Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu kiên quyết bảo vệ lợi ích kinh tế trước Trung Quốc

Chine ue


Ủy viên Thương mại Châu Âu Karel De Gucht (T) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đứng) trong cuộc họp báo chuẩn bị Thượng đỉnh Âu-Trung, Bắc Kinh, 21/11/2013
REUTERS/Ed Jones/Pool


Hôm nay, 22/11/2013, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Ủy viên Châu Âu về thương mại, ông Karel De Gucht, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu cần kiên quyết bảo vệ lợi ích thương mại của mình trong quan hệ với Trung Quốc.

Tuyên bố của người phụ trách thương mại Châu Âu được đưa ra hôm sau Thượng đỉnh Châu Âu-Trung Quốc, hướng đến mở cửa hơn nữa thị trường và tăng cường thương mại song phương.

Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo thương mại Châu Âu Karel De Gucht tuyên bố : « Chúng tôi bảo vệ lợi ích của chúng tôi, còn họ vì lợi ích của họ. (…) Giữ im lặng không phải là cách để tìm ra giải pháp, một khi có vấn đề ».

Ông Karel De Gucht cho biết thêm : « Tôi không tin rằng quý vị có thể đạt được bất cứ điều gì từ người Trung Quốc, chỉ với thái độ lịch thiệp » và phía Trung Quốc cũng tương tự.

Cũng trong cuộc họp báo kể trên, người phụ trách thương mại Châu Âu nhấn mạnh đến việc Châu Âu là nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều mà không phải lúc nào người Châu Âu cũng ý thức được.

 Theo ông, không được có thái độ phân biệt đối xử với Trung Quốc so với các đối tác thương mại khác, nhưng Châu Âu cần phải tỉnh táo trước Trung Quốc.

Hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra nhận định Trung Quốc và Châu Âu có thể hợp tác với nhau để tăng tổng trao đổi thương mại song phương lên 1.000 tỷ đô la vào năm 2020, so với 546 tỷ đô la năm 2012 (theo số liệu của hải quan Trung Quốc).

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo nói trên, lãnh đạo thương mại Châu Âu Karel De Gucht nhận định 1.000 tỷ đô la là « rất lớn » và đây không phải là một mục tiêu chính thức mà hai bên đã thỏa thuận.

Trong thời gian gần đây, Liên Âu và Trung Quốc có nhiều bất đồng thương mại lớn, đặc biệt trong lĩnh vực điện mặt trời.

Bruxelles nghi ngờ Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp để bán phá giá pin mặt trời trên thị trường Châu Âu.

Vào tháng 7/2013, Ủy ban Châu Âu và phía Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận tạm thời liên quan đến cuộc điều tra về việc bán phá giá pin mặt trời.

Tuy nhiên, nhiều hồ sơ bất đồng khác vẫn chưa được giải quyết, trong đó có vấn đề đất hiếm hay rượu vang Châu Âu.


Switch mode views: