Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-07-2014

 Pháp phát hiện gián điệp Nga

spy espionnage



Dưới thời Putin, điệp viên Nga năng động hơn dưới thời chiến tranh lạnh - DR


Từ ngày Tổng thống Nga Putin quay lại điện Kremlin, cựu sĩ quan tình báo Nga KGB đã cài hàng trăm điệp viên vào các quốc gia Châu Âu, khối NATO và đặc biệt tại Pháp. Các nhân viên này ngụy trang dưới vỏ bọc các nhà  ngoại giao, nhà báo giả.

Tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này chạy tựa lớn trên trang nhất : « Phát hiện điệp viên của Putin tại Pháp ».

Tạp chí phát hiện vụ một điệp viên Nga bị phát giác là Iliouchine. Bộ phận phản gián thuộc DCRI đã theo dõi hành tung nhân vật này từ nhiều tháng. Chừng 30 tuổi, lạnh lùng và rất hiệu quả như chủ nhân điện Kremlin, nhiệm vụ của anh là thâm nhập được vào trung tâm quyền lực Pháp để lấy tin tức.

Đặc biệt, Iliouchine muốn biết các mối quan hệ thân cận, đời tư của Tổng thống Pháp Hollande.

Trên danh nghĩa là nhân viên ngoại giao nhưng anh ta không hề làm việc trong văn phòng của đại sứ quán mà anh ta không bỏ lỡ một buổi hội thảo nào tại Trường Võ bị, Viện kỹ nghệ Vũ khí, Tổ chức Nghiên cứu chiến lược. Qua các buổi hội họp, Iliouchine nhắm đến các nhân vật cấp cao, nghiên cứu gia hay nhà báo nổi tiếng. Mục tiêu là để moi thông tin.

Để tiếp cận những nhân vật này, bước thứ nhất, Iliouchine mờ họ dùng cơm mỗi tháng hai lần. Đó là quy định của tình báo Nga. Trên bàn ăn, điệp viên này bắt đầu tung ra những thông tin nóng về quân đội Nga hay quan hệ quân sự giữa Paris và Mátxcơva.

Ban đầu, Iliouchine chẳng hỏi gì lại đối tác. Để tiến sâu hơn, điệp viên bắt đầu thả con mồi như tặng cây bút hiệu Montblanc đắt tiền hay một chai rượu whisky nhãn hiệu nổi tiếng.

Đây là những món quà chuẩn mà cựu tình báo Nga KGB thường làm vì các món quà này đủ đắt để lôi đối phương vào tròng, nhưng giá trị món quà không quá lớn để bị xem là tham nhũng. Sau đó, điệp viên sẽ quan sát thái độ. Nếu đối tượng nhận quà tức là thời cơ đã chín mùi để tiến hành bước hai là tuyển dụng những người này làm việc cho Nga.

Điệp viên ban đầu hỏi những thông tin vô hại rồi dần dần nâng cấp lên những tin tức bảo mật. Iliouchine đưa ra những bài viết không đúng sự thật, một chiến dịch mà Mátxcơva đã tung ra. Đổi lại, Iliouchine tặng quà có giá trị hơn cho đối tác như một chuyến du lịch cho cả gia đình tại một thiên đường đầy nắng.

Nếu như đối tượng chấp nhận, Iliouchine sẽ tiến thêm bước ba, như ở trường đã từng đào tạo anh. Đó là thao túng và điều khiển con mồi theo ý muốn của mình bằng cách mua chuộc bằng cả xấp tiền.

Pháp đề phòng Nga tối đa

Le Nouvel Observateur cho biết, một phóng viên đã bị sập bẫy của điệp viên Iliouchine nên đã vô tình cung cấp thông tin mật về những cộng tác viên của ông François Hollande.

Iliouchine đã tiến hành được tới bước thứ 2 nhưng phóng viên này đã hiểu ra rằng mình đã bị mua chuộc và sẽ trở thành gián điệp Nga. Hậu quả sẽ là hình phạt nhiều năm tù. Do đó, phóng viên này đã đi tự thú.

Tạp chí nhận định, trường hợp trên chỉ là một phần nổi của tảng băng, trong vô số các vụ chưa đưa ra ánh sáng. Dưới thời Putin, điệp viên Nga năng động hơn dưới thời chiến tranh lạnh.

Mọi thông tin liên quan đến ý đồ của Pháp ở NATO hay ở Liên Hiệp Quốc, trong Liên Hiệp Châu Âu, bí mật thương mại của tập đoàn Areva, những công nghệ đỉnh cao của Thales… đều thu hút giới tình báo Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraina càng khiến cho tình báo Nga năng nổ hơn. Hậu quả là, từ đầu năm nay, Pháp đề phòng tối đa mọi nguy cơ bị Nga do thám, theo một quan chức cơ quan phản gián (DGSI). Quan chức này còn phân tích, trong thời buổi căng thẳng như hiện nay, chỉ một thông tin cũng có thể đem lại lợi thế to lớn cho một trong hai bên.

Chính vì thế mà phương Tây đang cố thanh lọc ra những tay chân thân cận của Putin. Paris đã báo động đối với các đối tượng tiềm ẩn làm việc cho tình báo Nga, trước hết là các nhân viên ngoại giao.

Tình báo Nga luồn lách vào tận Nghị viện, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Pháp để moi thông tin. Trong hàng ngũ các nghị sĩ, gián điệp Nga còn tìm những « con mồi » nói nhiều, không giữ ý và vô tình tiết lộ bí mật quốc gia và lợi dụng vây cánh của những nhân vật tên tuổi.

Tình báo Nga ngụy trang trên danh nghĩa nhà báo để viết bài.

Các tập đoàn lớn cũng là mục tiêu của tình báo Nga. Trong những năm 1960, KGB đã đánh cắp bản kế hoạch của máy bay Concorde để chế tạo loại máy bay giống của Pháp đến lạ kỳ. Phải đến 30 năm sau, Pháp mới phát hiện ra mạng lưới kỹ sư Pháp đã giao bản kế hoạch cho Nga.

Ngày nay, tình báo Nga lo hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực chính trị và quân sự nên ít hiệu quả hơn Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.

Trước thái độ lộng hành của tình báo Nga, Tổng thống Sarkozy đã từng cảnh cáo thẳng thừng, nửa đùa nửa thật với Tổng thống Putin : « Thay vì do thám chỗ tôi thì lẽ ra, ông nên lo xử lý các tên khủng bố tại Nga ». Lời cảnh cáo này cũng không lay chuyển được chiến dịch của tình báo Nga. Điệp viên càng đông hơn.

Theo nhiều nguồn, hiện nay, có khoảng 50 nhân viên tình báo đội lốt viên chức ngoại giao. Ngoài ra còn có thành phần được xem là « bất hợp pháp », tức là những điệp viên không được ngành ngoại giao bảo đảm. Thành phần này thường vào Pháp qua một nước thứ ba, bằng một danh tính và một quốc tịch giả. Dần dần, họ lập nghiệp và có gia đình để hòa nhập vào cuộc sống và khó ai phát hiện được.

Tạp chí cho biết, bộ phận chống gián điệp Pháp trao đổi thông tin thường xuyên với Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên Châu Âu. Một quan chức cho biết, mỗi khi Paris phát hiện ra một điệp viên Nga thì lập tức báo tin cho Berlin, Luân Đôn hay Vácxava.

Tuy nhiên, lãnh đạo Pháp vẫn chần chừ không lên tiếng tố cáo tình báo Nga. Vụ gần đây nhất được đưa ra công chúng cách đây khá lâu, từ năm 1992. Nguyên nhân là gì ?

Một quan chức nhận định, làm thế nào chính phủ Pháp nói cho công chúng biết tình báo Nga nguy hiểm và đe dọa Pháp trong khi Pháp đang giao tàu chiến Mistral cho Nga. Một chuyên gia khác giải thích, chúng tôi thích quan sát tình báo Nga, xem họ tìm kiếm gì hơn là rút dây động rừng.

Một quan chức cao cấp cho biết, các quốc gia phương Tây trong đó có Pháp sẽ phối hợp với nhau để trục xuất gián điệp Nga về nước (tổng cộng có hàng trăm người) khi nào Nga can thiệp quân sự vào Ukraina.

Bắc Kinh-Paris : Cung cách mua sắm của du khách Trung Quốc

Du khách Trung Quốc tham quan Pháp ngày càng đông và là nguồn thu lợi nhuận đáng kể cho ngành du lịch và thương mại Pháp. Do đó, để chiều lòng khách hàng, Pháp đã từng bước tìm hiểu văn hóa Trung Quốc để đáp ứng các dịch vụ du lịch phù hợp với phong tục của khách hàng này. Một đối tượng mà Pháp không thể bỏ qua. Đó là nội dung trên bài viết của tạp chí Le Nouvel Observateur.

Tạp chí miêu tả, tại các địa điểm du lịch, các cửa hàng, trung tâm mua sắm có thông dịch viên tiếng Hoa để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách Trung Quốc tham quan. Ngay cả Ngoại trưởng Pháp cũng tuyên bố trải thảm đỏ đón du khách Trung Quốc.

Quốc vụ khanh Fleur Pellerin, đặc trách quảng bá du lịch đề nghị khách sạn nên chuẩn bị một món cháo dành riêng cho khách Trung Quốc.
Địa điểm đầu tiên khi đến Pháp là Paris, nổi tiếng vì sự lãng mạng. Đối với du khách Trung Quốc, đến Paris vừa để tham quan, vừa để mua sắm.

Khi đến tuổi lập gia đình, phụ nữ mơ ước tổ chức đám cưới theo kiểu Pháp vì ở Trung Quốc rất chán, kết hôn cứ như đi siêu thị, tức là lấy số thứ tự, đợi đến số thì chính quyền đóng cho dấu mộc, thế là xong, theo lời chia sẻ của một du khách. Loại hình du lịch này đang rất phát triển.

Các công ty du lịch đứng ra tổ chức đám cưới theo kiểu Pháp cho khách, mỗi đám tốn khoảng 4 000-5 000 euro. Công ty thuê các linh mục giả để làm đám cưới cho các cặp Trung Quốc theo thể thức Tây phương. Họ ao ước được thề non hẹn biển trong giáo đường, mặc dù họ không phải là tín đồ Công giáo.

Có được một album ảnh cưới đẹp cũng vô cùng quan trong đối với các đôi vợ chồng. Tháp Eiffel và các cung điện ở Pháp là địa điểm lý tưởng để thực hiện bộ ảnh cưới đầy lãng mạn. Họ sẵn sàng chi 500 euros cho một buổi thuê lâu đài để chụp ảnh cưới.Thỉnh thoảng, một số du khách cực giàu có những sở thích lố bịch như đòi thuê hẳn một ô-tô công thức 1 để lái hay cả một chiếc máy bay chiến đấu.

Một nhóm khách VIP khác đòi mời nghệ sĩ Sophie Marceau đến dự buổi tiệc của họ nhưng không được. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền để được gặp người nổi tiếng nhưng đồng tiền không phải lúc nào cũng mua được tất cả. Một số đòi thuê 5 chiếc Audi nhưng chẳng có chủ thuê nào có đủ 5 chiếc. Hơn nữa, chủ cho thuê cũng e ngại khi những du khách này cầm vô lăng, với bằng lái thì toàn chữ tượng hình, khả năng bị phạt cũng rất cao.

Nhân viên khách sạn cũng quen với thói quen du khách Trung Quốc là khạc nhổ xuống sàn nhà. Điều làm du khách Trung Quốc bận tâm là các cửa hàng đóng cửa ngày chủ nhật nên họ không thể mua sắm được. Do đó, họ đổ dồn sang Anh để tiêu xài vào ngày này.

Những hậu quả khó lường của ngành hàng không

Các nhật báo ra ngày hôm nay tiếp tục quan tâm đến chuyến bay AH5017 của hãng Air Algeri bị rơi nhưng tờ Le Monde đặt vấn đề xung quanh những hậu quả của các tai nạn gần đây lên các hãng và thị trường hàng không.

Le Monde cho biết, những thảm họa như vậy chưa bao giờ gây tác động trực tiếp lên thị trường hàng không.

Một chuyên gia cho biết, chưa bao giờ thấy lượng đặt vé máy bay giảm đáng kể sau một hay nhiều vụ tai nạn hàng không. Nhìn chung, máy bay vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất. Tuy nhiên, những công ty có liên quan có thể bị ảnh hưởng trong một thời gian.

Nguy cơ đầu tiên của hãng là uy tín bị hoen ố. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà công ty bị phá sản.

Từ trước đến nay, người ta chỉ thấy hoạt động của hãng có liên quan bị chậm lại. Đối với những hãng vốn đã gặp khó khăn về tài chính, khi gặp tai nạn mới khó gượng dậy, theo phân tích của Didier Bréchemier, thuộc văn phòng tư vấn cho các chủ doanh nghiệp.
Một số người ước tính, các công ty bảo hiểm sẽ tận dụng các sự kiện vừa qua để tăng tiền bảo hiểm khi hợp đồng chấm dứt.

Một chuyên viên nhận xét, đầu năm 2014, phí bảo hiểm vẫn còn thấp mặc dù xảy ra các tai họa. Giá thấp một phần vì đa số hãng hàng không đã thay mới máy bay.

Switch mode views: