Vì sao TT Trump bị chống đối từ nhiều phía?
- Thứ Bảy, 11 tháng Hai năm 2017 02:03
- Tác Giả: Thiện Ý
Tân tổng tống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhậm chức từ ngày 20/1 với nhiều sóng gió do có sự chống đối dữ dội từ nhiều phía.
Tình hình này khiến người ta có cảm tưởng 100 ngày của “thời kỳ trăng mật” có thể biến thành “thời kỳ mật đắng” đối với ông Trump.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao tân tổng thống Mỹ bị chống đối từ nhiều phía như vậy?
Theo nhận định của tôi, sự chống đối này có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
1. Cung cách xử sự, lời ăn tiếng nói bộc trực, bốp chát trong thời kỳ tranh cử cũng như sau khi nhậm chức của Tổng thống Trump đã gây bất mãn trong nhiều giới khác nhau.
Thêm vào đó là sự uất ức của những cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton, ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ đã bị ông Trump đánh bại một cách hoàn toàn bất ngờ nhờ chiếm đa số phiếu cử tri đoàn, tuy thua Bà Clinton 3 triệu phiếu cử tri công dân.
Hệ quả thực tế là đã đưa đến các cuộc biểu tình ngay vào ngày nhậm chức 20/1/2017 ở thủ đô Washington và nhiều nơi khác.
Một ngày sau đó trên 1 triệu phụ nữ cũng tuần hành tại Washington và nhiều thành phố khác trên toàn nước Mỹ để đòi tôn trọng nữ quyền và phản đối vị tổng thống mới vì những lời nói của Ông Trump trong thời kỳ tranh cử bị họ coi là xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ…
2. Trong tuần đầu tiên sau ngày nhậm chức, ông Trump đã liên tiếp ban hành một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến những vấn đề đối nội cũng như đối ngoại nhằm thực hiện những lời hứa khi tranh cử nhằm làm đẹp lòng giới cử tri đã bầu cho ông, bất kể có sự đụng chạm đến lợi ích của nhiều giới trong đó có giới truyền thông, chính giới cũng như dân thường trong nước và ở các nước bạn cũng như thù.
Về đối nội, sự chống đối đã tăng mạnh sau khi ông Trump ký ba sắc lệnh hành pháp có ảnh hưởng đến quyền lợi hiện tại cũng như tương lai của các di dân nhập cư hợp pháp cũng như bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Tất cả có tác dụng như “đổ thêm dầu vào lửa” thổi bùng các mâu thuẫn trước đó với nhiều giới, làm bùng phát các cuộc biểu tình chống đối trên đường phố.
Nhiều bài viết của giới truyền thông, sự tham gia phản đối của chính giới dân biểu, nghị sĩ tiểu bang, liên bang của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, tư pháp (tòa an tiểu bang, liên bang…), sự lên tiếng của luật sư, giáo sư đại học… phê phán tân Tổng thống Trump theo chiều hướng tiêu cực, bất lợi cho ông.
Họ tố cáo ông Trump vi phạm Hiến pháp và đang gây chia rẽ sâu sắc và nhiều hậu quả tai hại khác về đối nội cũng như đối ngoại cho nhân dân và đất nước, vì các sắc lệnh của ông đã nhắm thẳng vào những vấn đề gai góc mà các tổng thống tiền nhiệm dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thường né tránh hay tìm cách giải quyết một cách dè dặt, thận trọng để tránh bị phản ứng.
Sắc lệnh thứ nhất liên quan đến di trú là đã cắt ngân khoản của liên bang bao lâu nay tài trợ cho các thành phố đã lập khu tạm trú (sanctuary cities) chứa chấp các di dân nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ; hay từ chối trục xuất các di dân bất hợp pháp có tiền án.
Điều nghịch lý là tình trạng phi pháp theo kiểu “phép vua thua lệ làng” này đã tồn tại bao lâu nay tại Hoa Kỳ, một quốc gia được coi là dân chủ bậc nhất thế giới, mà các chính quyền trước dù thuộc Đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ đều thả nổi, bao che nhân danh lòng nhân đạo hay tìm cách giải thích Hiến pháp và luật pháp theo chiều hướng phù hợp; mà thực ra không dám giải quyết mạnh bạo, dứt điểm, phần lớn vì lý do kinh tế nơi một số tiểu bang nặng về nông nghiệp và một số ngành nghề cần sử dụng nhân công không muốn mất nguồn nhân lực với lương thấp để có lợi nhuận cao.
Sắc lệnh thứ hai là quyết định xây dựng một bức tường ở biên giới để ngăn chặn người Mexico xâm nhập bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.
Thật ra sắc lệnh này chỉ là việc tiếp tục thực hiện một biện pháp mà các chính quyền trước đã từng làm, nhưng không triệt để vì nhiều lý do, thứ nhất là vì vấn đề phí tổn, thứ nhì là tính khả thi và hiệu quả thật sự của một bức tường như thế.
Sự chống đối từ phía những người gốc di dân hợp pháp hay đã được hợp pháp hóa hay vẫn đang sống trọng tình trạng bất hợp pháp, đến từ nhiều nước, đa phần là từ Mexico giới với Hoa Kỳ và một số nước Nam Mỹ…
Những người này cùng với các thành phần dân chúng bất mãn khác với tân Tổng thống Trump, đã xuống đường biểu tình chống lại hai sắc lệnh hành pháp có ảnh hưởng đến đời sống của họ; và tất nhiên giới truyền thông bất mãn với ông Trump đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác các cuộc biểu tình này để tấn công ông.
Sắc lệnh thứ ba có hiệu lực cấm vô hạn định di dân từ Syria nhập cảnh Hoa Kỳ và tạm ngưng tiếp nhận dân tị nạn từ các nước khác trong vòng 120 ngày và trong 90 ngày tạm cấm mọi công dân nhập cảnh Hoa Kỳ từ 7 nước: Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Mục đích của sắc lệnh nói là để tăng cường thủ tục thanh lọc di dân kỹ càng hơn. Sắc lệnh này bị phản ứng mạnh của công luận và giới truyền thông, báo chí, tư pháp Hoa Kỳ và các nước, bị coi là có sự phân biệt đối xử với người nhập cư vì lý do tôn giáo, vi phạm
Hiến pháp và truyền thống nhân đạo lâu đời của một quốc gia hình thành và phát triển đến văn minh, tiến bộ và giầu mạnh như hôm này là nhờ sự đóng góp công sức của di dân qua bao thế hệ.
Thật ra, sắc lệnh thứ ba này cũng chỉ là một biện pháp thanh lọc các phần tử khủng bố tín đồ Hồi giáo cực đoan để bảo vệ dân chúng và an ninh quốc gia mà Tổng thống Trump cho là xuất phát từ các các nước trong vùng Trung Đông.
Nhưng sẽ không bị chống đối nếu như không phải do cách làm của ông Trump và không làm trong bối cảnh hiện nay.
Vì trước đây trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như gần đây, mỗi khi nền an ninh Hoa Kỳ bị đe dọa, chính quyền của các tổng thống tiền nhiệm cũng từng ban hành các luật lệ tương tự.
Tỷ như thời Tổng thống Barrack Obama, cũng đã có quyết định canh chừng tương tự và nêu đích danh 7 nước Hồi giáo như trong sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Về đối ngoại, sự chống đối bên ngoài của một số chính quyền bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump ngay tuần lễ đầu tiên đã đưa ra những quyết định liên quan đến quan hệ kinh tế và an ninh quốc tế đa phương, quay về quan hệ song phương.
Đó là quyết định rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (thường gọi tắt là TPP) liên quan đến 11 quốc gia khác đã ký chung với Hoa Kỳ sau 6 năm đàm phán.
Đồng thời muốn xét lại Hiệp ước NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico đã được thực thi trong 16 năm qua… Đó cũng là ý định duyệt xét lại vai trò của Hoa Kỷ trong tổ chức NATO…
Tựu trung, theo nhận định của chúng tôi, mọi sự chống đối quyết liệt của nhiều giới từ trong nước đến bên ngoài đối với ông Trump đều bắt nguồn từ:
1. Cá tính quá đặc biệt, cung cách xử sự không giống bất cử tổng thống Hoa kỳ tiền nhiệm nào, thể hiện trong quan hệ với các giới thiếu tế nhị, đã tạo ra nhiều mâu thuẫn nên mỗi khi có cơ hội là bị nhiều giới tập trung tấn công.
2. Cơ hội mới đây làm gia tăng cường độ và phạm vi chống đối Tổng thống Trump là khi ông ban hành ngay trong tuần lễ đầu tiên một loạt ba sắc lệnh liên quan đến vấn đề nhạy cảm như di trú và kiểm soát, chế tài di dân nhập lậu và ngăn ngừa những kẻ khủng bố xâm nhập, đe dọa nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Nếu ông Trump không nóng vội, chỉ cốt làm hài lòng các cử tri đã bỏ phiếu cho ông, mà thực hiện từ từ trong 100 ngày đầu những vấn đề nhạy cảm thì có thể đã không gặp sự chống đối cao độ và lan rộng như hiện nay và có thể kéo dài trong những ngày tháng tới.
3. Nhìn cung cách hành xử của tân Tổng thống Donald Trump những người ủng hộ tin rằng ông là người có bản lãnh, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả và đương đầu với mọi sự tấn công khốc liệt từ nhiều phía, trên nhiều mặt, trong cũng như ngoài nước.
Họ nói ông Trump đang hành xử chức vụ tổng thống Hoa Kỳ như một nhà cách mạng chứ không phải là một chính trị gia vì ông không có kinh nghiệm chính trị, mà dường như ông cũng không muốn học hỏi kinh nghiệm chính trị của ai cả.
Liệu tổng thống thứ 45 của Hoa kỳ Donald Trump có vượt qua được những khó khăn trở ngại đã bắt đầu và đang tiếp diễn, để đạt mục tiêu của mình sau nhiệm kỳ đầu 4 năm hay không?
Chúng ta cần chờ xem ít ra là sau 100 ngày đầu của nhiệm kỳ (2017-2021).
Tin mới
- Syria : Daech trên đà mất thành trì al-Bab - 13/02/2017 00:14
- Cam Bốt: Sam Rainsy từ chức lãnh đạo đảng đối lập - 12/02/2017 23:42
- Bắc Triều Tiên bắn tên lửa đầu tiên từ khi D. Trump đắc cử tổng thống - 12/02/2017 23:35
- Báo chí Mỹ : Cố vấn an ninh Flynn từng bàn riêng với Nga về giảm trừng phạt - 11/02/2017 23:45
- Nhập cư : Tổng thống Mỹ cân nhắc ra sắc lệnh mới - 11/02/2017 20:09
- Chiến đấu cơ Pháp nghênh chặn oanh tạc cơ Nga - 11/02/2017 18:54
- Trung Quốc trục xuất 32 nhà truyền giáo Hàn Quốc - 11/02/2017 18:45
- Mỹ - Nhật : Donald Trump khẳng định lại cam kết bảo vệ Nhật - 11/02/2017 15:51
- Thăm dò: Dân chúng vẫn ủng hộ lệnh cấm di trú của ông Trump - 11/02/2017 02:25
- Ngày càng nhiều người Mỹ từ bỏ quốc tịch - 11/02/2017 02:18
Các tin khác
- Rumani : Bộ trưởng Tư Pháp từ chức sau các đợt biểu tình - 10/02/2017 21:11
- Nga “chia buồn” với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ oanh kích nhầm tại Syria - 10/02/2017 20:27
- Miến Điện : Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền lợi người dân - 10/02/2017 19:21
- Máy bay Mỹ và Trung Quốc đối mặt nhau « không an toàn » ở Biển Đông - 10/02/2017 19:01
- Shinzo Abe tạo cơ hội cho Donald Trump hạ nhiệt - 10/02/2017 17:46
- Tổng thống Mỹ công nhận nguyên tắc “một nước Trung Hoa” - 10/02/2017 17:20
- Thượng đỉnh Abe-Trump: Nhật lo ngại Mỹ giảm cam kết tại châu Á - 10/02/2017 16:48
- Cử tri Mỹ tin tưởng chính phủ Trump hơn giới truyền thông - 10/02/2017 02:13
- Orange County tuyên bố chấm dứt tình trạng thiếu nước khẩn cấp - 10/02/2017 01:43
- Bão tuyết rầm rộ kéo tới vùng Đông Bắc Mỹ - 10/02/2017 01:36