Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Miến Điện : Nước nào cũng có thể kết bạn ?

Miendien Theinsein


Tổng thống Miến Điện Thein Sein (www.bloomberg.com)


Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã đến Paris hôm nay, 17/07/2013 trong một chuyến viếng thăm hai ngày.

Đây là lần đầu tiên ông tới Pháp, nhưng trước đó ông đã từng đi thăm Anh, Áo, Bỉ, Na Uy, Ý, Mỹ…, không kể đến một loạt quốc gia châu Á.

Ở đâu Tổng thống Miến Điện cũng được đón tiếp trọng thể, khác hẳn với trước đây, khi tập đoàn quân sự độc tài Miến Điện bị phương Tây cô lập và cấm cửa.

Câu hỏi được giới phân tích đặt ra vào lúc này là phải chăng từ năm 2011, khi bắt đầu chuyển từ một chế độ quân sự qua một chính quyền dân sự - mặc dù quân đội luôn luôn hiện diện - Miến Điện đã trở thành một đất nước khả ái hơn, mà mọi người đều có thể kết bạn ?

Đối với ông Jean-Louis Margolin, giảng sư Lịch sử Đương đại tại Đại học Aix-Marseille, tiến trình thay đổi đột ngột tại Miến Điện có lẽ đã bắt nguồn từ nhận thức của giới lãnh đạo, thấy rằng chế độ độc tài đã hoàn toàn thất bại, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế :

 « Trong một thời gian dài, và đặc biệt là vào thời thuộc địa, Miến Điện là nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới. Thế nhưng họ chợt thấy rằng họ bị lâm vào tình trạng kinh tế của một nước châu Phi da đen ở giữa một cộng đồng châu Á đang phát triển nhanh chóng ».

Chính vì thế mà ông Thein Sein quyết định thực hiện, trước sự ngạc nhiên của mọi người, một loạt cải cách nhằm tháo gỡ để các biện pháp trừng phạt quốc tế đã đẩy kinh tế Miến Điện vào vòng khó khăn : trả tự do cho phần lớn các tù nhân chính trị, cởi trói cho các phương tiện truyền thông, cho phép thành lập các công đoàn, cho phép biểu tình...

Chủ nghĩa đa nguyên chính trị cũng được tái lập, mặc dù chuyên gia Jean-Louis Margolin vẫn thấy một vài hạn chế, đặc biệt là thực tế là vào thời điểm này, Hiến pháp không cho phép bà Suu Kyi ra tranh cử tổng thống vào năm 2015.

Lãnh vực ngoại giao cũng chuyển biến tích cực, với các lãnh đạo Miến Điện xuất ngoại nhiều hơn, và mở cửa đón khách ngoại quốc nhiều hơn. Lãnh vực kinh tế cũng vậy.

Đó là những mặt tốt. Nhưng các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền vẫn thận trọng : Tình hình nhân quyền nhìn chung lại xấu đi, chiến sự vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang ở bang Kachin và Shan.

 Bạo lực đã bùng lên ở miền Trung và miền Tây Miến Điện giữa người Phật giáo và Hồi giáo khiến hơn 200 người chết và 140.000 ngườ phải bỏ nhà cửa vào năm ngoái, chính quyền Thein Sein lại không làm gì để ngăn chặn sự kích động hận thù và bạo lực.

Theo bà Celestine Fouchet thuộc tổ chức Info Birmanie (Thông tin Miến Điện) tại Pháp, các thay đổi tại Miến Điện còn rất tương đối :

 « Rõ ràng là đã có một số quyền tự do dân sự được ban phát, nhưng nếu chúng ta lấy ví dụ về luật mới cho phép biểu tình, thì chính trong khuôn khổ luật mới đó mà nhiều nhà đấu tranh đã bị bắt giữ cách đây vài ngày, và bị kết án mười một năm tù giam ».

Chính vì vậy mà trong thư ngỏ gởi Tổng thống Pháp François Hollande vào hôm qua, các tổ chức phi chính phủ trụ sở ở Pháp đã kêu gọi Paris « tìm kiếm một sự cân bằng giữa khuyến khích và áp lực » trong chính sách đối với Miến Điện. Đối với các tổ chức này các biện pháp trừng phạt quốc tế đã được bãi bỏ quá sớm.

Tuy nhiên chuyên gia Jean-Louis Margolin cho rằng không nên có đánh giá quá khe khắt đối với chính quyền của Tổng thống Thein Sein.

Theo ông, dù bạo lực sắc tộc và tôn giáo vẫn tồn tại ở Miến Điện, các nước phương Tây không nên tạo ấn tượng là muốn can thiệp quá chặt chẽ vào công việc nội bộ của Miến Điện « mà không tôn trọng những thỏa hiệp - dù què quặt – đang làm cơ sở cho tiến trình cải cách, những thỏa hiệp dẫu sao cũng đã được thực tế chứng minh là mang lại kết quả tích cực ».

Ông Margolin thẩm định là nếu cứng rắn quá với chính quyền Thein Sein, điều đó có nguy cơ « tăng cường uy lực của các thành phần bảo thủ và bài ngoại nhất tại Miến Điện, đang chờ đợi một cơ hội để tố cáo chính quyền quỵ lụy phương Tây ».


Switch mode views: