Sài Gòn những ngày dậy sóng Biển Đông
- Chúa Nhật, 29 tháng Sáu năm 2014 10:25
- Tác Giả: Văn Lang/Người Việt
"Ai Lê Chiêu Thống, ai Trần Tích Tắc?"
SÀI GÒN (NV) - Ngày Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương HD981 vào Biển Đông, cũng là ngày mở đầu cho những ngày Sài Gòn “dậy sóng.”Nhiều nhà thờ ở Sài Gòn tổ chức cầu nguyện cho hòa bình và công lý cho quê hương Việt Nam, đặc biệt tại Biển Dông. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Tình hình chỉ “tạm lắng”, sau khi từ hai cuộc biểu tình chống Trung cộng diễn ra khá ôn hòa tại Sài Gòn, Hà Nội… rồi bất chợt bùng phát thành bạo động tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Mùa World Cup 2014 đến vào tháng 6, cộng thêm Sài Gòn vào mùa mưa, dường như cũng không làm suy giảm sức nóng thời sự tới từ Biển Đông.
Từ sáng sớm, không ít những người thanh niên ra quán uống cà-phê và chăm chú đọc báo tin tức thời sự về Biển Đông, hơn là chú ý tới kết quả của các trận World Cup đêm qua. Nhất là khi Trung cộng tiếp tục ngang ngược đưa thêm giàn khoan vào Biển Đông, cả ở khu vực chưa thỏa hiệp được sự phân định trên vịnh Bắc Bộ.
Dưới đây là những ý kiến dư luận của người dân Sài Gòn mà chúng tôi đã ghi nhận được trong gần hai tháng tình hình “nóng bỏng” vừa qua.
1.Tâm tình của dân nghèo, người lao động trước vận nước
Buổi sáng, bước vô một quán cà-phê bình dân thuộc quận 8, chúng tôi chú ý thấy có hai thanh niên bận áo thun, quần cụt, để lộ những hình xăm trên người, khá dữ dằn. Họ nói chuyện với nhau, ngôn ngữ khá “giang hồ.” Một người nói với người kia: “Đ.M hồi đêm coi TV, thấy mấy cái tàu Trung quốc bự chảng, vây một cái tàu Việt Nam nhỏ xíu, xịt vòi rồng tá lả.Vậy mà tàu Việt Nam “lì” nhất định không chịu bỏ chạy.” Người kia nghe vậy, cất tiếng cười khoái trá, bình luận :”Vậy mới ‘đã’ Việt Nam mình mà, đâu có sợ ai.”
Tại một quán nước ven đường, trước một khu công nghiệp thuộc Bình Chánh, chúng tôi nghe được một cuộc trò chuyện của một nhóm công nhân (khi tin tức về bạo động của công nhân ở các tỉnh đã lan truyền).
Một cô công nhân trẻ, nói giọng như muốn khóc: “Trời ơi! Sao lại đi đốt xí nghiệp, vậy là tự đập bể nồi cơm của mình rồi.” Một cô khác, (giọng miền Tây), tiếp lời bạn :”Em sợ nhất là cảnh thất nghiệp phải “dzìa” quê !” Rồi cô lại quay qua hỏi người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhóm: “Chừng nào mình đi làm lại hả anh?” Người đàn ông lớn tuổi (chắc là người có vai vế trong công ty), trả lời: “Ông chủ về Đài Loan ít bữa, hễ có lệnh kêu đi làm lại anh sẽ gọi điện cho mấy đứa, chắc cũng chỉ nghỉ tạm vài ba bữa chờ tình hình “êm” là công ty làm lại thôi.”
Tại một quán nhậu bình dân thuộc khu vực Tân Định, chúng tôi bắt gặp cảnh một người đàn ông to khỏe, mặt đỏ phừng phừng như “Quan Công,” đang lớn tiếng: “Trời ơi, cái giàn khoan nó to gấp mấy lần cái tòa nhà bự nhất Sài Gòn này, đâu phải là cái hộp quẹt giấu trong túi quần đâu, mà giờ này mới la lên. Lính canh đâu, tàu trinh sát đâu, thấy giặc vô, hô cảnh cáo mà nó không lui là nổ súng “quất” liền, mình hy sanh thì anh em tuyến sau lên tiếp, có gì đâu mà phải sợ…”
Một người khác trong quán nhậu, phản bác: “Đánh giặc phải có bài bản, đợi lệnh của cấp trên, bộ muốn nổ súng là nổ súng hả?” Người đàn ông mặt đỏ, đang cơn giận, quay qua trợn mắt: “Bộ ông tính chờ Tàu nó kéo giàn khoan vô giữa Sài Gòn này nó tuyên bố chủ quyền, lúc đó ông mới chịu nổ súng hả?” Mọi người trong quán chợt im lặng, không khí có vẻ khá căng thẳng.
Chúng tôi bắt chuyện, hỏi thăm người đàn ông “mặt đỏ” thì được biết, ông này từng là bộ đội “VC” chiến đấu với Pol Pot tại chiến trường Cambodia. Với cấp bậc là sĩ quan trợ lý tác chiến của tiểu đoàn, sau vì chán đời quân đội, nên lúc rút về Việt Nam đã “quậy” để được thuộc diện “buộc” phải giải ngũ, và hiện giờ đang hành nghề chạy xe Honda ôm ở Sài Gòn.
Tại một quán nhậu bình dân khác,thuộc Phước Kiểng, Nhà Bè. Chúng tôi tình cờ ngồi chung bàn với một người đàn ông cỡ ngoài 60, dáng cao gầy, gương mặt buồn buồn. Lúc ngồi uống bia, ông vẫn còn một sấp vé số trong túi áo ngực. Vì là quán quen, nên lâu lâu có người tới hỏi mua vé số, ông lại chìa ra cho họ.Dân Sài Gòn không kể là dân lao động hay văn phòng đều thích ngồi cà phê vỉa hè, đọc báo và bình luận thời sự. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Nói chuyện, ông cho biết ông là cựu lính Dù, và nói thêm năm 1974, khi đang nằm trị thương tại Tổng Y Viện Duy Tân - Đà Nẵng, ông đã rớt nước mắt khi hay tin Hoàng Sa đã mất vô tay Trung cộng. Rồi ông còn nói :” Mấy ông này, hồi xưa có “ăn chịu” gì với Tàu, nên bây giờ cũng khó mà lớn tiếng!”
Người cựu lính Dù với giọng buồn buồn, kết luận :”Hồi xưa, lệnh rút quân, lệnh bỏ đất, lệnh di tản, lệnh buông súng…đầu hàng, đều do mấy ông lớn mà ra. Riêng anh em lính tụi tôi đã ở lại chịu trận cho tới phút chót!”
2.Tâm tư của người trí thức, văn nghệ sĩ
Trong một buổi cà phê, chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số anh chị em trí thức, văn nghệ sĩ, đa số họ sinh trước 1975, nhưng trưởng thành sau 1975, hành nghề theo “cơ chế tự do” không thích dính líu gì tới nhà nước. Vì vậy tiếng nói của họ khá độc lập, và cũng vì lý do “tế nhị” nên không tiện nêu tên họ.
Một dịch giả, khẳng định “chắc như đinh đóng cột” là: “Nếu Tàu cộng xâm lăng Việt Nam thì chắc chắn người Mỹ sẽ can thiệp!” Một cô kỹ sư phản ứng ngay tức thì: “Mắc ‘chó’ gì mà người Mỹ phải can thiệp, đâu có ảnh hưởng gì quyền lợi của nước Mỹ đâu”. Anh dịch giả trả lời huề trớt: "Nếu người Mỹ không can thiệp thì mất mặt nước Mỹ quá.” Cô kỹ sư dề môi “xùy” một tiếng dài: “Bộ anh không nhớ là mỗi lần Tàu cộng đánh Việt Nam đều có “đi đêm” trước sao?”
Một anh nhà thơ lên tiếng, giọng mơ màng nhưng che đậy sự bất mãn: “Biết đâu về với Tàu mà lại hay, nếu như mình được tự do như Ma-Cao hay Hồng – Kông, chứ sống vầy hoài chán quá.” Mọi người nhao nhao, phản ứng: “Đừng có mà nằm mơ! Ma-Cao,Hồng-Kông là con gà đẻ trứng vàng của Tàu nên mới được “cưng” vậy, dân mình mà về với Tàu thì số phận cũng giống như là Tân Cương hay Tây Tạng thôi.”
Một nhà văn thích bình luận chính trị thì cho rằng: “Khi Tập Cận Bình lên cầm quyền đã cổ xúy cho ý tưởng ‘Trung Quốc Mộng’ như vậy là đụng tới ‘giấc mơ Mỹ’ trong chiến lược toàn cầu, người Mỹ sẽ can thiệp khi nào cảm thấy ‘có lợi’ để ‘chặn đứng’ giấc mộng Trung Hoa của ‘đại đế’ Tập Cận Bình, mà trên thực tế đó là giấc mộng bá quyền của một Đại Hán đỏ.”
Dù khá bi quan khi so sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Tàu, nhất là lực lượng hải quân trên biển, nhưng mọi người trong buổi cà-phê đều đồng ý với nhau rằng: “Nếu Tàu xâm lăng, thì mặc ai làm Lê Chiêu Thống, ai làm Trần Ích Tắc, dân Việt Nam chắc chắn sẽ cầm súng đánh lại, họ sẽ theo dưới cờ “Bình Tàu đại nguyên soái” như thời Tây xâm lược, hay theo chính phủ yêu nước kiểu “De Gaulle” khi chính phủ Pháp đã nhục nhã đầu hàng Đức quốc xã.”
Một ai đó chợt nhắc lại câu nói của Hồ Nguyên Trừng, con trai của Hồ Quý Ly :”Không sợ đánh, mà chỉ sợ lòng dân không theo!”
Và cũng trong buổi sáng cà-phê đó, báo chí quốc doanh cũng đưa tin, phó thủ tướng Cộng Sản VN là Vũ Đức Đam trong một buổi hội thảo khoa học, trước mặt các trí thức ‘khoa bảng’ của nhà nước đã tuyên bố: “Việt Nam đã tính tới cả giải pháp ‘không hòa bình’ để bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mình,” (VL)
Related news items:
Tin mới
- Bám lấy quân thù mà học - 09/07/2014 14:06
- Người dân Lý Sơn đối mặt với nắng hạn - 07/07/2014 21:55
- Né tránh hay 'câu giờ' không thay đổi được tình thế - 07/07/2014 21:40
- Việt Nam chuẩn bị 'tình huống xấu nhất' với Trung Quốc - 03/07/2014 16:38
- Mùa mưa ở Việt Nam - 03/07/2014 11:59
- Chiến thuật của Việt Nam trên Biển Ðông - 03/07/2014 11:54
- Trại giam giết tù nhân bằng HIV? - 03/07/2014 00:12
- Quảng Ninh: Xây chợ, ép vợ bỏ chồng, mẹ từ con - 02/07/2014 19:41
- Giới lãnh đạo CSVN bất nhất trong quan hệ với Trung Quốc - 02/07/2014 00:47
- Dân Việt và dân Uyghur - 30/06/2014 21:08
Các tin khác
- Đảng rối loạn, Quốc hội loạn ngôn - 26/06/2014 21:23
- Chợ đêm Ðà Lạt mùa World Cup - 26/06/2014 00:33
- Tàu của Trung Quốc vây, đâm nát mũi tàu Việt Nam - 24/06/2014 19:53
- Thương lái TQ mua hoa Thanh long miền Trung - 23/06/2014 00:46
- Mùa trái vải khóc vì giàn khoan - 21/06/2014 20:09
- Tại sao Quốc hội vẫn bình thản? - 21/06/2014 01:52
- Đã đến lúc phải dứt khoát - 19/06/2014 02:04
- Hậu quả của một nền giáo dục duy ý thức hệ - 18/06/2014 18:52
- Các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn khấm khá nhờ World Cup - 18/06/2014 18:26
- Sài Gòn, mùa World Cup buồn 2014 - 15/06/2014 20:06