Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Philippines thông báo đàm phán với một công ty Trung Quốc để cùng khai thác ở Biển Đông

china-energy


Ảnh minh họa : Một dàn khoan Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Ảnh 9/07/2017.
REUTERS/Stringer

Philippines hôm nay 01/03/2018 loan báo đang đàm phán với một công ty Trung Quốc về việc cùng thăm dò và khai thác tài nguyên ở Biển Đông, trong khuôn khổ một thỏa thuận được tổng thống Rodrigo Duterte nói là « đồng sở hữu » các khu vực tranh chấp.

Khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình ABS-CBN, hôm nay, 01/03/2018, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống, cho biết, bộ Năng lượng Philippines đang đàm phán với một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, và hiện nay vấn đề khai thác nguồn năng lượng đã được đặt lên bàn hội nghị.

Ông nói : « Chúng tôi có thể đạt đến thỏa thuận với một tập đoàn Trung Quốc, nhưng không phải với Nhà nước Trung Quốc (…)
 Hiện nay đang đàm phán về việc cùng thăm dò và có thể cùng khai thác nguồn lợi thiên nhiên ».
Tuy nhiên, ông từ chối cho biết khu vực nào trên Biển Đông đang được thương thảo, tên của tập đoàn Trung Quốc, cũng như lịch trình và thời hạn cụ thể của thỏa thuận.

Hôm qua ông Duterte tuyên bố là một sự dàn xếp giữa đôi bên vẫn có lợi hơn là để cho quân Philippines bị « thảm sát » trong một trận chiến với Trung Quốc.
 Khi đi thăm thành phố Marawi bị tàn phá vì chiến tranh ở miền nam, ông nói : « Nay họ đề nghị cùng thăm dò, giống như là đồng sở hữu, tôi nghĩ như vậy tốt hơn là chiến đấu với họ ».

Tháng trước ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã đề cập đến việc thương lượng với Trung Quốc về thăm dò Biển Đông, cho biết sẽ tham khảo các chuyên gia pháp lý để chắc chắn rằng các thỏa thuận này không ảnh hưởng đến chủ quyền.

Theo ông, các công ty Philippines không thể tự tiến hành mà cần có vốn của Bắc Kinh, và nói thêm, « cứ mỗi lần một công ty Philippines định thăm dò thì lại bị đụng đầu các chiến hạm Trung Quốc ».

Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, và AFP cho rằng đề nghị hợp tác khai thác giữa Manila và Bắc Kinh sẽ gây quan ngại cho các nước láng giềng đang tranh chấp.
Trong lúc Bắc Kinh yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông, tổng thống tiền nhiệm là Aquino đã đưa vấn đề ra Tòa Trọng Tài quốc tế và tòa đã tuyên bố đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ là vô căn cứ.

Tuy nhiên ông Duterte lại đi theo hướng ngược lại, tìm cách xoa dịu quan hệ với Bắc Kinh, hy vọng sẽ có được những món đầu tư.

Switch mode views: