Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-06-2016

Pháp chống cơn lũ lịch sử bằng tình láng giềng

france-weather 3


Nhân viên cứu hộ Pháp sơ tán người dân bị ngập lụt tại Longjumeau, nam Paris, ngày 02/06/2016
Reuters

Một phần nước Pháp ngập lụt, Paris chuẩn bị đón lũ, hàng ngàn người kể cả dân vô gia cư di tản, khủng hoảng ngoại giao Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit lên điểm, dân quê Trung Quốc « được giáo dục theo nếp sống văn minh » là những chủ đề thời sự trên báo Pháp hôm nay.

Sắp thiếu bác sĩ nhưng thừa nước, đó là hai mối ưu tư của Pháp.

Le Monde đưa lên trang nhất : Nước Pháp sẽ mất một phần tư số bác sĩ đa khoa trong 20 năm tới đây. Nước sông dâng cao kỷ lục gây lo ngại.

Các đồng nghiệp khác đều minh họa « cơn lũ kỷ lục » qua những bức ảnh nước sông Seine tràn lên bờ ở Paris, các toán cứu hộ bơi thuyền trên những con đường ngập nước đến lưng ở một số thành phố nhỏ bị chìm trong biển nước.

Le Figaro cho biết lực lượng cứu hộ đã can thiệp hơn 16.000 lần trong 24 giờ qua ở các vùng lụt lội, nhiều toà lâu đài, viện bảo tàng nổi tiếng phải đóng cửa và di dời các tác phẩm nghệ thuật và cổ vật vô giá.

 Tại Paris, 50 000 khối bê tông được chuẩn bị nối ráp bảo vệ các tuyến xe điện ngầm, các mạch nước ngầm đã bảo hoà sẽ tràn lên mặt đất nếu mưa vẫn tiếp diễn như dự báo.

Thận trọng, những người vô gia cư chọn bờ sông Seine làm nhà, đã được gom lại đưa lên tạm trú trên các con tầu đậu dọc con sông thơ mộng.

Nhật báo Libération tường thuật tình hình một địa phương ở ngoại ô nam Paris, Longjumeau : nước lên cao, các đại biểu dân cử ướt áo.
 Lúc đầu thì « mạnh ai nấy chạy » nhưng ngay sau đó, lực lượng cứu hỏa, cảnh sát, tình nguyện viên và đại diện chính quyền địa phương được huy động 24/24 giờ để đi từng nhà, cứu từng người, phân phối thức ăn nước uống.

Tinh thần tương thân tương ái này được các đặc phái viên của La Croix ở vùng hạ lưu sông Seine tường thuật chi tiết : Trước cơn lũ, láng giềng giúp nhau.
Những người khỏe mạnh và may mắn, nhà cửa chưa bị nước vây phủ thì tiếp tay với các toán cứu cấp của hội Hồng Thập Tự, bơi thuyền cao su đi tìm bạn bè và cho tạm trú.
Kẻ có xe còn nguyên vẹn thì chạy « taxi » đón đưa miễn phí.

Trụ sở chính quyền địa phương đã dán thông cáo kêu gọi dân trong làng khai báo thiệt hại. Nhưng bên trên các biện pháp khẩn cấp, chính quyền địa phương chuẩn bị cho nhu cầu của những tuần lễ tới.
Bà xã trưởng, mắt thâm quần, sau bốn ngày không ngủ, cho biết rất sung sướng vì thấy 997 dân làng hăng hái giúp đỡ nhau.

Không riêng dân trong làng mà dân ở các làng lân cận và trong tỉnh liên tục gọi điện thọai đề nghị tặng quần áo, chăn mền, bàn ghế, nhu yếu phẩm.

Theo La Croix, tuy tình hình nguy ngập nhưng các đại diện dân cử không bị rối loạn. Một người dân địa phương đã quen với mùa lũ trong quá khứ thẩm định : tình liên đới sẽ rất cần thiết trong những tuần lễ tới. Những thiệt hại hôm nay cho thấy công việc khắc phục thiên tai sẽ rất nặng nề.

Trong khi đó, Y sĩ đoàn Pháp báo động số bác sĩ đa khoa bị giảm đến 8,4% trong 10 năm qua. Hầu hết các tỉnh kể cả thủ đô Paris đều lo ngại.
Đây là hệ quả của chính sách giới hạn sinh viên đậu lên năm thứ hai thi hành cách nay ba mươi năm và tình trạng ở các địa phương « không hấp dẫn », các bác sĩ về hưu không có đồng nghiệp trẻ thay thế, theo nhận định của Le Monde.

 Câu hỏi đặt ra là liệu có nên xét lại chính sách cho phép bác sĩ tự do chọn nơi hành nghề hay không ? Chủ tịch hiệp hội sinh viên Y khoa cho là không nên vì như thế chỉ làm nản chí sinh viên Y chọn ngành đa khoa.

 Ngược lại, một thượng nghị sĩ đặc trách điều hợp nhân sự cho là cứ để tự do nhưng chắc chắn một lúc nào đó giới bác sĩ sẽ ý thức quyền lợi phải đi đôi với bổn phận.
Nếu họ tập trung vào một nơi đã có quá nhiều bác sĩ thì quỹ an sinh xã hội sẽ không bồi hoàn.

Nội Mông, phòng thí nghiệm « đô thị hóa » của Trung Quốc

Dự kiến trong năm năm tới đây, khoảng 840 triệu dân Trung Quốc sẽ sống ở thành phố, đảng cộng sản Hoa lục chuẩn bị một chương trình « giáo dục dân quê » theo nếp sống văn minh thành thị kiểu mẫu.
Theo đặc phái viên của Le Figaro, thí điểm đầu tiên là Ordos, một thành phố được xây trong sa mạc Nội Mông. Sáng kiến này có lẽ phát xuất từ chính sách cải tạo lao động của Mao thời cách mạng văn hóa, lưu đày hàng triệu người dân thành phố có học thức về nông thôn.

Một đoàn phóng viên quốc tế được mời đến Ordos, thành phố ma khổng lồ, vì có hàng trăm toà nhà chọc trời nhưng không có dân.
Một đảng viên phát một tờ giấy ghi điều lệ và nói như học thuộc lòng : đậu xe nơi bãi đậu, kiểm sóat miệng của quý vị, kiểm sóat chân tay quý vị ».

Một dân quê được cho là đã « được tái tạo », ngực đeo huy hiệu đảng cộng sản Trung Quốc, tiến đến chào khách nước ngoài phát biểu : Trước đây khi sống ở nông thôn, chúng tôi rất ích kỷ, khạc nhổ bừa.

Theo giải thích của cán bộ hướng dẫn thì « thay đổi cách sống, thích nghi vào môi trường thành thị không phải là dễ vì ở nông thôn Trung Quốc, người dân vẫn sinh họat như thời thế kỷ thứ 19, thậm chí không có nhà tắm nhà vệ sinh.

Khuyến khích họ về thành phố (thí điểm) để dạy cho họ cách sử dụng bếp gas, tắm gương sen, không ném thức ăn thừa trong nhà tiêu.

Để có thể đón tiếp 100 triệu dân thành thị mới trong bốn năm tới đây, chính quyền Trung Quốc đầu tư 6800 tỷ đôla. Ordos, không phải là thí điểm duy nhất, hàng loạt thành phố ma đang mọc lên như nấm.

Đêm về, « dân thành thị mới » kéo nhau đi ăn ở các hiệu ăn ăn nhanh của địa phương. Trong tiếng loa động viên « hãy bắt đầu cuộc sống thơ mộng ở thành phố chúng ta, hãy bảo đảm sự phát triển của đất nước bằng sức khỏe của từng công dân ».

Một ông chồng « đã văn minh » chỉ dẫn bà vợ còn ngơ ngác : bà ăn ham-bơ-gơ với tay chứ không phải bằng đũa. Uống nước bằng ống hút nhé. Cái ly này không phải để xơi….

Trong thời gian tới, Ordos sẽ biến các dân quê này thành công dân kiểu mẫu, một mô hình cho cả nước Trung Hoa.

Châu Âu trước nhiều bất trắc

Hai cuộc thăm dò ý kiến đưa đến cùng một kết quả : xu hướng dư luận Anh Quốc muốn ở lại châu Âu mất điểm.

Nhật báo Le Monde chỉ ra thủ phạm là Công đảng Anh. Đảng cánh tả bị chia rẽ đến mức các cử tri ủng hộ không biết rõ ban lãnh đạo muốn gì : ra hay ở lại. Quan hệ với Ba Lan cũng không thuận thảo.

 Bruxelles buộc phải lên tiếng « dọa Vacxava » sau khi chính phủ bảo thủ bác bỏ mọi quyết định của Toà Bảo Hiến.
 Vấn đề là chính quyền Ba Lan dọa ngược lại Bruxelles là bị « vi phạm chủ quyền » và sẽ kiện Ủy Ban Châu Âu ra Toà Án Châu Âu.

Cùng lúc đó thì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lún sâu vào khủng hoảng.
Trong khi Ankara gây sức ép, bắt chẹt Liên Hiệp Châu Âu phải bỏ visa nhập cảnh cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ thì nước Đức, một trong hai đầu tàu của Liên Hiệp Châu Âu, thọc sâu vào điểm nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ : vụ thảm sát hàng triệu người Armenia hồi đầu thế kỷ 20 mà các chính quyền khác nhau ở Ankara đều phủ nhận.

Trong bài phân tích Quốc Hội Đức công nhận vụ thảm sát Armenia là tội ác chống nhân loại gây tức giận cho Thổ Nhĩ Kỳ, Libération thẩm định Quốc Hội Đức đã đặt chính phủ Merkel vào thế khó xử vì Berlin đang cần Ankara cầm chân làn sóng tị nạn.

Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của Đức với 4 triệu công dân sống tại Đức. Thật ra cho đến nay, ba nước lớn là Nga, Pháp, Ý đã công nhận Thổ Nhĩ Kỳ phạm tội ác chống nhân loại khi giết chết hoặc để cho chết 1,5 triệu người Armenia. Hoa Kỳ và Đức thì còn ngần ngại vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên quan trọng của NATO.

Còn Le Figaro cho rằng, chính phủ Đức tin rằng thời gian có lợi cho châu Âu, nếu Ankara là « bạn chân thật » thì đây là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ chứng minh.
Thủ tướng Đức không để cho tổng thống Erdogan tiếp tục dùng lời lẽ đao to búa lớn để lấn áp Berlin và bắt chẹt châu Âu trong hồ sơ tị nạn và di dân.


Switch mode views: