Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 02-01-2014

Thái Lan đi tìm nền dân chủ cho riêng mình

Bankok-protest

Đối lập biểu tình trước tư dinh Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Bangkok, 26/12/2013
REUTERS


Nhật báo L’Humanité ra hôm nay cố gắng giải mã khủng hoảng chính trị liên miên tại Thái Lan qua bài « Một nền dân chủ đang lần mò từ nhiều thập kỷ ».

Bài báo tập hợp những phân tích của nhà nghiên cứu dân tộc học Bernard Formose, người đã có 30 năm nghiên cứu về các vùng nông thôn ở đông bắc Thái Lan thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp.

Câu hỏi chủ yếu L’humanité đặt ra cho chuyên gia Bernard Formose là giải thích thế nào việc nền quân chủ lập hiến Thái Lan từ bao nhiêu năm nay cứ rơi vào hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác ?

Chuyên gia Bernard Formose tập trung sự chú ý vào thể chế quân chủ lập hiến mà tâm điểm là Nhà Vua.

Trái với nhận định của nhiều người vẫn cho rằng Hoàng gia Thái Lan đứng ngoài vòng chính trị của đất nước, chuyên gia này cho rằng Vua Thái hiện nay, đăng quang năm 1950, đã biết thâu tóm tiềm lực kinh tế của đất nước dưới sự che trở của quân đội để phục vụ mục đích chính trị của Hoàng gia.

Nhiều thập kỷ qua, Hoàng gia và mạng lưới của mình đã dùng tiền bạc độc quyền dành cho phát triển vùng nông thôn miền bắc, lấy lòng dân chúng. Dù không bao giờ được khẳng định, nhưng thực tế nhà Thái vẫn kín đáo đứng sau điều khiển chính trường nước này.

Nền chính trị Thái Lan trở nên biến động mạnh hơn kể từ khi xuất hiện những nhà tư bản giàu có ở quy mô quốc tế mà đại diện là Thaksin Shinawatra, người biết tung tiền ra để tìm kiếm sự ảnh hưởng đối với dân nông thôn vùng miền bắc Thái Lan. Từ đó dẫn đến sự xung đột quyền lợi ảnh hưởng giữa những người được cho là bảo hoàng Áo Vàng và phe được cho là cấp tiến được những người Áo Đỏ ủng hộ.

Theo chuyên gia Formose thì Thái Lan đang đứng giữa hai sự lựa chọn, giữa nền dân chủ dưới sự bảo trợ của hội đồng nhà Vua và một nền dân chủ dựa trên chế độ nghị viện. Thái Lan vẫn đang lần mò đi tìm một nền dân chủ riêng cho mình trong suốt hàng thập kỷ qua, bởi vì không vượt qua được sự lựa chọn này.

Miến Điện đã thực sự hết tù chính trị ?

Vẫn liên quan đến Châu Á, báo L’Humanité tỏ thái độ khá bi quan trước sự kiện Miến Điện hôm qua trả tự do cho những tù nhân chính trị cuối cùng qua bài viết ngắn « Bề ngoài đánh lừa của lệnh ân xá của Miến Điện ».

Tác giả bài viết nhận thấy, mặc dù chính quyền thông báo đã thả hết tù chính trị, nhưng vẫn còn những câu hỏi đặt ra xung quanh lệnh ân xá này.

Dường như trong số 48 tù chính trị vừa được trả tự do đợt cuối hôm qua, không có những người bị bắt giam liên quan đến tín ngưỡng. Trong khi đó, theo tác giả, sau các vụ bạo lực hồi 2012 có rất nhiều người Hồi giáo ở vùng tây bắc Miến Điện bị bắt.

Vẫn theo L’Humanité thì khuôn khổ trấn áp vẫn không thay đổi. Hiệp hội Thông tin Miến Điện (Info Birmanie) lo ngại : « Số lượng đáng báo động các vụ bắt giữ mới đối với nông dân, người bảo vệ nhân quyền và người dân tộc thiểu số.

Chính phủ Miến Điện tiếp tục kết tội những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp của họ ». Theo hiệp hội này, thậm chí có một số nhà đấu tranh đã phải trở lại nhà tù chỉ ít giờ sau khi được trả tự do.

Hiệp hội này cũng ghi nhận một thực tế khác trong năm qua, đó là chính phủ tập trung đặc biệt trấn áp thô bạo những vụ việc nảy sinh từ các dự án công nghiệp đang được tiến hành với sự trợ giúp của nước ngoài.

Tác giả đặt câu hỏi : Phải chăng sức nặng của nền dân chủ không bằng những bản hợp đồng báo bở với nước ngoài ?

Nhà nghèo Hy Lạp lên lãnh đạo Châu Âu

Liên quan đến thời sự Châu Âu, các báo Pháp hôm nay đặc biệt chú đến sự kiện, bắt đầu từ hôm qua (1/1/2014), Hy Lạp được trao quyền Chủ tịch luân phiên (6 tháng) của Liên Hiệp Châu Âu trong khi đất nước này vẫn còn chưa thoát khỏi cơn khốn đốn của cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài 4 năm qua.

Tựa lớn trang nhất báo Libération : « Châu Âu : Chủ tịch Hy Lạp trong cơn khủng hoảng ». Tuy nhiên, Libération có vẻ khả quan với nhận định : « Sau bốn năm chữa trị khủng hoảng nợ công bằng chính sách thắt lưng buộc bụng vấp phải sự phản ứng kịch liệt của dân chúng, Hy lạp đã thu được kết quả ban đầu và Athens dự tính nhân có hội làm Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu để thuyết phục các đối tác rằng đất nước Hy Lạp đã thay đổi. Hàng tỷ euros đổ vào Hy lạp không phải là vô ích và đất nước này đang gượng dậy, sự phục hồi kinh tế cũng đang dần định hình ».

Đó là mặt tích cực cần phải ghi nhận, tuy nhiên, trong một bài viết khác mang tựa đề : « Những khốn khó đang gặm nhấm Hy Lạp », Libération vẫn chỉ ra thực tế quản lý không hiệu quả và bất bình đẳng trong chính sách thuế tồn tại dai dẳng vẫn cản trở đất nước này thoát khỏi khủng hoảng.

Theo Libération, nếu như các công chức, người về hưu phải chấp nhận cắt giảm 30% thu nhập đồng thời với việc tăng thuế thì giới nhà giàu và đặc biệt là Giáo hội Chính thống giáo ở Hy Lạp vẫn là những đối tượng được hưởng nhiều đặc lợi về thuế khóa. Gần 1/3 dân số lao động của đất nước 27 triệu dân này vẫn không tìm được việc làm.

Bốn năm liên tục phải thực thi chính sách kinh tế khắc khổ, người dân Hy Lạp dường như khó có thể chịu thêm sự áp đặt kỷ luật kinh tế của các đối tác quốc tế hỗ trợ tài chính. Đây là một bài toán thực sự khó cho chính phủ Hy Lạp trong thời gian tới.

Cũng trên chủ đề này, Le Figaro có bài phóng sự mang tiêu đề : « Học trò kém Hy Lạp lãnh đạo Châu Âu ». Bài báo cho thấy, Hy Lạp lên làm Chủ tịch Châu Âu trong khi mà tâm lý chống Châu Âu ở nước này đang cực kỳ gay gắt vì người dân vẫn cảm thấy chính Bruxelles là thủ phạm khiến họ phải sống dở chết dở trong chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng.

Bê bối tham nhũng : Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đổ vấy cho Hoa Kỳ

Những bê bối tham nhũng với quy mô lớn chưa từng có từ khi Thủ tướng Erdogan lên nắm quyền năm 2002 đang làm lung lay chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua. Nhưng có điều đáng chú ý là, sau ít ngày chống chọi ở trong nước, phải cải tổ nội các sau khi ba Bộ trưởng phải ra đi vì các cáo giác tham nhũng, Thủ tướng « Erdogan cuối cùng quay sang đổ vấy cho Washington », tựa của Le Figaro.

Thủ tướng Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã lên tiếng tố cáo Mỹ đứng đằng sau giật dây làm bùng lên các vụ bê bối tham nhũng khiến cả chính phủ của ông chao đảo.

Ông Erdogan tố cáo các thế lực thù định nước ngoài đứng đầu là Hoa Kỳ thông đồng với nhau giật dây điều mà ông gọi là « chiến dịch bẩn thỉu » nhằm vào người thân cận trong chính quyền của ông để phá hoại.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn xa xôi đe dọa trục xuất đại sứ Mỹ tại Ankara về nước vì dính líu vào « những hành động khiêu khích ».

Le Figaro cũng ghi nhận là quan hệ giữa Ankara và Washington vốn đã lạnh nhạt nay lại bùng lên mối nghị kỵ dè chừng lẫn nhau.

Theo Le Figaro, chính quyền của ông Erdogan chống Mỹ một cách có hệ thống để phục vụ mục đích bầu cử, ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo ở Trung Đông, sinh sự với Israel, ngỏ ý định mua vũ khí của của Trung Quốc trong khi đang là thành viên của NATO...Đó là những lý do khiến Nhà Trắng đang ngày càng xa rời đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, giờ được đánh giá là ít tin cậy nhất. Nhiều chuyên gia nhận định khó có khả năng ông Barack Obama và ông Tayyip Erdogan nối lại đối thoại.

Apple cũng bị nghi ngờ hợp tác với an ninh Mỹ theo dõi thông tin

Hãng Apple với sản phẩm nổi tiếng iPhone cũng bị kéo vào vòng xoáy của những phát giác liên quan đến chương trình gián điệp thông tin của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ NSA.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, cũng như các tên tuổi lớn trong làng công nghệ thông tin cao cấp của Hoa Kỳ như Microsoft và Google, hôm qua (1/1/2014) Apple đã phải nhanh chóng ra thông cáo báo chí khẳng định hãng không hề cộng tác với Cơ quan An ninh Mỹ.

Phản ứng trên của Apple để đáp lại thông tin vừa được tạp chí của Đức Der Spigel công bố, theo đó, hãng đã cho cài đặt vào các loại điện thoại iPhone những phần mềm bí mật giúp cho cơ quan tình báo thu thập dữ liệu, đánh cắp tin nhắn, định vị hoặc ghi lại các cuộc đàm thoại của người sử dụng máy.

Chưa biết hệ lụy ra sao với sản phẩm của Apple, nhưng phát giác mới này cho thấy quy mô và cách thức theo dõi thông tin điện tử ngày nay của NSA rất rộng rãi. Vẫn theo Les Echos, đầu tuần này có thông tin cho rằng, đường cáp viễn thông dưới biển, cửa ra từ thành phố Marseille của Pháp để truyền dữ liệu từ Châu Âu qua Bắc Phi và Trung Đông đến Đông Nam Á cũng là mục tiêu đánh cắp thông tin của NSA.

Hôm qua NSA đã phản ứng một cách chung chung rằng : « NSA quan tâm đến tất cả các công nghệ có thể được các cơ quan tình báo nước ngoài sử dụng. Hoa Kỳ tiếp tục nhiệm vụ giám sát một cách thận trọng không làm ảnh hưởng đến người sử dụng một các công nghệ đó ».

Mỹ : Các rạp phim cạnh tranh trong thời đại công nghệ cao

Trên nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết : « Các rạp chiếu bóng ở New York làm thế nào để cạnh tranh với truyền hình và Net ».

Trong thời đại công nghệ ngày nay, không hiếm người tự hỏi : Tại sao lại cứ phải đến rạp chiếu bóng, trong khi mà ta có thể xem được phim một cách thoải mái hơn ngay tại nhà mình ?

Câu hỏi này càng được nhiều người đặt ra khi mà giờ đây màn hình ngày càng lớn, nhiều phim có thể tải về qua internet ngay vài tuần sau công chiếu.

Tiến bộ công nghệ ngày nay đang đẩy các rạp vào một cuộc cạnh tranh bằng cách cải tiến tiện nghi dịch vụ cho khách hàng.

Les Echos cho hay, tại New York, công ty chiếu bóng AMC thí điểm một số ghế VIP trong rạp với ghế ngồi rộng rãi, có thể ngả ra nằm xem phim.

Một số rạp của AMC còn đưa vào phục vụ ăn uống ngay trong lúc xem phim. Tất nhiên số ghế bố trí trong rạp sẽ giảm đi nhưng bù lại là giá vé và thu nhập tăng lên.

Đó mới chỉ là bước thử nghiệm của hệ thống rạp chiếu bóng AMC tại New York và mô hình kinh doanh này hứa hẹn có thể được nhân rộng hơn.


Switch mode views: