Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nông nghiệp châu Á trước thách thức biến đổi khí hậu

ricefields

Ngành nông nghiệp vừa là nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu, vừa là nạn nhân của nguồn khí thải carbone làm hâm nóng trái đất.



Ấn Độ và Cam Bốt đang tìm những hướng đi riêng.
Đối với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới, bảo đảm an toàn lương thực cho hơn 1 tỷ dân là ưu tiên hàng đầu.

 Sau nhiều cuộc cải cách ruộng đất, rồi cuộc cách mạng xanh tiến hành từ những năm 1970, ngành nông nghiệp Ấn Độ đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu rộng và phải đương đầu với biến đổi khí hậu.

Sau mùa mưa và lũ lụt vô cùng tai hại hồi năm 2009, chỉ giá nông phẩm vào đầu năm 2010 tăng thêm 17%.
Giá đường cát tăng lên gấp đôi. New Delhi bắt buộc phải nhập khẩu rau quả và dầu ăn, các kho dự trữ lúa mì và gạo đề phòng khi mất mùa bị cạn.

Từ đầu thập niên 1990 khi nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu cất cánh, nông nghiệp vẫn lẹt đẹt bị bỏ lại phía sau với nhiều bất cập : trong lúc Trung Quốc sản xuất được 6 tấn gạo trên 1 hecta một năm, thì sản lượng của Ấn Độ chỉ là 3 tấn.

 Hệ thống dẫn nước vào ruộng vườn bị đánh giá là quá hạn chế, đất đai bị xói mòn do sử dụng phân bón quá tải.
Một nhược điểm khác là từ hơn bốn chục năm qua, Ấn Độ tập trung quá nhiều vào ngành trồng lúa gạo và lúa mì, mà lơ là các loại thực phẩm khác.

Theo một công trình nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp và Phát triển CIRAD của Pháp, cho dù đã tự lực về nông phẩm, nhưng Ấn Độ vẫn phải đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cho đến năm 2008, trong bảng xếp hạng về an toàn lương thực của thế giới, Ấn Độ đứng hạng thứ 66, tức là còn thua cả Soudan hay Nigeria.

 Vẫn có tới hơn 45 % trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng. Các chính sách trợ giúp lương thực cho người nghèo được đề xuất từ thập niên 1980 liên tục nối đuôi nhau ra đời, để rồi tất cả đều đã thất bại.

Thách thức khí hậu

Biến đổi khí hậu hiện là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với nông nghiệp Ấn Độ.
Thế nhưng, mục tiêu bảo đảm an toàn lương thực cho hơn 1 tỷ dân đã che khuất ưu tiên giảm khí thải carbone làm hâm nóng trái đất, cho dù hiệu ứng lồng kính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thiên tai, gây thiệt hại cho mùa màng và mạng sống của người dân xứ này.

Ngay từ năm 1993, Cơ quan Khí tượng Thủy Văn Ấn Độ IMD đã ghi nhận nhiệt độ tại quốc gia Nam Á có khuynh hướng tăng lên từ 1 cho đến 3°C.

Tuyết trên dãy núi Himalaya tan chảy làm thay đổi mực nước của hệ thống sông ngòi.
Mực nước dâng cao đe dọa hơn 5.700 km2 diện tích đất canh tác của các vùng ven sông.

Tác động thứ nhì là khi trái đất nóng lên, thì nhu cầu về nước ngọt trong các hoạt động chăn nuôi và trồng trọt gia tăng, trong lúc Ấn Độ là một quốc gia thường xuyên bị hạn hán.

Yếu tố thứ ba gây lo ngại cho các nhà nông học là ô nhiễm môi trường và không khí gây nên một số bệnh tật, nấm độc hại cho các loại hoa mầu. Sản lượng qua đó bị sụt giảm.

Một công trình nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2014 của Viện Địa-Vật lý Mỹ AGU đã chứng minh được rằng trong 10 năm, từ 2000 đến 2010, ô nhiễm xuất phát từ lớp vỏ ozone đã gây thiệt hại cho 3,5 triệu tấn lúa mì và hơn 2 triệu tấn gạo một năm.

Nói cách khác, hơn 9 % nhu cầu về nông phẩm của Ấn Độ không cánh mà bay và như vậy là phần ăn của 94 triệu dân sống dưới ngưỡng nghèo khó bị thiếu hụt.

Theo thống kê của tổ chức đặc trách về môi trường và biến đổi khí hậu trực thuộc Liên Hiệp Quốc GIEC, năm 2011, Ấn Độ thải ra gần 2.500 tấn CO2 làm hâm nóng trái đất. 14 % trong số đó do các hoạt động nông nghiệp tạo nên.

Các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi của Ấn Độ làm ô nhiễm mạch nước, đất đai. Ấn Độ là quốc gia sử dụng phân bón giàu chất azote nhiều thứ nhì trên hành tinh, chỉ thua có Trung Quốc.

Là nguồn thải khí gây hiệu ứng lồng kính lớn thứ ba trên thế giới, nhưng 3 tháng trước hội nghị chống biến đổi khí hậu COP 21- Paris, New Delhi vẫn chưa đưa ra những cam kết cụ thể, cho dù đó là những cam kết không hề mang tính ràng buộc.

Tới nay, Ấn Độ vẫn từ chối đề cập đến hồ sơ nhạy cảm này và đã gạt hẳn vế nông nghiệp ra ngoài các chương trình đàm phán về khí carbone. Lý do : New Delhi lo ngại giảm khí thải sẽ buộc nông dân đầu tư vào môi trường, làm cạn bớt nguồn vốn có thể dùng vào việc mở rộng các hoạt động khai thác.

Dù vậy, từ 2008 các chính quyền liên tiếp tại New Delhi vẫn luôn hoạch định ra những « chiến lược cho phép ngành nông nghiệp đối phó với các hiện tượng biến đổi khí hậu ».
 Trong số đó phải kể đến các chiến dịch vận động nông dân tiết kiệm nước cho các khâu trồng trọt và chăn nuôi, chọn giống tốt khi trồng lúa, hay ngũ cốc...

Tới nay, chưa một công trình nghiên cứu nào thẩm định được rõ ràng về hiệu quả của « chiến lược nông nghiệp » đó.
Câu hỏi đặt ra là từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, thủ tướng Modi đã có những biện pháp nào để cải thiện toàn cảnh nông nghiệp của Ấn Độ?

Về điểm này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Châu Á, Asia Centre, và cũng là chuyên gia về Ấn Độ, Jean-Luc Racine trả lời :
« Cốt lõi của vấn đề đối với ngành nông nghiệp Ấn Độ từng được một nhà địa lý học của Pháp, Pierre Grou, đánh giá như sau : Ấn Độ cũng như Trung Quốc và Đông Nam Á là những nền văn minh lúa gạo. Điều đó có nghĩa là họ đã làm chủ được kỹ thuật dẫn thủy nhập điền để bảo đảm lương thực cho dân cư.

Ở đây đất canh tác được chia ra làm ba loại : phần ruộng đất khô cằn, đất có thể xây dựng các công trình thủy lợi để đưa nước vào ruộng và những khu vực màu mỡ, đã được dẫn nước vào và chỉ còn chờ được khai thác.
Xung đột về đất đai từ ngàn xưa bắt nguồn từ tranh giành ảnh hưởng, tranh giành quyền khai thác những vùng đất màu mỡ nhất.

Thế rồi dưới thời kỳ Ấn Độ bị vương quốc Anh đô hộ, toàn cảnh nông nghiệp được chia ra thành hai nhóm rõ rệt : một bên là những người đi theo và ủng hộ chính quyền thực dân thì được cấp những thửa ruộng rất lớn.
Ở phía bên kia là giới tiểu nông. Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ tiến hành một cuộc cách mạng nông nghiệp, giải thể đất đai của các đại điền chủ.

 Dù vậy, những nhà nông có nhiều ruộng đất vẫn tồn tại và họ là những người có học thức, có đầu óc tổ chức. Số này đóng một vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, đại đa số là những người làm thuê, chứ bản thân họ không sở hữu ruộng đất. Để hiểu được những thách thức của nông nghiệp Ấn Độ, chúng ta phải phân biệt rõ cấu trúc của thành phần sống ở nông thôn.

Để trả lời câu hỏi, từ hơn một năm nay lên cầm quyền thủ tướng Narendra Modi đã làm những gì để cải thiện đời sống của nông dân thì tôi xin nêu lên vài con số như sau : 60 % dân số Ấn Độ sống ở nông thôn ; nông nghiệp huy động 50 % dân số trong độ tuổi lao động, thế nhưng khu vực này chỉ tạo ra có 1/6 tổng sản phẩm nội địa.
Điều đó có nghĩa là năng suất nông nghiệp của Ấn rất thấp và quốc gia Nam Á này phải huy động một đội ngũ quá lớn chỉ để bảo đảm chưa đầy 17% GDP.

Trên thực tế, ông Modi chưa có những bước tiến ngoạn mục nào trong lĩnh vực này cho dù là thủ tướng Ấn luôn đề cao vai trò của nông dân, và ông ý thức được rằng, không một chính trị gia nào có thể tồn tại nếu không được tầng lớp nông dân ủng hộ.
 Ông Modi chủ trương ưu tiên cho ngành công nghiệp, trong bối cảnh mà ngành nông nghiệp bị khủng hoảng.

Vấn đề đặt ra là để phát triển công nghiệp, thì Ấn Độ cũng như bất kỳ một quốc gia nào khác, cần có đất để xây dựng nhà máy, cần trưng thu đất để khai thác các quặng mỏ …

Vậy tức là New Delhi phải đứng ra làm trọng tài giữa hai mục tiêu phát triển công và nông nghiệp và trong mọi trường hợp thì đều cần phải có đất để đáp ứng những đòi hỏi đó, cần tham khảo ý kiến của nông dân ».

Ngoài yếu tố khí hậu, căng thẳng địa chính trị đe dọa ngành nông nghiệp không chỉ của Ấn Độ mà còn của cả thế giới như phân tích của giáo sư địa chính trị Christian Bouquet, đại học Michel Montaigne, Bordeaux :
« với những khu vực tôi nghiên cứu, ngoài yếu tố khí hậu, căng thẳng địa chính trị cũng là một mối đe dọa đối với các nông gia.
Tôi muốn nói đến các cuộc nội chiến, đến chiến tranh nổ ra chỉ vì tranh giành đất đai, tranh giành quyền khai thác.

 Xung đột xảy ra do dân số tăng nhanh trong 30 năm trở lại đây, diện tích đất canh tác cũng như các nguồn nước ngọt thì có hạn.
Trường hợp tiêu biểu nhất cho hiện tượng này là xung đột ở Darfour, Châu Phi, khi mà nông dân và các nhà chăn nuôi cùng giành đất để khai thác.
 Từ đó mở ra một cuộc xung đột về sắc tộc. Một quốc gia khác tại châu Phi là Bờ Biển Ngà (Côtes d’Ivoire) đã kịp thời dập tắt một cuộc nội chiến tương tự như ở Darfour ».

Sáng tạo từ Cam Bốt

Nhìn sang khu vực Đông Nam Á : báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới công bố hồi tháng 6/2013 nêu rõ trong trường hợp nhiệt độ của trái đất tăng thêm 2°C từ nay đến năm 2040 và tăng thêm 4° vào cuối thế kỷ XXI, an toàn lương thực của thế giới bị đe dọa.

 Đối với khu vực Đông Nam Á, mực nước biển dâng cao thêm 30 cm trong 25 năm tới, nhiều thành phố duyên hải bị đe dọa xóa tên.
Châu Á sẽ khó tránh khỏi hiện tượng nước nhiễm mặn, kèm theo đó là những hậu quả tai hại cho những quốc gia trồng lúa trong vùng đồng bằng sông Mê Kông.

 Với mực nước dâng cao thêm 30 cm, thu hoạch về gạo của Việt Nam sẽ bị giảm đi mất 11%.
Về phần mình, tổ chức phi chính phủ Oxfam quy trách nhiệm cho ngành nông nghiệp đã được công nghiệp hóa, tức được thực hiện ở quy mô lớn.

 Từ việc sử dụng phân bón hóa học cho tới việc canh tác những khu đồn điền hàng chục, thậm chí hàng trăm hecta, hiện tượng phá rừng để lấy đất trồng cây cọ phục vụ cho ngành khai thác dầu cọ ở Malaysia, Indonesia…

Cam Bốt, thường xuyên được nhắc đến trong phần tin thời sự quốc tế, trước hiện tượng nông dân phẫn uất vì bị tịch thu đất canh tác. 80% nông gia xứ Chùa tháp thuộc thành phần tiểu nông, mỗi hộ gia đình chỉ có vài mẫu đất nhưng họ lại là nòng cốt của nền nông nghiệp Cam Bốt, bảo đảm lương thực cho toàn dân.

Sau một thời gian dài gặp khó khăn, gần đây, đời sống của các nông gia trồng tiêu ở tỉnh Kampot hay của các nhà trồng cây thốt nốt ở Kompong Speu- cách thủ đô Phnom Penh khoảng 50 cây số về hướng đông, mới được cải thiện nhờ thổ nhưỡng được bảo vệ.

Một nhà trồng tiêu tại Kampot cho thông tín viên đài Pháp ngữ RFI biết : Gia đình ông đã sống nhờ cây tiêu từ ba thế hệ nay, vào năm 2003 giá một kí tiêu Kampot là khoảng 40 xu euro, giờ đây giá thành được bán ra dao động từ 11 đến 20 euro.

Mức sống của gia đình ông được nâng cao lên đáng kể, nhưng nhà trồng trọt này không đủ khả năng để mở rộng diện tích khai thác.
« Vốn đầu tư ban đầu, không kể giá điền thổ, là 20 đô la một gốc cây tiêu. Để khai thác trên hơn một hecta, tôi cần trồng 2.500 cây, tức khoảng 50 ngàn đô la.
Rồi từ đó, mỗi năm tôi mở rộng thêm diện tích khoảng 100 mét vuông vì chúng tôi khó huy động được vốn và rất khó đi vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là các tập đoàn Âu Mỹ và nhất là của Trung Quốc đã và đang đầu tư ồ ạt vào Kampot.
Họ mua lại đất để canh tác. Chúng tôi không cạnh tranh lại được và rồi tiêu của chúng tôi khi sản xuất ra không bán được vì các nhà sản xuất lớn chiếm hết thị trường ».

Các nhà sản xuất cò con ở Kampot đang phải đối mặt với một thách thức lớn, khi mà các tập đoàn của Trung Quốc hay Đức ồ ạt đổ vốn vào khu thổ nhưỡng được bảo vệ này để chỉ trong từ 3 đến 4 năm nữa sẽ cung cấp đến 5.000 tấn tiêu đặc sản này một năm, thay vì 36 tấn như hiện tại.

Sự cạnh tranh bất tương xứng đó đang đặt ra một vấn đề lớn cho ngành nông nghiệp Cam Bốt. Giám đốc điều hành Cơ quan Hợp tác và Phát triển của Pháp, đặc trách khu vực Cam Bốt và Lào, André Pouillès Duplaix, giải thích thêm :

« Nông nghiệp là một trong hai chìa khóa phát triển của Cam Bốt. Chìa khóa thứ nhất là vấn đề nhân sự để nâng cao trình độ tay nghề, kinh nghiệm của người lao động xứ này.

Chìa khóa thứ nhì là xứ Chùa Tháp phải duy trì hay nói đúng hơn là mở rộng mạng lưới nông nghiệp gia đình. 80% dân số Cam Bốt sống ở nông thôn và hầu hết là tiểu nông, với chưa đầy 5 hecta đất canh tác mỗi hộ gia đình.

Thế nhưng, thành phần đó lại nuôi sống hơn 15 triệu miệng ăn. Chính quyền cần phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn với thành thị - đặc biệt là khác biệt về thu nhập giữa người dân ở thủ đô Phnom Penh với các vùng thôn quê.

Kế tới là chấm dứt các biện pháp tịch thu đất canh tác của dân để phục vụ các mục tiêu công nghiệp hay xây dựng. Đó là những lợi ích về lâu dài mà Cam Bốt cần phải quan tâm ».
Hiện tại Cam Bốt nhập khẩu đến 2/3 hoa quả và hơn 40 % rau tươi từ nơi khác đổ về. Nông nghiệp chắc chắn là chìa khóa phát triển của Xứ Chùa Tháp.



Switch mode views: