Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga dọa xét lại học thuyết quân sự để đối phó với NATO

Nato

Một người lính tahi Riga cầm cờ NATO, nhân dịp Latvia gia nhập khối liên minh Bắc Đại Tây Dương - REUTERS /Ints Kalnins


Quan hệ NATO và Nga lại một lần nữa thêm căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraina. Hãng thông tấn Nga Ria-Novosti hôm nay 02/09/2014 dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga cho biết Matxcơva sẽ thay đổi học thuyết quân sự để đối phó với những mối đe dọa mới, đặc biệt trước việc NATO chủ trương gia tăng hiện diện ở Đông Âu sát biên giới với Nga.

Phó thư ký Hội đồng an ninh Nga, Mikhail Popov cho hay, học thuyết quân sự hiện nay được xây dựng từ năm 2010, từ nay đến cuối năm sẽ được xem xét lại sao cho thích ứng với những biến động tình hình quốc tế gần đây trong đó có tính đến những sự kiện như phong trào Mùa xuân Ả Rập, cuộc xung đột Syria, tình hình khủng hoảng Ukraina và đặc biệt là chủ trương của NATO gia tăng hiện diện tại các nước Đông Âu, điều mà Matxcova coi là mối đe dọa với Nga.

Mikhail Popov tuyên bố, ông tin là việc cơ sở hạ tầng quân sự của các thành viên NATO đang được áp sát biên giới với Nga, trong đó có việc mở rộng khối liên minh Bắc Đại Tây Dương, sẽ là một trong những mối đe dọa từ bên ngoài đối với nước Nga.

Phát biểu trên của quan chức cao cấp quân sự Nga nói trên được hiểu như là một phản ứng trước việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương dự trù thông qua tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 04-05/09/2014 tới một kế hoạch hành động (RAP) mới để đối phó với thái độ và hành động của Nga trong khủng hoảng Ukraina.

Ngay từ hôm qua, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã tiết lộ một vài chí tiết cơ bản của « kế hoạch hành động ».

Ông cho biết NATO sẽ bàn bạc làm sao để có thể triển khai hàng nghìn quân một cách nhanh chóng ở phía Đông Âu để trong trường hợp cần thiết thì có thể tham chiến tung ra những « đòn tấn công mạnh ».

Tổng thư ký NATO nói rõ thêm là trong kế hoạch hành động của khối này, hàng nghìn binh sĩ thuộc các lực lượng hải, lục, không quân dưới sự yểm trợ của các lực lượng đặc biệt có thể sẽ được triển khai « trong vòng vài ngày .... điều này chứng tỏ sự hiện diện rõ nét hơn của NATO ở Đông Âu ».

Coi dự án của NATO là mối đe dọa chính, phó thư ký Hội đồng an ninh Nga tố cáo : « tất cả những sự việc đó chứng tỏ chính quyền Mỹ và NATO vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách làm hủy hoại quan hệ với Nga ».

Từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, quan hệ giữa Nga và Nato đã không ít lần căng thẳng nhưng khủng hoảng Ukraina đã làm mối quan hệ NATO-Nga được cho là trầm trọng nhất của thời kỳ hậu Xô Viết.


Switch mode views: