Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ông Phạm Minh Hoàng chính thức bị ‘tước quốc tịch’

Hoang-1

Ông Phạm Minh Hoàng chụp hình với tấm quảng cáo tranh cử tổng thống Pháp của ông Emmanuel Macron. (Hình: Facebook Phạm Minh Hoàng)

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Hôm nay, 10 Tháng Sáu, vào lúc 7 giờ tối, tôi nhận được quyết định tước quốc tịch Việt Nam do ông Trần Đại Quang ký ngày 17 Tháng Năm.” Ông Phạm Minh Hoàng loan báo “Tin khẩn” trên trang Facebook cá nhân.

Trong bản tin khẩn, ông Hoàng cho biết ông đã “viết thư xin từ bỏ quốc tịch Pháp và gởi bằng thư bảo đảm đến đại sứ quán Pháp tại Hà Nội từ ngày 5 Tháng Sáu,” đồng thời ông cũng “ủy quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh tiếp tục việc khiếu nại.”

Ông cho biết: “Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình. Kính mong mọi người quan tâm và tiếp tục hậu thuẫn chúng tôi.”

Ngày 1 Tháng Sáu, tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn thông báo cho ông Phạm Minh Hoàng là có thể ông sẽ bị trục xuất trong những ngày tới.
Biện pháp trục xuất sẽ được Việt Nam tiến hành theo quyết định tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng do Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang ký.

Trước đó, ông cho đăng lên Facebook tâm thư bày tỏ ước nguyện được ở lại cùng gia đình tại Việt Nam và tiếp tục ôn hòa lên tiếng về những vấn đề của đất nước.
Ông Hoàng cũng mong muốn cộng đồng quốc tế và chính phủ Pháp ủng hộ ông trong ước nguyện được ở Việt Nam.

Đồng thời, ngày 3 Tháng Sáu, ông gửi thư cho đại sứ quán Pháp tại Hà Nội thông báo quyết định “xin thôi quốc tịch Pháp” để ông chỉ giữ lại quốc tịch Việt Nam và ở lại Việt Nam vĩnh viễn vì đây là nơi ông sinh ra và lớn lên, người Việt Nam chính gốc.
Quốc tịch Pháp mà ông có chỉ là quốc tịch ông xin gia nhập trong thời gian đi du học ở Pháp và làm việc tại đây.

“Việc nhà cầm quyền Việt Nam tước quốc tịch của tôi nhằm trục xuất tôi ra khỏi Việt Nam đồng thời tước đi quyền được sống trên quê hương mình là một hành vi cực kỳ vô nhân đạo.
Sở dĩ họ hành xử như thế vì đã biết rõ hoàn cảnh gia đình tôi và luật pháp Việt Nam cho phép họ tước quốc tịch của một người song tịch,” ông Hoàng viết trên trang Facebook.
 “Tôi sẽ không ngồi yên để họ làm chuyện ấy. Vì thế ngày hôm nay tôi tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp và kể từ giờ phút này tôi chỉ còn một quốc tịch, đó là quốc tịch Việt Nam.”

Ông Phạm Minh Hoàng, 62 tuổi, là người có song tịch Việt Nam và Pháp.
Ông bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam vào Tháng Tám, 2010 khi ông đang giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, kết án tù 3 năm hồi năm 2011 nhưng thả ra trước hạn tù sau khi ở trong tù 17 tháng vì bị áp lực của chính phủ Pháp nhưng ông vẫn bị quản chế tại nhà 3 năm.

Ông bị cáo buộc là đảng viên đảng Việt Tân, viết các bài chống phá chế độ độc tài đảng trị và tham nhũng tại Việt Nam phổ biến trên Internet dưới tên “Phan Kiến Quốc.”
Bản cáo trạng kể tội ông “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” qua “33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước.”

Những bài viết về chính sách giáo dục sai lầm, môi trường sống độc hại và nhất là mối nguy Trung Quốc đe dọa an ninh và chủ quyền đất nước Việt Nam trên blog với bút danh Phan Kiến Quốc được hiểu là những căn cứ để chế độ Việt Nam bỏ tù ông.

Những người khác bị cầm tù cũng chỉ vì đòi hỏi dân chủ, nhân quyền, đả kích các chính sách sai lầm, nạn bè đảng, tham nhũng tràn lan tại Việt Nam.

Hoang-2
Quyết định tước quốc tịch của nhà cầm quyền CSVN. (Hình: Facebook Phạm Minh Hoàng)

Sau ngày được trả tự do, ông từ chối đề nghị sang Pháp sinh sống.
Dù không được các trường đại học ở Việt Nam nhận giảng dạy, ông tiếp tục những gì đã làm trước đó là mở những lớp dạy tiếng Pháp và kỹ năng mềm cho các em học sinh tại Sài Gòn.

Nhận định về việc tước quốc tịch của ông Hoàng, Luật Sư Hà Huy Sơn viết trên Facebook là: “Căn cứ Luật Quốc Tịch 2008 thì quyết định của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tước quốc tịch của anh Hoàng là sai.

 Nhưng quyết định của chủ tịch nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu Nại và Luật Tố Tụng Hành Chính hiện hành của Việt Nam.
Vì vậy, đây là thời điểm bắt đầu một vụ kiện ở tòa án quốc tế. Các luật sư thông hiểu luật quốc tế hãy giúp anh Hoàng vụ này.”

Theo ông Sơn, ông Hoàng nên “làm ngay bản kiến nghị gửi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đòi hỏi bãi bỏ văn bản của chủ tịch nước và các cơ quan của nhà cầm quyền vì “trái với hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc Hội.”

Theo sự phân tích của Luật Sư Lê Công Định, ông Hoàng “Sinh ra đã là người Việt Nam, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (dù có thêm quốc tịch nước ngoài), chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam, thì không cần phải xin nhập tịch Việt Nam.

Trên thực tế, anh Hoàng chưa từng xin nhập tịch Việt Nam theo Điều 19 của Luật Quốc Tịch, trái lại anh chỉ xin hồi hương và được nhà nước Việt Nam chính thức xác nhận rằng anh vẫn giữ (chứ không phải được nhập) quốc tịch Việt Nam.

 Nói cách khác, anh Hoàng đang là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chứ không thuộc nhóm chủ thể ‘người đã nhập quốc tịch Việt Nam.’”

Luật Sư Định viện dẫn Hiến Pháp quy định tại Khoản 2 của Điều 17 như sau: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”

Như vậy, theo ông Định, “bất kể việc công dân Việt Nam (dù đang thường trú tại Việt Nam hay định cư ở nước ngoài) đã hoặc đang “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có quyền trục xuất công dân mình sang nước khác, hoặc không cho họ nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam.”

Nhiều nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam từng bị chính quyền cộng sản tìm cách tống khứ ra khỏi nước dưới hình thức ép đi nước ngoài định cư để khỏi bị tù trong những năm qua. Họ không hề nhận được quyết định “tước quốc tịch.”

Trong những ngày sắp tới, nếu ông Phạm Minh Hoàng bị cưỡng bách bay đi Pháp, ông là người Việt Nam đầu tiên bị chế độ “tước quốc tịch” và trục xuất ra khỏi quê cha đất tổ.

Ông sẽ phải bỏ lại vợ con, hai người thân bệnh hoạn nghiêm trọng cần săn sóc đặc biệt, sống đời lưu vong. (TN)

Switch mode views: