Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sài Gòn vay tiền Thái Lan để chống ngập


SÀI GÒN (NV) - Trước tình trạng Sài Gòn càng ngày càng dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu, chính quyền thành phố Sài Gòn vừa xin phép chính quyền Việt Nam được vay Thái Lan 33,7 triệu Mỹ kim.

Khoản vay vừa kể sẽ được dùng để xây dựng cống ngăn thủy triều tại Tân Thuận, quận 7, nhằm kiểm soát thủy triều và tăng khả năng tiêu thoát nước cho Sài Gòn trong mùa mưa.
Theo dự kiến, dự án cống ngăn thủy triều Tân Thuận cần 52 triệu Mỹ kim. Chính quyền thành phố Sài Gòn sẽ bỏ ra hơn 14 triệu Mỹ kim.

Saigon-mualut

Cảnh này đã trở thành bình thường ở Sài Gòn. (Hình: Thời báo Kinh Tế Sài Gòn)

Thái Lan giờ trở thành một trong những quốc gia cung cấp ODA cho Việt Nam và chính quyền thành phố Sài Gòn xin được dùng khoản ODA đó.

Khoản ODA của Thái Lan chưa đầy 40 triệu Mỹ kim nhưng có nhiều ràng buộc. Chẳng hạn phải sử dụng công ty tư vấn và nhà thầu của Thái Lan.

Dự án thực hiện bằng vốn vay của Thái Lan phải sử dụng ít nhất 50% giá trị khoản vay để mua hàng hóa và dịch vụ của Thái Lan...

Tuy nhiên chính quyền Việt Nam và chính quyền thành phố Sài Gòn khó có thể có lựa chọn khác nếu muốn giải quyết tình trạng Sài Gòn dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu.

Nguyên nhân khiến Sài Gòn dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu là vì thủy triều càng ngày càng thất thường.
 Dù trời không mưa, nhiều khu vực ở Sài Gòn vẫn có thể ngập mỗi tháng hai lần do thủy triều dâng cao.

Một lý do khác khiến Sài Gòn dễ ngập, khi ngập thì vừa sâu, vừa lâu là vì thành phố này đang bị lún nặng do khai thác nước ngầm quá mức, bề mặt bị bê tông hóa trên một diện tích quá lớn và quá nhiều cao ốc.

Tại Sài Gòn hiện chỉ có cống ngăn thủy triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè để kiểm soát tình trạng ngập úng do mưa và do thủy triều dâng cao trong phạm vi khoảng 350 héc ta thuộc các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình.

Theo kế hoạch, Sài Gòn cần thêm 11 cống ngăn thủy triều có quy mô lớn nữa.
Chưa kể cống ngăn thủy triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã hoàn thành cách nay 6 tháng nhưng chưa thể vận hành đúng mức bởi còn thiếu trạm cấp điện cho cống ngăn thủy triều này.

Chính quyền thành phố Sài Gòn đã xây dựng các van ngăn thủy triều nhỏ ở các quận 4, 6, 7, Thủ Ðức,... nhưng giới chuyên môn nhận định đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Họ khuyến cáo phải xây thêm đê bao, hồ điều hòa lượng nước, hệ thống cống ngăn thủy triều nhưng trong vài năm gần đây, công quỹ của cả chính quyền Việt Nam lẫn chính quyền thành phố Sài Gòn đã cạn.

Tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn có khuynh hướng trầm trọng hơn vì sạt lở ở khu vực ven sông Sài Gòn đang diễn ra vừa nhanh, vừa rộng.
Theo một thống kê thì tại Sài Gòn hiện có khoảng 1,600 cây số đê và bờ bao.
Nhiều đoạn đê thường xuyên bị vỡ, nhiều đoạn khác có thể sạt lở bất kỳ lúc nào.

Hồi 2010, chính quyền Việt Nam chi ra 100 ngàn tỉ để tổng công ty Công Nghiệp Sài Gòn (CNS) xây dựng nhà máy sản xuất cọc vách nhựa uPVC ở Củ Chi để gia cố và phát triển thêm hệ thống vách ngăn thủy triều.
 Tuy nhiên dự án này vẫn chưa thể đóng góp gì cho việc chống ngập ở Sài Gòn vì thủ tục quá rườm rà. (G.Ð)

Switch mode views: