Điểm Báo Pháp Quốc ngày 12-11-2015
- Thứ Năm, 12 tháng Mười Một năm 2015 19:55
- Tác Giả: Mai Vân
Toàn Hàn Quốc nín thở để con em thi tuyển đại học
Một phòng thi tốt nghiệp trung học của học sinh Hàn Quốc.
AFP PHOTO/JUNG YEON-JE
Chủ đề chiếm tựa trang đầu báo Pháp hôm nay 12/11/2015 rất tản mạn. Riêng Châu Á hôm nay đã được báo Les Echos và Le Monde quan tâm, đặc biệt là Les Echos, rất chú ý đến sự kiện Hàn Quốc hôm nay đã hầu như nín thở trong ngày trọng đại con em đi thi, và nêu câu hỏi trong hàng tựa : « Tại sao 630.000 thiếu niên Hàn Quốc ‘vượt ải sinh tử’ vào hôm nay ? »
Tờ báo dường như đã tìm thấy câu giải đáp, và giải thích bên dưới : Học sinh Hàn Quốc hôm nay thi tuyển vào Đại học. Kết quả cuộc thi này sẽ quyết định các em được vào trường nào, điều này có kết quả hệ trọng trên con đường tìm việc làm sau này, nhất là ở các tập đoàn nổi tiếng Hàn Quốc.
Nhưng điều gây lý thú cho phóng viên của tờ báo quan sát tình hình là các em đi thi đã được cả nước chăm chút hôm nay, sinh hoạt giờ giấc có phận xáo trộn. Ví dụ như hôm nay, có đến 69 chuyến bay cất cánh cũng như đáp xuống các phi trường lớn Hàn Quốc đã bị dời lại trong khoản thời gian từ 13g10 và 13g35 để không gây tiếng ồn, làm các em thi vấn đáp tiếng Anh phân tâm.
Vận mạng của số 631.178 học sinh được định đoạt vào hôm nay sau 8 tiếng khảo sát sinh tử. Và để các em có thể yên ổn đi đến trung tâm thi - có 1 212 trung tâm khắp nước - thì chính quyền đã yêu cầu các công ty xí nghiệp dời lại giờ bắt đầu làm việc của nhân viên. Ngay cả thị trường chứng khoán Seoul cũng mở chậm hơn một tiếng.
Dĩ nhiên là phương tiện chuyên chở công cộng đã được tăng lên, cảnh sát đã giới hạn lưu thông xe cộ cách các trường 200 mét hầu giảm tiếng ồn. Phần cha mẹ đã được quyền đưa các em đi thi, động viên chúng trước khi đi đến đền chùa cầu nguyện cho kết quả tốt.
Mỗi năm vào ngày thi tuyển « College Scholastic Ability Test » trọng đại này định đoạt tương lai các em, thì Hàn Quốc đều tiến hành những nghi thức kể trên bảo đảm cho cuộc thi các diễn ra tốt lành.
Tại sao cuộc thi lại quan trọng đến mức mà cả nước phải chăm chút ? Les Echos giải thích là cuộc thi gồm 5 môn này : - Tiếng Hàn, Toán, Anh ngữ, Khoa học xã hội và tự nhiên, một Ngoại ngũ phụ - sẽ quyết định việc các em được vào đại học nào và sẽ tác động đến con đường sự nghiệp, việc được vào các tập đoàn có tiếng Hàn Quốc.
Theo bài báo, các tập đoàn Hàn Quốc có truyền thống đào tạo nội bộ các nhân viên của mình, nhưng tuyển chọn nhân viên tương lai theo đại học mà các em thi tuyển được vào. Điều này đối với các tập đoàn quan trọng hơn là chuyên môn hay là thành công của các em trong quá trình đại học sau đó.
Trong một xã hội quy củ cứng ngắt như Hàn Quốc, việc tuyển chọn vào đại học, rồi tập đoàn có hệ quả lớn trên đời sống xã hội sau này của các em, thành bại ra sao.
Nhưng Les Echos cũng nhìn thấy là hiện nay ngày càng nhiều tiếng nói vang lên phản đối hệ thống chọn lọc cứng nhắc này, không dung thứ thất bại và dẫn đến hậu quả tai hại : thanh niên Hàn Quốc tự tử không ít. Dẫu vậy, theo Les Echos vẫn còn nhiều tiếng nói bảo về hệ thống tuyển chọn này, cho đấy là một hệ thống công bằng và hữu hiệu, một bằng chứng : Hàn Quốc nổi bật trong bản xếp hạng Pisa.
Miến Điện : Tiến trình chuyển tiếp hòa bình
Bên cạnh Hàn Quốc Les Echos còn nhìn sang Miến Điện, ghi nhận trong hàng tựa : « Chuyển tiếp ‘hòa bình’ ».Tờ báo trở lại những lời hứa hôm qua của chính quyền hiện tại là sẽ ‘chuyển giao quyền hành một cách hòa bình’ nếu thắng lợi của đảng đối lập LND được chính thức xác nhận, như lời Bộ trưởng Thông tin Ye Htut trong bản thông cáo.
Các cuộc ‘thảo luận’ có thể bắt đầu sau khi kết quả chính thức được công bố. Nhưng điều này còn phải mất nhiều ngày.
Les Echos nhắc lại là kết quả cuộc bỏ phiếu lịch sử hôm Chủ nhật vừa qua cứ rơi nhỏ giọt, nhưng cũng đã cho thấy thắng lợi áp đảo của đảng đối lập. Vấn đề là tại sao kết quả lại chậm thông báo như thế, phải chăng đấy là do Ủy ban bầu cử cố tình, khi mà guồng máy hành chính vẫn trong tay giới chức từng ở trong quân đội.
Nhìn về phía bà Aung San Suu Kyi, tờ báo ghi nhận sự thận trọng khôn khéo : chiến lược của đảng đối lập là để cho chính quyền có thời giờ tiêu hóa sự kiện, không đổ thêm dầu vào lửa. Ở đất nước Châu Á này huênh hoang tuyên bố thắng lợi có thể làm mất mặt đối phương, là một sai lầm chiến lược, cho nên bà Aung San Suu Kyi đã vô cùng thận trọng, tránh xuất hiện trước công chúng, cho tháo gỡ màn hình to và các loa phóng thanh trước trụ sở đang LND.
Các cổ động viên đã ồ ạt xuống đường hai ngày Chủ nhật và thứ Hai để mừng thắng lợi cũng đã tuân theo chỉ thị là ‘ở nhà’. Sinh hoạt tiếp tục yên tĩnh ở Rangoun trong khi chờ đợi kết quả, nhưng một khi thông báo được đưa ra, hiển nhiên là sự vui mừng kềm chế từ bao nhiêu năm sẽ bùng lên như nước vỡ bờ.
Trung Quốc : Bạch Mao Nữ tái xuất giang hồ
Báo Le Monde ở trang Văn hóa nhìn sang Trung Quốc với vở ca kịch Bạch Mao Nữ được dựng lại dưới sự chỉ đạo của chính bà Bành Lệ Viên phu nhân ông Tập Cận Bình, và buổi đầu tiên ra mắt là ngày 6/11 vừa qua tại Diên An. Tờ báo chạy tựa : « Bạch Mao Nữ của Tập lên thẳng từ Mao », đánh giá sự kiện mang đầy tính biểu tượng.
Bài báo của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti, nhắc lại vở ca kịch đã từng được bà Mao chuyển thành vở múa thời Cách mạng Văn hóa, đang trở lại và gây nhiều chú ý, nhờ sự tuyên truyền. Vở kịch mới do Bộ Văn hóa trực tiếp sản xuất, và giám đốc nghệ thuật không ai khác là phu nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chính bà Bành Lệ Viện đã thủ vai chính trong thập niên 1980.
Buổi ra mắt đầu tiên, là vào ngày 6/11 tại Diên An. Le Monde trích China Daily, giải thích năm nay đánh dấu 70 năm ra đời của Bạch Mao Nữ, một kỷ niệm mà tác giả bài báo trên Le Monde nhìn thấy có tính biểu tượng rất cao. vì vở kịch ra đời sau phát biểu của ông Mao Trạch Đông ở Diên An năm 1942 về văn học nghệ thuật.
Và dĩ nhiên là bình luận trên mạng không thiếu, nhiều người thấy lại hình bóng của bà Giang Thanh và Mao Trạch Đông.
Le Monde nhắc lại là Bạch Mao Nữ - còn có tên Bạch Mao Tiên Cô - vào những năm 1950, đã trở nên bộ phim đầu tiên của Trung Quốc chiếu ra nước ngoài, là câu chuyện của một cô gái nông thôn bị một địa chủ ức hiếp, chạy trốn lên núi, tóc bỗng dưng bạc trắng, khiến người ta lầm tưởng là một hồn ma, và được người yêu đã vào quân đội giải phóng, cứu thoát, hai người trở về và trừng phạt người gây tội ác.
Điều làm cho Le Monde khó chịu là Bạch Mao Nữ, nhắc lại tư tưởng về văn hóa mà Mao nêu lên trong bài diễn văn là « nghệ thuật phục vụ quần chúng và đảng », dẫn đến Cách mạng Văn hóa, việc truy bức nghệ sĩ, trí thức. Vấn đề là ông Tập Cận Bình, đã tỏ ra hoàn toàn đi theo đường hướng này, trong một bài diễn văn năm ngoái khẳng định văn hóa nghệ thuật phải đi theo quan điểm mác-xít, lấy dân làm đích, và ông đã chỉ trích gay gắt những người bôi nhọ quần chúng và anh hùng dân tộc.
Theo Le Monde thì toàn văn bài phát biểu này chỉ được công bố vào ngày 14/10 vừa qua, và Bạch Mao Nữ dường như được khôi phục lại để đáp ứng các chỉ thị của nhân vật số 1 Trung Quốc đòi gìn giữ một di sản cộng sản, không cho ai đụng đến.
Về Bạch Mao Nữ, Le Monde cũng tiết lộ chính khi hát một vài đoạn trong vở này bà Bành Lệ Viện, lúc 14 tuổi, đã được một giáo sư nhạc chú ý và giới thiệu cho một viện âm nhạc địa phương. Và khi đóng vai chính vào năm 1985, lúc 23 tuổi, bà đã được trao giải thưởng cao quý nhất.
Trong một buổi diễn cô Bành Lệ Viện được một nhân vật cao cấp khen ngợi : Đó là ông Tập Trọng Huân, trước khi gặp con trai của ông vào năm 1986, tức đương kim chủ tịch hiện nay. Le Monde kết luận hóm hỉnh : Quả là một vở opera đỏ gương mẫu.
Thủ tướng Ấn Độ chiêu dụ đầu tư ngoại quốc
Trên bình diện kinh tế Le Monde nhìn sang Ấn Độ, nơi Thủ tướng Modi đang chiêu dụ các nhà đầu tư nước ngoài. Tờ báo ghi nhận là có lẽ do đảng BJP của ông Modi thất cử ở bang Bihar, bang đông dân cư thứ ba của nước Ấn mà ông Modi muốn chứng minh cải tổ ở Ấn không lùi bước mà ngược lại nữa là khác.
Cho nên ông đã loan báo một một biện pháp để nâng đầu tư nước ngoài trong đó có việc giảm nhẹ các thủ tục, các công ty nước ngoài có thể giữ 100% vốn không cần phải liên doanh với công ty Ấn ..., tăng trần đầu tư trong khoảng 15 lãnh vực.
Rõ ràng theo Le Monde chính phủ Ấn muốn tăng tốc. Năm 2014, đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ đã tăng 40%. Và giới kinh doanh ở Ấn Độ đã hoang nghênh những thông báo trên.
Hệ quả là không cần chờ đến lúc các biện pháp mới được thực hiện, Tập đoàn General Electric và Alstom đã ‘mở chiến dịch tấn công’ : Chỉ trong 48 tiếng đồng hồ qua, hai tập đoàn này đã ký hai hợp đồng với đường sắt Ấn, trị giá 5,4 tỉ euro.
Le Monde nhìn thấy chính phủ Ấn rất nhạy bén. Trong bản xếp hạng của Ngân hàng Thế giới cuối tháng 10, về những nước mà điều kiện kinh doanh dễ dàng, cổ vũ cho đầu tư, Ấn Độ đã lên đến 12 hạng. Và thông báo về biện pháp được giới đoanh nhân đánh giá đến rất đúng lúc, không chỉ để lấy lại uy tín trong nước mà lại đúng lúc ông Modi đến Anh vào hôm nay và dĩ nhiên tiếp xúc với giới đầu tư, tập đoàn công nghiệp.
Tựa đầu trang nhất
Le Monde tưởng niệm André Glucksman, nhà triết học Pháp vừa qua đời, với bức ảnh to ở trang nhất. Le Figaro quan tâm đến việc « Pháp không tìm được giải pháp trước làn sóng tị nạn ».
Libération chạy tựa về bài phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Cazeneuve về các chủ đề an ninh nổi cộm ở Pháp từ vấn đề khủng bố cho đến người tị nạn...và nói hóm hỉnh « Cazeneuve thú nhận ».
Tin mới
- Quốc tế phẫn nộ lên án loạt khủng bố ở Paris - 14/11/2015 21:30
- Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự nhận là chủ mưu loạt khủng bố ở Paris - 14/11/2015 21:22
- Khủng bố hàng loạt tại Paris : Hơn 120 người chết - 14/11/2015 20:57
- Mỹ muốn một thỏa thuận hạt nhân với Pakistan - 13/11/2015 22:29
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-11-2015 - 13/11/2015 22:15
- Việt Nam : Luật sư bị trấn áp trước khi tuần hành phản đối đồng nghiệp bị hành hung - 13/11/2015 17:39
- Bầu cử Miến Điện : Đảng đối lập chiếm đa số tuyệt đối cả hai viện - 13/11/2015 17:27
- Đầu tư nước ngoài vào Cuba, một cuộc đua vượt chướng ngại vật - 12/11/2015 21:50
- Venezuela: Đối lập kiện Tổng thống về “tội ác chống nhân loại” - 12/11/2015 21:26
- Hy Lạp : Tổng đình công để phản đối các biện pháp khắc khổ mới - 12/11/2015 20:10
Các tin khác
- Trung Quốc cho phép phái đoàn Quốc hội Mỹ đến thăm Tây Tạng - 12/11/2015 16:47
- Tổng thống Obama vinh danh cựu chiến binh Hoa Kỳ - 11/11/2015 22:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-11-2015 - 11/11/2015 19:09
- Aung San Suu Kyi muốn đối thoại với những người đang cầm quyền - 11/11/2015 18:26
- Điểm Báo Pháp Quốc ngày 10-11-2015 - 10/11/2015 20:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-11-2015 - 09/11/2015 19:38
- Bầu cử Miến Điện : Đối lập trên đà thắng lớn - 09/11/2015 18:07
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08-11-2015 - 08/11/2015 23:33
- « Đại cục » của ông Tập Cận Bình không lừa được người dân Việt - 08/11/2015 21:34
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga đi sai đường tại Syria - 08/11/2015 11:33