Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Những món quà của Trung Quốc: Phúc hay họa cho Cam Bốt ?

qua TQ -Cambot

Hàng trang trí cho Tết âm lịch phục vụ khách Trung Quốc được bày bán tại Phnom Penh, 11/02/2018.
TANG CHHIN Sothy / AFP

Theo tác giả Pheakdey Heng thuộc Enrich Institute viết trên Diễn Đàn Đông Á, năm nay là năm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Cam Bốt với Trung Quốc, và mối liên hệ giữa đôi bên chưa bao giờ chặt chẽ như thế.

Trung Quốc ngày càng là đối tác kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Cam Bốt.
Chỉ riêng trong hai năm vừa qua, Cam Bốt đã ký kết hơn 30 thỏa thuận song phương với Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất từ năm 2013 đến 2017, trong thời gian này đã bỏ vào tổng cộng 5,3 tỉ đô la.

Riêng trong năm 2017, đầu tư từ Trung Quốc vào bất động sản ở Cam Bốt đã là 1,4 tỉ đô la, chiếm đến 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này.

Thương mại song phương năm ngoái đạt trên 5,1 tỉ đô la. Hàng Cam Bốt xuất sang Trung Quốc hầu hết là nông sản như gạo, khoai mì, hạt điều, dầu cọ, trong khi nhập về từ Trung Quốc xe hơi, xe gắn máy, vật liệu xây dựng, vải, thuốc lá, thuốc trừ sâu.

Cũng trong năm 2017, Cam Bốt nhận được khoảng 4,2 tỉ đô la từ Trung Quốc dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ.
Đến cuối 2017, nợ công của chính phủ Cam Bốt cộng dồn lại là 9,6 tỉ đô la, trong đó 42% là nợ Trung Quốc.

Trung Quốc đã làm thay đổi hẳn Cam Bốt.

Tiền từ Trung Quốc đã giúp Cam Bốt cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối với khu vực và tăng tính cạnh tranh.
Cho đến cuối năm ngoái, đã có hơn 2.000 km đường, 7 cây cầu lớn và một cảng container mới đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
 Đầu tư vào ngành dệt may cũng đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho nửa triệu công nhân.

Trong lãnh vực du lịch, Trung Quốc đầu tư nhiều dự án lớn, trong đó có một phức hợp resort quốc tế ở tỉnh Koh Kong, một tổ hợp nghỉ dưỡng và khách sạn năm sao tại Preah Sihanouk.
Khách du lịch Trung Quốc đến Cam Bốt vượt quá một triệu người trong năm 2017, mang lại 700 triệu đô la cho nền kinh tế.

Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về năng lượng, với tổng vốn trên 7,5 tỉ đô la cho bảy nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỉ đô la cho hai nhà máy điện chạy bằng than đá.
Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc càng lớn, quan ngại càng tăng tại Cam Bốt.

Mặc dù có những lợi ích kinh tế, việc quá lệ thuộc vào Bắc Kinh mang lại nhiều rủi ro.
Dựa dẫm vào viện trợ từ Trung Quốc có thể khiến Cam Bốt rơi vào bẫy nợ, mất đi sự tự chủ và chủ quyền, đồng thời làm xấu đi mối quan hệ với các nước ASEAN.

Tình trạng thiếu minh bạch, không có sự giải trình về các dự án của Trung Quốc tạo ra những thách thức về xã hội và môi trường.
Các công ty Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Cam Bốt, mà không quan tâm đến các nguyên tắc quốc tế, các nhân tố xã hội dân sự.
Đập Kamchay, dự án lớn nhất của Trung Quốc tại Cam Bốt, là một minh chứng cụ thể.

Đập thủy điện này khiến 2.000 hecta rừng có thảm thực vật phong phú bị phá hủy, nhiều loài thú bị đe dọa, chất lượng nước xuống thấp, ảnh hưởng tiêu cực đến kế sinh nhai của cộng đồng địa phương.

Công ty Union Development của Trung Quốc được nhượng đến 40.000 hecta đất, gấp bốn lần số lượng mà luật pháp Cam Bốt cho phép, để phát triển một trung tâm du lịch nhiều tỉ đô la tại tỉnh Koh Kong.

Các tổ chức nhân quyền báo động việc những ngư dân sinh sống trong khu vực qua nhiều thế hệ đã bị trục xuất một cách tùy tiện.
 Các ngư dân này bị đưa vào sâu trong nội địa, và bảo rằng bây giờ họ trở thành nông dân !

    Đọc thêm: Sihanoukville, thuộc địa Trung Quốc ?

Đầu tư của Trung Quốc vào thị trường địa ốc hầu như chỉ dành riêng cho giới thượng lưu Cam Bốt, khách du lịch Trung Quốc và doanh nhân.
Luồng đầu tư này làm giá thị trường tăng lên, khiến việc mua nhà đối với hầu hết người dân Cam Bốt trở nên không mơ thấy nổi.

Thành phố Sihanoukville, trước kia là thành phố nghỉ dưỡng ven biển hàng đầu cả nước, bị Trung Quốc biến thành một thành phố casino sôi động.
Số lượng du khách Trung Quốc cao chưa từng thấy và lượng casino đông đảo tại đây chỉ mang lại lợi lộc cho một thiểu số rất nhỏ người giàu Cam Bốt.

Đa số người dân địa phương đành phải rời nơi sinh sống quen thuộc của mình vì vật giá lên quá cao, không kham nổi.
Lợi ích do đầu tư Trung Quốc mang lại chỉ nằm gọn trong cộng đồng người Hoa.

Cư dân gốc Hoa và du khách từ Hoa lục chỉ mua hàng từ những cửa hàng do người Hoa làm chủ, ăn uống trong những nhà hàng Trung Quốc, lưu trú tại những khách sạn của người Hoa.
Các doanh nghiệp địa phương may mắn lắm chỉ vớt vát được chút ít « cơm thừa canh cặn ».

Tác giả kết luận, chia sẻ trách nhiệm và hợp tác với nhiều đối tác cần phải là nguyên tắc chỉ đạo khi đón nhận đầu tư nước ngoài.
Nhưng liệu có khả thi với một chính quyền đầy tai tiếng tham nhũng, và người « bạn vàng » phương bắc từng bị không ít cáo buộc là « thực dân mới » ?

Switch mode views: