Biển Đông : Dự thảo COC cho thấy Việt Nam cứng rắn với Trung Quốc
- Thứ Ba, 01 tháng Giêng năm 2019 05:14
- Tác Giả: Trọng Thành
Ảnh chụp từ vệ tinh của CSIS cho thấy Trung Quốc triển khai nhiều hệ thống vũ khí mới ở đảo Phú Lâm (Woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 12/05/2018.
Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe
Một văn bản dự thảo đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC), vừa được Reuters loan báo, cho thấy Hà Nội không chấp nhận hàng loạt đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này.
Giới quan sát dự đoán các đàm phán về COC giữa khối ASEAN và Trung Quốc trong năm tới sẽ rất khó khăn.
Reuters, ngày 31/12/2018, cho hay trong văn bản dự thảo COC được dùng để đàm phán, dài 19 trang, Việt Nam yêu cầu các nước tham gia COC khẳng định rõ các yêu sách chủ quyền tại Biển Đông - tuyến đường huyết mạch của giao thương quốc tế - phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội phủ nhận đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Bắc Kinh trên Biển Đông, với đường 9 đoạn, thường gọi là đường « lưỡi bò ».
Yêu sách vốn đã bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye bác bỏ năm 2016, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Trong văn bản nói trên, Việt Nam cũng yêu cầu đưa vào COC điều khoản cấm việc ban hành một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông (ADIZ).
Trung Quốc đã từng đơn phương lập ra vùng ADIZ ở biển Hoa Đông, năm 2013, và không loại trừ khả năng lập ADIZ tại Biển Đông.
Nếu vùng nhận dạng phòng không được lập ra, phi cơ bay qua vùng này phải thông báo trước vị trí cho chính quyền Trung Quốc.
Nhật Bản và Hoa Kỳ không công nhận vùng ADIZ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông.
Một đòi hỏi khác của Hà Nội là COC cần coi là phi pháp một loạt các hoạt động của Trung Quốc trong những năm gần đây ở Biển Đông, như việc bồi đắp đảo nhân tạo, triển khai vũ khí tấn công, trong đó có tên lửa.
Nhà nghiên cứu Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông, sống tại Singapore, nhận xét là có nhiều dấu hiệu, đặc biệt là văn bản nói trên, cho thấy trong thời gian sắp tới các đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ rất căng thẳng.
Còn nhà nghiên cứu Úc Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, dự báo Hà Nội chắc chắn sẽ là một bên thương thuyết « cứng rắn », nhưng Việt Nam phải có được sự hậu thuẫn của một số thành viên khác của ASEAN mới đủ để tạo một lập trường chung kiên quyết với Trung Quốc, trong đàm phán COC.
Hiện tại trong dự thảo COC, còn nhiều vấn đề quan trọng đang để ngỏ, như COC sẽ có tính cưỡng chế về mặt pháp lý hay không, hay các bất đồng cần được giải quyết như thế nào, và kể cả phạm vi địa lý chính xác.
Về phía Trung Quốc, trong văn bản nói trên, Bắc Kinh yêu cầu không cho phép các quốc gia bên ngoài tập trận tại Biển Đông, ngoại trừ nếu được tất cả các nước tham gia COC đồng ý.
Bắc Kinh cũng muốn hạn chế các dự án khai thác chung giữa các nước ASEAN với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Giới chuyên gia cho rằng hai đòi hỏi này sẽ bị một số quốc gia Đông Nam Á phản đối mạnh.
Hoa Kỳ và một số cường quốc trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ, tuy không tham gia vào đàm phán COC, nhưng rất quan tâm đến chủ đề này.
Theo bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh khu vực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CISS), có trụ sở tại Washington, nhiều đề xuất của Trung Quốc chắc chắn sẽ không được một số quốc gia chủ chốt của ASEAN, cũng như Hoa Kỳ và các đồng minh chấp nhận.
Reuters liên lạc với phía Trung Quốc, và được bộ Ngoại Giao Trung Quốc hồi đáp là các thương thuyết về COC thuộc lĩnh vực bí mật.
Tin mới
- Thêm một vụ gián điệp gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Nga - 02/01/2019 18:51
- Hoa Kỳ và Israel rút khỏi UNESCO - 02/01/2019 18:31
- Shutdown: Tổng thống Trump không nhân nhượng - 02/01/2019 18:17
- Anh Quốc có thể mở một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á - 02/01/2019 17:14
- Tập Cận Bình nhắm đến ''đồng bào Đài Loan'' trong năm mới 2019 - 01/01/2019 18:27
- Kim Jong Un : Bình Nhưỡng sẽ thay đổi thái độ, nếu Mỹ duy trì trừng phạt - 01/01/2019 18:20
- Đồng euro : 20 tuổi nhưng vẫn chưa ''trưởng thành'' - 01/01/2019 18:05
- Mỹ : Mattis rời Lầu Năm Góc với lời nhắn "hãy vững vàng bên các đồng minh" - 01/01/2019 17:56
- Công Ty Dầu Hỏa Sẽ Bị Xóa Sổ Trong Tương Lai Rất Gần - 01/01/2019 17:36
- Mục đích của Huawei và kế hoạch “Hạt giống tương lai” toàn cầu - 01/01/2019 05:54
Các tin khác
- Nhật Bản : Tổng giám đốc Renault bị tạm giam thêm 10 ngày - 31/12/2018 19:39
- Philippines: Tổng thống Duterte từng xâm hại tình dục người giúp việc - 31/12/2018 19:30
- Năm 2018 : Bước đường gập ghềnh của Macron với nước Pháp - 31/12/2018 18:52
- Merkel : Đức sẽ nỗ lực tranh đấu cho các "giải pháp mang tính toàn cầu" - 31/12/2018 18:17
- Tổng thống Trump có thể giảm nhịp độ rút quân Mỹ khỏi Syria - 31/12/2018 18:09
- Matxcơva hồi hương con của quân thánh chiến Nga từ Irak - 31/12/2018 17:58
- Thương mại xuyên Thái Bình Dương: Hiệp định CP-TPP bắt đầu có hiệu lực - 31/12/2018 03:41
- Donald Trump lạc quan: Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực - 31/12/2018 03:32
- Biển Hoa Đông: Nhật chận máy bay gián điệp Trung Quốc - 31/12/2018 03:23
- Chuyện ít được nói đến về ngày đầu năm mới của người Pháp - 31/12/2018 03:15