Việt Nam thừa nhận ‘có rủi ro lớn,’ vẫn khai thác bauxite
- Thứ Ba, 05 tháng Ba năm 2013 06:36
- Tác Giả: Người Việt
HÀ NỘI (NV) - Tuy nhìn nhận dự án khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng có “rủi ro lớn” nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không có dấu hiệu muốn dừng lại dù nhận được rất nhiều lời phê phán và can gián của dư luận.
Ðóng gói và vận chuyển alumina về kho (hình chụp ở nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Ðồng). (Hình: Tuổi Trẻ)
Trong cuộc họp báo hôm Thứ Hai 4 tháng 3 năm 2013, ông Nguyễn Mạnh Quân, vụ trưởng Vụ Công Nghiệp Nặng của Bộ Công Thương CSVN, đã “lần đầu tiên cung cấp những thông số mới đánh giá tính hiệu quả của các nhà máy alumina tại Tây Nguyên vào tháng 12 năm 2012”.
Dịp này, theo tin báo Tuổi Trẻ, ông Quân “công nhận hiện tại nhà máy không hiệu quả” nhưng để giảm lỗ vốn cho dự án, ông lại đồng ý theo đề nghị của “chủ đầu tư” (tức Tập Ðoàn Than Khoáng Sản Việt Nam - TKV) là đẩy cái gánh đó bắt nông dân trồng cà phê chịu và cắt thuế.
Những con số được ông Nguyễn Mạnh Quân nêu ra tại cuộc họp báo khác với những gì một số chuyên viên phản biện trình bày chứng tỏ các quan chức của chế độ che đậy và giấu giếm sự thật.
Theo ông Quân nhìn nhận, giá bột alumina trên thị trường vào thời điểm tháng 12 năm 2012 khoảng 326.5 USD/tấn trong khi giá vào năm 2009 khi tính toán hiệu quả kinh tế là 365 USD/tấn.
Ông nói tính toán hồi năm 2012 “do một loạt chi phí tăng” nên giá thành (giá vốn sản xuất tại nhà máy) là 333 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo các chuyên viên của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) giá thành sản phẩm của nhà máy Tân Rai hồi tháng 9 năm 2012 “tại cổng nhà máy” là “khoảng 375 USD/tấn”.
Như vậy, nếu bán được với giá 340 USD/tấn như ông Quân nói thì ít nhất nhà máy bauxite Tân Rai sẽ lỗ khoảng 20 triệu USD mỗi năm.
Toàn cảnh nhà máy luyện alumina tại Tân Rai. (Hình: Báo Lâm Ðồng)
Ðấy là chưa kể chi phí vận chuyển tới cảng “vì phía nước ngoài thường mua ở cảng”.
Kế hoạch khai thác bauxite tại Việt Nam đã bị giới chuyên viên trong nước kêu gọi không nên thực hiện vì nhìn thấy trước rất nhiều vấn đề sẽ dẫn tới nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng từ hiệu quả kinh tế (lỗ vốn) đến tổn hại môi trường.
Nhưng sau khi hàng ngàn người đã ký kiến nghị kêu gọi dự án nên dừng lại, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đã cả quyết đây là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” và nhất định tiến tới.
Những năm trước, nhà cầm quyền Việt Nam đã đồng ý bồi thường cho các nhà trồng cà phê mỗi mẫu từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng một ha cà phê, nay ông Nguyễn Mạnh Quân nói rằng “Vinacomin (tức TKV) đang đề xuất với chính phủ chỉ đền bù cho hoa màu thiệt hại và thời gian khôi phục khoảng 2-3 năm với số tiền 250 triệu đồng mỗi ha”.
Ngày 26 tháng 2 năm 2013, báo Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Phạm Quang Tú, viện phó Viện Tư Vấn Phát Triển (CODE) là người từng trực tiếp khảo sát tổ hợp bauxite-nhôm Tân Rai, Lâm Ðồng.
Trong cuộc phỏng vấn này ông Tú cho rằng “Cứ làm theo kiểu ‘đâm lao phải theo lao’ có thể chúng ta sẽ càng lún sâu vào những khó khăn. Nhất là khi tất cả những tính toán về kinh tế chưa tính hết thiệt hại về môi trường và xã hội.”
Ngày Thứ Bảy 2 tháng 3 năm 2013 báo Kiến Thức thuật lại lời ông Phạm Quang Tú báo động “một loạt lỗi” tại dự án bauxite Tân Rai hiện đang bị “chủ đầu tư” che đậy.
Caption 3 (VN-Bauxit-DayChuyenTuyenQuang-KTVN-030213.jpg) Dây chuyền tuyển quặng alumina tại nhà máy Tân Rai. (Hình: Kiến Thức)
Thứ nhất, đã có “sai lầm trong việc đánh giá đặc điểm của quặng bauxite tại Tây Nguyên và các yếu tố liên quan đến khí hậu”.
Theo ông, quặng bauxite ở Tây Nguyên có đất sét bám rất chắc nên “tuyển quặng gặp nhiều khó khăn”.
Nếu vậy, nhà máy “chỉ vận hành được vào mùa khô” vì mùa mưa đất sét bết lại, dính chặt vào quặng nên “nhà máy không thể hoạt động trong mùa mưa với độ ẩm cao”.
Thứ hai, từ trước tới nay người ta chỉ chú ý tới “bùn đỏ” mà “chưa nhiều người để tâm tới bùn thải quặng đuôi”, tức “sản phẩm thải của quá trình luyện alumina”.
Trên nguyên tắc, “bùn thải quặng đuôi” được đưa vào bể lắng để một thời gian sau bùn lắng xuống, phần nước phía trên sẽ được tuần hoàn, tái sử dụng để tuyển quặng.
Tuy nhiên “Tại thời điểm nhóm nhà khoa học của CODE đi khảo sát thì thấy hiện tượng bùn thải quặng đuôi không lắng.
Trong bể chứa vẫn là hỗn hợp bùn và nước. Ðiều này rất đáng lo ngại bởi nếu không thu hồi được nước sẽ phải cần thêm một lượng nước rất lớn nữa để phục vụ tuyển quặng, nguồn nước này sẽ lấy ở đâu, nhất là vào mùa khô?
Ngoài ra, việc không tách được nước ra khỏi bùn, sẽ khiến một lượng hỗn hợp nước cộng bùn sẽ đổ ra bãi thải. Chỉ trong một thời gian ngắn, hỗn hợp này sẽ đầy ứ và tràn ra ngoài do vượt quá công suất vốn chỉ được thiết kế để chứa riêng bùn.”
Thứ ba, “chủ đầu tư” cam kết “hoàn thổ” sau hai ba năm để trả đất cho nông dân canh tác trở lại.
“Tại thời điểm đoàn khảo sát, quặng đã đưa vào tuyển rửa mà khâu hoàn thổ và phục hồi môi trường chưa có động thái gì. Như vậy, những quan ngại của các nhà khoa học trước đây về khả năng xói mòn đất đai là rất hiện hữu”, ông Tú được báo Kiến Thức thuật lại. Ðược biết mỗi năm nhà máy Tân Rai sẽ lấy trên dưới 100 ha đất để lọc lấy quặng bauxite tùy theo chất lượng quặng.
Thứ tư, theo các chuyên viên tổ chức CODE thì “lỗ là điều nhìn thấy” và như ông Trần Xuân Hòa từng nhìn nhận trên mặt báo là “chưa biết bao giờ hết lỗ”.
Ðầu tháng 10 năm 2010, ông Nguyễn Thanh Liêm, trưởng ban Nhôm-Titan của TKV khoe rằng chi phí giá thành alumina từ 265 đến 287 USD/tấn nên sẽ “lãi lớn” và nhìn thấy “hiệu quả kinh tế cao”. Bây giờ ông vụ trưởng Vụ Công Nghiệp Nặng khai phí tổn lên thành 333 USD/tấn và vẫn không phải là con số thật, khác xa với con số của giới chuyên viên nghiên cứu.
Cuối tháng trước, chế độ Hà Nội đã quyết định dừng dự án xây dựng cảng Kê Gà ở Bình Thuận để xuất cảng bột alumina vì thấy “không hiệu quả”.
Khoảng 1,000 tỉ đồng nhiều nhà đầu tư đã đổ vào trong các dự án khai thác du lịch ở đó bị bỏ phế nay sẽ đòi được bao nhiêu phần của sự thiệt hại.
Hiện nhà cầm quyền đang nhắm tới một cái cảng khác chứ chưa chịu bỏ. (T.N.)
Tin mới
- Thái Bình Dương : Mỹ lại lo ngại về hành động quyết đoán của Bắc Kinh - 06/03/2013 18:54
- Giả danh Giám Mục vào cổng Vatican - 06/03/2013 18:47
- Vì sao Hội đồng Giám mục góp ý Hiến pháp? - 06/03/2013 18:37
- Việt Nam có tỷ phú đôla đầu tiên - 06/03/2013 06:04
- Tổng thống Venezuela Hugo Chavez qua đời - 06/03/2013 01:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-03-2013 - 05/03/2013 22:45
- Quân nổi dậy Syria thắng lớn, bắt giữ tỉnh trưởng Raqqa - 05/03/2013 22:29
- Borneo : Malaysia tấn công vào quân nổi dậy Philippines - 05/03/2013 22:02
- Miến Điện yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu dỡ bỏ trừng phạt - 05/03/2013 18:37
- Nga và Việt Nam bàn về hợp đồng vũ khí, trong đó có tàu ngầm - 05/03/2013 18:28
Các tin khác
- Ngà voi : Trung Quốc lộ diện là căn nguyên khiến voi Phi châu bị tàn sát - 04/03/2013 19:46
- Bình Nhưỡng chuẩn bị một cuộc tập trận quy mô - 04/03/2013 19:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-03-2013 - 04/03/2013 19:21
- Tchad tuyên bố tiêu diệt thêm một thủ lĩnh Al-Qaida tại Mali - 04/03/2013 03:52
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-03-2013 - 04/03/2013 02:15
- Trung Quốc: Một làng nổi loạn đòi bầu cử tự do - 04/03/2013 01:47
- Bagladesh: Bạo động gia tăng sau bản án tử hình một lãnh đạo Hồi giáo - 04/03/2013 01:17
- Tổ chức nhân quyền: Tấn công bằng bom chùm tại Syria làm 19 người thiệt mạng - 02/03/2013 22:18
- Kenya: thuốc chữa bệnh AIDS được mang bán để mua thức ăn - 02/03/2013 22:09
- Giao tranh ác liệt tại Syria, nhiều binh sĩ và quân nổi dậy thiệt mạng - 02/03/2013 21:56