Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trump đắc cử, cơ hội cho Trung Quốc ?

 

china-oddlyChú khỉ Trung Quốc đã đoán trúng chiến thắng của Donald Trump từ ngày 03/11/2016.
REUTERS/Stringer

Donald Trump ở cương vị chủ nhân Nhà Trắng liệu có là cơ hội để Trung Quốc nhổ được những cái gai trong trong quan hệ Bắc Kinh - Washington dưới thời chính quyền Barack Obama hay không ?

Liệu rằng trước một nhà lãnh đạo không có kinh nghiệm như ông Trump, Trung Quốc có dễ áp đặt quan điểm trên những hồ sơ lớn, từ tranh chấp Biển Đông đến dự án triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc ?

Liệu rằng chính quyền Trump trong tương lai có còn quan tâm đến những vấn đề nội bộ của Trung Quốc như nhân quyền, tự do tôn giáo của các vùng Tây Tạng, Tân Cương, như trong hai nhiệm kỳ tổng thống Barack Obama hay không ?

Những chỉ trích nhắm vào hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP của tổng thống tân cử liệu có là những khoảng trống, tạo cơ hội cho Trung Quốc lôi kéo thêm các đồng minh của Hoa Kỳ vào quỹ đạo của mình hay không ?

Đó là một loạt các câu hỏi được giới phân tích nêu lên sau thắng lợi bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tờ báo tài chính Nhật Bản Nikkei nhắc lại, trong bức điện chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống gửi đi vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mong muốn “đôi bên vượt qua được những bất đồng để cùng làm việc chung trong tinh thần xây dựng”, tránh dẫn đến xung đột hay những hành vi đối đầu giữa hai nền kinh tế số một và số hai toàn cầu.

Theo thông lệ, khi chúc mừng thắng lợi của một vị tân lãnh đạo, không mấy ai dùng những từ ngữ như là “xung đột”, “đối đầu” hay “bất đồng”.
Nhưng nội dung bức thư của ông Tập Cận Bình gửi đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump vừa qua cho thấy Bắc Kinh thẳng thắn công nhận có những khác biệt sâu rộng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và Bắc Kinh mong muốn đôi bên tránh để những bất đồng đó dẫn tới đối đầu.

Cơ hội lấp chỗ trống của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao ?

Nếu như ứng cử viên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton đắc cử tổng thống hôm 08/11/2016, có nhiều khả năng bà sẽ tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm Barack Obama.
Đơn giản là vì bà từng là Ngoại trưởng của ông Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ nhất.

Trong nhãn quan của Bắc Kinh, về chính sách đối ngoại, chính quyền mãn nhiệm Obama đã có lập trường cứng rắn trên vấn đề Biển Đông.

Bản thân bà Clinton trong cương vị ngoại trưởng Mỹ đã có những buổi làm việc rất gay go với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì- nay là ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, đặc trách về đối ngoại.
Do vậy mọi người đoán trước là nếu đắc cử tổng thống, Hillary Clinton sẽ không dễ thân thiện với Bắc Kinh trên nhiều hồ sơ, từ Biển Đông đến vấn đề an ninh trong khu vực châu Á, từ vấn đề an ninh mạng –cybersecurity, đến những công việc nội bộ của Bắc Kinh như chính sách đàn các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc …

Sau thắng lợi bất ngờ của nhà tỷ phú địa ốc New York Donald Trump mối lo ngại trên tạm thời được xua tan, bởi vì tới nay ông Trump tập trung nhiều hơn vào những vấn đề nội bộ của Mỹ.
Trên một số các hồ sơ nóng, như hạt nhân Bắc Triều Tiên hay thỏa thuận lịch sử về nguyên tử với Iran, đôi khi tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã có những tuyên bố “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà các chuyên gia cần có thêm thời gian để “giải mã” chính sách đối ngoại của ông Trump.

Kinh tế và thương mại : cơ hội hay đe dọa dưới chính quyền Trump ?

Nhìn đến vế kinh tế và mậu dịch, tổng thống thứ 45 tương lai của Hoa Kỳ chủ trương bảo hộ, bài TPP. Donald Trump từng tuyên bố ý định đánh thuế đến 45 % vào hàng nhập từ Trung Quốc, đòi kiện Bắc Kinh trợ giá cho các doanh nghiệp tạo cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho kinh tế Hoa Kỳ.

Lại cũng ông Trump trong mùa tranh cử vừa qua đòi kiện Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng tiền để cạnh tranh bất bình đẳng … cướp đi công ăn việc làm của người lao động Hoa Kỳ.
 Là một quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, đường lối được ông Donald Trump phác họa không là một tin vui với Bắc Kinh.

Nhưng bên cạnh đó nếu như Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP với mục tiêu là làm đối trọng với Trung Quốc bị khai tử, thì liệu đó có là cơ hội để Trung Quốc mở rộng thêm ảnh hưởng kinh tế và thương mại với các đối tác trong khu vực ?

Liệu đây có là cơ hội để dự án Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, một sáng kiến của Bắc Kinh, nhanh chóng được hoàn thành ?

Chỉ riêng trong hai lĩnh vực là ngoại giao và thương mại, Trung Quốc có thể trông thấy một số cơ hội sau thắng lợi của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump.
Có điều, phải đợi thêm hai tháng nữa ông Trump mới chính thức nhậm chức, và từ nay tới đó, các chính sách của ông mới bắt đầu hình thành.

Hơn nữa, là một người thực dụng, chưa chắc gì Donald Trump thực hiện những điều cam kết trong cuộc vận động tranh cử.
 Dù vậy tính bốc đồng của tổng thống tân cử Hoa Kỳ là một mối lo ngại đối với Bắc Kinh.

Nếu như Trung Quốc có thể đoán được những nước cờ của Hillary Clinton, thì ngược lại, giờ đây Bắc Kinh mới thực sự “tìm hiểu” về ông Trump.
 Không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, Donald Trump là một ẩn số với Trung Quốc.


Switch mode views: