Tết, quê nhà và quê xứ
- Chúa Nhật, 08 tháng Hai năm 2015 11:55
- Tác Giả: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Khi những vạt nắng bắt đầu ươm vàng lung linh trên mái ngói, chảy ra từng mảng màu mật ong óng ả trên đường phố cuối năm những dòng xe bỗng hối hả một cách lạ thường.
Hành khách chờ mua vé tàu Tết ở ga Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Ngày dường như thu ngắn lại đêm có vẻ như dài ra. Những giấc ngủ cựa quậy lo toan cho những giấc mơ trở về quê ăn Tết.
Tết. Một từ không có trong từ điển nước ngoài. Tết đặc sệt chất Việt. Không thể gọi là Happy New Year được vì đơn giản nó là “Tết” năm mới của người Việt. Nó mang hơi hướm của đồng quê rơm rạ, của bánh tét bánh chưng mứt gừng mứt bí, của quần áo mới và tiền li xì mới cạnh.
Tết đồng nghĩa với những kẻ xa quê quanh năm sôi sục nơi thị thành bắt đầu đếm ngược thời gian để mua cho kì được tấm vé về quê ăn Tết.
Tết nghĩa là những chuyến xe chỉ xuôi ra Trung ra Bắc chắt chiu chất chồng những quà cáp hành lý và những con người.
Trước Tết một tháng tất cả những chuyến xe tốc hành Nam Bắc đều đã được đặt kín chỗ. Tàu hỏa máy bay cũng “cháy” vé vì ghi danh đã ngập tràn.
“Vé ra thì quá nhiều còn vé vào thì hoang vắng, trừ những người kinh doanh, còn lại tất cả đều cùng một mục đích về quê ăn Tết.” Chị Lan một nhân viên bán vé của Ga Hòa Hưng Sài Gòn cho biết.
Đó là những người đã đặt vé thành công, còn lại sẽ là những người trực tiếp đến nhà ga xếp hàng để có cho được được tấm vé cho đến tận chiều ngày 30 Tết. Những ngày này nhà ga và Bến Xe Miền Đông bỗng trở nên ồn ào huyên náo bởi những người đưa kẻ tiễn. Người nằm kẻ ngồi la liệt để chực chờ lên xe về quê ăn Tết.
“Với lượng hành khách tăng đột biến gấp mười lần những ngày bình thường nên phải huy động hết đầu xe để quay vòng thật nhanh để có thể chở hết khách cho đến tận cuối năm, bến xe chỉ nghỉ một ngày Mùng Một qua Mùng Hai là đã hoạt động ngay.” Ông giám đốc Bến Xe Miền Đông cho biết “sẽ còn mệt dài dài cho đến Mùng Mười Tết.”
Ga xe lửa Sài Gòn những ngày cuối năm. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Đó là nói về những chuyến xe chính thức có bến bãi có đóng thuế có bán vé đàng hoàng. Tết cũng là dịp cho các loại xe “dù” chạy chui chạy lậu hoành hành trên từng cây số. Nếu bạn muốn đi nhanh và cũng có thể là rất chậm. Chỉ cần đứng đâu đó ven đường trên Quốc Lộ 1 không cần phải vẫy tay thì xe cũng tự động tấp vào sà xuống và bốc bạn và hành lý lên xe và thẳng tiến.
Với loại xe này thì bạn phải chấp nhận bầm giập, phải trân mình chịu đựng trong bão táp. Phải bị nhồi nhét nằm ngồi chồng chất va chạm xếp lớp lên nhau như “cá mòi” với một giá vé trên trời bắt buộc phải trả nếu không muốn bị tống quăng xuống dọc đường. Cá biệt có người đã bị hành hung bươu đầu sứt trán vì dám chống cự mặc cả lại với nhà xe.
Con đường về quê với những con người tha hương trở nên đoạn trường hơn nếu chẳng may xe gặp tai nạn. Năm nào cũng có một vài tai nạn giao thông đẫm máu và nước mắt. Có người và xe đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ về đến quê nhà và Tết - niềm vui của người này cũng là nỗi buồn đau của người khác.
Nhưng mặc xác nó “Trời kêu ai nấy dạ” như một đàn cá hồi ngược dòng về nguồn như một đàn chim di cư bay ngược về phương Nam tránh rét, những con người xa quê làm một chuyện trái khoáy nhưng đầy linh thiêng khi là đổ ngược về một nơi đang là mùa gió Bắc mưa phùn chỉ để tìm một chút ấm áp với hương vị Tết gia đình.
Nhưng Tết không phải ai cũng quay về cho dù khó khăn đến mấy cũng có người bám trụ ở lại thị thành 3 ngày Tết để mưu sinh.
Hùng một sinh viên cho biết lí do mà em ở lại “Về quê tốn kém quá ở nhà lại quá khó khăn khi vẫn hạn hán lũ lụt mất mùa liên tục. Về chỉ làm khổ thêm bố mẹ nên em quyết định ở lại Sài Gòn bán bong bóng, bán hàng hội chợ để kiếm chút tiền trang trải sau Tết.”
Hùng tỏ vẻ cam chịu nói, “khi nào tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm thì về cũng không muộn.”
Hùng cười hề hề hát nghêu ngao như muốn khóc: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con - Khi thấy mai đào nở vàng trên nương - Xuân trước con hẹn đầu xuân sẽ về- Nay én bay đầy trước ngõ... Mẹ ơi, Xuân này con vắng nhà...”
Related news items:
Tin mới
- Tết về trên vùng cao Thanh Hóa - 06/02/2015 20:07
- Ô Sin chạy đua mùa Tết - 06/02/2015 19:59
- Những gia đình không có Tết - 05/02/2015 17:47
- Cuối năm ở Bến Bình Ðông - 05/02/2015 00:25
- Là "Việt Kiều" hay "Người Mỹ gốc Việt"? - 03/02/2015 18:54
- Cuối Năm Về Galang - 02/02/2015 23:34
- Người Little Saigon nói về phim “Những ngày cuối cùng ở VN” - 02/02/2015 23:10
- Mứt, hạt dưa Tết, nỗi ám ảnh cuối năm - 02/02/2015 22:51
- Cuối năm bánh chưng bánh tét - 02/02/2015 22:48
- Thực phẩm ngày Tết và khủng hoảng tâm lý - 30/01/2015 18:04
Các tin khác
- Tết Trung Hoa trên đất Hà Tĩnh - 27/01/2015 15:32
- Cướp máy bay quân sự để vượt biên - 27/01/2015 15:23
- ‘Khai Quang Ðiểm Nhãn’ cho Lân, chuẩn bị Tết đến - 27/01/2015 15:09
- Sài Gòn, mua ốc bán dạo - 26/01/2015 11:05
- Ðờn Ca Tài Tử, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - 25/01/2015 23:47
- Dự án casino Phú Quốc, ủng hộ hay không? - 25/01/2015 23:41
- Làn sóng từ chối Viện Khổng Tử trên thế giới và bài học cho VN - 25/01/2015 23:36
- Phu xe Sài Gòn chật vật vì xe Trung Quốc - 25/01/2015 23:28
- Mục sư Nguyễn Hồng Quang lại bị đánh trọng thương - 20/01/2015 15:32
- Vé xe Tết, nỗi khổ của người lao động nghèo - 20/01/2015 15:24