Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-12-2016
- Thứ Sáu, 02 tháng Mười Hai năm 2016 22:17
- Tác Giả: Trọng Thành
Châu Âu lo tin tặc Nga phá bầu cử
Các vụ tấn công tin học. Ảnh minh họa.
REUTERS/Kacper Pempel
Tổng thống Pháp tuyên bố không tái ứng cử khóa tới, kết quả trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp tại Ý Chủ Nhật tới có thể đe dọa kinh tế châu Âu, nguy cơ tin tặc Nga phá hoại bầu cử châu Âu là một số chủ đề lớn của báo chí Pháp ngày 02/12/2016.
Trước hết xin giới thiệu với quí vị về hồ sơ chính của Le Monde « Pháp và Đức lo ngại tin tặc Nga tấn công bầu cử năm 2017 ».
Tiếp theo các vụ tấn công tin học qui mô lớn, nhắm vào cuộc bầu cử Mỹ, giới lãnh đạo quốc phòng phương Tây lo ngại đối tượng của Matxcơva sẽ là cuộc bầu cử tổng thống Pháp mùa xuân năm 2017 và sau đó là bầu cử Quốc Hội Đức vào tháng 9/2017.
Ngày 29/10, tức hai ngày sau khi Deutsche Telekom, tập đoàn truyền thông của Đức đứng hàng đầu châu Âu, bị tin tặc, lãnh đạo tình báo Đức khẳng định, « mục tiêu duy nhất của tin tặc là tạo không khí bất ổn về chính trị ».
Theo lãnh đạo tình báo Đức, nhiều « chỉ báo » cho thấy các vụ tấn công đến từ Nga.
Cùng ngày, thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định nước Đức cần phải sẵn sàng đối mặt với các vụ tin tặc như vậy, bởi đây đã trở thành chuyện thường ngày.
Hồi tháng Tám, nhiều đảng chính trị tại Đức đã nhận được các email có chứa đường link dẫn về một phần mềm gián điệp.
Về phía nước Pháp, chính quyền không đích danh nêu tên nước Nga, nhưng việc đề phòng tin tặc phá hoại bầu cử đã là điều khẩn cấp. Ngày 26/10, Le Monde được biết, Ban Tổng Thư Ký Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia (SGDNS) Pháp đã mời đại diện tất cả các đảng phái có mặt trong Quốc Hội tới tham dự buổi họp nhằm phổ biến thông tin về bầu cử Mỹ và báo động về nguy cơ tin tặc.
Cuối tháng 10 vừa qua, đảng Xã Hội cũng nhận được một cảnh báo của Ủy Ban Quốc Gia về Tin Học và các Quyền Tự Do (CNIL), về những lỗ hỗng lớn trong hệ thống tin học của đảng này, trong trường hợp bị tấn công, thông tin cá nhân và tài khoản của hàng chục nghìn đảng viên sẽ bị chiếm đoạt.
Gây bất ổn chính trị, chiếm đoạt thông tin về các lãnh đạo tương lai
Một nguồn tin an ninh Pháp cho biết : « Tin tặc Nga hết sức hung hãn, đe dọa là có thực và nguy cơ mà báo chí nêu ra là thấp hơn so với thực tế ».
Một nguồn tin khác gần gũi với hồ sơ này bổ sung, các nhóm tin tặc tấn công vào đảng Dân Chủ Mỹ, Ngân Hàng Đức hay kênh truyền hình Pháp TV5-Monde để lại cùng một chữ ký huyền bí « Cyber califat » (Vương Quốc Hồi Giáo Mạng).
Chuyên gia này phỏng đoán đây có thể là trắc nghiệm « gây rối loạn » do một thế lực Nga ở tầm quốc gia giật dây.
Theo sự phối kiểm của một số cơ quan tình báo phương Tây, nhóm APT 28 (hay Fancy Bear) - thủ phạm vụ tấn công ngân hàng Đức và kênh truyền hình Pháp TV5-Monde - thuộc cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU).
Theo tổ chức an ninh và chống tội phạm mạng Mỹ Secure Works (cơ sở phụ trách điều tra vụ email của Hillary Clinton bị đánh cắp), sở dĩ tin tặc chọn tấn công vào nhóm những người có khả năng trở thành lãnh đạo quốc gia là vì những mục tiêu như vậy dễ dàng tấn công hơn.
Bởi một khi chính thức trở thành lãnh đạo, những nhân vật như vậy sẽ được bảo vệ bằng các biện pháp an ninh quốc gia cẩn mật nhất.
Như vậy, trong thời gian tới, các nhóm tin tặc rất có thể sẽ tấn công vào giới chính trị Pháp và Đức với cùng một lô gic.
Để đối phó với tin tặc, Pháp và Đức đã rất tích cực trong việc thực thi chỉ thị của châu Âu về an ninh mạng và thông tin/Network and Information Security, được đưa ra hồi tháng 7, buộc những cơ sở quản lý các lĩnh vực trọng yếu về kinh tế và xã hội phải thông báo đầy đủ về các sự cố trong lĩnh vực này.
Trong khi thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đánh giá thấp khả năng tin tặc tác động đến kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ, thì bộ trưởng Quốc Phòng Anh cho rằng « quy mô và tốc độ tuyên truyền và can thiệp Nga » đã vượt quá khả năng đối phó.
Còn theo Cơ Quan Quốc Gia về An Toàn của các Hệ Thống Thông Tin của Pháp (ANSSI), thì không thể coi nhẹ tác động chuyển bại thành thắng của tin tặc và tuyên truyền, đặc biệt trong các cuộc bầu cử khi hai đối thủ kẻ tám lạng, người một cân.
Vẫn về hồ sơ này, Le Monde có bài giới thiệu cuộc tranh luận về vai trò của Nga trong nạn tuyên truyền reo rắc thông tin giả (fake news) trong bầu cử Mỹ vừa qua, sau khi một bài báo về chủ đề này được tờ The Washington Post đăng tải.
Thực hư việc Putin muốn hòa giải
Về nước Nga, Le Figaro chú ý đến bài diễn văn thường niên trước Quốc Hội của tổng thống Nga, ngày 01/12, qua bài « Putin muốn giải hòa với các ‘‘đối tác’’ ».
Le Figaro nhận xét : tổng thống Nga đã hết sức ngọt ngào trong bài diễn văn, khi khẳng định nước Nga cần bạn bè.
Ông chủ điện Kremli đã chìa cành ô liu cho tất cả các cường quốc : Trung Quốc được gọi là « đối tác ổn định thế giới ở tầm chiến lược », Ấn Độ là « khách hàng quân sự lớn nhất », với Nhật Bản, ông Putin dự kiến sẽ có chuyến công du vào giữa tháng để dàn xếp về vấn đề quần đảo Kuril.
Với Hoa Kỳ, tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tổng thống tân cử.
Về thái độ hòa giải khá bất ngờ của tổng thống Nga, Le Figaro dẫn lời một chuyên gia, theo đó « các quan hệ (của Nga) với phương Tây đang trong giai đoạn tạm ngưng trên thực tế.
Ông Putin đang chờ đợi trước hết các diễn tiến của quan hệ Hoa Kỳ-châu Âu, trước khi lựa chọn một chiến lược mới ».
Trong khi đó, một nhà phân tích trung tâm Carnegie thì nghi ngờ về « thực tâm của tổng thống Nga », « vì kể từ gần 10 năm nay, tỉ lệ được lòng dân của tổng thống Nga thường tỉ lệ thuận với mức độ căng thẳng với phương Tây ».
Vẫn về nước Nga, báo kinh tế Les Echos chú ý đến thông điệp « chống tham nhũng » mà tổng thống Nga muốn gửi đến giới tinh hoa Nga, hai tuần sau khi bộ trưởng Kinh Tế - người được coi là có tư tưởng cải cách - bị bắt vì cáo buộc tham nhũng.
Ông Putin vừa bổ nhiệm một kinh tế gia 34 tuổi, hoàn toàn không có tiếng tăm vào vị trí này. Tăng trưởng Nga chưa trở lại, GDP năm nay dự đoán - 0,2%.
Tổng thống Nga kêu gọi giải phóng một loạt các rào cản để phát triển, mà đây cũng là điều mà đối lập liên tục đòi hỏi từ nhiều năm nay.
Ý : Cuộc trưng cầu đầy bất trắc
Trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp tại Ý là chủ đề lớn khác của báo Pháp hôm nay.
La Croix có bài xã luận « Thích chơi với loạn » (Tentation du chaos), với nhận định : « Sau cuộc trưng cầu Anh Quốc ra khỏi châu Âu hôm 23/06, Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa đứng trước một cuộc trưng cầu dân ý đầy bất trắc.
Cho dù vấn đề đối với nước Ý không phải là ở lại hay rời châu Âu, nhưng không vì thế mà kết quả trưng cầu không có một tác động vượt xa khỏi biên giới nước Ý ».
Nếu phe phản đối chiến thắng, cuộc trưng cầu này rất có thể sẽ đưa nước Ý - một trong các quốc gia sáng lập cộng đồng châu Âu rơi vào khủng hoảng -, và hệ quả này có thể sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính đối với châu Âu, bởi hệ thống ngân hàng Ý - với chồng chất nợ xấu - được coi là ít có khả năng kháng cự lại các biến động xã hội lớn.
Tuy nhiên, báo kinh tế Les Echos tỏ ra khá an tâm với tình hình tài chính - ngân hàng của châu Âu, với bài phân tích : « Tại sao đồng euro có khả năng kháng cự tốt trước các cú sốc chính trị ? ».
Les Echos đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.
Les Echos cũng dẫn dự báo của văn phòng tư vấn Đức Sentix, theo đó, chỉ có gần 20% người được phỏng vấn cho là Ý có khả năng rời đồng euro trong một năm tới, trong khi đó, vào năm 2012, tỉ lệ này là 70%.
Về dự án cải cách Hiến pháp Ý, Le Monde giới thiệu ý kiến phê phán của nhà báo, nhà triết học Ý Paolo Flores d'Arcais, lên án dụng ý cải cách của thủ tướng Ý : với cuộc cải cách nhằm tinh giản bộ máy Nhà nước, thủ tướng Matteo Renzi đang tìm cách củng cố tầng lớp đặc quyền đặc lợi, mà quyền lực của họ dựa trên các băng đảng mafia và vị thế đứng trên pháp luật của các nhóm đặc quyền.
Thái Lan nín thở chờ quyết định của tân vương
Về thời sự châu Á, Le Figaro chú ý đến Thái Lan, nơi cuộc đang diễn ra cuộc chuyển giao vương miện, với bài « Vị thái tử nổi tiếng hoạt bát khoác vào mình bộ trang phục của hoàng đế Rama X ».
Le Figaro nhấn mạnh đến cuộc sống hai mặt của thái tử Thái Lan Vajiralongkorn, trước khi vua cha qua đời : vừa được coi là người thừa kế ngai vàng với rất nhiều trách nhiệm, nhưng lại có một cuộc sống cá nhân hết sức phóng túng.
Le Figaro đặt câu hỏi : liệu tân vương Thái Lan có vượt qua được lời tiên tri về sự cáo chung của triều đại nhà Rama, sau khi vua Bhumibol - người được dân chúng coi như thần thánh - tạ thế ?
Tờ báo nhận xét xã hội Thái Lan, từ người dân thường đến giới tinh hoa, và cả tập đoàn quân sự đều nín thở chờ đợi các quyết định của tân vương.
Trước khi trở thành vua, thái tử Maha Vajiralongkorn là một người gần gũi với thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Nhiều người lo ngại, vua mới của Thái Lan sẽ đưa nhà tỉ phú đang lưu vong ở nước ngoài trở lại với chính trường Thái.
Pháp : Phản ứng trái ngược sau thông báo của ông Hollande
Quyết định không ra ứng cử thêm khóa mới của tổng thống François Hollande gây nhiều phản ứng hết sức trái ngược. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ của nền Cộng Hòa đệ ngũ Pháp không ra tái ứng cử.
Báo La Croix ca ngợi « sự dũng cảm » của ông Hollande, với quyết định này đã « nâng cao phẩm giá của người hoạt động vì mục đích công ».
Nhật báo Công Giáo cho rằng hành động này là « đáng trân trọng ».
Tờ Libération cũng cho rằng hành động này là « đáng trân trọng » và ghi nhận đây là « một cử chỉ lịch thiệp ».
Tuy nhiên, nhật báo thiên tả cũng cảnh báo tình trạng cánh tả đang bị chia rẽ cao độ, trong bối cảnh xã hội Pháp đang bị tình trạng phân tâm đe dọa nghiêm trọng, mà mối đe dọa thực sự lớn là « mô hình » xã hội của thủ lĩnh cánh hữu François Fillon, người vừa được đề cử làm ứng cử viên tổng thống, « mô hình » được đánh giá là « bất công » và « bảo thủ ».
Về phần mình, tờ báo phổ thông Le Parisien châm biếm quyết định của ông Hollande, mà Le Parisien cho là « lời thú nhận thất bại ».
Ông Hollande hứa hẹn trở thành một tổng thống « bình thường », nhưng ông ấy đã không làm gì để chứng tỏ mình là người bình thường, quyết định ngày 01/12 của ông ấy cũng hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm.
Ông Hollande đã để cho cánh tả « bị bàng hoàng và phân hóa ».
Nhật báo thiên hữu Le Figaro đi xa hơn, khi khẳng định, François Hollande « chưa bao giờ là một tổng thống », thành công của nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của ông ấy là « coi như bằng không ».
Ông ta đã « không quyết định được cái gì », « để cho nước Pháp suy yếu tại châu Âu và trên thế giới ».
Về chủ đề này, trang nhất Les Echos chạy tựa « Hollande bỏ cuộc, Valls chuẩn bị ». Theo nhật báo kinh tế, cuối cùng thủ tướng Valls là người chiến thắng, « ông ấy đã buộc François Hollande phải chấp nhận là việc ông ra tái cử đi ngược lại lợi ích của cánh tả ».
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-12-2016 - 05/12/2016 23:33
- Biển Đông diễn biến bất lợi, Việt Nam tăng cường phòng thủ Trường Sa - 05/12/2016 17:51
- Biển Đông: Donald Trump thành "đồng minh" của diều hâu Trung Quốc? - 05/12/2016 17:39
- Di sản đích thực của Obama : Tạo một nước Mỹ chia rẽ - 05/12/2016 04:41
- Đến lượt cử tạ rơi vào tâm bão doping - 05/12/2016 04:18
- Thủ tướng Malaysia dẫn đầu cuộc biểu tình chống “diệt chủng” Rohingya - 04/12/2016 22:28
- Gói vé dự lễ nhậm chức của Trump có giá đến một triệu USD - 03/12/2016 20:52
- Lãnh đạo Hồng Kông đề nghị truất quyền 4 nghị sĩ phản đối Bắc Kinh - 03/12/2016 19:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-12-2016 - 03/12/2016 19:31
- Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan: Bắc Kinh nổi giận - 03/12/2016 15:23
Các tin khác
- Mỹ: D. Trump chọn tướng chống Iran làm bộ trưởng Quốc Phòng - 02/12/2016 21:52
- Trump và Putin, cặp bài trùng - 02/12/2016 20:28
- Bruxelles thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu - 02/12/2016 20:11
- “Bắc Triều Tiên : Phi hạt nhân hoá sẽ kéo theo chế độ sụp đổ” - 02/12/2016 18:26
- Chiến đấu cơ Anh sẽ bay ngang qua Biển Đông - 02/12/2016 17:44
- Thái tử Thái Lan về nước kế vị ngôi vua - 02/12/2016 17:32
- OPEC cắt giảm sản lượng dầu hỏa, hy vọng đẩy giá lên - 01/12/2016 23:31
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2016 - 01/12/2016 22:35
- Syria: LHQ lo ngại thường dân Aleppo bị thảm sát hàng loạt - 01/12/2016 22:21
- D.Trump bổ nhiệm cựu lãnh đạo ngân hàng làm bộ trưởng Tài Chính Mỹ - 01/12/2016 20:19