Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chính trị Libya 2012 – 2017 : Một số diễn biến chính

libye 432

 



Bản đồ Libya
(carte : RFI)

 

Ngày 7/7/2012, cử tri Libya lần đầu tiên bỏ phiếu bầu một Quốc Hội dân chủ (Hội Nghị Toàn Quốc – CGN) hậu Kadhafi.

Tháng 4/2014, Quốc Hội đầu tiên, có trụ sở tại Tripoli, giao cho thủ tướng lâm thời Abdallah Al-Theni trách nhiệm lập chính phủ phụ trách tiến trình quá độ sang dân chủ.

Tuy nhiên, chính phủ lâm thời đã không hoàn thành được sứ mạng, trong bối cảnh các nhóm thánh chiến Hồi Giáo nổi lên ở khắp nơi, tình trạng khủng bố, cát cứ sứ quân phổ biến.

Hai Quốc Hội cạnh tranh

Tháng 6/2014, cử tri Libya bầu Quốc Hội mới (tỉ lệ tham gia 42%).

Quốc Hội mới của Libya phải tị nạn tại Tobrouk (miền đông), trong bối cảnh Tripoli rơi vào hỗn loạn.
Quốc Hội có 200 thành viên được quốc tế công nhận, phe Hồi Giáo không còn chiếm đa số.

 Đông đảo thành viên của Quốc Hội này ủng hộ tướng Haftar.
Ngày 18/8, Quốc Hội mới kêu gọi can thiệp nước ngoài để bảo vệ thường dân, trước nạn thánh chiến và băng đảng.

Ngày 23/8/2014, Quốc Hội cũ (CGN), với đa số thành viên theo Hồi Giáo chính trị, quyết định không từ nhiệm, và không thừa nhận Quốc Hội mới, đặc biệt với lý do kêu gọi nước ngoài hỗ trợ.
Tòa Án Tối Cao, trụ sở tại Tripoli, cũng bác bỏ tư cách hợp pháp của Quốc Hội mới.

Thánh chiến, bạo loạn

Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các phe phái Libya hòa giải, trong bối cảnh xung đột vũ trang bùng phát tại nhiều nơi.

Ngày 17/12/2015, các phe phái (hai Quốc Hội mới và cũ) ký thỏa thuận chính trị Skhrit (tên thành phố Macroc, nơi diễn ra sự kiện), dự kiến thành lập một Chính phủ đoàn kết quốc gia, dưới sự bảo trợ của LHQ.
Chính phủ đoàn kết quốc gia, do ông Fayez al-Sarraj làm thủ tướng, được quốc tế ủng hộ, chính thức thành lập vào tháng 1/2016.

Một nước Libya ba chính phủ

Tuy nhiên, Quốc Hội mới, đóng ở miền đông, nhiều lần tuyên bố chưa thừa nhận thủ tướng mới.
Bản thân tân Chính phủ đoàn kết quốc gia của thủ tướng Sarraj phải rất vất vả mới về đóng đô được tại Tripoli từ cuối tháng 3/2016.

 Chính phủ « cứu nguy dân tộc » của Quốc Hội cũ tại Tripoli, không được quốc tế công nhận, đứng đầu là thủ tướng Khalifa al-Ghowel, tìm nhiều cách để chống lại tân thủ tướng.

Chính phủ « cứu nguy dân tộc » giải thể vào tháng 3/2017. Cùng với việc tân thủ tướng Sarraj về Tripoli, nhiều lực lượng Hồi Giáo cực đoan bị đẩy lùi khỏi thủ đô.
Trong khi đó, tại miền đông Libya, thủ tướng lâm thời đầu tiên Abdallah Al-Theni, sau nhiều lần từ nhiệm, vẫn tiếp tục được Quốc Hội mới bầu lại.
Ông Abdallah Al-Theni được cộng đồng quốc tế công nhận là thủ tướng Libya cho đến đầu năm 2016.

Thỏa thuận hòa giải Skhirat và hỗ trợ quốc tế

Ngày 7/3/2017, Quốc Hội mới – được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhưng nhiệm kỳ kết thúc với tháng 10/2016 – tuyên bố bác bỏ thỏa thuận Skhirat 2015, đồng thời đình chỉ các hoạt động của Ủy ban đối thoại, có nhiệm vụ xem xét việc sửa đổi thỏa thuận nói trên.

 

Quyết định nói trên nhằm phản ứng lại vụ nhóm vũ trang Hồi Giáo « Lữ đoàn bảo vệ Benghazi / BDB » tấn công vào nhiều cảng dầu ở vịnh Syrte (đây là các cảng đã bị lực lượng của tướng Haftar chiếm lĩnh hồi tháng 9/2016, theo lệnh của Quốc Hội ở Tobrouk).

Thủ tướng Chính phủ đoàn kết quốc gia Sarraj lên án cuộc tấn công của BDB, nhưng một số thành viên chính phủ Tripoli lại tỏ ra thiện cảm với nhóm này.

Hồi Giáo cực đoan, Skhirat bị khai tử

Thỏa thuận Skhirat có thời hạn hai năm. Ngày 17/12/2017, đúng hai năm sau ngày Thỏa thuận Skhirat được ký kết, tướng Haftar tuyên bố thỏa thuận này là vô nghĩa, chính phủ Tripoli « ngay từ đầu đã không có tính chính đáng ».

Theo tướng Haftar, quân đội có thể là định chế duy nhất đáp ứng được « nguyện vọng của nhân dân Libya tự do ».
Haftar cho biết sẵn sàng tham gia vào các cuộc bầu cử mới, nhưng đòi hỏi Ủy ban bầu cử không được đóng trụ sở tại Tripoli, một thành phố mà ông cho là nằm dưới sự thao túng của phe Huynh Đệ Hồi Giáo.

 

Theo Niên biểu tổng hợp của RFI và Le Monde


Switch mode views: