Thép Việt Nam trỗi dậy chống thép Trung Quốc cạnh tranh bất chính
- Thứ Hai, 08 tháng Bảy năm 2013 03:13
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Thép Trung Quốc bị tố cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất thép Đông Bắc, Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, 18/01/2013
REUTERS
Dù giới sản xuất thép trong nước đã kêu than từ rất lâu, nhưng chỉ gần đây, chính quyền Việt Nam mới quyết định mở điều tra chống bán phá giá trên một mặt hàng thép nhập khẩu, nhắm vào 4 nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Cùng lúc, giới sản xuất thép nội địa cũng công khai lên tiếng phản đối hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh của các công ty thép Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.
Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 03/07/2013, Bộ Công thương Việt Nam vừa ký quyết định điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan.
Vào lúc rất nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam từ cá ba sa, tôm đông lạnh, cho đến dệt may, mắc áo… bị điều tra khắp nơi vì bị tình nghi bán phá giá qua các thị trường ngoại quốc, thì đây chỉ mới là lần thứ ba từ năm 2009 đến nay, chính quyền Việt Nam thể hiện thái độ dứt khoát đối với các mặt hàng bị cáo buộc là cạnh tranh bất chính trên thị trường trong nước.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, trước đây đã có các cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm vào hai mặt hàng kính nổi và dầu ăn, nhưng đây là lần đầu tiên, đối tượng bị truy xét là mặt hàng thép, mang tính chiến lược.
Hai doanh nghiệp khởi đơn kiện - Công ty POSCO VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình – cho rằng sản phẩm từ bốn nhà xuất khẩu kể trên đã được bán vào thị trường Việt Nam với giá thấp hơn nhiều so với sản xuất.
Sự kiện một công ty Trung Quốc nằm trong danh sách bị điều tra chống phá giá không phải là ngẫu nhiên, vì giới sản xuất thép Trung Quốc trong thời gian qua đã liên tục bị tố cáo lũng đoạn thị trường Việt Nam bằng rất nhiều thủ đoạn bất minh.
Ngày 04/07/2013, nhân một hội nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lại lên tiếng tố cáo các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nếu không muốn nói là gian dối của giới sản xuất thép Trung Quốc trên thị trường Việt Nam.
Hai thủ đoạn cụ thể đã được các nhà sản xuất thép Việt Nam nêu bật : Khi xuất qua thép Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc chẳng hạn đã khai rằng hàng của họ có pha lẫn chất bo (boron), do đó được hưởng mức thuế ưu đãi theo dạng thép hợp kim.
Trong thực tế, hàm lượng boron trong các mặt hàng này cực nhỏ, chỉ khoảng 0,08% mà thôi.
Thủ đoạn thứ hai được nêu bật là khai thép nhập vào Việt Nam để làm dây lõi que hàn, nhưng trong thực tế lại nhập nhiều hơn nhu cầu sản xuất.
Một thủ đoạn khác, cũng từng được Hiệp hội Thép Việt Nam chính thức nêu lên từ giữa năm ngoái, là sự kiện một số loại thép ở Trung Quốc được trợ giá, giá thành do đó được hạ thấp một cách giả tạo và dễ có khả năng tràn ngập thị trường Việt Nam.
Một số liệu do chính Hiệp hội Thép Việt Nam công bố cho thấy rõ nguy cơ thép Việt Nam bị thép Trung Quốc nhận chìm :
Trong bảy tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 : « Thép xây dựng dạng cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 557,3% ; thép xây dựng dạng cây tăng 122,7% và thép hình tăng tới... 1.612% ».
Phải nói là Việt Nam không phải là nạn nhân duy nhất của thép Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á khác có dấu hiệu cùng chung cảnh ngộ. Trong một bài phỏng vấn dành cho tờ báo mạng The Malaysian Reserve ngày 01/04 vừa qua, một chủ tịch tập đoàn sản xuất tôn lớn tại Việt Nam đã không ngần ngại tố cáo Trung Quốc là « thủ phạm lớn nhất » trong việc phá giá sắt thép trong vùng Đông Nam Á, với các thủ đoạn bán phá giá rất phổ biến trong khu vực.
Tin mới
- Hoa Kỳ cử tân tổng lãnh sự tới TPHCM - 09/07/2013 00:19
- Đàm phán tự do mậu dịch Mỹ-Liên Hiệp Châu Âu - 09/07/2013 00:08
- Mỹ thận trọng trước các động thái tại Ai Cập - 08/07/2013 20:30
- Vụ tai nạn máy bay Asiana: Phi công đang học lái Boeing 777 - 08/07/2013 20:03
- Miến Điện : Quân đội trả 108 quân nhân trẻ em về đời sống dân sự - 08/07/2013 19:57
- 70 dây chuyền phân phối quốc tế giám sát các cơ sở dệt may tại Bangladesh - 08/07/2013 19:23
- Nhật Bản: Nhiều công ty xin khởi động lại nhà máy điện hạt nhân - 08/07/2013 19:16
- Indonesia: Bốn ngày sống trên cây đợi cọp « cho phép » xuống - 08/07/2013 18:58
- Bolivia sẵn sàng cho E.Snowden tỵ nạn - 08/07/2013 04:04
- ASEAN : Đấu khẩu giữa Ngoại trưởng Philippines và Trung Quốc - 08/07/2013 03:23
Các tin khác
- Nhật sẽ phóng 9 vệ tinh giám sát vùng biển đảo thuộc chủ quyền quốc gia - 07/07/2013 22:04
- Tổng thống Pháp cổ vũ Tunisia "quá độ" dân chủ thành công - 06/07/2013 23:04
- Malaysia rút luật cho phép bố hoặc mẹ đơn phương quy đạo cho con - 06/07/2013 22:54
- Liệu sẽ có công lý cho Đoàn Văn Vươn trong phiên phúc thẩm ? - 06/07/2013 22:30
- Cộng đồng Công giáo Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ LS Lê Quốc Quân - 06/07/2013 22:23
- Vợ tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ thăm Mỹ - 05/07/2013 21:39
- Châu Âu đóng cửa không phận : Châu Mỹ La Tinh phẫn nộ - 05/07/2013 20:24
- Cựu tổng thống Sarkozy rút khỏi Hội đồng Bảo hiến - 05/07/2013 19:58
- Thủ phủ Tân Cương trong tình trạng báo động tối đa - 05/07/2013 19:23
- Hàn Quốc đề nghị đàm phán mở lại khu công nghiệp Kaesong - 04/07/2013 16:53