Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ban hành chính sách để tham nhũng

SÀI GÒN (NV) - Giữa tháng trước, Quốc hội CSVN từng bày tỏ nghi ngờ việc ban hành một số chính sách chỉ nhằm hỗ trợ tham nhũng. Báo giới vừa nêu một vụ cho thấy sự nghi ngờ đó có cơ sở.

MothanVN

Hoạt động khai thác than của Vinacomin. Nguồn than đá của Việt Nam đã cạn kiệt và từng được khuyến cáo là cần hạn chế xuất cảng để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp trong nước nhưng Bộ Tài chính Việt Nam không màng tới những khuyến cáo này. (Hình: Doanh nhân Sài Gòn)

 

Sau hai tháng áp dụng mức thuế xuất cảng mới cho than đá và các sản phẩm làm từ than đá là 13%, Bộ Tài chính CSVN vừa quyết định, giảm thuế xuất cảng cho các mặt hàng này xuống còn 10%.

Tờ Doanh Nhân Sài Gòn tường thuật rằng, việc Bộ Tài Chính đột ngột giảm thuế xuất cảng than đá và các sản phẩm làm từ than đá, sau khi mới áp dụng mức thuế xuất cảng được hai tháng, “một lần nữa đặt ra những e ngại trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp rằng, liệu có hay không sự tác động của các nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách”.

“Nhóm lợi ích” là một uyển ngữ thường được dùng để chỉ những tổ chức câu kết với các viên chức chính quyền để chi phối, lũng đoạn kinh tế Việt Nam.

Theo tờ Doanh Nhân Sài Gòn, sau khi Bộ Tài Chính quyết định tăng thuế xuất cảng than đá và các sản phẩm làm từ than đá, từ 10% lên 13%, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), “than thở” rằng: Sau hai tháng áp dụng thuế xuất cảng mới, sản lượng than xuất khẩu giảm hai triệu tấn, nghĩa là mỗi tháng giảm một triệu tấn so với mức trung bình của sáu tháng.

Vinacomin còn cảnh báo, nếu tiếp tục duy trì mức thuế này, sản lượng tiêu thụ than của cả năm sẽ giảm đến 20 triệu tấn so với năm 2012. Nghĩa là chỉ còn khoảng 36-37 triệu tấn.

Bởi tình trạng tiêu thụ than chậm, lượng hàng tồn kho tăng cao nên nhiều công nhân ngành than phải luân phiên nghỉ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân.

 Rồi Vinacomin đang gặp khó khăn trong cân đối tài chính do sản lượng tiêu thụ thấp. Cuối cùng, Vinacomin “dọa”, nếu không được giảm thuế thì tồn kho đến cuối năm có thể lên đến 10 triệu tấn…

Sau khi Vinacomin nhờ một số tờ báo mở chiến dịch “than thở”, tác động tới dư luận, Bộ Tài chính Hà Nội quyết định bỏ mức thuế xuất cảng mới vì… cần “giảm thuế xuất khẩu than đá để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp sản xuất than trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.

Có một chi tiết mà Doanh Nhân Sài Gòn không dẫn, song nhiều người còn nhớ, đó là trong khi Vinacomin được chế độ Hà Nội ưu đãi để duy trì và đẩy mạnh việc xuất cảng than thì vì thiếu than để vận hành các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải ký hợp đồng nhập cảng 3 triệu tấn than/năm từ Úc.

Mặt khác, trong sáu tháng đầu năm nay, có tới hai triệu tấn than bị xuất lậu sang Trung Quốc và nhiều chuyên gia khẳng định, việc xuất lậu than sang Trung Quốc, không chỉ có sự tiếp tay của các doanh nghiệp thuộc Vinacomin, mà còn có sự hỗ trợ của các lực lượng: Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông, Hải quan, Biên phòng,…

Hồi giữa Tháng Tám, khi bàn về việc xây dựng pháp luật, nhiều thành viên trong Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội từng chất vấn bộ trưởng Tư Pháp đương nhiệm rằng, có sự chi phối, tác động của các nhóm lợi ích trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của chính phủ Việt Nam để tham nhũng hay không?

Lúc ấy, bộ trưởng này khẳng định là “không” nhưng lại thòng thêm là… phải “để ngỏ trường hợp chưa kiểm soát tốt việc soạn thảo thông tư” thành ra “không loại trừ khả năng có văn bản này khác có thể có sơ hở”.

Trong bài bình luận về trường hợp Bộ Tài Chính vội vàng giảm thuế xuất nhập cảng than, sau chiến dịch “than thở” của Vinacomin, tờ Doanh Nhân Sài Gòn nêu hàng loạt thắc mắc: Vì sao quyết định thay đổi thuế suất chỉ tồn tại đúng hai tháng?
Trừ Vinacomin, các doanh nghiệp khác có dám “lớn tiếng” như vậy không nếu doanh nghiệp của họ cũng gặp khó khăn, không chỉ bằng mà còn nặng nề hơn Vinacomin?

Những thắc mắc khác trong chuỗi thắc mắc này còn là: Thông thường, với vai trò “quản lý túi tiền của quốc gia”, trước khi ban hành chính sách, đặc biệt là những quyết định liên quan đến thuế, Bộ Tài chính luôn phải cân nhắc rất cẩn thận về mọi phương diện. Tại sao trong trường hợp này lại không phải là như vậy?

Nếu quyết định giảm thuế là vì thấy “cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” thì quyết định tăng thuế trước đó hai tháng cũng của Bộ Tài Chính cần phải hiểu thế nào, nó được ban hành có phải vì nhằm “tăng nguồn thu cho ngân sách”, nhằm “hạn chế xuất khẩu tài nguyên”?

Nếu vì thấy “cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” mà Bộ Tài Chính thấy tạm thời phải bỏ qua mục tiêu “tăng nguồn thu cho ngân sách” và “hạn chế xuất khẩu tài nguyên” thì không chỉ Vinacomin mà tất cả các doanh nghiệp đều đang mong được Bộ Tài chính “chia sẻ khó khăn” như vậy.

Chưa biết Bộ Tài Chính có trả lời những thắc mắc này hay không? (G.Đ.)

Switch mode views: