Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu bắt đầu đàm phán về tự do mậu dịch với Philippines

cecilia malmstrom

Ủy viên Châu Âu phụ trách Thương mại Cecilia Malmstrom trong cuộc họp báo tại Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 04/08/2015
Reuters/Francois Lenoir

Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua 22/12/2015 thông báo sẽ tiến hành thương thảo hướng tới một hiệp định tự do mậu dịch với Philippines và tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, sau khi đã ký kết các thỏa thuận với Việt Nam và Singapore.

Vòng thương lượng đầu tiên sẽ diễn ra tại Philippines vào nửa đầu năm 2016. Bà Cecilia Malmström, ủy viên Châu Âu phụ trách về thương mại cho biết :
« Philippines nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhất tại khu vực trong những năm gần đây. Chúng tôi phải quan tâm đến các điều kiện giúp doanh nghiệp Châu Âu khai thác được thị trường tiềm năng to lớn với 100 triệu người tiêu thụ này ».

Hiệp định được thương thảo chủ yếu liên quan đến việc bãi bỏ thuế hải quan, các lãnh vực dịch vụ và đầu tư, tiếp cận các dự án sử dụng tài chính công, củng cố các quy định về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.
Dự thảo cũng có hẳn một chương chi tiết về việc bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội.

Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại đứng hàng thứ tư của Philippines. Hàng xuất khẩu của Châu Âu chủ yếu là vật liệu cho giao thông, máy móc, các mặt hàng thực phẩm, còn phía Philippines xuất sang châu Âu thiết bị văn phòng và viễn thông.

Châu Âu cũng là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Philippines, trong đó đầu tư trực tiếp chiếm trên 6,2 tỉ euro.

Từ năm 2007, Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu thương lượng hiệp định tự do mậu dịch với khu vực, nhưng đã bị ngưng trệ vào năm 2009 và sau đó thay thế bằng các thương lượng song phương.

Cho đến nay, Liên hiệp Châu Âu đã ký kết được các hiệp định tự do mậu dịch song phương với Singapore năm 2014, và với Việt Nam mới đây.

Riêng về hiệp định ký với Hà Nội hôm 02/12, hầu như tất cả các hàng rào quan thuế giữa Châu Âu với Việt Nam đều được dỡ bỏ trong thời hạn bảy năm.
Đây là hiệp định tự do mậu dịch đầu tiên của Châu Âu với một quốc gia đang phát triển, và theo bà Cecilia Malmström thì hiệp ước trên là « một mô hình mới về chính sách thương mại » với các nước này.


Switch mode views: