Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc ngày 17-11-2015

Syria : Nên chăng tham chiến trên bộ ?

Mirage - Pháp

Chiến đấu cơ Mirage của Pháp (Ministère de la Défense)

Hiếm khi nào hồ sơ Syria lại chiếm nhiều trang báo đến như vậy. Các tờ nhật báo Pháp dành từ 16 tới 20 trang cho hồ sơ Daech.

Trên trang nhất, báo Libération đăng bức ảnh chụp Tổng thống François Hollande triệu tập Quốc hội lưỡng viện tại điện Versailles để trình bày kế hoạch đối phó.

Báo Le Figaro đăng hình các chiến đấu cơ Mirage, cho thấy Pháp tăng cường các đợt oanh kích nhắm vào các căn cứ của Daech tại Raqqa.

Tờ Le Monde đăng ảnh ba người lính cầm súng canh gác dưới chân tháp Eiffel, ở phía trên là hàng tựa đậm Pháp trong tình trạng khẩn cấp. Tình trạng này chắc chắn sẽ kéo dài và trở nên ‘‘thường trực’’ theo như hàng tít lớn trang đầu báo Libération.

Tuy không hẹn nhưng các báo Pháp đều phác họa kịch bản chiến tranh kể cả những tình huống xấu nhất, tức là các đợt oanh kích Daech sẽ dẫn tới trả đũa leo thang. Điều đó có nghĩa là khủng bố có nguy cơ tái diễn trên đất Pháp và người dân Pháp từ nay phải ý thức về điều đó.

Tình hình này sẽ tiến triển như thế nào ? Liệu tình trạng khẩn cấp kéo dài trong ba tháng sẽ được triển hạn thêm hay không ? Các nước Âu Mỹ, trong đó có Pháp, buộc phải liên minh với Nga, lập một mặt trận chung chống lại Daech ? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra những hiện vẫn còn quá sớm để trả lời.

Riêng về câu hỏi có nên gửi quân sang Syria can thiệp trên bộ hay chăng, các báo trích dẫn quan điểm của nhiều chuyên gia phân tích, đôi khi bất đồng có lúc trái ngược hẳn nhau.

Theo nhà phân tích Renaud Girard của báo Le Figaro, nước Pháp có thể can thiệp quân sự vào Syria nhưng với một số điều kiện. Các đợt oanh kích đơn thuần, đánh từ trên không coi vậy mà ít có hiệu quả trong một cuộc chiến ‘‘bất đối xứng’’.

Can thiệp trên bộ nhưng với điều kiện

Trong trường hợp của Pháp, tham chiến trên bộ (boots on the ground) theo kiểu đơn thương độc mã sẽ là một quyết định điên rồ, nếu gửi quân sang Syria thì phải có sự đồng thuận và liên minh của tất cả các tác nhân trong vùng, và hơn bao giờ hết Pháp cần có sự hợp tác của Hoa Kỳ.

Gửi quân sang Syria tham chiến trên bộ là một kịch bản bấp bênh, đầy rủi ro mà chưa chắc gì hiệu quả, theo nhận định của ông Jean Claude Allard, thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ Chiến lược quốc tế IRIS đăng trên báo Libération.

Theo ông, Daech tuy gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng không có một quân đội ‘‘chính thống’’ và một ngành ngoại giao của một quốc gia. Các phần tử tham gia thánh chiến trà trộn, ẩn nấp trong lớp thường dân.

Ngành tình báo Âu Mỹ cũng không có nhân viên liên lạc tại chỗ để cung cấp thông tin về các mục tiêu cần phải triệt hạ.
Ông Hicham al-Hachemi, chuyên gia người Irak về Daech, đừng nên rơi vào cái bẫy của do tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Theo ông, Daech không ngừng « chọc tức » phương Tây với hy vọng là các nước Âu Mỹ sẽ can thiệp quân sự. Trong trường hợp liên minh quốc tế gửi quân sang Syria, Daech sẽ dùng cái cớ đó để biện minh cho các hành động của họ.

Con đường thứ ba : giải pháp khó nhất

Nhà nghiên cứu Gilles Kepel, tác giả quyển sách ‘‘Nỗi kinh hoàng trên đất Pháp’’ (Terreur sur l’Hexagone), nói về nguyên nhân khiến cho những thanh niên sống ở Pháp gia nhập hàng ngũ Daech, thì cho rằng nếu đánh thì phải đánh triệt để, điều đó chẳng những đòi hỏi phương tiện mà còn cần đến việc thu phục nhân tâm, cũng như sự ủng hộ của dư luận.

Theo ông, nếu tất cả các nước lớn chịu gạt qua một bên tất cả những mối bất đồng, để cùng hợp sức nhắm vào cùng một mục tiêu, thì lúc đó mới có hy vọng đánh bại Daech.

Giáo sư Jean-Pierre Filiu thuộc trường Sciences Po, thì nghĩ tới một giải pháp thứ ba. Theo ông, vào năm 2003, các tổ chức hồi giáo cực đoan dùng chiến dịch tuyên truyền đã biến việc Hoa Kỳ gửi quân sang Irak thành một ‘‘cuộc xâm lăng’’ của thế lực ngoại bang, và qua đó tuyển dụng thêm binh lính vào hàng ngũ thánh chiến.

Dĩ nhiên là thực tế phức tạp hơn thế rất nhiều, nhưng Daech vẫn có kế hoạch làm cho liên minh phương Tây sa lầy tại Syria, trong trường hợp có can thiệp trên bộ. Giả thuyết phương Tây buộc phải hợp tác với Bachar el Assad cũng vậy, nó sẽ có lợi cho Daech nhiều hơn là cho các nước Âu-Mỹ.

Kể từ khi Nga ủng hộ chế độ Damas và gửi quân sang Syria, Daech đã nhân lên gấp bội việc tuyển dụng quân thánh chiến.
Hướng đi thứ ba nhưng cũng là giải pháp khó thực hiện nhất, đó là chống lại cùng một lúc hai đối phương, một bên là Daech và bên kia là Bachar el Asad.

Pháp sẽ phải thuyết phục các ‘‘đồng minh’’ thậm chí các tác nhân trong khu vực, để cùng đánh Daech. Thay vì gửi quân tham chiến trên bộ, các nước Tây phương có thể dùng hoả lực không quân và thông tin tình báo để yểm trợ cho một nhiệm vụ trên bộ được giao cho liên minh các nước Ả rập.

Nepal : Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng

Về tình hình châu Á, báo Le Monde hôm nay đăng bài phân tích cho biết bằng cách nào Bắc Kinh đã biết tranh thủ thời cơ hầu giành thêm ảnh hưởng tại Nepal.

Những mối căng thẳng gần đây giữa Ấn Độ và Nepal gần đây đã tạo cơ hội cho Trung Quốc dùng nhiên liệu như một ‘‘đòn ngoại giao’’ hầu ve vãn thuyết phục chính quyền Katmandu nghiêng về phía mình.

Theo Le Monde, quan hệ giữa Ấn Độ và Nepal trở nên căng thẳng, khi vào thượng tuần tháng 11, phe chống đối việc sửa đổi Hiến pháp Nepal đã liên tục biểu tình, gây nhiều cản trở ở vùng biên giới với Ấn Độ, trục lộ thông thương huyết mạch, nơi vận chuyển hàng hóa và nguyên nhiên liệu.

Nepal đã tố cáo Ấn độ ủng hộ gián tiếp ‘‘phe biểu tình’’, và như vậy bóp nghẹt kinh tế của Nepal. Biện pháp phong tỏa này do nhóm sắc tộc Madhesi chủ trương đã khiến cho xăng dầu trở nên khan hiếm, nhiều tuyến bay nội địa bị hủy bỏ.

Trung Quốc nhân cơ hội này đã ký với Nepal một hợp đồng cung cấp nhiên liệu, vốn là độc quyền của Ấn Độ trước đây. Trung Quốc còn mở cửa biên giới, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá vào Nepal.

Hiện giờ, Nepal nhập khoảng 60% lượng sản phẩm từ Ấn Độ, và chỉ 13% từ Trung Quốc. Ưu thế này có thể bị đảo ngược lại trong những năm tới, khi mà chính quyền Nepal ngày càng xích lại gần Trung Quốc, và Nepal cũng đã tham gia vào kế hoạch phát triển Con đường tơ lụa mới do Bắc Kinh vạch ra.

Theo giới chuyên gia Ấn Độ, đằng sau sự xích mích giữa Nepal và Ấn Độ, có khả năng là có sự thao túng của Trung Quốc. Nhưng giới chuyên gia đã chỉ trích chính quyền Ấn Độ thiếu bản lĩnh trong cách giải quyết vụ xích mích này. New Delhi từ trước tới nay áp dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt đối với Nepal, mà lại quên đi sự trỗi dậy cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nước láng giềng khổng lồ.

Các chuyên gia kêu gọi chính quyền New Delhi thay đổi chiến lược, bằng không, dưới tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, Nepal có thể bị lôi kéo để rồi trở thành một kẻ thù của Ấn Độ từ lúc nào không hay.

James Bond bộ phim quảng cáo dài nhất thế giới

James Bond là điệp viên thứ thiệt hay chỉ là diễn viên đóng phim quảng cáo ? Trả lời câu hỏi này, tuần báo Courrier Internationnal trích dẫn nhận định nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cho rằng xem bộ phim vừa mới phát hành của điệp viên 007 mang tựa đề là Spectre, khán giả có cảm tưởng như xem một bộ phim quảng cáo dài nhất trên thế giới, vì thời lượng phim lên tới 150 phút tức là hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Xe đua kiểu Aston Martin, đồng hồ cực xịn Omega mỗi chiếc trị giá hơn 6.000 đô la, âu phục thời trang Tom Ford, quần lót hiệu Sunspel, rượu champagne Tattinger, điện thoại 4G hiệu Sony ….. không có bộ phim nào trên đời như James Bond mà lại cài đặt vào trong phim nhiều sản phẩm quảng cáo như vậy (product placement).

Theo tờ báo, cho dù có muốn hay không, diễn viên Daniel Craig hay đạo diễn Sam Mendes vẫn không thay đổi được gì, vì đó là quyết định ‘’tối thượng’’ của các nhà sản xuất.

Kinh phí thực hiện tập phim James Bond thứ 24 lên tới 270 triệu đô la. Đối với giới sản xuất việc cài đặt nhiều sản phẩm quảng cáo vào phim là cách thuận tiện nhất để thu hồi vốn và đôi khi là để kiếm lời, tùy theo hợp đồng mà họ đã ký kết với các công ty, tập đoàn chế tạo sản phẩm.

Chỉ có điều là hiện tượng này dẫn tới một sự lạm phát của các sản phẩm quảng cáo trong phim, đôi khi sản phẩm được ‘’trưng bày’’ trên màn ảnh lớn một cách quá lộ liễu, với một mục tiêu hoàn toàn thương mại chứ chẳng phục vụ gì cho cốt truyện.

Phụ trang văn hóa của tuần báo l’Obs đi xa hơn nữa khi cho rằng xu hướng cài đặt sản phẩm vào phim James Bond, đôi khi hơi vô duyên, phản tác dụng vì làm cho khán giả cười không đúng chỗ.

Đành rằng vodka martini là loại rượu pha (Vesper Martini Dry) yêu chuộng nhất của James Bond, nhưng khi gọi thức uống, điệp viên 007 có cần phải nói rõ vodka hay rượu gin hiệu gì hay chăng ?

Theo giáo sư James Chapman, thuộc trường đại học Leicester, tác giả quyển sách « Licence to Thrill : A Cultural History of the James Bond Films », lúc sinh tiền nhà văn Ian Fleming không viết một loại văn chương quá cao siêu, nhưng lại phản ánh thực trạng xã hội Anh thời bấy giờ.

Sau những năm đói khát, khan hiếm thời Đệ nhị Thế Chiến, nước Anh lao vào xã hội tiêu thụ từ giữa những năm 1950 trở đi.

Nhưng không phải ai cũng có tiền để mua sắm, và tiểu thuyết James Bond vừa phản ánh gu của chính tác giả, vừa là một cách để cho người đọc thả trí tưởng tượng vào một thế giới hào nhoáng, đầy thương hiệu hấp dẫn.

Vào thời của Ian Fleming, điệp viên 007 đeo đồng hồ Rolex Oyster Perpetual, lái xe Bentley Vintage, uống champagne Taittinger Blanc de Blancs của Pháp, vodka hiệu Wolfschmidt sản xuất tại thành phố Riga.

Thời nay, James Bond không chỉ thay đổi phong cách ăn mặc cho hợp thời, mà hình ảnh còn bị bóp méo đến nỗi biến tướng. Theo Andie Jones, tổng biên tập tờ báo thời trang cao cấp The Player dành cho phái nam, tướng mạo giờ đây của điệp viên 007 là do sự áp đặt của các nhà sản xuất, đôi khi ‘’sai lầm’’do nó đi ngược lại với cốt cách của James Bond.

Một điệp viên nổi tiếng giết người không nháy mắt không sợ bàn tay nhúng máu, sẽ không bao giờ mặc quần jean bó sát màu trắng. Quay xong pha hành động, James Bond đứng lên, áo quần không hề có một vết bụi mà cũng chẳng nhuốm máu hồng.

Phim James Bond còn là một catalogue quảng cáo du lịch : sau Istanbul, Macau và Thượng Hải trong phim Skyfall, lần này điệp viên 007 đưa người xem đến Mêhicô (Mexico) và Monte Carlo (Monaco).

James Bond trở thành một kiểu du khách hạng sang không bao giờ biết nhàm chán, do đang nắm trong tay vận mệnh của nhân loại. Diamonds Are Forever ? James Bonds không bao giờ ngã nghiêng chao đảo như toàn thế giới, mà vẫn trụ vững như các thương hiệu muôn thuở sáng ngời.



Switch mode views: