21
- Hội thảo bảo tồn ngành cổ nhạc và cải lương hải ngoại - 12/10/2015 17:34
- Mùa mưa ngập và đời hàng rong - 12/10/2015 17:08
- Khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long - 12/10/2015 17:02
- Người Chợ Lớn ăn chè chí mè phủ Hội An - 09/10/2015 20:28
- Hội Việt Tộc gây quỹ giúp đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên - 08/10/2015 15:55
- Tìm chồng mất tích, phát hiện còn sống nhưng bị cảnh sát bắt - 08/10/2015 12:10
- California: Y tá cấp cứu phát giác nạn nhân sắp chết là em ruột - 07/10/2015 17:01