Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-08-2017

Brexit : Chưa ly dị đã tính chuyện tái hôn ?

3 britain-eu

Thủ tướng Anh Theresa May đến thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, tại Bruxelles, Bỉ, ngày 23/06/2017.
REUTERS/Eric Vidal

Theo lịch trình, Anh Quốc sẽ rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào đúng đêm 31/03/2019 sau hai năm đàm phán.
Thế nhưng, người dân Anh bắt đầu cảm nhận được những tác động đầu tiên của Brexit mà hậu quả về kinh tế và ngoại giao được đánh giá là rất tai hại.

Một số người còn cho rằng, ngay khi điều kiện cho phép, Luân Đôn sẽ tính đến chuyện gia nhập trở lại Liên Hiệp Châu Âu.

Theo bài phân tích của Libération, chính sự bất lực của chính phủ Theresa May trong việc trình bày quan điểm đàm phán chặt chẽ, cùng với sự chia rẽ sâu sắc trong tầng lớp chính trị về Brexit « cứng » (hard) hay « mềm » (soft) càng làm tăng xác suất việc « đứa con bất trị » trở lại gia đình châu Âu nhanh hơn người ta tưởng.
Nhưng không phải với bất kỳ điều kiện nào.

Trước hết, theo khẳng định của một quan chức ngoại giao châu Âu, tiến trình « Brexit sẽ vẫn diễn ra » vì « Anh Quốc đã lấn quá sâu để lùi bước, mặc dù nhiều cuộc tranh luận đang diễn ra bên kia biển Manche ».
Giáo sư khoa học chính trị Olivier Costa tại Bordeaux cho rằng « những người ủng hộ Brexit không thể phủ nhận, dù đều nghi ngờ về tính chính đáng của Brexit ».

Vẫn theo giáo sư Costa, « có lẽ phải cần đến một sự xáo trộn về chính trị trong 18 tháng tới để có thể làm thay đổi mọi việc, như cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua, dù khó có thể hình dung ra được việc này vào thời điểm hiện tại ».

Tuy nhiên, cuộc bầu cử Quốc Hội sớm đã không mang lại chiến thắng cho phe phản đối Brexit : Công Đảng Anh ủng hộ một Brexit « mềm », có nghĩa là duy trì các mối liên hệ chặt chẽ với Bruxelles.
Phe tự do dân chủ, ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu, lại bị gạt ngoài lề.
Còn phe ủng hộ độc lập Scotland của đảng Dân Tộc Scotland (SNP), phản đối Brexit, lại bị suy yếu.

Một số ý kiến ở Ủy Ban Châu Âu nhận định : « Bà Theresa May chắc chắn bị yếu đi, nhưng chính chiến lược cắt đứt hoàn toàn với Liên Hiệp Châu Âu (Brexit hard) của thủ tướng Anh mới không được ủng hộ.

Trên thực tế, người Anh khẳng định kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, nhưng họ không muốn đoạn tuyệt như thế.
Không nên chạm vào lòng tự hào của người dân Anh dù họ hiểu rằng đã làm một điều ngớ ngẩn ».

Giả sử người Anh thay đổi ý kiến, chưa chắc điều này có thể giải quyết được về mặt pháp lý vì quyết định của Luân Đôn kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisboa chắc chắn không thể xem xét lại được.
Thậm chí, trong trường hợp toàn Liên Hiệp chấp nhận ngừng điều khoản 50 thì Bruxelles « cũng sẽ áp đặt các điều kiện, vì không thể để cho Luân Đôn tiếp tục « gây rối » như vẫn làm từ 40 năm qua ».

Theo đánh giá của một nhà ngoại giao châu Âu, « sẽ không còn chuyện Anh Quốc tiếp tục được hưởng hàng loạt miễn trừ hay giảm bớt phần đóng góp vào ngân sách châu Âu, và đây sẽ là điều không chấp nhận được đối với Luân Đôn ».

Không một nước nào nghi ngờ việc Brexit, nhưng tái gia nhập gia đình châu Âu là vẫn có thể như quy định trong khổ 5 của điều 50.
Ủy Ban Châu Âu cho rằng « càng xa ngày trưng cầu dân ý 23/06/2016, thì sự trở lại của Anh Quốc có thể xảy ra. Vì đó là việc làm của một thế hệ chính trị khác, của một thế hệ cử tri khác ».

Hậu quả kinh tế và ngoại giao của Brexit sẽ đóng vai trò quan trọng cho hồ sơ tái hội nhập vào Liên Hiệp.
Vấn đề là phía Bruxelles sẽ không nương tay với Anh Quốc, « không ai muốn tặng bất kỳ món quà nào cho Luân Đôn sau khi thay đổi ý kiến về Brexit ».

Theo một quan chức ngoại giao châu Âu : « Nếu trong vòng 10 đến 15 năm nữa, Liên Hiệp có hai khu vực riêng biệt, khu vực đồng euro và một khối rộng hơn quanh thị trường chung, thậm chí là vị thế thành viên cộng tác, điều này sẽ tạo điều kiện cho Anh Quốc trở lại Liên Hiệp », nhưng « sẽ qua một cánh cửa hẹp ».
Libération kết luận dù Brexit hay trở lại, Anh Quốc sẽ bị suy yếu lâu dài.

Hùng An : Thành phố mới ghi dấu ấn của Tập Cận Bình

Chuyển sang thời sự châu Á, nhật báo Le Figaro đề cập đến việc chủ tịch Trung Quốc « Tập Cận Bình muốn xây dựng một thành phố cho tương lai ».

Như nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đại, ông Tập Cận Bình cũng muốn để lại dấu ấn trong lịch sử.
Nếu như tên tuổi Đặng Tiểu Bình được gắn liến với thành phố thịnh vượng Thâm Quyến, hay Giang Trạch Dân với khu tài chính Phố Đông (Pudong) ở Thượng Hải, thì Tập Cận Bình muốn có một « Thành phố-Vườn » được kết nối ở Hùng An (Xiongan), cách Bắc Kinh về phía tây nam khoảng 100 km và lớn gấp ba lần thành phố New York.

Dự án 525 tỉ euro được chủ tịch Trung Quốc thông báo vào tháng 04/2017 nhằm giảm tải cho dân cư thủ đô, sẽ được xây trên khu đất vô cùng ô nhiễm của tỉnh Hà Bắc (Hebei) và cần đến những khoản đầu tư khổng lồ.
Tất cả công trình hạ tầng đều được xây mới tại đây và được xây ngầm để ưu tiên không gian xanh và người đi bộ.

Thành phố Hùng An tương lai sẽ tiếp nhận khối hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp hay trường đại học.
Khác với dự án của hai người tiền nhiệm trong những năm 1980 và 1990 khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc, tham vọng « khu vực mới », hoàn toàn do trung ương lên kế hoạch, mang tính chính trị hơn là kinh tế.

Theo nhận định của kiến trúc sư Lý Thư Văn (Li Shuwen) tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình, người đang tìm cách củng cố quyền lực trước kỳ đại hội Đảng, « muốn chứng tỏ với thế giới rằng chế độ có khả năng sáng tạo ra một thành phố kiểu mẫu dựa trên hình thức phát triển mới ».

Những tiếng nói phản đối dự án khổng lồ của chủ tịch Tập bắt đầu xuất hiện với lo ngại Hùng An sẽ lại trở thành « một thành phố ma » như nhiều khu đô thị trước.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, Hùng An sẽ không gặp khó khăn gì trong thời gian đầu vì chính phủ, nằm cách đó không xa, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước chuyển về thành phố mới.

Trong tương lai xa, Bắc Kinh sẽ phải để Hùng An « tự phát triển theo quy luật của thị trường » để thu hút đầu tư khi trợ cấp chính phủ không còn như trước.

Tai tiếng trứng nhiễm độc fipronil tại châu Âu

Tai tiếng trứng gà nhiễm chất fipronil, một loại thuốc trừ sâu bị cấm trong dây chuyền thực phẩm, mới được phát hiện tại châu Âu cũng là một chủ đề được các nhật báo Pháp đề cập.

Tờ Le Monde đưa trên trang nhất hàng tựa : « Trứng nhiễm độc, tai tiếng thực phẩm mới tại châu Âu ». Còn trang nhất của Les Echos nêu lên « Năm thắc mắc về khủng hoảng trứng nhiễm độc ».

Theo hai nhật báo, trứng nhiễm độc hiện có mặt tại 7 nước châu Âu, Thụy Sĩ, Đức, Thụy Điển, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, trong đó Bỉ và Hà Lan là tâm điểm của tai tiếng và đã phải tiêu hủy vài triệu quả trứng.
Còn tại Pháp, năm công ty đã nhập trứng gà nhiễm chất fipronil từ Hà Lan và Bỉ.

Các nhà điều tra đang nhắm đến hai công ty, một của Bỉ, một của Hà Lan, chuyên về phương pháp xử lý loại rận đỏ, xuất hiện tại nhiều cơ sở chăn nuôi.
Dường như cả hai công ty này đều sử dụng một loại sản phẩm trị rận được phép trộn với chất fipronil.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, fipronil là « một chất độc tương đối với sức khỏe con người ». Nhật báo Le Figaro cho rằng « Fipronil trong trứng : rủi ro hạn chế đối với sức khỏe ».
Còn nhật báo La Croix, trích phỏng vấn của Alfred Bernard, một chuyên gia về chất độc, đánh giá « nguy cơ (nhiễm độc) bằng không » vì một người trưởng thành cân nặng 65 kg phải ăn 7 quả trứng mỗi ngày mới bị nhiễm độc chất fipronil, tương tự với trẻ em dưới một tuổi, là một quả trứng mỗi ngày.

Hiện tại, cơ quan Vệ sinh dịch tễ quốc gia (Anses) của Pháp đang đánh giá tính độc hại của fipronil trong trứng liên quan đến tiêu dùng.

Pháp : Thâm hụt thương mại kỷ lục từ năm 2012

Trên phương diện kinh tế, thâm hụt thương mại Pháp trong 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 34,3 tỉ euro, so với 23 tỉ euro cùng kỳ năm 2016, trở thành đề tài bình luận của hầu hết báo Pháp.

Les Echos báo động : « Ngoại thương rơi vào vòng báo động đỏ nguy hiểm ».
Nguyên nhân được nhật báo Le Figaro nêu trên trang nhất là : « Pháp trả giá cho sự thiếu cạnh tranh ».

Bài xã luận của Les Echos cho rằng thâm hụt thương mại của Pháp là do lĩnh vực xuất khẩu khó lòng tăng tốc, dù nền kinh tế châu Âu đang phục hồi và thương mại thế giới phát triển trở lại.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đánh giá kết quả này là « đáng báo động » vì sẽ ngăn nền kinh tế Pháp tăng tốc.

Xu hướng này lại đi ngược với nhiều nước châu Âu, đứng đầu là Đức với mức thặng dư thương mại đạt hơn 100 tỉ euro.
Với nhật báo Le Monde, thặng dư thương mại của Đức (21,2 tỉ euro) cho thấy Berlin không nhập khẩu đủ hoặc quá ít đầu tư và việc này sẽ gây nguy cơ nới rộng bất cân bằng với các đối tác thương mại.

Despacito : Công cụ tuyên truyền của tổng thống Venezuela

Trên lĩnh vực văn hóa, báo Les Echos tìm cách giải thích kỳ tích thu hút hơn 3 tỉ lượt người xem trên internet của ca khúc Despacito, đang làm mưa làm gió mùa hè 2017.
Nhạc phẩm latino Despacito giúp nhóm nhạc của ca sĩ Luis Fonsi của Porto Rico có thể thu về khoảng 20 triệu đô la nhờ bán đĩa và quảng cáo.
Đó là chưa kể đến lợi nhuận du lịch cho thành phố San Juan của Porto Rico, nơi quay video clip.

Les Echos cho rằng Nam Mỹ trở thành một miền đất hứa cho âm nhạc trực tuyến, đồng thời là một công cụ marketing tuyệt vời.
Điều này khiến mọi người đều hài lòng, kể cả tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

 Ông biết tranh thủ thành công của bài hát để viết lại lời cho chiến dịch tuyên truyền và hát trong chương trình truyền hình hàng tuần của ông.
Dù các tác giả bài hát tố cáo việc đạo nhạc của ông Maduro, nhưng dù sao, cách làm của tổng thống Venezuela cũng góp phần làm bài hát tiếp tục nổi tiếng trong những tuần qua.

Switch mode views: