Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hàng Không Việt Nam muốn công ty ngoại quốc điều hành sân bay



VIỆT NAM (NV) - Lần đầu tiên tại Việt Nam, Cục Hàng Không đề nghị “mở cửa các sân bay để các nhà đầu tư ngoại quốc tham gia việc điều hành” để tạo một “cú hích” phát triển.

Giao ‘miếng xương,’ giữ ‘miếng nạc’

buonmethuot sanbay

Một trong các sân bay nhỏ ở Việt Nam đang cần nhà đầu tư vốn liếng và kinh nghiệm quản trị, điều hành. (Hình: báo Tuổi Trẻ)


Báo Tuổi Trẻ dẫn phúc trình của Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, đã có văn bản chính thức yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải Cộng sản Việt Nam phân loại phi trường và áp dụng các biện pháp thu hút nhà đầu tư ngoại quốc vào lĩnh vực này.

Ông Cục Trưởng Cục Hàng Không Lại Xuân Thanh cho biết, Việt Nam hiện có 26 sân bay cần được sửa chữa, trùng tu từ nay đến năm 2020.

Tổng số tiền cần chi phí cho kế hoạch này dự liệu lên tới 221,000 tỉ đồng, tương đương 11.5 tỉ đôla.

Ông này thú nhận rằng, hiện tình “hết sức khó khăn, và không thể trông chờ vào đồng vốn của nhà nước.”
Vì vậy, theo ông Lại Xuân Thanh, cần phải tìm cách “thu hút” các nguồn vốn khác, đồng thời cũng là dịp để Việt Nam “học hỏi kinh nghiệm điều hành của các công ty ngoại quốc.”

Ông Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam giao việc khai thác các sân bay cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước đảm nhiệm, đã lỗi thời.

Theo ông này, điều kiện bó buộc trên “gây ảnh hưởng lớn đến chính sách kêu gọi đầu tư từ bên ngoài đối với việc xây dựng, khai thác, điều hành sân bay ở Việt Nam.”

Tuy nhiên, cũng theo báo Tuổi Trẻ, đề nghị áp dụng nhiều biện pháp trao quyền khai thác hoạt động sân bay cho công ty ngoại quốc nói trên của ông cục trưởng Cục Hàng Không, chỉ là mở một “cánh cửa hờ.”

Ông Lại Xuân Thanh đề nghị nhà nước Việt Nam phân loại sân bay.

Ðối với loại sân bay thứ nhất, “quan trọng về an ninh, quốc phòng” như Nội Bài, Ðà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh, Nà Sản... nhà nước vẫn giữ vai trò “chủ đạo” trong việc đầu tư và quản lý, khai thác.
Còn loại thứ hai bao gồm tất cả các sân bay còn lại, như Phú Bài, Cần Thơ, Liên Khương, Nha Trang... mới giao hẳn cho các nhà đầu tư ngoại quốc và tư nhân.

Ông Lại Xuân Thanh cũng tiết lộ tin nói có một số nhà đầu tư Singapore và Hoa Kỳ muốn “tìm hiểu” về vấn đề khai thác sân bay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông, đó chỉ là những “hiện tượng lẻ tẻ, chứ chưa phải là những đợt sóng lớn đầy triển vọng.”

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tin vào chủ trương “mở cửa” hoàn toàn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh luật pháp không rõ ràng, hay thay đổi.

Không ít nhà đầu tư ngoại quốc, nhất là giới Việt kiều, đã bị “hất cẳng” hoặc “kiếm chuyện” đến nỗi “bỏ của chạy lấy người” sau khi đổ tiền và công sức ra xây dựng các công trình thương mại lớn tại Việt Nam. (PL)

Switch mode views: