Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tập Cận Bình đến Hy Lạp để củng cố đầu cầu thâm nhập vào LHCA

china trade expo 1.jpg


Ông Tập Cận Bình muốn biến Hy Lạp thành đầu cầu để Trung Quốc thâm nhập vào Liên Hiệp Châu Âu.
REUTERS/Aly Song



Chủ tịch Trung Quốc vào hôm nay 13/11/2019, đã kết thúc ba ngày công du Hy Lạp, nơi ông đã được chính quyền của tân thủ tướng Kyriákos Mitsotákis trải thảm đỏ nghênh tiếp.

Nhân chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã ký hơn một chục thỏa thuận và hợp đồng trong lãnh vực cảng biển, năng lượng và cả ngân hàng.


Giới phân tích ghi nhận mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đối với Hy Lạp, từ năm 2008 đến nay đã đầu tư hơn 1 tỉ euro vào quốc gia Nam Âu này, một con số sẽ còn gia tăng trong thời gian tới đây.

Vì sao Bắc Kinh lại hữu hảo và hào phóng với Hy Lạp như vậy ?

Đó là vì Athens, bị lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế đã phải quay sang tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã nhân dịp này tung tiền thu phục một thành viên Liên Hiệp Châu Âu để biến nước này thành đầu cầu giúp Trung Quốc thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu.

Theo nhận xét của ông Jean-François Dufour, giám đốc công ty tư vấn DCA Chine-Analyse với đài truyền hình Pháp France 24, Bắc Kinh kể như đã đạt được mục tiêu chiến lược mong muốn ở Hy Lạp.

Nhờ được Athens trao cho quyền khống chế hải cảng Pirée, Trung Quốc đã có được một cửa ngõ đưa hàng Trung Quốc tiến thẳng vào thị trường châu Âu qua ngã Địa Trung Hải, với chỉ tiêu là đưa được 10% hàng Trung Quốc nhập vào châu Âu qua cảng này.
Theo chuyên gia Dufour, cảng Pirée đã trở thành trung tâm hậu cần chính của Trung Quốc trong vùng Địa Trung Hải.

Vấn đề đặt ra là Trung Quốc được cho là sẽ không dừng lại ở Hy Lạp, mà sẽ dùng Hy Lạp làm tấm gương, chiêu dụ một số quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, để kéo dài và mở rộng Con Đường Tơ Lụa mới của Trung Quốc ra khắp châu Âu.

Từ Hy Lạp qua Bồ Đào Nha

Trong bối cảnh một số nước Tây Âu, như Pháp và Đức chẳng hạn, đã bắt đầu có quan điểm dè dặt hơn đối với Bắc Kinh và Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc, Bắc Kinh rất cần tôn Hy Lạp lên thành một điển hình hợp tác tốt đẹp, để có thể khuyến dụ các nước khác.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến Bắc Kinh nhận thức ra sự cần thiết của thị trường châu Âu để tiêu thụ sản phẩm Trung Quốc.
Thành công với Hy Lạp được nêu bật sẽ giúp Tập Cận Bình xóa nhòa tiếng xấu thường xuyên được nêu lên trong thời gian gần đây với trường hợp Sri Lanka, theo đó các khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ phục vụ lợi ích của Bắc Kinh và có thể khiến các quốc gia con nợ của Bắc Kinh bị mất một phần chủ quyền của mình.

Vào tháng Ba vừa qua, Trung Quốc đã tuyên bố tăng cường quan hệ kinh tế với Ý, tăng đầu tư vào Bồ Đào Nha và các nước Trung và Đông Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, Croatia, Serbia chẳng hạn.

Theo đài FranceInfo, trường hợp Bồ Đào Nha rất đáng chú ý vì nước này đang lâm vào tình huống giống như Hy Lạp trước đây:
Khi đất nước gặp khó khăn về tài chính, chỉ có Trung Quốc đồng ý tài trợ.

Bắc Kinh đã đầu tư hơn 6 tỉ euro vào Bồ Đào Nha, đặc biệt là trong lãnh vực lưới điện, ngân hàng và bảo hiểm.
Do đó, Trung Quốc gián tiếp nắm giữ một phần ngành vận tải hàng không và bệnh viện của Bồ Đào Nha.
Tóm lại theo FranceInfo, Bồ Đào Nha và Hy Lạp ngày nay đã thực sự trở thành những con ngựa thành Troie của Trung Quốc ở châu Âu.

Tác hại đối với Liên Hiệp Châu Âu

Đối với chuyên gia Jean-Francois Dufour, việc Trung Quốc khống chế được Hy Lạp và Bồ Đào Nha có thể đe dọa châu Âu.

Thật vậy, thông điệp của Tập Cận Bình gửi đến các nước châu Âu khác có thể bị các khoản vay của Trung Quốc cám dỗ là : « Đối mặt với những thiếu sót về chính trị và kinh tế của Liên Âu, có một mô hình thay thế là Trung Quốc ».

Ngoài ra, tiền của Trung Quốc cũng có thể làm suy yếu chính sách đối ngoại thuần nhất của châu Âu.
 Năm 2017 chẳng hạn, một kiến nghị của châu Âu tại Liên Hiệp Quốc để tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền đã bị Hy Lạp chặn lại.

Theo chuyên gia Dufour, Athens có lẽ đã không nghe lệnh trực tiếp từ Bắc Kinh, nhưng nước này có thể là đã « không còn cảm thấy tự do chỉ trích Trung Quốc như trước khi nhận đầu tư của Trung Quốc ».

Câu hỏi đặt ra: điều gì sẽ xẩy ra nếu một nước có trọng lượng hơn trong Liên Hiệp Châu Âu như Ý, sẽ theo gương Hy Lạp hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc ?

Switch mode views: