Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-07-2014

Sự sáp lại rụt rè giữa Seoul và Bắc Kinh

chine coree 2


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trước thượng đỉnh, Phủ Tổng thống Hàn Quốc, 3/7/2014..
REUTERS/Ed Jones/Pool


Quan hệ Trung Quốc – Hàn Quốc được cải thiện là điều được các báo ghi nhận. Tuy nhiên, cải thiện theo hướng nào ?

Le Monde và Les Echos ngày 07/07/2014 chỉ ra các giới hạn của quan hệ hợp tác đang có xu hướng gia tăng này. Trong khi Le Monde nhấn mạnh đến « quan hệ tốt giữa Bắc Kinh và Seoul là một ngoại lệ » tại khu vực Đông Bắc Á đang căng thẳng, Les Echos lưu ý việc Hàn Quốc tránh làm Hoa Kỳ tức giận, và chỉ hưởng ứng một cách vừa phải đối với « các sáng kiến khu vực » của Bắc Kinh.

Nỗ lực của Trung Quốc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc đầu tháng 7/2014 được báo Le Monde chú ý qua bài « « Hạt nhân Bắc Triều Tiên, cản trở duy nhất cho sự xích lại gần nhau Bắc Kinh-Seoul » với nhận xét « Trung Quốc, đối tác kinh tế số một của Hàn Quốc, vẫn luôn ủng hộ Bình Nhưỡng ».

Le Monde nhấn mạnh đến việc Hàn Quốc đang trở thành đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa hai đại cường Trung – Mỹ tại Châu Á.

Trong một thông cáo chung, Trung Quốc và Hàn Quốc tuyên bố « kiên quyết phản đối việc phát triển vũ khí hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên », tuy không chỉ đích danh chính quyền Bình Nhưỡng. Đối với Bắc Kinh, « phi hạt nhân » tại khu vực này dĩ nhiên có nghĩa là « phi hạt nhân hóa » Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời đối với cả « hạt nhân » Hàn Quốc (đang được lá chắn tên lửa của Mỹ che chở).

Chuyến công du tới Seoul của ông Tập Cận Bình, người chưa từng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, có thể được giải thích như là một cái tát vào mặt Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, tổ chức thượng đỉnh song phương với Hàn Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh thay đổi lập trường về Bắc Triều Tiên. Bên lề cuộc thượng đỉnh nói trên, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye đã phải nhấn mạnh đến việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên trong một tuyên bố riêng rẽ.

Theo cựu viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, Joel S. Wit, lãnh đạo chương trình nghiên cứu về Bắc Triều Tiên mang tên « Vĩ tuyến 38 » (38 North) trường Đại học Johns-Hopkins Hoa Kỳ, « chúng ta cần cẩn thận trước nhận định sai lầm là Trung Quốc đã thay đổi thái độ với Bình Nhưỡng » (hãng tin Yonhap dẫn lời).

Le Monde nhận định « tại một khu vực Đông Bắc Á nơi căng thẳng giữa các quốc gia gia tăng, các mối quan hệ tốt giữa Bắc Kinh và Seoul là một ngoại lệ » (về các diễn biến phức tạp của Đông Bắc Á hiện nay, mời quý vị xem thêm tin "Nhật Bản dỡ bỏ một phần cấm vận Bắc Triều Tiên", ngày 3/7/2014 và bài phân tích « Tập Cận Bình không lay chuyển được trục Mỹ-Nhật-Hàn », ngày 4/7/2014 trên trang mạng của viet.rfi.fr).

Trung Quốc là đối tác chiến lược số một của Hàn Quốc : trao đổi song phương có thể đạt 300 tỷ đô la (tương đương 220 tỷ euro) vào cuối năm nay.

Bắc Kinh và Seoul cũng dự định hoàn tất hiệp định tự do thương mại vào cuối năm và dự kiến lập một ngân hàng đầu tư Châu Á (AIIB) để cạnh tranh với Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB), mà Hoa Kỳ và Nhật Bản chi phối. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đồng thuận trong việc lên án thái độ của Nhật Bản đối với các tội ác của đế quốc Nhật trong quá khứ.

Le Monde kết luận, « giằng xé giữa các lợi ích kinh tế ngày càng gia tăng với Trung Quốc và liên minh với Hoa Kỳ, Hàn Quốc có xu hướng trở thành một địa bàn tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc, đang diễn ra tại Châu Á ».

Cũng về chủ đề này, báo kinh tế Les Echos có bài « Sự sáp lại rụt rè giữa Seoul và Bắc Kinh », đưa ra một cái nhìn dè dặt hơn.

Tránh làm bực bội Washington, vốn nghi ngờ mối quan hệ bề ngoài có vẻ ấm lên giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, Seoul có một thái độ hưởng ứng có mức độ với các sáng kiến khu vực mà Bắc Kinh thúc đẩy, về quốc phòng hay hợp tác kinh tế. Hàn Quốc chưa cam kết tham gia dự án Ngân hàng đầu tư Châu Á (AIIB – Asia Infrastructure Investment Bank) hay dự án đối tác kinh tế khu vực RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership/đối tác kinh tế toàn diện khu vực), cũng như việc chính thức có « các lập trường cứng rắn chống Nhật ».

Bắc Kinh cấm cản người Hồi giáo Tân Cương thực hành Ramadan

Cũng liên quan đến Châu Á, báo Le Figaro có bài « Kỳ chay ramadan của người Duy Ngô Nhĩ bị kiểm soát chặt ». Kỳ chay của người theo đạo Hồi tại Tân Cương năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt : chính quyền Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp để buộc người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi phải từ bỏ việc tuân thủ các quy định tôn giáo trong kỳ chay.

Cụ thể là chính quyền các cấp ra nhiều chỉ thị cấm các viên chức, giảng viên, sinh viên « tham gia các nghi thức tôn giáo truyền thống ».

Những người nào công khai không tuân thủ các quy định của kỳ Ramadan được chính quyền và truyền thông Nhà nước biểu dương.

Các thánh đường Hồi giáo ở Tân Cương được gắn rất nhiều camera kiểm soát và bị theo dõi chặt. Giới trẻ Duy Ngô Nhĩ bị cấm học đạo trước 18 tuổi.

Hành động nhắm thẳng vào việc thực hành tôn giáo của các tín đồ Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo của chính quyền Trung Quốc được đưa ra sau một loạt vụ khủng bố chưa từng thấy tại khu tự trị Tân Cương, cũng như nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, trong đó có vụ đánh bom tại quảng trường Thiên An Môn và nhà ga Côn Minh (tỉnh Vân Nam). Bắc Kinh đã trả đũa bằng án tử hình đối với 13 người Duy Ngô Nhĩ vào cuối tháng 6/2014, và án tù rất nặng với hàng chục người khác.

Theo người phát ngôn của Đại hội Thế giới người Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức ly khai có trụ sở tại Đức, bị Bắc Kinh coi là « khủng bố », « các biện pháp đàn áp (mới), siết chặt đời sống tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ, sẽ chỉ dẫn đến nhiều xung đột hơn ».

Nguy cơ bùng nổ xung đột Cận Đông : Israel và Hamas tìm cách « xuống thang »

« Israel – Palestine. Nỗi hận thù được san ra » là hàng tựa trang nhất Libération. Libération lo ngại nguy cơ nổ ra một « cuộc intifada (nổi dậy) thứ ba […] : nhiều đụng độ và căng thẳng một tuần sau khi phát hiện ra thi thể ba thanh niên Do Thái và một thiếu niên Palestine, bị giết để trả thù ».

Libération bình luận tình hình hiện nay có thể dẫn đến sự đối đầu giữa các thành phần cực đoan của hai bên. Cho dù gia đình các nạn nhân kêu gọi bình tình và lên án các mưu toan trả thù, vấn đề là để hai bên Israel và Palestine hiện nay phải trả giá cho nhiều năm « tiến trình hòa bình » bị bế tắc.

Nhà nước Do Thái phải chịu trách nhiệm đầu tiên về tình trạng sa lầy hiện nay, với thái độ từ chối mọi thỏa hiệp (« Chính quyền Israel, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, tiếp tục chính sách xây dựng các khu định cư mới của người Do Thái, cản trở sự hình thành của một Nhà nước Palestine thực sự »).

Libération nhấn mạnh, một cuộc intifada mới chỉ có lợi cho những phe cực đoan của hai bên, hai chính quyền phải chấm dứt cuộc chay đua hướng đến vực thẳm. Trước hết là Nhà nước Do Thái, Tel Aviv phải cho thấy « những cam kết cụ thể, nếu muốn hòa bình ». « San hận thù ra thì dễ, chia sẻ đất đai mới khó ».

Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài « Hamas và Israel tìm cách trách leo thang ». Hôm qua, cảnh sát Israel đã bắt giữ 6 nghi phạm vụ sát hại người thiếu niên Palestine, bằng cách thiêu sống. Thảm kịch gây phẫn nộ. Hàng trăm thanh thiếu niên Palestine ném đá vào cảnh sát tại Đông Jerusalem.

Ở miền bắc Israel, người Ả Rập Israel ngăn xa lộ, tấn công cảnh sát và các tài xế Israel. Hàng chục người bị bắt. Đạn cối bắn vào miền nam Israel và pháo bắn trả sang Gaza trở thành chuyện hàng ngày.

Hôm qua, hai người Palestine tại Gaza bị máy bay không người lái của Israel bắn chết. Các đàm phán ngưng bắn cho đến nay chưa đạt kết quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel không ủng hộ một cuộc tấn công để kiểm soát dải Gaza, hiện do Hamas kiểm soát, theo đòi hỏi của phái diều hâu.

Theo cựu lãnh đạo Mossad, cơ quan tình báo Israel, nếu Hamas bị lật đổ, tình trạng hỗn loạn ở Gaza, chỉ có lợi cho các nhóm Hồi giáo thánh chiến cực đoan.

Bài « Nhà nước Do Thái và Hamas cam kết ‘‘xuống thang’’ để tránh xung đột mới » của Le Monde chỉ rõ tình trạng cô lập của lực lượng Hamas, sau khi chính quyền của ông Morsi thuộc phe Huynh đệ Hồi giáo sụp đổ.

Hamas cũng không nhận được sự hậu thuẫn của Iran, vì ủng hộ phe nổi dậy Syria. Từ nhiều tháng nay, Hamas cố gắng thay đổi « hình ảnh khủng bố » vẫn thường gắn với tổ chức này. Hamas đã phải chấp nhận nhường quyền quản lý hành chính khu vực Gaza cho chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas.

Lãnh đạo Hamas hiện đang công du các nước trong khu vực để tìm kiếm hậu thuẫn của các láng giềng, gây áp lực để Israel kiềm chế.

Hội nghị về việc làm lần thứ 3 : Cơ hội cuối cùng cho « Thỏa thuận trách nhiệm » của Tổng thống Pháp ?

Hội nghị quốc gia về việc làm lần thứ ba là điểm nóng của nước Pháp.

Tờ báo phổ thông Le Parisien chạy tít lớn « Giới chủ, nghiệp đoàn và chính phủ : xin hãy nghe nhau dù chỉ một lần ! ».

Thỏa thuận trách nhiệm với 40 tỷ euro tiền thuế, mà chính phủ Pháp hứa hẹn giảm bớt cho giới chủ, được Tổng thống Pháp bất ngờ đưa ra hồi tháng 2/2014.

Tổng thống François Hollande đặt cược vào thành công của thỏa thuận này, như là yếu tố quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, theo Le Parisien, nếu như Medef - hiệp hội của giới chủ - quyết định tham gia hội nghị, vì vừa nhận được một nhân nhượng từ phía chính quyền trong hồ sơ chi trả tiền lao động nặng nhọc, thì nhiều nghiệp đoàn, như FO (Sức mạnh công nhân) và CGT (Tổng nghiệp đoàn lao động), đe dọa tẩy chay một phần hội nghị.

Le Parisien nhận xét : « Tóm lại, con đường xã hội dân chủ theo kiểu Pháp đang còn phải học cách vận hành… ».

Tờ báo thiên hữu La Figaro thì hoàn toàn bi quan về triển vọng hội nghị, « chẩn đoán về sự sụp đổ của khả năng cạnh tranh của Pháp – thuế khóa nặng nề, quá nhiều quy định, quá nhiều quản lý… - đã nghìn lần được giới chuyên gia toàn thế giới đặt ra, nhưng các cải cách vẫn còn phải chờ đợi ».

Tờ báo cộng sản l’Humanité chỉ trích quyết liệt thái độ của chính phủ đứng về phía giới chủ : « Hội nghị xã hội thứ ba của nhiệm kỳ Fraçoins Hollande bị đe dọa thất bại ngay trước khi mở ra. (…) Những người lao động vốn đã phải chịu những điều kiện khắc nghiệt nhất, nguy hiểm và bẩn thỉu nhất, bị buộc phải tiếp tục chờ đợi một sự hồi đầu hướng thiện của các lãnh đạo doanh nghiệp, mà điều này thì không có gì là chắc chắn cả ».

Tờ báo đặt tựa « Phải chăng đây là hội nghị (đối thoại) xã hội cuối cùng ? ».

Về phần mình, xã luận tờ báo Công giáo La Croix – với tựa đề « Báo động xã hội » - cố gắng đi đến một nhận định mang tính tổng hợp.

Tờ báo nhận xét : « Để đạt được các giải pháp bền vững theo kiểu Pháp, tất cả các bên đàm phán phải thực sự có các nỗ lực ».

La Croix ca ngợi chính phủ Pháp đã « khéo léo về chiến thuật » khi để nhà doanh nghiệp Louis Gallois, người phát ngôn của Alerte, mạng lưới các Hiệp hội chống nghèo đói và loại trừ xã hội - có phát biểu mở đầu.

Ông Louis Gallois vừa là lãnh đạo doanh nghiệp lớn (EADS/Tập đoàn không gian và hàng không quốc phòng Châu Âu trước đây, PSA/Peugeot Citroën hiện nay), vừa có kinh nghiệm đối thoại xã hội (khi đứng đầu SNCF - Công ty quốc gia đường sắt Pháp) và hiện nay đang lãnh đạo Fnars, liên hiệp các hội chống loại trừ xã hội.

Chính ông Louis Gallois là tác giả của bản báo cáo quan trọng cuối năm 2012, mở đầu cho việc thay đổi chính sách của Tổng thống Hollande, theo hướng khôi phục khả năng cạnh tranh của nước Pháp.

La Croix nhấn mạnh đến phát biểu của ông Louis Gallois trên tờ Nhật báo Chủ nhật hôm qua (Journal du Dimanche), « các chủ doanh nghiệp cần hiểu được các nỗ lực và những khó khăn của các hộ gia đình khi phải gánh vác thêm chi phí do doanh nghiệp được giảm đóng góp, về phần mình, các nghiệp đoàn cần hiểu rằng doanh nghiệp là nơi tạo ra của cải xã hội ». « Tinh thần xây dựng này càng cần thiết hơn, khi các chính sách dài hạn không thể có ngay được kết quả », trong bối cảnh này, tờ báo Công giáo kết luận « các đe dọa tẩy chay » chỉ mang lại « các bất lợi, trong bối cảnh tình hình vốn đã rất trầm trọng xét trên bình diện con người ».


Switch mode views: