Điểm Báo Pháp Quốc ngày 08-01-2014
- Thứ Tư, 08 tháng Giêng năm 2014 21:37
- Tác Giả: Mai Vân
Tunisia khai mở một Mùa xuân Ả Rập mới ?
Một người biểu tình chống đảng cầm quyền Hồi giáo Ennahda với khẩu hiệu "Tunisie=Démocratie" (Tunisia = Dân chủ), Tunis, 26/10/2011.
Reuters
Báo chí Pháp ngày thứ Tư, 08/01/2014, dành tựa đầu cho những chủ đề rất khác biệt xoay quanh thời sự Pháp.
Thế nhưng đáng chú ý nhất cõ lẽ là hồ sơ Tunisia, được báo Le Monde nêu lên bên cạnh hàng tựa chính : « Tunisia quay lưng lại luật Hồi giáo Charia ».
Hiến pháp mới - đang trong tiến trình thông qua tại quốc gia Hồi giáo Bắc Phi này - bảo đảm cho người dân quyền tự do tín ngưỡng.
Ở trang trong dưới tựa đề « Tunisia chính thức hóa việc từ bỏ luật Hồi giáo Charia », tờ báo hoan nghênh sự kiện dự thảo Hiến Pháp mới đang thảo luận ở Quốc hội, có những điều khoản tiến bộ chưa từng thấy trong thế giới Ả Rập.
Điều khoản tiến bộ mà Le Monde khen ngợi đã bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do hành đạo. Điều khỏan này được thông qua ngày 04/01/2014, với đại đa số phiếu : 149 dân biểu thuộc mọi xu hướng tán đồng, chỉ có 23 phiếu chống. Điều càng gây ngạc nhiên là điều khoản chưa từng thấy trong thế giới Ả-Rập đó lại được thông qua trong một quốc hội mà phe Hồi giáo - đảng Ennahda, xuất thân từ Huynh đệ Hồi giáo - chiếm đa số.
Tờ báo còn lược qua những điều khoản tiến bộ khác từ phần mở đầu Hiến Pháp mới - được thông qua hôm 06/01 - khẳng định rằng Tunisia là một Nhà nước dân sự, cho đến điều khoản bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, thông tin, in ấn, lập công đoàn, đình công… bảo vệ những thông tin cá nhân…
Ngoài ra còn có nguyên tắc mọi người bình quyền trước pháp luật, việc tra tấn – tinh thần và thể xác - bị xem là tội ác không thể hủy bỏ và bị nghiêm cấm. Hiến pháp cũng cấm việc trục xuất công dân, tước bỏ quốc tịch, buộc lưu vong hay cấm về nước như trong quá khứ.
Những điều khoản xem là mang tính chất biểu tượng nhất đã được thông qua, tuy với nhiều tranh luận căng thẳng, Quốc hội Tunisia hy vọng là với tốc độ hiện nay, Hiến pháp gồm 146 điều khoản sẽ được hoàn toàn thông qua với 2/3 phiếu thuận vào ngày 14/01 tới đây.
Sau Hiến pháp mới, Tunisia sẽ bước vào một cuộc bầu cử mới. Đảng hồi giáo Ennahda đã hứa nhường quyền lãnh đạo cho một êkíp chuyên gia kỹ trị có thể dung hòa mọi khuynh hướng. Phải nói là xã hội dân sự Tunisia, các hội phụ nữ, công đoàn, đã có một vai trò không nhỏ trong sự chuyển biến này.
Theo tác giả bài báo, sở dĩ Tunisia, nơi khai sinh « mùa xuân Ả Rập », cũng đang đi tiên phong với tình hình ngoạn mục chưa từng thấy này, đó là do mối quan ngại của tất cả các tác nhân chính trị tại chỗ, không muốn để đất nước này rơi vào tình cảnh không thể cứu chữa, vốn đã đưa những quốc gia khác của Mùa xuân Ả Rập rơi vào cảnh hỗn loạn, hay đàn áp dữ dội.
Tình hình chiến tranh Syria, và nội tình Ai Cập được cho là đã tác động rất mạnh.Đối với giới lãnh đạo Hồi giáo Tunisia, những gì xẩy ra ở Ai Cập đã vang lên như một tiếng súng cảnh cáo.
Nhật Bản : Săn cá voi ngay tại khu bảo tồn quốc tế
Nhìn về Châu Á, L’Humanité đưa độc giả đến Miến Điện, gặp gỡ những người hoạt động công đoàn được cho là « những người ở tuyến đầu của sự đổi mới Miến Điện » trước nạn tham nhũng và nghèo khổ.
Riêng Le Monde lưu ý đến Nhật Bản đang bị tố cáo săn cá voi trong một khu bảo tồn Nam cực. Bài báo mô tả cảnh tàu đánh cá voi của Nhật Nisshin Maru bị bắt quả tang với 3 con cá voi trên boong tàu và một con thứ 4 đã được xẻ thịt và thủy thủ Nhật đang rửa sạch các vết máu.
Hình ảnh trên được một êkíp tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi sinh Sea Shepherd quay từ trực thăng, ở gần các đảo Balleny, ngay trung tâm khu bảo tồn cá voi ở Nam cực. Ba chiếc tàu của tổ chức môi sinh đã đuổi theo tàu Nhật trên một đoạn đường cả 600 cây số ra khỏi vùng bảo tồn.
Như thường khi, tàu Nhật đã tránh va chạm và bỏ đi. Theo bài báo trò cút bắt này sẽ kéo dài đến tháng 3 vì mùa săn cá voi chỉ mới mở màn, trong lúc Nhật Bản lại khẳng định tàu của họ là tàu thám hiểm khoa học.
Nhưng nếu Nhật bị tố cáo, thì nước bị các tổ chức môi sinh chỉ trích nặng nề lại là Úc và New Zealand do thái độ thụ động, không mấy sốt sắng can thiệp ở hiện trường, không gởi tàu ngăn chặn như bộ trưởng môi trường Úc Greg Hunt đã từng cam kết trong cuộc vận động tranh cử mùa hè 2013. Nguyên do là Hải quân Úc còn phải tập trung ở phía bắc để đối phó với thuyền nhân.
Theo Le Monde, ông Hunt đã lại hứa vào tháng 12 vừa qua là sẽ cho máy bay tuần tra, nhưng đến giờ thì chả thấy gì cả.
Trung Quốc : Tập Cận Bình nhất thống giang hồ
Ở trang phân tích của mình, Le Monde chú ý đến uy thế và phương thức hành sự của Tập Cận Bình, nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Bắc Kinh, trong bài viết tựa đề : « Trung Quốc : Ông Tập và chỉ ông Tập mà thôi ».
Bài báo của Harold Thibault, thông tín viên Le Monde ở Thượng Hải bắt đầu bằng những biện pháp cải tổ. Từ chính sách một con đến trại lao cải, từ quy chế của người dân nông thôn, đến chính sách tự do hóa tài chính..., danh sách cải tổ ở Trung Quốc trong những năm tới đây cứ càng lúc càng dài ra từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tháng 11/2012.
Các phương án cải tổ nhiều đến nỗi mà để thực hiện được, phải có một ủy ban đặc trách thúc đẩy sự đổi mới, được tác giả bài báo hóm hỉnh so sánh với việc dùng (phương tiện) phá băng ngay trong cỗ máy chính quyền có vô số tiếng nói dè dặt muốn giữ nguyên trạng do quyền lợi của họ.
Bài báo nhắc lại là lúc Ủy ban trên được thông báo tháng 11/2013, nhân kết thúc Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản, thì giới quan sát đã thắc mắc chờ xem ai sẽ là chủ tịch Ủy ban này.Vì tên người đứng đầu Ủy ban sẽ cho thấy ai là những người thắng, ai là kẻ thua cuộc trong nội bộ đảng.
Le Monde nhắc lại là tờ báo Hồng Kông South China Morning Post nhìn thấy là người đó sẽ là Thủ tướng Lý Khắc Cường, một điều cũng hợp lý vì ông Lý Khắc Cường là người thực hiện chủ trương trong cương vị Thủ tướng.
Thế nhưng không, tên đã được thông báo vào ngày cuối năm 2013 : người chiến thẳng là Tập Cận Bình !
Sau một năm cầm quyền, uy thế ông Tập ngày càng lớn. Uy thế này một phần đến từ việc ông hiện diện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, khả năng gây tiếng vang của ông không kém gì các lãnh đao phương Tây. Người vợ sang trọng, rất nổi tiếng của ông, cũng làm tăng thêm phần hào nhoáng hiếm thấy trước đây nơi một nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Le Monde cho là cảnh ông Tập Cận Bình mới đây tự mình mua bánh bao, trả tiền, tự mang khay đã không khác gì những đoạn phim ảnh về Barack Obama và món hot dog, từng gây hào hứng trên mạng.
Thông điệp ngày đầu năm của ông Tập Cận Bình cũng khác những người tiền nhiệm : Cảnh ông ngồi sau bàn làm việc càng khiến ông gần gụi với người xem hơn là diễn văn lê thê ở Cung Nhân Dân lạnh lẽo. Tác giả bài báo rất hứng thú cho là ông Tập Cận Bình đã áp đặt được phong cách của ông, thiết lập quan hệ trực tiếp giữa ông và dư luận Trung Quốc.
Và thông điệp của ông từ một năm qua cũng dễ hiểu đối với quần chúng. Ông không đưa ra những khẩu hiệu rất kêu mà đối tượng nhắm tới trước tiên là guồng máy quan liêu như « phát triển một cách khoa học và hài hòa » của Hồ Cẩm Đào.
Tập Cận Bình chủ trương một khái niệm đơn giản : « Giấc mơ Trung Quốc », hiểu là sự hùng mạnh và thịnh vượng.
Tóm lại, bài báo cho là trước đây người ta thường nói đến Trung Quốc của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, nhưng hiện nay người ta chỉ nhắc tới nước Trung Quốc của Tập Cận Bình mà thôi, không hề ghép chung với Lý Khắc Cường. Tác giả bài báo cũng ngạc nhiên cho là mùa thu vừa qua ông đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng.
Giới quan sát cũng nhìn thấy nơi ông Tập Cận Bình một ‘phản nhân vật’ so với Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình táo bạo hơn, bản lãnh hơn.
Chỉ trong một năm, thái độ cứng rắn của ông đã làm nhiều người ngạc nhiên, nhất là các nhân vật tên tuổi trong chính quyền.
Theo bài báo, đã có 17.000 bị điều tra về tham nhũng. Thành công của ông Tập Cận Bình cũng nằm ở chỗ ông cho thấy ông là người giữ gìn sự trong sạch của đảng, và ở Trung Quốc người ta đều nói đến ‘chiến dịch của Tập Cận Bình'.
Tuy nhiên tác giả bài báo thắc mắc là ông Tập Cận Bình sẽ ứng phó thế nào ở trong đảng của ông, khi mà vấn đề đồng thuận luôn cần thiết. Chính vì phải có sự đồng thuận, cho nên hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã để cho ông gánh vác những cải tổ cần thiết cho sự sống còn của Đảng.
Câu hỏi là liệu ông có giám vượt qua các trở ngại hay không ?
Châu Âu phải học Mỹ để vực dậy nền kinh tế
Trên bình diện kinh tế, trong lúc báo La Croix e ngại bóng ma giảm phát ở Châu Âu, sau khi giá cả tuột giảm dần ở vùng đồng euro : từ 0,9% vào tháng 11/2013, lạm phát tháng 12 chỉ còn là 0,8%. Ở trang Ý kiến Le Figaro nêu « một vài bài học cần rút ra từ Hoa Kỳ ».
Le Figaro ghi nhận là 5 năm sau khủng hoảng, Hoa Kỳ đã mạnh mẽ trở lại. Nhìn năm 2014, tăng trưởng dự kiến đạt 3%, thất nghiệp giảm xuống mức 7%.
Còn Châu Âu thì sao ? Tăng trưởng vùng đồng euro thấp hơn Mỹ đến 3 lần, còn thất nghiệp thì lên đến 12,5%.
Trong một năm Mỹ đã tạo thêm được 2,3 triệu công việc làm trong lãnh vực tư nhân, các tập đoàn Mỹ cũng vươn lên trở lại đứng hàng đầu thế giới như Apple.
Phân tích sự vươn lên này, Le Figaro cho đó là do cái nhìn thực tế của người Mỹ, óc sáng tạo của họ, nhưng cụ thể có 3 yếu tố giải thích thành công mà Châu Âu cần rút ra kinh nghiệm.
Le Figaro nêu bật chính sách Ngân hàng Trung ương Mỹ, đã không ngần ngại tung tiền giúp nền kinh tế Mỹ, dưới dạng lãi suất thấp và bơm thêm tiền vào nền kinh tế...Trong lúc Ngân hàng Châu Âu lúc nào cũng lo chống lại nạn lạm phát – vốn đã biến đi từ lâu - thì ngân hàng Mỹ làm mọi cách để tạo điều kiện cho tăng trưởng và tạo công việc làm.
Yếu tố thứ hai mà Le Figảo nêu bật là vấn đề năng lượng. Nhờ sử dụng khí đá phiến cho nên, hóa đơn năng lượng các xí nghiệp Mỹ rất thấp. Ở Châu Âu, vấn đề khai thác đá phiến vẫn còn gây tranh cãi. Và thứ 3 là nhờ sự sáng tạo. Tờ báo mỉa mai cho là Mỹ sáng tạo thực sự chứ không phải nói bâng quơ – như ở Pháp !
Le Figaro kết luận : Chỉ khi nào thấy được là 3 yếu tố trên - tiền tệ, năng lượng và sự hiểu biết - là các yếu tố then chốt cho sự vực dậy kinh tế, thì khi ấy Châu Âu mới có thể tránh được sự « trôi dạt » hiện nay.
Báo chí Pháp ngày thứ Tư này dành tựa đầu cho những chủ đề rất khác biệt xoay quanh thời sự Pháp : Le Monde chú ý đến bà Marine Le Pen lãnh đạo như thế nào đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia, Le Figaro nêu bật đường hướng mới - « khúc quanh » - của Tổng thống Hollande đang chia rẽ cánh tả. Báo Les Echos chạy tựa về bản « Báo cáo làm ngành điện ảnh Pháp rúng động ». Ngành này ngày càng thua lỗ nặng.
Tin mới
- Một tu viện Tây Tạng nổi tiếng bị hỏa hoạn - 10/01/2014 21:24
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 10-01-2014 - 10/01/2014 20:47
- Biển Đông : Philippines, Việt Nam, Mỹ phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá - 10/01/2014 17:50
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 09-01-2014 - 09/01/2014 22:46
- Bạo loạn ở nhà máy Samsung Thái Nguyên - 09/01/2014 17:56
- Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông - 09/01/2014 17:09
- Thủ tướng Iraq kêu gọi chiến binh Hồi giáo đầu hàng - 08/01/2014 23:08
- Chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí hóa học đi phá hủy rời Syria - 08/01/2014 22:33
- Hy Lạp chính thức làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu - 08/01/2014 22:22
- Mỹ tăng cường lực lượng tại biên giới Triều Tiên - 08/01/2014 21:55
Các tin khác
- Cao ủy Nhân quyền LHQ báo động về đàn áp ở Cam Bốt - 08/01/2014 21:27
- Hoa Kỳ có nữ chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang lần đầu tiên - 08/01/2014 06:05
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 07-01-2014 - 08/01/2014 00:27
- Mikhail Khodorkovski xin định cư tại Thụy Sĩ - 07/01/2014 03:19
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 06-01-2014 - 06/01/2014 20:07
- Trung Quốc đón Tết nguyên đán với sao của Mùa xuân Bắc Kinh - 06/01/2014 19:50
- Mỹ đối phó với đợt lạnh kỷ lục, nhiệt độ có thể xuống tới -50°C - 06/01/2014 02:07
- Bangladesh : Bầu cử Quốc hội diễn ra trong bạo lực - 06/01/2014 01:25
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 05-01-2014 - 06/01/2014 00:04
- Truyền hình Trung Quốc phô trương thành tích tấn công tàu Việt Nam ở vùng Hoàng Sa - 05/01/2014 23:42