Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Hollande đặt nền móng cho chiến lược mới của Pháp với Châu Á

france-asia-singapore


Tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ ký văn bản hợp tác chiến lược giữa hai nước, ngày 27/03/2017.
REUTERS/Edgar Su

Một tháng trước khi rời điện Elysée, tổng thống Pháp François Hollande dành chuyến công du cuối cùng với tư cách nguyên thủ quốc gia đến ba nước Đông Nam Á Singapore, Malaysia và Indonesia.

 Không chỉ chú trọng đến những nước lớn trong vùng là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Úc, tổng thống Hollande đã nâng cao tầm quan trọng của cả khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Paris.

Tổng thống sắp mãn nhiệm phải chăng đã phác họa ra một hướng đi mới trong quan hệ giữa Pháp với các đối tác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương ?

Trên trang mạng Asialyst.com, chuyên gia về Châu Á-Thái Bình Dương, François Guilbert ngày 24/03/2017 nhắc lại, năm 2012, khi ra tranh cử tổng thống, ông Hollande không có nhiều kinh nghiệm về khu vực này.

Ông cũng là một trong số ít các ứng viên tổng thống Pháp chưa từng đặt chân đến Bắc Kinh cho đến khi đắc cử .
Thế nhưng, trong cương vị nguyên thủ quốc gia, François Hollande đã chọn một cố vấn ngoại giao lỗi lạc và nhờ đó, Châu Á-Thái Bình Dương nhanh chóng trở thành một trong những trọng tâm trên bàn cờ ngoại giao của chủ nhân điện Elysée.

Tháng 5/2012, sau khi François Hollande đắc cử, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ lao vào một cuộc chạy đua để được là nước Á châu đầu tiên tiếp tân tổng thống Pháp.

Nhưng rồi, tổng thống Pháp đã chọn đến Afghanistan và Lào ngay từ năm 2012.
Trong 5 năm cầm quyền, tổng thống Hollande đã ba lần công du Trung Quốc, hai lần sang Ấn Độ và hai lần dừng chân trên xứ hoa anh đào, một lần đến Úc.

Ngoài bốn nước lớn ấy, François Hollande đã không quên các đối tác Đông Nam Á của Pháp, từ Philippines (2015) đến Việt Nam (2016) hay Singapore, Malaysia và Indonesia trong chuyến công du từ ngày 26 đến 30/03/2017.

Tại Paris, ông Hollande đã tiếp lãnh đạo các nước như Thái Lan, Miến Điện, Mông Cổ hay các đảo rất nhỏ trong vùng Thái Bình Dương như Fidji hay Samoa.
Không chỉ đích thân sang Châu Á, mà tổng thống Hollande còn huy động cả chính phủ, đứng đầu là thủ tướng Jean-Marc Ayrault , rồi Manuel Valls, tiếp tay với ông trong nỗ lực này.

Hai vị thủ tướng của ông đã là những lãnh đạo cao cấp nhất của Pháp từ cuối những năm 1980 viếng thăm Thái Lan hay New Zealand .
Công luận Pháp đã bất ngờ trước chuyến công du Mông Cổ vào tháng 8/2013 của ngoại trưởng Laurent Fabius.

Ngoài việc viếng thăm hay điều những « sứ giả » cao cấp nhất trong chính quyền đến Châu Á-Thái Bình Dương, tổng thống Hollande còn tận dụng cả một đội ngũ các nhà ngoại giao Pháp trên khắp thế giới, các tòa đại sứ để mở rộng chính sách « đông tiến » của Paris.

Kinh tế, chiến lược, môi trường luôn là những động lực của các chuyến công du hay các cuộc tiếp xúc đó.
Hàng chục các cuộc đối thoại song phương của tổng thống François Hollande với các lãnh đạo Châu Á, Châu Đại Dương hay trong vùng Thái Bình Dương đã giúp Paris mở rộng ảnh hưởng và tạo nền tảng vững chắc trong quan hệ với những vùng đất xa xôi đó.

Chỉ riêng trong lĩnh vực quốc phòng, Pháp đã đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố với các đối tác Á châu. Paris, dưới thời tổng thống Hollande, đã thiết lập đối thoại 2+2 với Nhật Bản, bán 36 chiếc chiến đấu cơ hiện đại Rafale cho Ấn Độ, ký hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Úc.

 Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hai lần dự diễn dàn an ninh Đối Thoại Shangri-La ở Singapore và đã lên tiếng về Biển Đông.
 Vẫn ông Le Drian đã lập ra một khuôn khổ đối thoại 2 năm một lần với các bộ trưởng Quốc Phòng trong vùng Nam Thái Bình Dương.

Vận động ngoại giao để phục vụ cho mục đích về môi trường, cũng là một hướng đi mới mà tổng thống Hollande đã vạch ra.
Mọi người còn nhớ, để chuẩn bị cho thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu Paris- COP 21, tại Philippines, tháng 2/2015 nguyên thủ Pháp đã tung ra « Lời kêu gọi từ Manila ».

 Cũng François Hollande đã đến tận Bắc Kinh tìm hậu thuẫn của chủ tịch Tập Cận Bình trên vấn đề giảm khí thải CO2 làm hâm nóng trái đất.
Một điểm son khác trong chính sách ngoại giao với Châu Á-Thái Bình Dương 5 năm qua, đó là tổng thống Hollande đã tìm được một thế cân bằng giữa các đối tác của Paris.

Pháp không chỉ quan tâm đến các nền kinh tế có trọng lượng hay phát triển một mối quan hệ đặc biệt với Bắc Kinh mà quên đi những đối tác « nhỏ » trong vùng.
Việc chọn đến Singapore, Malaysia và Indonesia cho chuyến công du cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống là bằng chứng rõ rệt nhất cho điều này.

François Hollande không quên Singapore là một trong những hải cảng lớn vào bậc nhất trên thế giới, và cũng là nơi thu nhập bình quân đầu người đứng hàng thứ tư trên toàn cầu, lĩnh vực dịch vụ chiếm 60 % GDP.
 Còn tại Kuala Lumpur, thì cầm chắc trong cuộc tiếp xúc với thủ tướng và bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, hồ sơ bán chiến đấu cơ Rafale sẽ được đặt lên bàn thảo luận.

Sau cùng, Indonesia vừa là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, vừa là một nền kinh tế có nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin đường biển, mà Pháp đang là một nhà vô địch trong lĩnh vực này.

Nhìn dưới lăng kính của chuyên gia về khu vực Châu Á Thái Bình Dương, François Guilbert, bầu cử tổng thống Pháp đang được các chuyên gia, các nhà bình luận từ Bắc Kinh đến Tokyo, từ New Delhi đến Canberra, và cả tận Kaboul hay Islamabad theo dõi rất kỹ.

Không ai muốn tổng thống sắp tới của Pháp đoạn tuyệt với một mô hình ngoại giao mà François Hollande đã từng bước kiến tạo, một cách rất bài bản.

 

Switch mode views: