Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người Sài Gòn thăm bản Mường Tây Bắc


HÒA BÌNH (NV) - Khi đi trên đường quốc lộ 6, hướng về tỉnh Hòa Bình, những người từ trong Nam ra đều có chung cảm giác như chưa hề vượt qua vĩ tuyến 17, những thị trấn, đồi gò, không hề khác các tỉnh miền Ðông hoặc Tây Nguyên phía Nam.


muong phongcanhMột góc phong cảnh ở Mường Bi-Lũng Vân, tỉnh Hòa Bình. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Khách trong Nam ra vẫn cứ kỳ vọng được gặp lại khung cảnh thiên nhiên huyền bí trong các cuốn tiểu thuyết, hoặc phóng sự đường rừng mà các nhà văn Hà Nội di cư vào Nam mô tả về các địa danh miền sơn cước Tây Bắc. Trước mặt chúng tôi là sự thật: rừng, núi, sông, suối đang cằn cỗi gánh chịu sự khai thác đến cạn kiệt của con người thời cộng sản thị trường.

Ðến Hòa Bình để tìm hiểu về dân tộc Mường là điều thôi thúc lâu nay trong lòng chúng tôi. Ðược một nhân vật người Hà Nội có biệt danh là Hiếu Mường hướng dẫn, chúng tôi vượt hàng chục cây số nữa để đến với thung lũng Mường Bi, thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi được ví như nóc nhà xứ Mường, là một trong những bản Mường hiếm hoi còn giữ được ít bản sắc dân tộc mình.

Rời khu chợ thuộc xã Quyết Chiến, nơi gia cầm sống được bán chung với chó sống. Chúng tôi đi về phía Lũng Vân để đến bản Mường Bi. Trước khi đến đây ai cũng nói chúng tôi sẽ được ngắm mùa hoa ban nở, nhưng dù loài hoa nổi tiếng vùng Tây Bắc này đã tàn, cảnh đẹp từ các chân ruộng bậc thang và chập chùng những ngọn núi đá vôi cũng phần nào dịu lòng khách phương xa.

Khi xe leo dốc lên đỉnh núi, chúng tôi hoàn toàn không ngờ ở đỉnh cao hơn 1,200m này lại có một thung lũng bằng phẳng và trải dài những mái nhà sàn. Ðúng là bản Mường Bi là nóc nhà xứ Mường như lời xưng tụng.

Anh Hiếu Mường nói, “Có lẽ các anh là khách miền Nam được ngắm những mái nhà sàn cuối cùng của xứ Mường, ở các bản Mường khác dân Mường không sống trên nhà sàn nữa, họ xây nhà như người Kinh, còn nhà sàn lớn của các quan Lang ngày trước mà người ta quen gọi là nhà Lang thì mất hẳn.”

Anh Hiếu Mường kể lại cho chúng tôi nghe sự việc cháy ngôi nhà Lang cuối cùng ở bảo tàng không gian văn hóa Mường, một bảo tàng tư nhân do chính anh Hiếu Mường công phu sưu tập và gầy dựng hàng chục năm. Cảm nhận được sự tuyệt vọng của anh và xa hơn là cảm nhận về sự tàn lụi của cả nền văn hóa dân tộc Mường là tâm trạng chung của các du khách.

Một nhà thơ người miền Nam đưa ra một nhận xét thú vị đã phần nào giúp người trong đoàn bớt nặng lòng. “Tôi vừa phát hiện cái bảng đề xóm Quyết Chiến, tên rất đỏ như Quyết Chiến thì miễn bàn; nhưng gọi cấp hành chánh dưới thôn này thường thấy ở miền Nam trước biến cố 1975, xóm, hay còn gọi là liên gia dưới thời Việt Nam Cộng Hòa là tụ quần một tập thể hộ gia đình sinh sống gần nhau và có thể có mối quan hệ họ hàng với nhau tại các vùng nông thôn.”

Có lẽ, từng vị khách từ trong Nam xa xôi ra xứ Mường đều ý thức được mỗi chi tiết về tập tục, văn hóa.. giống nhau giữa họ và bà con người Mường đều quí giá; dù kho báu về việc người Kinh và người Mường chung gốc cội không được nền giáo dục của chế độ hiện nay đề cao để trân trọng giữ gìn.


muong buixienÔng Bùi Xiển, có lẽ là người thầy mo cuối cùng của bản Mường Bi. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

*Người thầy mo cuối cùng

Anh Hiếu Mường đưa chúng tôi tới ngôi nhà sàn cũ kỹ nằm tựa trên vạt rừng trên đất đá vôi xơ xác. Trong tiếng kêu của cái cầu thang dẫn lên nhà sàn, anh Hiếu nói, “Ðây là nhà của của ông thầy mo được kính trọng nhất bản.” Không gian bên trong nhà sàn thật âm u, chỉ ít ánh sáng từ ô cửa sổ của nhà sàn đang chiếu thẳng dáng ngồi của một cụ ông.

Cụ ông đội nón nỉ mềm, trang phục cũ nhưng tề chỉnh như một người già ở đô thị. Ngay bên cạnh ông là một khay để các chum rượu và một bát cắm nhang, xa hơn chút là hàng chục cái chai khác đựng một thứ nước có thể là rượu hoặc nước lạnh để chữa bệnh.

Hình ảnh của ông trong cái nhìn của chúng tôi không hề giống kiểu ông thầy mo trong phim ảnh hay chuyện kể truyền miệng đường rừng. Lời đầu tiên ông nói khi chúng tôi lên tiếng chào, ông kêu chúng tôi lại ngồi cạnh ông uống rượu. Ông nói bằng một thứ tiếng Việt từng từ dính liền nhau nên khó nghe, một lúc sau khi thân mật hơn ông còn nói hàng tràng dài trộn lẫn tiếng Việt cổ và tiếng Mường cổ. Sau khi thắp hương cho đúng lễ vào nhà người Mường, anh Hiếu giới thiệu ông tên là Bùi Xiển, họ Bùi là họ chính của người Mường, ông đã 95 tuổi.

Ông thầy mo Bùi Xiển đã sống ở bản mường này qua hai thế kỷ biến động nhất của lịch sử Việt Nam. Hai chân ông hiện không đi được vì cách đây mấy năm bị đá lăn chèn gãy. Gần như cả ngày ông ngồi cạnh bát hương và khay rượu, hễ nhang tàn thì ông lại thắp rồi nói chuyện với khói hương đang nghi ngút, mỗi lần cầm ly rượu ông đều đưa về phía khói hương và ánh sáng từ phía cửa sổ để mời, để nói chuyện với các anh linh dân Mường đã khuất đang chập chờn quanh ông bằng thứ tiếng Mường có âm thanh như dòng nước chảy rả rít qua khe đá.

Ông uống rượu và đốt thuốc lá liên tục nhưng ông cũng không quên rót rượu vào ly đưa về phía chúng tôi. Trong cách uống rượu và mời rượu của ông có phong thái giống một bậc nghệ sĩ lão thành ở chốn đô hội hơn là một tay phù thủy bí hiểm nơi sơn dã.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và ông thầy mo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Mường được dịch bởi anh Hiếu. Ông cho biết thời trẻ ông có đi bộ đội đánh Tây, nơi xa nhất ông từng đến là tỉnh Thanh Hóa. Về miền Nam, ông chỉ biết có hai cái tên là Sài Gòn và Cà Mau. Mỗi lần chúng tôi hỏi ông có muốn vô Sài Gòn một chuyến không, ánh mắt và sắc mặt ông sáng lên nhưng không trả lời câu hỏi, chỉ nghe giọng ông cất cao lên như tiếng một loài chim rừng, lặp đi lặp lại hai tiếng Sài Gòn, Sài Gòn, Sài Gòn...

Anh Hiếu giải thích thêm, Ông Xiển có ba người con, hai trai một gái, vợ ông mất sớm, ông ở với người con trai út. Người miền Nam cũng có cùng tập tục cha mẹ già, chia tài sản cho các người con trưởng và con thứ để sớm ra riêng chỉ ở với người con trai út. Khi chúng tôi hỏi nếu sau này ông mất đi, nghề thầy mo có truyền lại cho con trai út không? Anh Hiếu dịch câu hỏi ra tiếng Mường. Ông Bùi Xiển cho biết nghề này không được cha truyền con nối mà do người (ông đưa tay chỉ lên trên trời, chỉ xuống đất, chỉ ra núi, chỉ ra rừng...) chọn.


muong buixien chauNgười cháu nội và cháu cố của ông thầy mo trong gian bếp bản Mường. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Anh con trai út của ông sợ chúng tôi không hiểu nói thêm, “Chết rồi thì lên đó giao lại cho ma, chọn ai không biết.” Ông thầy Mo nhìn người con trai út có vẻ không hài lòng, rồi ông hối người con trai út lấy nước trị bệnh cho chúng tôi, người con trai nói chúng tôi chỉ đến thăm không phải là người đến xin nước chữa bệnh, ông nghe, sắc mặt không vui, quay sang bát hương nghi ngút khói liên tục nói từng tràng tiếng Mường như cách một pháp sư tụng bùa chú.


*Bữa cơm Mường Bi

Ở một nơi sơn cốc không sóng điện thoại di động vậy mà anh con trai cả và hai cháu nội của ông thầy Mo cũng đến mừng việc chúng tôi từ trong Nam ra thăm. Anh con cả thật thà mời chúng tôi ở lại để tối đi săn cua suối về uống rượu. Chúng tôi tò mò hỏi thăm rừng này, suối này hiện còn loài thú hoang dã nào to nhất. Anh nói to nhất may ra còn con sóc, con chuột, còn cá dưới suối không lớn hơn ngón tay. Anh con trai út tưởng chúng tôi cần thịt để làm tiệc, liền chỉ ngay vào con chó đang đứng chực trước cửa nhà sàn nói, “Thịt nhé!”

Chúng tôi nói không ăn thịt chó. Anh tưởng chúng tôi ngại, nói, “Chẳng cần phải ngại, thịt nhé, cùng uống rượu vui là được, thịt nhé!” Khi biết chúng tôi không ở lại đêm, vậy mà phải mất một lúc anh con trai út mới thôi cười hồn nhiên với chúng tôi và không chỉ vào con chó nói “thịt nhé” nữa.

Khi con chó tốt số giữ lại được sự sống thì cũng là lúc người con dâu và đứa cháu nội gái của ông Bùi Xiển dọn cơm trưa. Bữa cơm trưa bày ra, cả nhà không phân biệt lớn bé, thứ bậc, chủ khách cùng ngồi vào mâm cơm lớn. Nhìn cảnh này, chúng tôi nhớ những gia đình nông dân miền Nam trước đây khi tới bữa cơm tất cả người trong nhà cũng cùng quây quần ăn uống trên cái bộ ván ngựa.

Chúng tôi hơi gặp khó khăn khi bới cơm nấu bằng nếp Mường. Anh con trai út của ông thầy mo vội nói, ”Thế ăn không quen à, thổi cơm gạo tẻ cho anh ăn nhé.” Sự chu đáo của người con trai thầy mo làm chúng tôi cảm động. Chúng tôi nói để anh vui rằng chúng tôi biết gạo hay nếp của người Mường đều rất quí đối với người Kinh; và kể cho anh nghe chuyện người giàu có ở Sài Gòn ngày nay sợ các giống lúa ngắn ngày bón phân hóa học, thuốc trừ sâu mà bỏ ra nhiều tiền mua gạo trồng tự nhiên nhập từ Campuchia, Nhật... Anh nói, “Thế người Mường ăn nếp Mường, gạo Mường là giàu bằng người nhà giàu Sài Gòn à, thích nhỉ!”

Tạm biệt các thành viên trong gia đình cụ Bùi Xiển, dù không nói ra nhưng mỗi người trong chúng tôi đều hiểu là sẽ không bao giờ có dịp gặp lại người thầy mo đáng quí này. Có khi vào ngày không xa chúng tôi quay lại thăm Mường Bi thì ngay cả hy vọng được gặp lại đúng bản sắc sống của người Mường như hôm nay cũng là điều không thể. Tốc độ phát triển của nền kinh tế cộng sản thị trường cùng việc kích thích lối sống tôn thờ vật chất đang đồng hành với một tai họa âm thầm nhưng khủng khiếp là hủy hoại dần mòn văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Cảnh đẹp của Mường Bi và Lũng Vân... luôn làm nao lòng khách phương xa nhưng cũng có thể ví cảnh đẹp đó là bộ trang phục tuyệt đẹp cuối cùng của núi, rừng, suối nguồn, ruộng nương... các bản Mường Tây Bắc.

Switch mode views: