Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ý chỉ định thủ tướng tạm thời trong khi chờ bầu cử trước thời hạn

Italy-politics 0


Ông Carlo Cottarelli, được chỉ định làm quyền thủ tướng Ý, phát biểu với các nhà báo, sau cuộc gặp với tổng thống Sergio Mattarell, điện Quirinal, Roma, ngày 28/05/2018
REUTERS

Bất chấp phản đối của hai đảng dân túy, tổng thống Sergio Mattarella hôm nay, 28/05/2018, đã giao cho ông Carlo Cottarelli, một nhân vật chủ trương siết chặt ngân sách, trách nhiệm lãnh đạo một chính phủ kỹ trị, trong khi chờ tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn.

Ông Carlo Cottarelli vừa thông báo là cuộc bầu cử trước thời hạn này sẽ diễn ra trễ nhất là đầu năm 2019, nhưng chắc là vào mùa thu năm nay.

Hôm qua, nước Ý lại lâm vào khủng hoảng sau khi nhân vật được chỉ định giữ chức thủ tướng, luật gia Giuseppe Conte, hôm qua đã bỏ cuộc do tổng thống Sergio Mattarella dứt khoát không chấp nhận bổ nhiệm một vị bộ trưởng do phe hai đảng dân túy đề nghị.
Đảng Liên đoàn ( Lega) và đảng 5 sao đã đề nghị kinh tế gia Paolo Savona, 81 tuổi, một nhân vật chống hợp nhất châu Âu, làm bộ trưởng Kinh tế và Tài Chính.

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng giải thích:

Tổng thống Sergio Mattarella đã không chấp nhận đề nghị đưa ông Paolo Savona, một nhà kinh tế học, từng làm việc cho ngân hàng quốc gia Ý, vào chức vụ bộ trưởng Kinh Tế.
Tổng thống cũng nói thêm rằng đây là phủ quyết duy nhất trên danh sách đề cử các bộ trưởng trong hội đồng chính phủ của ông Giuseppa Conte.
Cũng nên biết rằng theo điều luật 87 của Hiến Pháp hiện hành, tổng thống hoàn toàn có quyền phủ quyết việc đề cử vào các chức vị bộ trưởng của hội đồng chính phủ.

Thực ra thì từ mấy hôm nay ai cũng biết là tên của Paolo Savona đã không nhận được sự "tán đồng" từ phía dinh Tổng thống, chả thế mà trong 48 tiếng đồng hồ vừa qua đã có nhiều nguồn tin báo chí nói về những "giải pháp" để tìm cách "vượt cạn", để Ý có thể có chính phủ.
Thậm chí đảng 5 sao đã đi đến đề nghị tách rời bộ Kinh Tế ra làm hai bộ riêng rẽ gồm bộ Tài Chính và bộ Kinh Tế với mục đích làm giảm "trọng lượng" của Paolo Savona.

Nhưng tất cả các giải pháp thương thuyết đều bất thành, vì Salvini của Lega vẫn cương quyết áp đặt tên của Paolo Savona vào chức vụ bộ trưởng Kinh Tế.
Thậm chí Salvini còn "hăm dọa" rằng hoặc Savona giữ bộ Kinh Tế hoặc phải Ý bầu lại Quốc Hội mới.

Paolo Savona là ai ? Và vì sao Salvi của Lega cứ nằng nặc đòi bằng được ghế bộ trưởng Kinh Tế cho ông ta ?
Và vì sao mà phía tổng thống Ý lại phủ quyết đề nghị nói trên ?

Lý do là ông Paolo Savona, trong cương vị nhà kinh tế học, đã từng tuyên bố chống lại sự hội nhập châu Âu và chống lại đồng euro.
Thậm chí ông ta còn cho rằng euro là một thất bại chính sách tiền tệ của châu Âu.

 Đối với tổng thống Sergio Mattarella, nếu ông Savona nắm bộ Kinh Tế, vốn là bộ quan trọng nhất trong Hội Đồng Bộ Trưởng, các quyết định của bộ này sẽ lập tức có ảnh hưởng đến thị trường tài chính không chỉ riêng của Ý mà châu Âu và quốc tế, có xu hướng đi ngược lại sự hội nhập của Ý trong châu Âu và thậm chí có thể đưa nước Ý ra khỏi khối đồng euro, hay ít ra cũng sẽ gây ra nhiều căng thẳng giữa chính phủ Ý với các chính phủ thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.

Trong phát biểu với báo chí, tổng thống Sergio Mattarella cho biết là ông đã cố gắng tìm đủ mọi cách để giải quyết vấn đề bộ trưởng Kinh Tế.
Thậm chí trong buổi hội kiến với Salvini vào sáng cùng ngày 27/05, tổng thống Sergio Mattarella đã đưa ra đề nghị thay ông Paolo Savona bằng bất cứ một nhân vật nào của Lega mà Salvini tin tưởng.
Nhưng Lega vẫn khăng khăng giữ tên Paolo Savona.

Trong khi Lega nhất quyết không lùi một bước, thì trong 48 tiếng đồ hồ trước đó phía 5 sao cũng có những cố gắng tìm cách "thay ngựa" để không bị tổng thống phủ quyết. Nhưng bất cứ "sáng kiến" nào của 5 sao cũng đều bị Lega thẳng thừng bác bỏ.

Hai chiến lược khác nhau giữa 5 sao và Lega

Lý do rất đơn giản là Di Maio và Salvini áp dụng hai chiến thuật khác nhau.
 Đối với Di Maio, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố gắng lập chính phủ do liên minh dân tuý đề xướng.

 Một sự thất bại trong việc lập chính phủ sẽ đồng nghĩa với thất bại sự nghiệp chính trị của Di Maio và trong nội bộ lãnh đạo 5 sao cũng đã có nhiều tên tuổi không mấy gì "hảo" với Di Maio, đang chỉ chực chờ thất bại lập chính phủ để đỗ tội bất tài cho Di Maio đã làm 5 sao mất cơ hội lên cầm quyền. Tức là ngay trong nội bộ 5 sao cũng đã có chia rẽ.

Trong khi đó, ngược lại, lãnh đạo Lega hoàn toàn thống nhất đứng sau lưng của Salvini, và dù cho có lập được chính phủ hay không thì thanh thế của Salvini trong nội bộ Lega vẫn không hề suy yếu, thậm chí Salvini với vị trí bất nhân nhượng, kình chống Châu Âu, cho phép ông nâng cao uy tín trong giới cử tri.

Bằng chứng là theo các cuộc thăm dò ý kiến trong tuần qua, Salvini là nhân vật số một có nhiều uy tín nhất, và nếu đi bầu lại quốc hội ngay bây giờ thì Lega có thể tăng phiếu, trong khi 5 sao có thể bị mất phiếu vì sự thất bại trong việc lập chính phủ.
Thực chất "tên" Paolo Savona không phải là lý do thực sự của sự khủng hoảng vô chính phủ hôm nay.

Nếu muốn, liên minh dân tuý, nhất là Lega, có thể đưa ra những nhân vật khác hoàn toàn là người của Lega, nhưng không kình chống Châu Âu và đồng euro ra mặt như Savona.
Nhưng đối với Salvini của Lega thì đấy chỉ là cái cớ để "xù bài" và đi bầu lại. Vì Salvini hy vọng rằng trong lần bầu cử tới liên minh dân tuý 5 sao và Lega có thêm phiếu (tức là sẽ có đa số vững vàng trong quốc hội), và nhất là riêng đảng Lega sẽ tăng thêm phiếu, tức là tăng thêm trọng lượng trong các cuộc hiệp thương lập chính phủ với 5 sao.

Chính phủ Cottarelli tạm điều hành nước Ý

Trong điều kiện trước mắt thì sẽ chỉ có đảng Dân Chủ PD và đảng Forza Italia của Berlusconi ủng hộ chính phủ Cottarelli, và nếu không có thêm sự ủng hộ nào khác thì coi như chính phủ sẽ không có đa số trong quốc hội.
Nhưng theo hiến pháp thì dù không có đa số, chính phủ vẫn sẽ được duy trì để "điều hành các vấn đề hành chánh của nhà nước".

Trên thực tế, trong trường hợp nói trên, chính phủ Carlo Cottarella chỉ có nhiệm vụ đưa ra kế hoạch ngân sách tài chính nhà nước cho năm tới để đệ trình lên Uỷ ban Châu Âu vào tháng 9 theo thời khoá biểu đã vạch sẳn, và điều hành nhà nước cho đến khi có quốc hội mới.

Carlo Cottarelli, 62 tuổi, là một chuyên gia kinh tế nỗi tiếng ở Ý, từng là nhân viên của ngân hàng nhà nước Ý từ đầu những thập niên 80.
Hồi năm 2013, ông ta đã được chính phủ trung-tả dưới thời thủ tướng Enrico Letta bổ nhiệm phụ trách "rà soát các kế hoạch chi tiêu của nhà nước".
Đến năm 2014, dưới thời Thủ tướng Matteo Renzi, ông được bổ nhiệm vào hội đồng của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF - International Monetary Fund)

Phía liên minh dân tuý, nhất là Lega, thì muốn đi bầu lại càng sớm càng tốt vốn để tận dụng tối đa thanh thế đang lên của Lega. Thậm chí Lega còn dự kiến là sẽ đi bầu lại vào mùa thu năm nay.

Nhưng các đảng phái khác, nhất là đảng Dân chủ PD, cũng như đảng Forza Italia hoàn toàn ở thế bị động nếu phải lao mình vào một chiến dịch tranh cử nay mai, nhất là lại diễn ra vào mùa hè, vốn là thời điểm đa phần cử tri lại đi nghĩ hè.

Điều hiển nhiên nhất là trong kịch bản đi bầu lại này, nước Ý lại sẽ phải chịu thêm vài tháng bất ổn định vì không có chính phủ, và tình hình bất ổn định nói trên cũng có thể sẽ tạo ra những xáo động trên thị trường tài chính, gây thêm khó khăn cho Ý, vốn là nước có nợ công lớn nhất trong khối Châu Âu.
Chả thế mà chỉ trong có mấy ngày mà chỉ số spread giữa công trái nhà nước Ý và công trái nhà nước Đức đã tăng hơn 200 điểm.

Liên minh dân tuý đã vội vàng tuyên bố rằng việc chỉ số spread tăng vọt là do các kế hoạch đen tối của các "thế lực kinh tế" Châu Âu, nhằm gây áp lực lên liên minh dân tuý.
 Y hệt như giọng điệu của Berlusconi hồi năm 2011, khi ông ta bị mất đa số trong quốc hội và phải từ nhiệm thủ tướng."

Switch mode views: