Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-05-2013

Pháp : Tổng kết một năm cầm quyền của tổng thống Hollande

FRANCE tongthong


Tổng thống Pháp François Hollande tại Paris ngày 02/05/2013.
REUTERS/Charles Platiau


Sắp đến ngày 06/05/2013, kỉ niệm một năm đắc cử tổng thống của ông Hollande, hầu hết các báo Pháp hôm nay đều đăng bài nhận định về năm làm việc đầu tiên của ông.

Trên trang nhất báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn : « Một năm sau khi đắc cử, ông Hollande bị cô độc ở châu Âu ».

Báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi : « Liệu ông Hollande có lấy lại được lòng tin của dân chúng hay không sau một năm đương nhiệm ? ».

Báo kinh tế Les Echos cũng không bỏ qua cơ hội đăng bài : « Hollande : một năm với các cú sốc về thuế ».

Người châu Âu lên án gay gắt năm đầu tiên cầm quyền của ông Hollande. Đó là nhận định của tờ Le Figaro kèm với gương mặt suy tư của ông Hollande bên cạnh cờ châu Âu.

Theo tờ báo, ông Hollande muốn đi đầu ở châu Âu nhưng trước cuộc khủng hoảng, ông hoàn toàn cô đơn và bị lên án.

Bản tổng kết một năm đương nhiệm của ông Hollande còn lâu mới đạt được những kỳ vọng ban đầu đặt ra. Những hứa hẹn và phương hướng hành động mà ông đề ra khi tranh cử hoàn toàn không đạt được.

Đối với Le Figaro, một năm lãnh đạo nước Pháp với tỷ lệ tăng trưởng ở con số không, thất nghiệp tăng vũ bão, tính cạnh tranh kém…Gần đây nữa là trong mối quan hệ với nước láng giềng Đức, trụ cột của khối Liên Hiệp châu Âu trở nên tồi tệ vì làn sóng chống đối Đức của đảng Xã hội đòi bác bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc tại châu Âu. Đâu đâu ở châu Âu, người ta đều đặt câu hỏi : có lẽ ông Hollande đã sai khi cho rằng mình có lý quá sớm ?

Tại Đức, người ta xem việc kinh tế Pháp trì trệ chính là mối lo ngại làm cho cuộc khủng hoảng đồng euro trầm trọng hơn.

Cựu bộ trưởng bộ kinh tế Đức lên án gay gắt : « Chính phủ do đảng Xã hội Pháp lãnh đạo đã kéo nền kinh tế Pháp đi xuống nhanh chóng, không còn ngang tầm được với Đức ». Trong khi công nghiệp và thị trường tại Đức đầy sức sống thì Pháp lại đang trong tình trạng ảm đạm.

Báo Le Figaro trích nhận định của một tờ báo Thụy Điển nhận xét ông Hollande đang trong cảnh thê thảm.

Nếu tình hình kinh tế Pháp vẫn diễn ra như thế này thì chẳng bao lâu nền kinh tế này cũng suy sụp như Tây Ban Nha.

Báo kinh tế Les Echos có cách tiếp cận khá sâu sắc chủ đề này. Tờ báo dành ra hai trang lớn với các bức ảnh về những khoảnh khắc quan trọng trong một năm lãnh đạo của ông Hollande.

Nào là ảnh lúc đắc cử tổng thống, sau đó đến vụ tai tiếng cạnh tranh của người tình cũ và người tình mới trên Tweeter, hay vụ đóng cửa xưởng ArcelorMittal tại Florange bị người dân lên án như sự « phản bội » của chính phủ, và cả vụ đau đầu khi đánh thuế 75% đối với những người có thu nhập trên một triệu euro.

Nhận định chung của tờ báo là ông Hollande bị giảm tín nhiệm nghiêm trọng.

Mặc dù đã đưa ra một số cải cách nhưng sự thay đổi vẫn chưa diễn ra vào lúc này. Bất đồng tại Bộ tài chính về hồ sơ tập đoàn Yahoo Mỹ muốn mua lại trang Dailymotion làm hoen ố sinh nhật một năm nhậm chức của ông Hollande.

Theo thăm dò của CSA thì ít hơn 1/3 dân Pháp tin tưởng vào ông Hollande. Khi phỏng vấn dân Pháp về các sự kiện đáng chú ý nhất trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Hollande thì sự kiện hàng đầu là các cuộc biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính (52%), sau đó là kỷ lục thất nghiệp tăng cao (48%), vụ cựu bộ trưởng Ngân sách Cahuzac trốn thuế (38%).

Trong biểu đồ đánh giá so sánh sự tín nhiệm của ba tổng thống Pháp là ông Chirac, Sarkozy và ông Hollande, ông Hollande giữ con số thấp kỷ lục, điểm tín nhiệm sau một năm (31%).

Tờ báo Công giáo La Croix cũng tốn nhiều giấy mực cho sự kiện này.

Theo tờ báo, để chiếm lại lòng tin của dân chúng Pháp và vượt qua khó khăn hiện tại, ông Hollande cần xoáy vào bốn vấn đề : định hình lại khuynh hướng chính trị rõ ràng, giảm thất nghiệp, xây dựng lại lòng tin trong dân chúng, từ bỏ các cuộc cải cách gây chia rẽ dân chúng.

Báo Cộng sản l’Humanité thì đăng bài cho biết cánh cực tả của ông Mélenchon kêu gọi người dân xuống đường diễu hành vào chủ nhật này để thể hiện sự phẫn nộ và kêu gọi thay đổi sang nền Đệ lục cộng hòa sau một năm làm việc của ông Hollande.

Boston : hướng điều tra một mạng lưới khủng bố làm nước Mỹ lo sợ

Trở lại với tiến trình điều tra vụ đánh bom tại Boston, báo Le Figaro hôm nay đăng bài cho biết hai thanh niên người Kazakhstan và một người Mỹ đã giấu giếm chứng cứ sau vụ khủng bố.

Tờ báo đăng bức ảnh người em Djorkhar Tsarnaïev cùng với hai bạn người Kazakhstan ở đại học Massachusetts.

Từ một năm nay, ba người này rất thân nhau và hầu như không rời nhau nửa bước. Mối quan hệ của họ không còn đơn giản là tình bạn nữa mà có thể trở thành tòng phạm trong vụ đánh bom.

Hai sinh viên gốc Kazakhstan du học tại Mỹ, một người 19 tuổi, còn người kia 20 tuổi bị nghi ngờ đã tẩu tán các chứng cứ sau cuộc khủng bố.

Luật sư của sinh viên này thì chối bỏ và khẳng định hai người này hoàn toàn ghê sợ khủng bố và không có ý đồ nào trong vụ việc.

Tòng phạm bị tình nghi thứ ba là Robel Philipos, nhân vật này đã từng giao du với Djokhar từ trung học.

Mới đây, người này đã bị buộc tội nhân chứng gian vì đã nói dối ba lần trước các nhà điều tra, và có nguy cơ lãnh án 8 năm tù và 250 000 đô-la tiền phạt.

Theo tờ báo, thay vì báo cảnh sát, ba người bị nghi là tòng phạm của Djokhar đã mang túi xách và máy tính xách tay của Djokhar về nhà mình.

Do hoảng sợ trước sự truy lùng của cảnh sát vào đêm hôm đó, họ đã vứt các vật này vào một xa tải chở rác. Các nhà điều tra đặt câu hỏi liệu ba người này có biết trước ý định đánh bom của bạn mình không ? Một tháng trước khi đánh bom, Djokhar đã khẳng định với họ là có khả năng chế tạo bom.

Tin tức nóng hổi trên gây xôn xao dư luận Mỹ. Người ta tự hỏi tại sao lại cấp visa du học cho thành phần « lựa chọn đứng về phía khủng bố và thù địch của quốc gia ».

Hết sức phẫn nộ, nghị sĩ John McCain kêu gọi xem xét kỹ hệ thống nhập cư : « Chúng ta cần điều tra quá khứ và hồ sơ của những người được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ đặc biệt là các thành phần xuất thân từ một số nước với nhiều lich sử phức tạp như Daguestan và Tchetchnia.

Bồ Đào Nha : thiên đường thuế mới cho các hưu trí Pháp

Ít thông dụng như Thụy Sĩ, ít nổi tiếng hơn Bỉ nhưng giờ đây Bồ Đào Nha trở cơ thể trở thành thiên đường thuế lý tưởng cho các hưu trí Pháp. Đây là nội dung đăng trên báo Le Figaro trong mục kinh tế.

Đầu đội mũ rơm, tay cầm bánh mì, giờ đây, các hưu trí Pháp có thể thử di cư sang vùng biển chan hòa ánh nắng bên Bồ Đào Nha để tránh thuế khóa nặng nề của Pháp.

Theo ông Xavier Rohmer, luật sư thuộc ca-bi-nê Auguste & Debouzy, hưu trí Pháp khi sống tại Bồ Đào Nha có thể được miễn thuế thu nhập khi làm việc cho các công ty tư nhân.

Một thông tư ban hành ngày 3/08/2012 và đã có hiệu lực từ ngày 1/01/2013 cho biết cư dân thường trú tại Bồ Đào Nha khi lãnh lương hưu từ nước ngoài được miễn thuế khi làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, một điều kiện đặt ra là ứng cử viên muốn di cư sang Bồ Đào Nha phải hoàn toàn mới, chưa từng cư trú thuế tại Bồ Đào Nha trong vòng 5 năm gần đây.

Lisboa hi vọng những người nhập cư sẽ chi tiêu túi tiền của họ và đầu tư vào Bồ Đào Nha nhằm hỗ trợ tăng trưởng tại nước này.

Thỏa thuận của Pháp-Bồ Đào Nha không hề mâu thuẫn bởi Pháp cho phép Bồ Đào Nha có quyền đánh thuế hay không những người hưu trí Pháp.

Tuy nhiên, để tận dụng thiên đường lí tưởng này, người Pháp cần chứng minh được sự hiện diện ít nhất 183 ngày tại Bồ Đào Nha. Đồng thời, họ không được còn tài sản nào tại Pháp đặc biệt là bất động sản.

Chính sách thuế có lợi này được dự định kéo dài trong vòng 10 năm. Đây không phải là thiên đường thuế lý tưởng cho hết thảy mọi người vì những nguồn thu nhập khác vẫn bị đánh thuế.

Thưởng bằng tiền mặt : thiếu nhất quán trong lời lẽ biện minh của ông Guéant

Trở lại thời sự tại Pháp, báo Le Monde hôm nay đăng bài về vụ tài khoản đáng nghi của cựu bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant.

Qua các cuộc phỏng vấn, ông liên tục thanh minh cho vụ việc trên nhưng dường như lời bào chữa của ông đang chống lại ông.

Khi khám xét nhà ông Guéant trong cuộc điều tra tài trợ của Lybia cho cuộc tranh cử tổng thống của ông Sarkozy vào năm 2007, cảnh sát đã khám phá một số tiền đáng nghi được trả bằng tiền mặt từ 20 000 đến 25 000 euro.

Theo ông Claude Guéant, đó là tiền thưởng ông nhận được dưới chế độ phát tiền mặt cho một số cảnh sát cho đến năm 2006 để bảo vệ tính vô danh cho công chức. Một sự biện hộ gây nhiều nghi ngờ và ý kiến đối lập từ một số cựu quan chức thời đó.

Cựu bộ trưởng Chantal Jouanno khẳng định « Tôi chỉ nhận tiền thưởng qua tài khoản chứ chẳng có tiền mặt ».

Cựu bộ trưởng Nội vụ Daniel Vaillant giai đoạn 2000-2002 bất ngờ về lời thanh minh của ông Guéant vì cho đây là cách biện minh không đáng tin.

Một điểm thiếu nhất quán trong lời lẽ của ông Guéant là « chính ông và dưới thời Sarkozy đã chấm dứt hệ thống thưởng bằng tiền mặt năm 2006 » nhưng lúc phát hiện ra số tiền đáng nghi của ông thì « hệ thống trả tiền mặt này » đã không còn nữa.

Liệu số tiền mà ông đang sở hữu có hợp pháp chăng ?

Ông Guéant còn bị thẩm vấn vì vụ một chuyển khoản tiền trị giá 500 000 euro trên tài khoản của ông.

Theo như giải thích của ông thì khoản tiền này xuất phát từ việc ông bán các bức tranh. Nhưng theo giới chuyên gia thẩm định thì bức tranh không tới giá này. Hơn nữa, việc bán một bức tranh quý giá ra nước ngoài đòi hỏi phải xin giấy phép xuất khẩu trong khi trong hồ sơ lưu trữ của Bộ Văn hóa, ông chưa từng làm điều này.

Marina Picasso bán hai bức tranh của ông nội mình

Trong mục thời sự văn hóa, báo Le Figaro đăng bài cho biết đây là lần đầu tiên sau khi họa sĩ Picasso qua đời cách đây 40 năm, cháu gái của ông muốn bán hai bức tranh nhằm tài trợ cho hoạt động nhân đạo.

Hai bức tranh thuộc trường phái ấn tượng và hiện đại sẽ được bán vào ngày 6/06. Một bức được định giá từ 1 đến 1,5 triệu euro còn bức kia được định giá từ 2,5 đến 3,5 triệu euro. Đối với Martina Picasso, đây là lần đầu tiên bà quyết định bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật này.

Bà sinh ra ở Cannes, là con gái của Paulo, người con trai của cuộc hôn nhân thứ nhất của Picasso. Lần bán đấu giá này được tổ chức cùng lúc kỷ niệm 40 năm qua đời của danh họa Picasso. Tiền bán được nhằm ủng hộ các tổ chức giúp đỡ các trẻ em đơn độc và thanh thiếu niên khó khăn. Hiện tại bà có 5 người con, trong đó có 3 người con nuôi.

Chính tại Việt Nam bà đã tài trợ rất nhiều cho một trại trẻ mồ côi ở Thủ Đức, ngoại ô TP. Hồ Chí Minh.

Bà còn đầu tư các phương tiện vật chất kỹ thuật cho bệnh viện Nhi tại TP.Hồ Chí Minh.

Ở Pháp, bà đặc biệt giúp đỡ các hoạt động từ thiện tại Cannes và Nice.


Switch mode views: