Hàng ngàn người Hà Tĩnh biểu tình phản đối Formosa trước Quốc khánh
- Thứ Sáu, 02 tháng Chín năm 2016 02:00
- Tác Giả: An Tôn - VOA
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh tuần hành phản đối hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của Formosa, 1/9/2016.
Sáng thứ Năm, 1/9, đã có một cuộc biểu tình lớn ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được coi là tâm điểm của thảm họa ô nhiễm biển do nhà máy của Formosa, Đài Loan, xả chất thải trái phép.
Cuộc biểu tình nổ ra bất ngờ vào ngày thường, không phải vào ngày Chủ Nhật như các cuộc biểu tình trước đây, và diễn ra chỉ một ngày trước Quốc khánh thứ 71 của Việt Nam.
Các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam nhận xét điều này cho thấy những bức xúc của ngư dân bị thiệt hại và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa đã bị dồn nén quá nhiều.
Nhà hoạt động Hoàng Bình trực tiếp tham gia cuộc biểu tình lớn hôm 1/9. Anh đã đăng nhiều đoạn video về cuộc biểu tình trên trang Facebook cá nhân. Sau đó, rất nhiều người đã tiếp tục chia sẻ các hình ảnh này trên mạng xã hội.
Anh Bình mô tả lại với VOA Việt Ngữ rằng hàng ngàn người đã tuần hành đến trung tâm thị xã Kỳ Anh:
“Sáng nay, người dân Giáo xứ Quý Hòa ước tính con số ban đầu khoảng 2.000 người tập trung về xã Kỳ Hà. Họ biểu tình phản đối Formosa, yêu cầu chính quyền bồi thường cho họ. Họ đi tuần hành, họ đi bộ trên 10 cây số.
Người dân ở xung quanh đấy họ thấy như vậy thì họ tham gia cũng rất là đông. Con số ước lượng khi lên đến trung tâm thì khoảng độ 8 đến 10.000 người hoặc có thể là hơn”.
VOA không có điều kiện để kiểm chứng về con số người biểu tình. Nhà hoạt động Hoàng Bình nói người biểu tình đã giương các biểu ngữ đòi khởi tố Formosa.
Anh cho biết nổi bật lên là biểu ngữ “Chọn Formosa hay chọn dân” mà anh nhận xét “rất quan trọng và rất hay”.
Một trong những thông điệp chính của cuộc biểu tình là người dân tiếp tục đòi tiền bồi thường cho thiệt hại do Formosa gây ra. Những người tham gia biểu tình khẳng định cho đến nay họ “chưa nhận được một xu nào” và nêu câu hỏi trên các biểu ngữ là “Tiền đền bù của chúng tôi đi về đâu?”
Nhà hoạt động Bình cho biết khi đoàn biểu tình đến thị xã, đã có xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát.
Anh nói:
“Có một đoạn cái đường chính ý thì người ta [cảnh sát] chặn lại đấy thì bạo lực xảy ra, thì hai bên xô xát với nhau.
Rồi đến lúc người dân đông quá người ta [người biểu tình] tràn qua, người ta phá tất cả barrier người ta đi qua.
Người ta đi lên trung tâm thị xã bằng được. Dân ở đây hiện tại rất là quyết tâm”.
Cũng như các cuộc biểu tình trước, Formosa đã không cử bất cứ ai đại diện ra đối thoại với người biểu tình.
Về phía chính quyền địa phương, anh Bình cho hay họ đã nói chuyện với người biểu tình nhưng anh gọi đó là sự “câu giờ”.
Anh tường thuật lại:
“Chính quyền sau một hồi thấy căng thẳng quá thì họ mời tất cả bà con nhân dân vào trụ sở ủy ban thị xã. Vào thì thương thuyết, họp.
Mục đích của họ chắc chỉ câu giờ thôi. Vấn đề là sức mạnh của dân đông quá cho nên họ mời vào đấy. Bà con cũng bàn bạc với họ một hồi, đưa ra ý kiến, xong bà con rút về. Họ vẫn cứ hứa hẹn như vậy thôi. Họ chỉ nói chung chung thôi. Nhưng mà trong đấy họ cũng né tránh.
Chưa có một cam kết nào. Người dân ở đây thì họ có nói họ sẽ biểu tình tiếp. Chừng nào có đền bù và đóng cửa Formosa thì họ mới thôi”.
Báo chí Việt Nam mới đây cho hay Formosa đã chuyển 500 triệu đôla tiền bồi thường cho chính quyền Việt Nam. Nhưng không có tin tức về việc số tiền này bao giờ mới được phân chia đến những người bị ảnh hưởng.
Báo chí Việt Nam cũng chỉ ra rằng theo thông tin của Tổng cục Thuế, đến nay số thuế đã hoàn cho công ty Formosa Hà Tĩnh là hơn 14.600 tỷ đồng, như vậy sau khi bồi thường 500 triệu đôla, tương đương hơn 11.500 tỷ đồng, công ty này vẫn hưởng 2.900 tỷ đồng chênh lệch giữa giá trị thuế được hoàn và số tiền phải chi để đền bù.
Tin mới
- Mỹ, Trung Quốc ký thỏa thuận về thay đổi khí hậu - 03/09/2016 23:27
- Bão Hermine đổ bộ vào miền Đông, ảnh hưởng 40 triệu người - 03/09/2016 23:07
- Sinh viên Mỹ mất tích có thể bị bắt dạy tiếng Anh cho Kim Chính Vân - 03/09/2016 22:39
- Trung Quốc ngăn Cố Vấn An Ninh Mỹ lên xe TT Obama - 03/09/2016 22:30
- Uzbekistan an táng tổng thống Karimov - 03/09/2016 21:36
- Tây Ban Nha vẫn chưa có chính phủ - 03/09/2016 21:29
- Mỹ xem xét khả năng giảm cấm vận Miến Điện - 03/09/2016 21:04
- Hòa đàm Miến Điện: Nhóm nổi dậy lớn nhất rời hội nghị - 02/09/2016 17:27
- Putin bác bỏ việc đổi chác với Nhật về quần đảo Kuril - 02/09/2016 17:01
- Thủ tướng Ấn Độ thăm Việt Nam: Biển Đông sẽ là hồ sơ nổi bật ? - 02/09/2016 16:52
Các tin khác
- Các hiệp định thương mại của Obama lao đao vì bầu cử Mỹ - 01/09/2016 18:36
- Nhật muốn thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga để đối phó với Trung Quốc - 01/09/2016 15:23
- Cam Bốt : Một thượng nghị sĩ đối lập bị tước quyền miễn trừ truy tố - 01/09/2016 14:42
- Biển Đông: Một sĩ quan cao cấp Mỹ muốn Úc dứt khoát hơn với Bắc Kinh - 01/09/2016 14:28
- Việt Nam không muốn mạng xã hội gây bất hòa với Cam Bốt - 01/09/2016 13:42
- Tổng thống Pháp Hollande viếng thăm Việt Nam đầu tháng Chín - 01/09/2016 13:33
- Người Mỹ ngày càng ít đi nhà thờ - 31/08/2016 21:08
- Las Vegas tìm cách thu hút du khách từ Trung Quốc - 31/08/2016 20:56
- Syria : Iran yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch quân sự - 31/08/2016 20:37
- Syria : Vũ khí hóa học chia rẽ Hội Đồng Bảo An - 31/08/2016 20:26