Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ triệt thoái khỏi Syria, một quyết định nhiều hậu quả

usa-trump-syria 2
Lính Mỹ giám sát khu vực trong cuộc tuần tra hỗn hợp ở Manbij, Syria. Ảnh 1/11/2018.
Courtesy Zoe Garbarino/U.S. Army/Handout via REUTERS

Quyết định của tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria không những tác động đến cục diện chiến trường mà còn gây những hệ quả lớn cho các đồng minh của Mỹ, cho chính nước Mỹ và Tây phương nói chung, từ địa chính trị cho đến ngoại giao, theo cảnh báo của các nhà phân tích.

Trước hết là về mặt quân sự. Không có lực lượng Mỹ trên chiến trường, Thổ Nhĩ Kỳ tha hồ thực hiện kết hoạch tiêu diệt sắc dân Kurdistan sinh sống và kiểm sóat một vùng bắc Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Irak.

Chuyên gia Mỹ Jonas Parello-Plesner, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Hudson Institute phân tích :
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công lực lượng võ trang Kurdistan-Syria. Thành phố Minbej do lực lượng Kurdistan trấn giữ sẽ « bốc lửa » đầu tiên.
Chiến binh Kurdistan sẽ không thể huy động lực lượng phản công tàn quân Daech cố thủ dọc biên thùy Irak.

Về địa chính trị, chiến tranh Syria là cuộc chiến giữa hàng chục xung khắc chồng chéo lên nhau : đối lập chống chế độ cha truyền con nối ở Damas, giữa chính phủ Syria chống thánh chiến, giữa các phe Hồi Giáo đối nghịch, giữa các sắc tộc, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan, giữa Iran và Israel và cuộc chiến chống Daech.

Chiến tranh chống Nhà Nước Hồi Giáo là lý do chính thức để Hoa Kỳ tham dự.
 Do vậy, quyết định rút quân của Donald Trump là một sai lầm, theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Ilan Goldberg của Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ.
Ông dự báo là Daech sẽ hồi sinh tại Syria như đã nổi dậy ở Irak khi tổng thống Barack Obama phạm sai lầm rút quân Mỹ trong khi Irak chưa ổn định.

Jonas Parello-Plesner, trích dẫn bên trên, lo ngại Matxcơva sẽ lấp chỗ trống, trở thành chủ nhân ông tại Syria.
Chưa hết, Donald Trump sẽ dựa vào lập luận nào, cơ sở nào để đòi Iran chấm dứt hỗ trợ Damas trong khi ưu tiên số một trong chiến lược Trung Đông của Mỹ là làm suy yếu Teheran ?

Khi Israel, một mình đơn độc, tuyên bố « tự lo thân », có nghĩa là một mặt trận mới đang được chuẩn bị.
Nhưng tại sao Donald Trump lại chọn một quyết định đầy bất trắc ?

 Chủ nhân Nhà Trắng có tiếng là đổi ý như « chong chóng » có thể sẽ thay đổi nữa khi thấy rõ lợi hại.
Tuy nhiên, theo AFP, rất có thể trong vụ này, tính toán con buôn cũng là một thông số trong phương trình địa chiến lược của Donald Trump:
Không rõ do tình cờ hay hữu ý mà hôm thứ Tư 19/12/2018, tức là cùng ngày, Washington thông báo đồng ý bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống lá chắn chống tên lửa Patriot để khuyến khích Ankara ngưng dự án trang bị S-400 của Nga và hòa giải với tổng thống Erdogan.

An ninh châu Âu bị đe dọa

Paris cho biết là không rút lực lượng đặc biệt ở Syria và sẽ tiếp tục chiến dịch chống Daech, dù có Mỹ hay không: Daech chưa bị đánh bại hoàn toàn.
Nhưng tâm trạng lo âu chung cho an ninh châu Âu được cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, nay là nghị sĩ châu Âu phát biểu như sau:
 Mỹ rút lui là một chiến thắng cho « Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chế độ Damas ».

Đại diện của Lực lượng dân chủ Kurdistan tại Pháp cảnh báo : Mỹ đã nhượng bộ trước áp lực của Erdogan.
Nếu Tây phương không cung cấp vũ khí cho chúng tôi tự vệ, Daech sẽ hồi sinh và lúc đó Pháp cũng như các nước châu Âu khác sẽ bị tấn công.

Tóm lại, như chuyên gia Charles Lister, giám đốc Chương trình chống khủng bố và cực đoan của viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington, nhận định :
Quyết định của Donald Trump là một « kịch bản tuyệt vời » cho mưu đồ của Daech, Matxcơva và chế độ Assad.


Switch mode views: