Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-11-2013

73% người Pháp hài lòng với công việc

ALCATEL-JOBS

Nhân viên tập đoàn viễn thông Pháp Alcatel-Lucent, biểu tình chống sa thải, Nantes, miền tây Pháp, 10/10/2013
REUTERS


Châu Âu vẫn còn loay hoay trong vòng xoáy của cơn khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008.

Dù đã có dấu hiệu phục hồi ở một số nước, nhưng vẫn còn rất chậm và thiếu bền vững, thất nghiệp vẫn là hồ sơ đau đầu của nhà cầm quyền. Kinh tế Pháp cũng nằm trong tình trạng đó với tỷ lệ thất nghiệp trên dưới 10% dân số lao động.

Trong bối cảnh đó, tuần san Le Nouvel Observateur số ra tuần này dành phần ưu tiên đăng kết quả thăm dò về mức độ hài lòng của người Pháp đối với công việc. Tờ báo chạy tựa lớn trên trang nhất :
 « Những nghề làm cho người Pháp hài lòng ».

Đây là kết quả thăm dò theo đơn đặt hàng của Le Nouvel Observateur. Cuộc thăm dò được thực hiện với 5 000 người lao động.

Kết quả cho thấy một con số đáng chú ý : 13% cho biết « rất hài lòng », 60% « khá hài lòng ».
Như vậy, có đến 73% người được hỏi cảm thấy hài lòng với công việc của mình.

Để khẳng định thêm mức độ chính xác của kết quả này, Le Nouvel Observateur nhắc lại rằng, nhiều cuộc nghiên cứu tại Pháp cũng đã cho thấy có khoảng 2/3 dân Pháp cảm thấy hài lòng với công việc.

Dẫn đầu bảng là các viên chức Nhà nước, nông dân và giáo viên, với tỷ lệ hài lòng lần lượt là 90%, 86% và 85%.

 Tất cả các độ tuổi đều có tỷ lệ hài lòng từ 73% trở lên, trong đó dẫn đầu là tuổi 15-25 với 76%.
Những người làm việc ở khu vực nông thôn cảm thấy hài lòng hơn người làm việc ở thành thị.

Một điểm đáng chú ý của cuộc thăm dò : Tiền lương là quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Có đến 87% người được hỏi cho biết, họ hài lòng về công việc vì đam mê về công việc đó. 68% người có mức lương dưới 1 000 euro/tháng hài lòng về công việc.

So sánh về giới tính, phụ nữ hài lòng về công việc cao hơn nam giới với tỷ lệ lần lượt là 74% và 73%.

Le Nouvel Observateur dẫn lời một nhà xã hội học giải thích như sau : Phụ nữ cảm thấy hài lòng về công việc nhiều hơn, vì đối với họ, làm việc ngoài xã hội, ngoài việc để kiếm tiền hay đam mê, đó còn là biểu hiện phụ nữ được giải phóng ra khỏi trách nhiệm cổ hủ là ở nhà lo nội trợ, con cái.

Bên cạnh điểm sáng cũng còn có những điều cần lưu ý. Thăm dò cho thấy, có gần 30% người « không hài lòng với công việc ».
 Con số này rõ ràng là không nhỏ để cho nhà cầm quyền có thể kê cao gối ngủ.

Thêm vào đó, việc có nhiều người cảm thấy hài lòng với công việc còn được giải thích là trong bối cảnh khủng hoảng việc làm, có việc làm đã là điều may mắn, bởi thế dễ dẫn họ đến cảm giác thỏa mãn.

Le Nouvel Observateur nhận định, từ khi thất nghiệp bùng nổ, « có việc làm » đã trở thành một trong những điều kiện quan trọng nhất của hạnh phúc.

Sự cần thiết phải có việc làm của người Pháp được minh chứng qua con số sau đây : 94% người Pháp cho rằng việc làm là « quan trọng » trong khi con số bình quân của Châu Âu chỉ có 84%.

Đứng cuối bảng thống kê nói trên là những người làm ở các công ty bảo trì, người làm nghề quét dọn, với mức hài lòng là 56%.

Hồ sơ hạt nhân Iran : Đàm phán trong ngờ vực

Hội nghị giữa Iran và 6 cường quốc về hồ sơ hạt nhân Iran vừa diễn ra tại Geneve, và dự kiến đàm phát sẽ tiếp tục vào đầu tháng 11 tới đây.

Trong bối cảnh đó, Le Nouvel Observateur đăng bài tỏ ra không lạc quan về tương lai của quá trình đàm phán này, với hàng tựa : «Những bí ẩn của Teheran».

Tờ báo nhấn mạnh, bề ngoài, hình như tất cả các bên tham gia đàm phán đều nhất trí rằng chưa bao giờ điều kiện đàm phán lại tốt như hiện nay. Thế nhưng, nhiều ngờ vực vẫn còn tồn tại, nhất là ngờ vực về thái độ của Tổng thống Iran, ông Hassan Rohani.

Sự ngờ vực này đã và đang chia rẽ các nước phương Tây. Theo tờ báo, có những nước phương Tây cho rằng Tổng thống Rohani thật sự muốn thuyết phục nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo chủ Khamenei, và thật sự muốn từ bỏ chương trình hạt nhân, để được xích lại gần hơn với phương Tây. Từ đó, những nước theo lập trường này đề nghị lập tức bỏ bớt lệnh trừng phạt Iran để khuyến khích Tổng thống Rohani.

Ngược lại, có những cường quốc khác nghi ngờ rằng Tổng thống Rohani có thể đang « thông đồng » với Giáo chủ Khamenei nhằm đạt được sự tháo bỏ cấm vận của phương Tây, trong khi vẫn cố tâm theo đuổi hạt nhân. Những nước theo lập trường này vì thế cho rằng, phương Tây không nên nhượng bộ trước khi Iran có kế hoạch giải giáp hạt nhân thật sự.

Trong bối cảnh đó, lập trường của Mỹ trở nên quan trọng nhất bởi vì nước này liên quan đến 90% các lệnh trừng phạt Iran. Thế nhưng, nhà cầm quyền của Mỹ cũng đang chia rẽ, ý muốn giảm nhiệt với Iran của Nhà Trắng bị hạn chế bởi một nghị viện mà ở đó đa phần nghị sỹ phản đối chủ trương xích lại với Iran.

Như vậy, tương lai đàm phán chưa có gì là sáng sủa khi mà hai bên vẫn còn chưa hiểu rõ nhau, còn trong nội bộ của các bên lại có sự chia rẽ. Theo Le Nouvel Observateur, đó là « một ván bài nguy hiểm ».

Thổ Nhĩ Kỳ : Con đường gia nhập Châu Âu vẫn còn xa

Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán để gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thế nhưng, con đường vào EU có vẽ còn xa. Đó là nhận định của bài đăng trên Le Nouvel Observateur với dòng tựa : « Khi EU chấm điểm Thổ Nhĩ Kỳ ».

Tờ báo đề cập đến báo cáo thường niên của Ủy ban Châu Âu về hồ sơ xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó báo cáo năm nay đã có « lời lẽ khoan hòa để che giấu những cơn giông tố ». Số là báo cáo ghi nhận một vài bước tiến dân chủ tại nước này. Đến nổi mà Bộ trưởng đặc trách hồ sơ gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thốt lên vui sướng : « Đó là bằng chứng không thể chối cãi về việc Thổ Nhĩ Kỳ gần với những tiêu chuẩn EU hơn bao giờ hết ».

Thế nhưng, Le Nouvel Observateur lưu ý rằng, bản báo cáo cũng có đề cập đến hiện tượng quyền tự do ngôn luận không được đảm bảo tốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện tượng « cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức » để trấn áp các cuộc biểu tình chống Thủ tướng Recep Erdogan thời gian qua.

Tờ báo cho biết, việc trấn áp biểu tình đã làm 6 người chết và 8000 người bị thương. Bên cạnh đó, tờ báo cũng trích dẫn ý kiến một nhà ngoại giao Pháp cho rắng, lời lẽ của chính phủ Erdogan mang tính kích động hận thù, gây chia rẽ, và vì thế « không thể chấp nhận được khi nó tồn tại ở một nước đang là ứng viên gia nhập EU ».

Châu Âu và hồ sơ nhập cư

Cũng liên quan đến Châu Âu, tuần san L’Express đăng bài nhận định với dòng tựa : « Một thế giới đang vận động ».

Bài viết cho rằng, những vấn đề tiêu cực có liên quan đến người nhập cư bấy lâu nay ở Châu Âu không phải ở số lượng người nhập cư ít hay nhiều, mà là ở số lượng người nhập cư sống có hợp pháp không, có hòa nhập được vào cuộc sống của nước sở tại hay không.

Từ đó, bài viết kêu gọi nhà cầm quyền các nước Châu Âu siết chặt hơn nữa luật nhập cư và luật quản lý người nhập cư, như nên « trục xuất không thương tiếc » những người nhập cư phi pháp. Bài viết kết luận : « Châu Âu cần người nhập cư, nhưng không phải bằng mọi cách ».

Sách về chế độ Kadhafi : Thêm một sự thật

Tại Libya, nhà lãnh đạo Kadhafi đã phải chết trong cảnh bê bết máu, chính quyền mới đã điều hành đất nước từ hai năm nay. Bên cạnh những thông tin chính thức của phương Tây cho rằng chế độ Kadhafi là một chế độ độc tài cần bị lật đổ, thì theo nhiều nghiên cứu, sự việc không đơn giản thế.

Tuần san L’Express bàn về chủ đề này qua bài : « Kadhafi, một câu chuyện khác ».

Tờ báo giới thiệu về quyển sách mang tên « Bước đường truy sát Kadhafi : Chiến tranh, bí mật và những lời dối trá ». Quyển sách được hợp soạn bởi nữ nhà báo Pháp Roummiana Ougartchinska và của quan chức tòa án Ý, ông Rosario Priore. Quyển sách cung cấp nhiều thông tin góp phần hiểu rõ hơn về sự sụp đổ của chế độ Kadhafi tại Libya.

L’Express nêu lên một số điểm nhấn của quyển sách. Trước tiên, đó là vụ việc liên quan đến việc hơn 400 trẻ em Libya bị nhiễm HIV và các thủ phạm bị mang ra xử là 6 cô ý tá Bulgari làm việc tại Libya. Những người này lúc đầu đã bị chính quyền Libya kết án tử hình, nhưng sau đó đã được phóng thích về nước, sau khi phía Bulgari chấp nhận bồi thường tài chính cho gia đình các nạn nhân. Trong hồ sơ này, còn có những đồn đoán về việc chế độ Kadhafi muốn làm như vậy để buộc phía Bulgari và EU xóa nợ.

Quyển sách còn đề cập đến việc đích thân phu nhân Tổng thống Pháp thời đó đã đến Libya để đón nhận và đưa về nước 6 y tá Bulgari.

Một điểm nhấn khác, câu chuyện lật đổ chế độ Kadhafi không đơn giản như người ta tưởng, mà đã có sự tính toán hậu trường và chuẩn bị trước kịch bản nổi dậy của các lực lượng phản đối Kadhafi. Các tác giả quyển sách nhấn mạnh đến vai trò then chốt của Qatar trong câu chuyện lật đổ này.

Nhật Bản đau đầu với hồ sơ nhập cư và lão hóa dân số

Liên quan đến Châu Á, tuần san Courrier International nhìn sang Nhật Bản khi trích đăng bài của tờ Asahi Shimbun tại Tokyo với dòng tựa : « Những người nhập cư cứu hộ ».

Bài viết cho rằng, trong bối cảnh lão hóa dân số đang đe dọa nguồn nhân lực tại Nhật Bản như hiện nay, thì người nhập cư rõ ràng là một trong những chiếc phao cứu hộ. Mấy chục năm nay, hồ sơ mở rộng nhập cư đã được mang ra bàn thảo nhiều ở nước này, thế nhưng do thiếu quyết tâm chính trị, và cũng do yếu tố văn hóa bản địa là không thích có quá nhiều người nhập cư, nên đến hiện tại, tranh cãi vẫn tiếp tục. Và vì thế, các giải pháp cho hồ sơ nhập cư mà Nhật áp dụng đến hiện tại, theo tờ báo, chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa có giải pháp bền vững.

Cam Bốt : Hun Sen đã được Pháp ủng hộ

Cũng tại Châu Á, Le Nouvel Observateur đăng tin cho hay về « những lời chúc mừng của Paris dành cho Thủ tướng Hun Sen ».

Tờ báo cho biết, theo một công hàm do Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault ký ngày 04/10 vừa qua để gửi cho Thủ tướng Hun Sen, phía Pháp đã ca ngợi mối quan hệ truyền thống giữa hai nước.

Đặc biệt, Thủ tướng Pháp đã chúc mừng chiến thắng của ông Hun Sen trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại Cam Bốt. Dù rằng phe ông Hun Sen giành được chiến thắng, nhưng đối lập chiếm được khoảng 40% số ghế đã tẩy chay Quốc hội.

Tờ báp nhắc lại : Mỹ đến hiện tại vẫn chưa công nhận chiến thắng của ông Hun Sen.

Làn sóng phản đối Hồi giáo cực đoan trên thế giới ?

Cuối cùng là một hồ sơ đáng chú ý do Courrier International tập hợp từ báo chí các nước.

Tờ báo chạy dòng tít lớn trên trang nhất : « Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan : Không, cảm ơn ! ».

Courrier International trích dẫn báo chí của Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Palestine... Các bài trích dẫn cho thấy, ở nhiều nước, thậm chí ở những nước Hồi giáo như Tunisia hay Pakistan, nhiều trí thức và nhà báo thuộc đạo Hồi đã lên tiếng phản đối chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Họ cho rằng, chính chủ nghĩa cực đoan này là thủ phạm gây bạo lực, khủng bố, chà đạp quyền phụ nữ…

Theo một tờ báo của Liban, chính bạo lực do Hồi giáo cực đoan gây ra đã làm dấy nên nỗi sợ hãi và lòng thù hận đối với người Hồi giáo ở các nước phương Tây.

Tờ báo nhận định rằng, những người Hồi giáo cực đoan lấy đạo Hồi làm tấm bình phong để giải thích cho những hành động tàn sát dân thương vô tội.

Tờ báo nhấn mạnh : Chính chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan làm gia tăng tình trạng bài Hồi giáo trên thế giới.

Hay như một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi những người Hồi giáo ôn hòa hành động mạnh hơn nữa để bảo vệ uy tín của đạo Hồi, bởi vì « sự im lặng sẽ giết chết chúng ta ».

Về phần mình, một tờ báo tại Tunisia lên án đảng Hồi giáo cực đoan Ennahda đang nắm quyền, và cho rằng, chính sự cực đoan của đảng này đã phá hủy công cuộc cải cách và hiện đại hóa ở Tunisia.


Switch mode views: