Trung Quốc tố cáo Liên Hiệp Quốc can dự chuyện nội bộ Hồng Kông
- Thứ Hai, 02 tháng Mười Hai năm 2019 15:34
- Tác Giả: Minh Anh
Nhiều người dân Hồng Kông tập hợp gần đại sứ quán Mỹ, giương cao cờ Mỹ để tỏ lòng cảm ơn sự ủng hộ của Washington, ngày 01/12/2019.
REUTERS/Thomas Peter
Ngày 30/11/2019, Bắc Kinh lên án lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, đã có những can thiệp « không phù hợp » vào chuyện nội bộ Hồng Kông.
Đoàn ngoại giao của Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Quốc cho rằng bà Michelle Bachelet đang gây áp lực với chính quyền đặc khu Hồng Kông và có những lời lẽ « chỉ kích động thêm những người gây bạo động lao vào những hành động ngày càng bạo lực hơn ».
Bắc Kinh có những lời chỉ trích này sau khi lãnh đạo Cao Ủy Nhân Quyền có một bài viết đăng trên tờ South China Morning Post hôm thứ Bảy 30/11, cho rằng chính phủ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nên ưu tiên cho một cuộc đối thoại « mang tính xây dựng » để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Michelle Bachelet còn hối thúc chính quyền đặc khu nên mở « một cuộc điều tra độc lập và không thiên vị do một thẩm phán tiến hành » về hành vi bạo lực của cảnh sát nhắm vào những người biểu tình.
Đây cũng chính là một trong những đòi hỏi chính yếu của những người biểu tình ủng hộ dân chủ trong suốt nhiều tháng qua.
Biểu tình « cảm ơn » Donald Trump
Tại Hồng Kông, hai cuộc biểu tình diễn ra sáng Chủ Nhật 01/12/2019 gần lãnh sự quán Mỹ, nhằm phản đối cảnh sát dùng khí hơi cay và cũng là để « cảm ơn » Quốc Hội Mỹ đã thông qua đạo luật về Nhân quyền và tự do cho Hồng Kông.
Từ đặc khu hành chính, đặc phái viên đài RFI Stephane Lagarde tường thuật :
« Đó chỉ là bước khởi đầu. Hãy tiếp tục cuộc chiến !
Các nhà tổ chức dường như muốn tận dụng kết quả cuộc bỏ phiếu đông đảo dành cho phe ủng hộ dân chủ, được tổ chức cách nay một tuần trong cuộc bầu cử cấp quận huyện, để kêu gọi tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc biểu tình lớn và ôn hòa.
Giống như hồi tháng Sáu và tháng Tám năm 2019, xe nôi trẻ em và các hộ gia đình rất được trông đợi tại khu Tsim Sha Tsoi.
Người về hưu cũng vậy, hôm qua, họ có mặt trên nhiều nẻo đường, bên cạnh những người trẻ tuổi phản đối chính quyền.
Cuộc tuần hành tại khu đại học Bách Khoa (PolyU), từng bị sinh viên chiếm đóng trong hai tuần vừa qua, cũng được phép.
Mạng lưới LIHKJ, chuyên chia sẻ thông tin cuộc biểu tình, kêu gọi : ʺXin các bạn hãy cố gắng kềm chế trong khi biểu tình. Hãy tỏ ra 100% hợp lý và không có bạo lực !ʺ
Mục tiêu cuộc tuần hành là nhắc lại 5 yêu cầu chính : Chính quyền từ bỏ việc truy tố những người biểu tình bị bắt, lãnh đạo đặc khu từ chức, tổ chức bầu cử theo phổ thông đầu phiếu hay lập ủy ban điều tra độc lập về hành động bạo lực của cảnh sát …
Bởi vì cho đến lúc này, cuộc bầu cử địa phương, vốn được xem như là một cuộc trưng cầu dân ý, vẫn chưa mang lại một lời đáp thỏa đáng như đánh giá của những người phản đối.
Chính quyền đặc khu chỉ đơn giản cho biết sẽ lập một ủy ban độc lập để tìm hiểu nguồn cội cuộc khủng hoảng. »
Trung Quốc bắt giữ hai người "xâm phạm an ninh quốc gia"
Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin từ nhật báo đảng Cộng Sản tỉnh Quảng Đông, ngày 30/11/2019, xác nhận việc bắt giữ một người Belize và một người Đài Loan.
Người thứ nhất là ông Lee Henley Hu Xiang, một doanh nhân quốc tịch Belize, sinh sống tại Trung Quốc, bị nghi ngờ cung cấp tài chính cho các « thế lực thù địch » tại Mỹ, gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
Ông này còn bị cáo buộc ủng hộ các hoạt động gây hỗn loạn tại Hồng Kông. Báo đảng Trung Quốc xác nhận công dân Belize bị bắt hôm 26/11/2019 tại Quảng Châu, miền nam Trung Quốc.
Người thứ hai bị bắt hôm 31/10/2019 là một người Đài Loan, ông Lee Meng-Chu, ở Thâm Quyến.
Ông bị nghi ngờ là đã đánh cắp và tiết lộ bí mật quốc gia cho các thế lực nước ngoài, sau một chuyến đi Hồng Kông nhằm ủng hộ phong trào « chống Trung Quốc ».
Bản tin của hãng thông tấn Đài Loan Central News Agency nói rõ thêm là người đàn ông này, nhà cố vấn cho một thành phố nhỏ của Đài Loan, đã mất tích hôm 19/08/2019, sau chuyến đi đến Thâm Quyến.
Ông đã cung cấp nhiều hình ảnh về cuộc biểu tình ở Hồng Kông và các cuộc tập hợp của lực lượng cảnh sát Trung Quốc ngay sát biên giới trước khi mất tích.
Phát ngôn viên Văn phòng Đại diện Đài Loan quan ngại người này có nguy cơ phải đối mặt với cáo buộc « tham gia các hành vi tội phạm đe dọa an ninh đất nước ».
Tin mới
- Tham nhũng trầm trọng và thao túng của Iran tại Irak : Hậu quả do Mỹ để lại? - 05/12/2019 22:44
- Ngày đầu đình công tại Pháp: Chuyên chở công cộng gần như bị tê liệt - 05/12/2019 21:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-12-2019 - 04/12/2019 20:04
- Thượng đỉnh NATO: Tổng thống Pháp - Mỹ thể hiện rõ bất đồng - 04/12/2019 17:17
- Nguyên liệu : Nạn nhân đầu tiên trong các cuộc xung đột địa chính trị - 03/12/2019 17:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2019 - 03/12/2019 17:24
- Thượng đỉnh NATO khai mạc trong không khí nghi kỵ - 03/12/2019 16:56
- Danh sách các loại thuốc tây không nên dùng - 02/12/2019 21:15
- Việt Nam : Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là một thách thức lớn - 02/12/2019 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2019 - 02/12/2019 16:03
Các tin khác
- Nga thử tên lửa siêu thanh "không thể bắn hạ" Kinjal - 02/12/2019 15:18
- Bắc Kinh cấm chiến hạm Mỹ ghé Hồng Kông để trả đũa việc ủng hộ dân chủ - 02/12/2019 14:32
- Ấn-Nhật tập trận không quân chung để đối phó với Trung Quốc - 01/12/2019 20:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-11-2019 - 30/11/2019 20:43
- Anh: Khủng bố bằng dao ở Luân Đôn, 3 người chết trong đó có thủ phạm - 30/11/2019 19:50
- Biển Đông: Khinh khí cầu do thám của TQ bị phát hiện trên Đá Vành Khăn - 30/11/2019 18:44
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-11-2019 - 29/11/2019 20:28
- Irak : Đến lượt Bagdad rơi vào vòng xoáy bạo động - 29/11/2019 18:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-11-2019 - 29/11/2019 17:58
- Tổng thống Mỹ thông báo nối lại đàm phán với Taliban - 29/11/2019 17:34