Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Matthew có thể thành bão cấp 4, lớn nhất ở Mỹ 10 năm qua

Matthew-1

Cư dân Daytona Beach chuẩn bị bao cát chống bão Matthew. (Hình: AP Photo/Chris O'Meara)

MELBOURNE BEACH, Florida (NV) – Bão Matthew, với sức gió mạnh dữ dội và mưa tầm tã, đang ào ạt tiến về hướng bờ biển các tiểu bang Florida, Georgia, North và South Carolina, khiến gần 2 triệu người được kêu gọi hãy sớm di tản, theo hãng thông tấn AP.

Bão Matthew đã lên tới cấp 3, với sức gió duy trì ở mức 115 dặm/giờ (khoảng 185 cây số/giờ), khi đánh vào vùng Trung Bộ Bahamas vào sáng sớm ngày Thứ Năm.

Các chuyên gia khí tượng cho hay họ dự trù bão sẽ tăng cường độ trong khoảng 24 giờ tới đây để trở thành bão cấp 4 khi tiến vào vùng bờ biển phía Ðại Tây Dương của tiểu bang Florida.

Cơn bão này cho tới nay làm ít nhất 113 người thiệt mạng tại ba quốc gia vùng Caribbean, trong đó có 108 người ở Haiti, ông Joseph Edgard Celestin, phát ngôn viên Cơ Quan Bảo Vệ Dân Sự, nói với CNN.

Ngoài ra, bão Matthew cũng gây thiệt hại nặng nề về vật chất được báo cáo ở Haiti.
Từ Tòa Bạch Ốc, Washington, DC, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Florida và ra lệnh các cơ quan liên bang trợ giúp các lực lượng, bộ lạc, và chính quyền địa phương đối phó với cơn bão.

Thống Ðốc Rick Scott của Florida đưa ra cảnh báo sáng Thứ Năm đối với cư dân sống trong vùng có thể bị bão ảnh hưởng rằng
 “Ðây là vấn đề nghiêm trọng…Nếu cần di tản mà chưa di tản, quý vị phải đi ngay. Trận bão này sẽ giết quý vị. Thời gian không còn nhiều nữa. Chúng ta không còn thời gian.”

Trận bão này được dự trù sẽ gây nhiều thiệt hại cho khu vực phía Nam của vùng bờ biển Miền Ðông nước Mỹ và nhiều người quyết định di tản để tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Tại Melbourne Beach, gần trung tâm không gian Kennedy Space Center, ông bà Carolos và April Medina dời xuồng và các vật dụng đi biển của họ vào trong nhà để xe và gỡ xuống các hình ảnh treo trên tường nhà họ, vốn chỉ cách bờ biển khoảng chừng 150 m.

Họ cũng mang cất bàn ghế ở hồ tắm vào nhà, khóa đường ống dẫn nước, rút điện các máy móc trong nhà, dọn sạch sẽ tủ lạnh. Sau đó, hai vợ chồng này lên chiếc xe bán tải, chở theo giấy tờ quan trọng, đồ trang sức và các món kỷ niệm lâu đời khác rồi đi về Orlando, nằm ở phía Tây tiểu bang, nơi họ dự trù sẽ ở tạm nhà con gái để chờ bão đi qua.

“Theo cái nhìn của tôi, nếu bão tiếp tục hướng tiến này, chúng tôi sẽ gặp sức gió mạnh của bão nhiệt đới.
Nếu bão đi lệch một chút về bên trái, có thể sẽ biến thành bão cấp 2 hay 3 và trong trường hợp đó tôi không muốn ở gần nó chút nào,” ông Carlos Medina cho hay. “Chúng tôi muốn cẩn thận hơn, an toàn hơn.”

Nhưng cách đó chừng 20 dặm, tại thành phố Cape Canaveral, ông John Long lại nói rằng đe dọa của bão Matthew được thổi phồng quá mức, dù rằng hàng xóm của ông đang hối hả di tản để vào sâu hơn trong đất liền.

Ông Long, làm chủ một tiệm bán và sửa xe đạp, và đã sống nơi đây trong 30 năm, nói rằng ông có sẵn một máy phát điện, thực phẩm và nước uống cho cá nhân ông và các con mèo của mình trong một tuần lễ.

Lần sau cùng có bão cấp 3 hay lớn hơn đánh vào nước Mỹ là bão Wilma vào Tháng Mười, 2005.

Lần đó, bão đổ bộ với sức gió lên đến 120 dặm/giờ (khoảng 190 km/giờ) ở phía Tây Nam Florida, làm năm người thiệt mạng, khi đi qua vùng Everglades và vào Fort Lauderdale cùng Palm Beach. Bão này gây thiệt hại khoảng $21 tỷ và khiến hàng ngàn căn nhà không có điện trong hơn một tuần lễ.

Vào lúc 2 giờ sáng ngày Thứ Năm, tâm bão Matthew được ghi nhận ở vị trí cách West Palm Beach, Florida, chừng 480 km và di chuyển hướng Tây Bắc với vận tốc 15 km/giờ, theo Trung Tâm Bão Quốc Gia.

Ở South Carolina, Thống Ðốc Nikki Haley ra lệnh thay đổi hướng giao thông trên xa lộ liên bang I-26 để tất cả mọi làn đường đều chạy về hướng Tây để ra khỏi thành phố Charleston.

Ðây là lần đầu tiên có sự thay đổi này. Bà Haley dự trù sẽ có thêm các khuyến cáo di tản hôm Thứ Năm, vốn sẽ ảnh hưởng đến khoảng 500,000 dân trong tiểu bang này.
Tiểu bang Florida có các lệnh di tản ảnh hưởng đến khoảng 1.5 triệu dân của mình. (V.Giang, Ð.D.)

Switch mode views: