Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bê bối chính trị Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long bị hai em ruột lên án

singapore-politics family

Singapore : Ngôi nhà trước đây của cố thủ tướng Lý Quang Diệu ở Oxley Road. Ảnh 14/06/2017.
Reuters

Trong chế độ một đảng nắm gần như toàn bộ quyền hành tại Singapore, các tiếng nói chỉ trích về chính trị thường rất hiếm.

Điều gây ngạc nhiên trong những ngày gần đây là truyền thông đăng tải rộng rãi việc thủ tướng Singapore bị lên án lạm dụng quyền lực.
Chính hai em ruột của thủ tướng Singapore đứng ra cáo buộc.

Tranh chấp trong gia đình họ Lý mang quy mô quốc gia, bởi bất đồng chính liên quan đến di sản tinh thần của cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kiến trúc sư của kỳ tích Singapore.
 Có người đặt câu hỏi : Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn cầm quyền hơn nửa thế kỷ của nhà Lý Quang Diệu tại thành phố Sư Tử sắp chấm dứt ?

Số phận tư dinh Lý Quang Diệu

Lý Quang Diệu là thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến 1990. Ông là cha đẻ của thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong).

Trước khi qua đời, ngày 23/03/2015, Lý Quang Diệu nhiều lần bày tỏ ý nguyện là ngôi nhà nơi ông ở, số 38 phố Oxley, sẽ được phá đi, một khi ông không còn nữa, để địa điểm này không biến thành một nơi thờ cúng.
Tuy nhiên, tư dinh của cố thủ tướng Singapore cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Hôm 14/06/2017, em gái thủ tướng Singapore, bà Lý Vệ Linh (Lee Wei Ling) đưa lên mạng Facebook một loạt thư điện tử trao đổi với Lý Quang Diệu, khi ông còn sống để khẳng định ý nguyện phá bỏ ngôi nhà.

 Cũng vào thời điểm này, người em gái của thủ tướng Lý Hiển Long và em trai, ông Lý Viễn Dương (Lee Hsien Yang), đã công bố một bức thư ngỏ dài sáu trang mang tựa đề : “Điều gì đe dọa các giá trị của Lý Quang Diệu ?”.
Vụ việc thoạt tiên mang tính nội bộ gia đình các con cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã trở thành một vấn đề chính trị quốc gia.

Bức thư ngỏ gây sốc

Bức thư ngỏ của hai người em trực tiếp lên án thủ tướng Lý Hiển Long chống lại việc phá bỏ ngôi nhà nói trên, để giữ cho riêng mình vầng hào quang của người cha vĩ đại.
Trong thư có đoạn, “quyền lực chính trị của Lý Hiển Long chỉ duy nhất dựa vào việc ông là con trai của Lý Quang Diệu, chính vì vậy? ông ấy tìm mọi cách để thâu tóm uy tín” của người đã khuất.

Hai người em cũng cáo buộc thủ tướng Lý Hiển Long bổ nhiệm luật sư riêng vào chức vụ chưởng lý, hồi đầu năm nay 2017.
Ông còn bị lên án âm mưu dọn đường cho con trai, tức cháu nội cố thủ tướng Lý Quang Diệu, kế nhiệm.

Vợ của thủ tướng Lý Hiển Long, bà Hà Tinh (Ho Ching) bị tố cáo thao túng chính quyền. Phu nhân của thủ tướng Singapore là chủ tịch Temasek Holdings, Quỹ đầu tư Nhà nước lớn nhất Singapore, quản lý hơn 100 tỉ đô la.
Tóm lại, thông điệp của bức thư là không tin tưởng vào thủ tướng đương nhiệm và lo sợ cho tương lai của Singapore.

Đa số người Singapore, khi được RFI phỏng vấn về chủ đề này, cho biết đã bị sốc, không phải bởi những cáo buộc trong thư, mà bởi việc thư được công bố chính thức.
Phê phán các lãnh đạo là một chuyện kiêng kỵ tại Singapore.

Về phần mình, thủ tướng Singapore phủ nhận toàn bộ cáo buộc của hai người thân.
Trong một đoạn video đưa lên mạng hôm 19/06, ông Lý Hiển Long xin lỗi người dân Singapore về “vụ cãi vã mang tính gia đình”.

Thủ tướng Lý Hiển Long hứa một ủy ban liên bộ sẽ ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 03/07 tới và bản thân ông sẽ trả lời tất cả các chất vấn của các dân biểu.

Những giải thích khác nhau về ý nguyện của Lý Quang Diệu

Câu chuyện ý nguyện phá bỏ ngôi nhà của Lý Quang Diệu thực ra không đơn giản.
Báo mạng về thời sự chính trị châu Á Asialyst tóm lược một số nét chính.

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2013, ông Lý Quang Diệu đã ít nhất để lại bảy di chúc liên quan đến số phận ngôi nhà 38, phố Oxley.
Theo người con trai Lý Hiển Long, ý nguyện phá bỏ không có trong hai di chúc thứ năm và thứ sáu.
Hai người em của ông Lý Hiển Long dựa vào di chúc được coi là “bản cuối cùng”, thảo ngày 17/12/2013.

Trong bản di chúc này, có một điều khoản trong đó cựu thủ tướng Singapore yêu cầu ngôi nhà phải được phá ngay sau khi ông mất, hoặc sau khi bà Lý Vệ Linh, con gái ông, không còn ở đây nữa, trong trường hợp bà vẫn muốn tiếp tục ở lại nhà này sau khi ông không còn.
Trong trường hợp không thể phá nhà, nguyện vọng của Lý Quang Diệu là nơi đây sẽ chỉ được dùng làm chỗ ở cho con cháu.

Thủ tướng Lý Hiển Long không tin vào giá trị thực sự của bản di chúc thứ bảy, văn bản mà ông chỉ được biết sau khi người cha qua đời.

Theo báo mạng Singapore Straits Times, ông Lý Hiển Long nghi vấn : Lý Quang Diệu chưa chắc đã ý thức được rõ về điều khoản nói trên trong bản di chúc mà chính ông đặt bút ký.
Lý Hiển Long cho biết thêm là vào hôm đó, các luật sư đã có mặt tại tư dinh của cựu thủ tướng tổng cộng có 15 phút, chỉ để tham dự lễ ký di chúc, chứ không phải để tư vấn.

Dấu hiệu kết thúc “triều đại nhà Lý” ?

Đằng sau câu chuyện tranh chấp pháp lý liên quan đến ý nguyện của Lý Quang Diệu mang tính gia đình, rõ ràng là có các xung đột về quan điểm chính trị giữa thủ tướng Singapore đương nhiệm và hai người em.

Nhà chính trị học Tom Pepinsky, một chuyên gia về Đông Nam Á (bài What's Behind the Lee Family Troubles in Singapore?), khẳng định việc thủ tướng Lý Hiển Long hay hai người em, phía nào nắm lẽ phải trong vấn đề di chúc không phải là điều quan trọng.
Điều chủ yếu đáng chú ý ở đây là một xung đột xung quanh việc sử dụng di sản chính trị ông Lý Quang Diệu, chính trị gia đầy uy tín và quyền lực tại Singapore.

Chính bản thân thủ tướng Lý Hiển Long đã từng biện minh cho một dạng “chính thể quý tộc - aristocracy" mà đảo quốc Singapore cần đến, một thể chế kiểu cha truyền, con nối.

Trong vụ tranh chấp xung quanh số phận ngôi nhà Lý Quang Diệu, những người phê phán thủ tướng Lý Hiển Long hoàn toàn có lý khi nghi ngờ là địa điểm này sẽ được sử dụng vào mục tiêu củng cố “vốn liếng chính trị” của ông.

Theo nhà chính trị học Tom Pepinsky, các hệ quả của vụ này không chắc sẽ làm lung lay chế độ chính trị hiện hành tại Singapore, nhưng các tin đồn về những bê bối và lục đục trong gia đình thủ tướng Singapore ắt hẳn sẽ xói mòn uy tín của đảo quốc Sư Tử.

Trong khi đó, một chuyên gia khác về chính trị Singapore, ông Michael Barr, đại học Flinders, Úc, trong bài viết “Dynastic demolition in Singapore ?”, dự đoán là : hành xử của ông Li Hongyi, con trai của thủ tướng Singapore, trong thời gian tới sẽ giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của vụ tranh chấp xung quanh ngôi nhà Lý Quang Diệu.

Nếu nhân vật này quyết định không theo đuổi con đường chính trị, cho dù các bệ phóng đã được người cha chuẩn bị sẵn, thì có thể nói những rầm rĩ quanh ngôi nhà 38 phố Oxley, chính là một “bước ngoặt” quyết định.

Thủ tướng Lý Hiển Long rất có thể sẽ phải chấp nhận là người cuối cùng của dòng họ nhà Lý trị vì tại đảo quốc Sư Tử.

Switch mode views: