Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc giận dữ trước việc tàu Mỹ tuần tra gần đảo Tri Tôn, Hoàng Sa

USS Curtis 2

Khu trục hạm USS Curtis của Hoa Kỳ.
wikipedia

Vài giờ sau khi khu trục hạm USS Curtis Wibur của Hải quân Mỹ tiến vào bên trong vùng 12 hải lý đảo Tri Tôn- Hoàng Sa, ngày 30/01/2016, bộ Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc mạnh mẽ tố cáo Hoa Kỳ « cố tình khiêu khích » và xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc.

Trong thông cáo công bố vào chiều tối ngày 30/01/2016, bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ lên án tàu chiến của Hoa Kỳ « vi phạm luật pháp Trung Quốc khi xâm nhập hải phận của nước này, và phía Trung Quốc đã có những biện pháp thích hợp, trong đó có cả việc theo dõi và cảnh cáo ».

Trang mạng của bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố tương tự với lời lẽ còn cứng rắn hơn, xem hành động của Hải quân Hoa Kỳ là thái độ « vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm ».
 Bộ Quốc phòng Trung Quốc kết luận : « Quân đội Trung Quốc sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chặt chẽ chủ quyền và an ninh quốc gia ».

Thông tín viên đài RFI từ Thượng Hải, Delphine Sureau cho biết thêm :

« Đối với chính quyền Bắc Kinh, không có gì phải nghi ngờ : quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Do vậy, việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào sát khu vực Hoàng Sa là một hành vi vi phạm lãnh hải của Trung Quốc.

Hôm qua, bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Washington tránh làm tổn hại đến sự tin cậy giữa hai nước.
Với giọng điệu cứng rắn hơn, bộ Quốc phòng Trung Quốc tố cáo Mỹ ‘phá hoại hòa bình’, hành động ‘vô trách nhiệm’ của Mỹ và có nguy cơ dẫn tới ‘đụng độ’ trên biển.

Bắc Kinh ngày càng khó chịu trước các hoạt động tuần tra của Mỹ trong vùng Biển Đông vào những tháng gần đây.
Trước khi cho tàu chiến Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn, Hoàng Sa hôm qua, Mỹ từng cho oanh tạc cơ bay gần đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa.
Đây là nơi Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei cùng đòi hỏi chủ quyền.
Qua hành động đó, phía Washington muốn chứng minh rằng các đòi hỏi chủ quyền của những quốc gia trong khu vực là không có cơ sở và không một quốc gia nào được phép ngăn trở quyền tự do hàng hải đối với một vùng biển chiến lược, ngã tư của các luồng thương mại thế giới.

Dù vậy, Trung Quốc đặt các nước láng giềng trước sự đã rồi.
Tại Trường Sa, Bắc Kinh đã liên tục bồi đắp các đảo nhân tạo, xây phi trường. Năm ngoái, máy bay dân sự và quân sự đã đá xuống các đường băng mới vừa được khánh thành ».

 Phản ứng của Việt Nam và Úc

Về phía Việt Nam, một trong ba nước cùng đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng sa, trả lời báo chí ngày 31/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình một lần nữa nhấn mạnh, " chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa".

 Ông Lê Hải Bình tuyên bố: "Là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (…)
Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế ».

Về phía Úc, một đồng minh của Mỹ trong khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne ngay từ hôm qua tuyên bố Canberra ủng hộ hành động của Hoa Kỳ vì tự do hàng hải và cho biết chính quyền Úc đã được báo trước về kế hoạch tuần tra của Hải quân Mỹ.

Switch mode views: