Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-04-2013

 Miến Điện : Nguy cơ một xã hội hỗn loạn

meiktila tinan


Người tị nạn tìm đến sân vận động, một chỗ trú ẩn an toàn cho người Hồi giáo tại Meikhtila, nơi xảy ra những vụ xung đột tôn giáo vào ngày 22/03/2013.
REUTERS/Soe Zeya Tun/Files


Miến Điện đã tiến một bước dài trong quá trình dân chủ hóa. Thế nhưng, bên cạnh đó đã xảy ra các cuộc bạo động chống Hồi giáo.

Xung đột với các sắc tộc thiểu số dai dẳng từ hàng chục năm nay. Xem ra ngọn lửa bạo loạn này khó mà dập tắt được một cách nhanh chóng.

Trong bài xã luận « Miến Điện: Nguy cơ một xã hội hỗn loạn » nhật báo Le Monde phân tích.

Đất nước này được xem như một bức tranh lắp ghép của 135 dân tộc khác nhau. Tại đây, họ nói hàng trăm thứ tiếng khác nhau.

Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Tin lành và Khổng giáo chung sống với nhau. Cho nên cai trị đất nước này quả là một thách thức, mà thống nhất đất nước lại càng là một « ảo ảnh ».

Từ khi thống nhất vào năm 1948, các dân tộc thiểu số đã từ chối hòa mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Mặc dù đã có các hiệp định ngừng bắn, cho tới bây giờ thì chưa giải quyết được gì.

Người ta lo ngại rằng tiến trình dân chủ hóa quá nhanh tại Miến Điện đang kích thích ngày càng nhiều người bạo động. Tại đây, không phải lúc nào quân lính cũng tuân lệnh Tổng thống.

Tổng thống Thein Sein từng ra lệnh chấm dứt khói lửa ở miền Bắc với tộc người thiểu số Kachin thế nhưng vô ích.

Còn về phía bà Aung San Suu Kyi, bà từng là người đáng ghét nhất của chế độ, giờ đây liên tục gia tăng các thỏa thuận với chính quyền.

Bà hy vọng đắc cử Tổng thống vào năm 2015. Người ta bắt đầu trách bà đã chưa phát biểu rõ ràng với công chúng, đặc biệt là về việc lên án những người gây bạo động, mà phần lớn thuộc Phật giáo chống lại Hồi giáo.

Do đó, người ta tự hỏi có phải bà lo rằng kết tội thành phần này có thể làm giảm tín nhiệm của bà khi mà dân số theo Phật giáo tại đây là không nhỏ.

Hơn bao giờ hết, người dân Miến Điện cần nghe tiếng bà, người được xem như một vị thánh.

Tổng thống Thein Sein chính là nhà cải cách và sẽ cùng với bà Aung San Suu Kyi đưa đất nước ra khỏi đêm tối.

Vào tháng này, cộng đồng châu Âu sẽ quyết định có sẽ bãi bỏ hay không các trừng phạt nước này được ban hành sau các vụ trấn áp dân chúng trước đây. Nhưng châu Âu cần phải giúp đỡ hai vị lãnh tụ này và đưa ra một hiệp ước thương mại có lợi cho đất nước này.

Trung Quốc cố gắng tránh một đại dịch cúm gia cầm mới

Dịch cúm gia cầm H7N9 đến nay đã làm thiệt mạng 6 người tại Trung Quốc và là một mối quan ngại đối với người dân nước này cũng như trên thế giới.

Không chỉ thiệt hại về người, dịch bệnh này còn ảnh hưởng đến kinh tế và một số lĩnh vực thương mại khác đặc biệt là ngành hàng không.

Bàn về tình hình này, báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « Nỗi sợ dịch cúm quay trở lại ».

Cách đây 10 năm, vào năm 2003, đại dịch viêm phổi cấp tính SARS nổ ra tại Hồng Kông đã lấy đi mạng sống của 800 người.

Giờ đây, Trung Quốc đang cố thử tránh chống dịch bệnh mới này lây lan thành đại dịch. Các trường hợp nhiễm bệnh đa số là ở Thượng Hải.

Tờ báo cho biết bên kia bờ Thái Bình Dương, giới hữu trách y tế Hoa Kỳ theo dõi diễn biến tình hình và bắt đầu nghiên cứu loại vắc-xin phòng bệnh này. Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng đã nhanh chóng ra lệnh minh bạch thông tin về dịch bệnh.

Trước đây, vào năm 2003, Bắc Kinh bị tố cáo đã ém nhẹm dịch bệnh SARS trong nhiều tuần.

Ngay thứ Sáu tuần trước, buôn bán gia cầm bị cấm và các cuộc giết hàng loạt diễn ra tại các thành phố thuộc bờ Đông nhằm ngăn chặn sự lây lan.

Về phần mình, tổ chức quốc tế thế giới WHO đảm bảo chưa tìm thấy trường hợp nhiễm bệnh nào lây từ người sang người. Do đó, người ta loại trừ khả năng phát thành đại dịch.

Người ta vẫn còn nhớ như in những thiệt hại đáng kể mà đại dịch SARS gây ra trên lĩnh vực kinh tế hồi năm 2003.

Ngành hàng không là thiệt hại nặng nhất. Theo thông tin từ các hãng hàng không châu Á và châu Âu, tỉ lệ các chuyến bay giảm mạnh. Tại Paris, hoạt động của Air France-KLM giảm hơn 6%. IAG (Bristish Airway-Iberia) và Lufthansa cũng lần lượt giảm 6,3% và 4,3%.

Thậm chí hai hãng giá rẻ là Easyjet và Ryanair không bay đi châu Á, nhưng hoạt động cũng giảm đi 4% và 3%.

Tại Trung Quốc, hãng hàng không hàng đầu là China Air cũng sụt giảm 12% hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, ngoại trừ các biện pháp vẫn thường dùng để kiểm tra hành khách tại sân bay, người ta vẫn chưa đưa ra các hạn chế nào về giao thông, cũng như chưa có một tác động nào về giao thông hàng không và đặt vé.

Air France nhận định rằng : « Chúng tôi đang trong thế chuẩn bị, nhưng chúng tôi chưa đưa ra một biện pháp nào đặc biệt, khi mà tổ chức quốc tế thế giới chưa xếp loại dịch bệnh này thành đại dịch. »

Còn tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán cũng chịu tác động rõ rệt của bệnh cúm gia cầm mới này. Ví dụ như thị trường chứng khoán Thượng Hải đã đóng cửa vào thứ sáu vừa qua.

Chỉ số chứng khoán của Hồng Kông cũng giảm 2,73%. Các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi đợi xem kết quả đăng con số thất nghiệp tại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan như đặt máy caméra đo nhiệt độ người tại các sân bay, đeo khẩu trang, đóng cửa một số trường học, cho một số người nghỉ làm hay cách ly một số vùng phát bệnh với phần còn lại của đất nước.

Trung Quốc : Khu « ổ chuột » dưới lòng đất Bắc Kinh

Vẫn trong dòng thời sự tại Trung Quốc, mục địa-chính trị trên tờ báo độc lập Le Monde có bài viết khá hấp dẫn về khu ổ chuột dưới lòng đất tại thủ đô Bắc Kinh. Gần nửa triệu di cư lao động vì quá nghèo không đủ tiền thuê nhà phải sống dưới lòng đất, trong những căn hộ được xây từ thời Mao Trạch Đông nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Liên Xô cũ.

Đây là một dấu tích của một cuộc chiến chưa hề xảy ra giữa Trung Quốc và Liên Xô.

Vào năm 1969, hai nước đồng minh cộng sản bỗng nhiên trở thành đối thủ và sắp lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Các cuộc đụng độ vùng biên giới gia tăng.

Bắc Kinh đề phòng trường hợp xấu nhất là bị tấn công bằng hạt nhân. Do đó, Mao Trạch Đông đã cho xây dựng « một thành phố dưới lòng đất » nhằm làm nơi lánh nạn cho người dân khi chiến tranh xảy ra.

Công trình này được xây dựng trong khoảng chục năm. Người ta còn dự trù xây dựng cả rạp chiếu phim cũng như tiệm cắt tóc dưới lòng đất nhưng công trình này chưa bao giờ đựợc sử dụng. Cho đến những năm 1990, người ta còn có thể tham quan một phần công trình này.

Những năm gần đây, thành phố ngầm này được dùng làm nơi cư trú cho các công nhân di cư, thường là thành phần trẻ và từ các tỉnh lẻ đổ về. Số lượng này chiếm 1/3 trong 20 triệu dân tại Bắc Kinh. Do giá cả bất động sản đắt đỏ, họ buộc phải thuê dưới lòng đất.

Người ta gọi những người sống ở đây là « tổ chuột ». Thành phần này đa số làm các nghề như nhân viên phục vụ, thợ cắt tóc, bảo vệ hay đầu bếp.

Họ trả tiền nhà với giá thấp hơn 700 nhân dân tệ (88 euro) với một phòng 8 m2 chỉ đủ kê một chiếc giường. Phòng tắm và nhà vệ sinh thì dùng chung. Thế nhưng đối với họ thì không có sự khác biệt nào mấy với những người sống trên mặt đất.

Khác biệt duy nhất là họ không thấy mặt trời.

Chính quyền địa phương muốn chấm dứt việc cho thuê các căn hộ dưới lòng đất. Từ năm 2010, chính quyền chính thức không ký các hợp đồng thuê mới. Thành phố dự định đóng cửa hết các căn hộ này từ nay đến cuối năm vì cho là đây là khu độc hại, dơ bẩn và hỗn độn.

Thế thì người dân trọ tại đây sẽ đi đâu ?

Siết chặt quản lý chống trốn thuế tại châu Âu

Trở lại với thời sự tại Pháp, vụ Cahuzac đã rung một hồi chuông cảnh báo buộc chính quyền Pháp siết chặt hơn nữa các vụ trốn thuế.

Trong mục kinh tế của báo cánh hữu Le Figaro có bài viết cho biết Bộ trưởng Kinh tế Pháp Moscovici hứa hẹn sẽ tăng cường chống trốn thuế tại châu Âu.

Ông muốn tự động hóa trao đổi các thông tin ngân hàng giữa các quốc gia thành viên. Nhưng xem ra rất khó do các nước phải đồng thuận về quy định thuế.

Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Pháp thông báo sẽ đề nghị các đồng nhiệm của mình tại châu Âu đưa ra các biện pháp nhằm chống gian lận thuế. Pháp sẽ cùng với Đức đưa ra giải pháp chung nhằm tiến xa hơn trong vấn đề chống nạn rửa tiền.

Liên quan đến vụ Cahuzac, Bộ trưởng Moscovici khẳng định rằng « đã làm những gì có thể và những gì phải làm » và ông không hề biết tài khoản ngầm của ông bạn đồng nhiệm tại Thụy Sĩ và Singapore.

Pháp không phải là quốc gia duy nhất hứa hẹn các nỗ lực nhằm chống thất thoát thuế.

Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp cũng vậy lần lượt phải trả giá vì người dân mất lòng tin và phẫn nộ trước nạn trốn thuế của các quan chức to trong khi dân chúng phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng hà khắc.

Phải đợi cho đến cuối năm 2010 để thuyết phục 27 quốc gia thành viên đồng ý tự động trao đổi thông tin về các quyết định pháp lý nhằm chống nạn trốn thuế. Sau một loạt các xì-căng-đan tại ngân hàng Thụy Sĩ, giờ đây, Luxembourg đã sẵn sàng nới lỏng các bí mật ngân hàng và dọa sẽ đóng một số tài khoản bí mật của người Đức.

Giả như một số quốc gia vẫn lưỡng lự chưa nhất trí thì trong trường hợp này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) dự định vào năm tới có thể kiểm tra các tài khoản của hơn 6.000 ngân hàng thuộc khu vực đồng euro.

Pháp : Khả năng có thể xảy ra thêm vụ Fabius làm tê liệt điện Elysée

Vào lúc báo chí vẫn chưa hết xôn xao về vụ Cahuzac thì giờ đây trang thông tin Mediapart lại tiết lộ thêm một vụ liên quan đến Ngoại trưởng Laurent Fabius. Báo Libération hé mở vụ này qua một bài báo mang tựa đề : « Khả năng có thể xảy ra thêm vụ Fabius làm tê liệt điện Elysée ».

Vào lúc mà báo chí Thụy Sĩ đăng các thông tin mới về Jérôme Cahuzac thì lại có nguy cơ xảy ra một vụ xì-căng-đan thứ hai liên quan đến Ngoại trưởng Fabius. Vậy thì Tổng thống Hollande sẽ làm gì trước cuộc khủng hoảng này ?

Từ hôm thứ năm vừa qua, một kịch bản đen tối bao trùm các bộ. Mediapart đã nắm giữ trong tay các bằng chứng chứng tỏ Bộ trưởng Fabius có một hay nhiều tài khoản tại Thụy Sĩ. Và ông Edwy Plenel, người đồng sáng lập trang Mediapart hô hào sắp sửa hé mở thêm « vụ xì-căng-đan cấp nhà nước ».

Đây không còn là một vụ việc bình thường mà tiềm năng là một quả bom chính trị.

Tất cả mọi người cùng tính chung một bài toán. Nếu thật sự ông Fabius có tài khoản tại Thụy Sĩ thì cả chính phủ sụp đổ.

Xì xào, bàn tán bắt đầu lan trên các mạng xã hội. Luật sư của ông Fabius cho hay ông « phủ nhận tất cả lời đồn đãi trên và bảo đảm rằng không hề có tài khoản tại Thụy Sĩ hay tại bất cứ thiên đường trốn thuế nào ».

Theo kết quả thăm dò trên 1006 người của báo thời sự Chủ nhật JDD hôm qua, có 60% người Pháp ủng hộ cải tổ nội các.

Switch mode views: