GS Stephen Young kể chuyện đưa người Việt tị nạn vào Mỹ
- Thứ Sáu, 02 tháng Năm năm 2014 09:47
- Tác Giả: Hà Giang/Người Việt
LTS: Cách đây gần 40 năm, trong thời gian gần 30 Tháng Tư, khi chiến tranh Việt Nam sắp chấm dứt, viễn ảnh miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản ngày càng gần, Giáo Sư Stephen Young, một người có vợ Việt Nam, yêu quê hương của vợ, cùng một nhóm thanh niên trẻ làm việc trong nhiều vị trí quan trọng tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, qua Việt Nam sinh sống, đã băn khoăn về việc Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam, và tìm cách vận động chính phủ cho phép một số người Việt Nam được vào Hoa Kỳ tị nạn. Sự vận động thành công của họ mở đầu cho quy chế tị nạn vào thập niên 1980. Nhân một dịp đến thăm tòa soạn, Giáo Sư Stephen Young kể lại cho nhật báo Người Việt về thời gian này, qua một cuộc phỏng vấn, tóm lược dưới đây.
Giáo Sư Stephen Young trả lời phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Người Việt.
Hà Giang : Kính chào Giáo Sư Stephen Young, được biết trong thời gian gần 30 Tháng Tư năm 1975, giáo sư là một trong những người đóng vai trò quan trọng trong việc vận động chính quyền Mỹ đón nhận người tị nạn Việt Nam. Ông có thể kể lại câu chuyện hầu như rất ít người biết này?
GS Stephen Young: Tôi không phải là một chuyên viên về luật di trú nhưng đại khái theo tôi nhớ trước năm 1980, Hoa Kỳ không có một quy chế về người tị nạn gì hết. Thỉnh thoảng vì nhu cầu chính trị hay vì nhu cầu ngoại giao, thì chính phủ cho phép một số người của một nước nhập vào nước Mỹ nhưng họ không có Visa, vì luật của nước Mỹ là không có Visa cho người di cư trước năm 1980. Lúc đó thì họ gọi là Parole Authority, là một cái phép đặc biệt là bên Bộ Tư Pháp phải thương lượng với Quốc Hội, thì họ định là sẽ cho vào bao nhiêu người không có Visa. Theo tôi nhớ thì sau Thế Chiến Thứ Hai thì Mỹ đón một số người Ðông Âu, Do Thái, bị Hitler muốn tiêu diệt, sau đó có một nhóm người Hungary, hình như là ba mươi mấy ngàn người thôi, sau đó nữa thì có người Cuba đến sau khi Castro lên, áp dụng chế độ Cộng Sản ở nước họ, những người Cuba họ lấy tầu thủy họ trốn qua Florida.
Ðến năm 1975, thì thoạt đầu chính phủ Mỹ không có luật nào để đón người di cư từ Việt Nam, và như thế trên nguyên tắc, trừ những người được cấp Visa, Mỹ không nhận người di cư nào hết sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.
NV: Vào khoảng cuối Tháng Năm, 1975, Quốc Hội cho ra đời một đạo luật gọi là “Indochina Immigration and Refugees Act,” thì vai trò của giáo sư trong việc dự luật này ra đời, và được Tổng Thống Ford phê chuẩn là gì?
GS Stephen Young: Theo tôi nhớ thì việc cho người Việt vào Mỹ đã được quyết định cuối Tháng Tư rồi, 30 Tháng Tư thì đã có phép rồi, nhưng hồi đó có hai trại lớn là Fort Chaffee ở Florida và Indiantown Gap ở Pennsylvania, thì phải có một chương trình nào đó có người giúp họ mua thức ăn, lo cho họ lúc ban đầu. Chế độ bảo trợ qua những tiểu bang, chính phủ cần một đạo luật để chi tiền. Chính phủ Mỹ không thể chi tiền nếu không có Quốc Hội chấp thuận.
Không ai ngờ sẽ mất miền Nam trong vòng một tháng, hình như Ðà Nẵng mất cho Cộng Sản ngày 30 Tháng Ba, nhà tôi là người Việt, nên tôi rất quan tâm đến tình hình Việt Nam, lúc đó tôi nhớ rõ là một ngày Chủ Nhật, nghe đài phát thanh thấy mất Ðà Nẵng thì hết hồn, vì tôi biết là mất Ðà Nẵng tức là uy tín của Tướng Ngô Quang Trưởng mất rồi, và thứ nhì thì ông Thiệu không còn giữ được miền Nam nữa, chỉ có thể hy vọng là ông Trưởng lên thay thế ông Thiệu. Thành ra ngày Thứ Hai, tôi không đi làm, tôi đi Washington, DC, để nhờ một số người bạn phát động một phong trào di cư, vì tôi thấy là bây giờ người Mỹ có bổn phận vì danh dự, vì quyền lợi, nhất là vì danh dự một nước Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do và nhân quyền cho thế giới, mà đã có mấy triệu người Việt Nam nhờ vào Mỹ để giúp họ, mà nếu mình không giúp được họ thì mình cũng không được bỏ quên luôn, vì bỏ quên luôn thì là một hành động hèn quá, không thể chấp nhận được. Mà tôi biết là cứ để yên thì ông Kissinger và ông Ford sẽ không cứu được người nào, bằng chứng là Cambodia, chị nhớ mà, nước Mỹ không mang ai ra. Tôi nhớ là vào giờ chót, khoảng 15, 16 Tháng Tư thì khi ông đại sứ Mỹ rời Phnom Penh đem ra 17 gia đình, còn mấy người Miên kia thì cứ để lại cho bị bắt.
NV: Vâng trở lại vào cái ngày Thứ Hai sau khi ông nghe tin Ðà Nẵng đã mất, lúc đó ông đang làm gì?
GS Stephen Young: Lúc đó tôi khoảng 30 tuổi, đang là luật sư, đang làm việc cho một hãng luật, mới làm việc được năm đầu tiên, thành ra là tôi đi Washington, DC. Tôi nhớ là mình đến đó mới gọi điện thoại cho một người bạn là Paker Borg. Parker với tôi học tiếng Việt cùng với nhau một năm trước khi đi qua Việt Nam để cùng làm việc cho chương trình Bình Ðịnh Phát Triển Nông Thôn, nhưng lúc đó Parker là phụ tá của Ngoại Trưởng Henry Kissinger, thì tôi nghĩ là tôi phải nói chuyện với Parker, gợi ý cho Parker, rồi Parker nhờ có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại Giao xin vận động cho một chương trình tị nạn Việt Nam. Ông Parker lúc đó nói với tôi rằng: “Xin lỗi tôi không thể giúp được.” Tôi hỏi: “Tại sao anh lại không giúp?” Parker nói rằng ông đã từ chức Thứ Sáu vừa rồi, vì không thể tiếp tục làm việc với ông Henry Kissinger, vì “ông ta là người không tốt.”
Parker hơn tôi hai tuổi. Chị phải hiểu là một thanh niên cỡ 32, 33 tuổi, làm việc trong ngành ngoại giao mà lúc đó được làm phụ tá cho ngoại trưởng là đường công danh rộng mở lắm, nhưng nếu mình từ chức, mà nhất là sếp của mình là Kissinger nữa, thì coi như là tàn sự nghiệp rồi, bởi vì ông Kissinger sẽ “nhớ đời” cái việc này. Tôi nghe chuyện vừa thấy phục Parker mà vừa tức. Tôi năn nỉ Parker, nói chúng ta không thể buông xuôi được, ít nhất chúng ta cũng phải giúp một số gia đình qua, nếu không thì họ sẽ bị giết chết. Bởi vì một người thầy của tôi là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, bị chính Lê Duẫn ra lệnh là phải ám sát ông ấy. Nói tóm lại, tôi nói một hồi thì Parker nói: “Steve, việc này tốt nhưng khó quá, nhưng chính phủ không làm thì mình làm. Tối nay mình sẽ đi gặp ông Lionel Rosenblatt.” Lionel Rosenblatt hồi đó cũng làm ở Bộ Ngoại Giao, phụ tá cho phó ngoại trưởng. Thế là tối hôm đó ba chúng tôi vừa uống rượu vừa tìm cách giúp người Việt Nam.
NV: Rồi sau đó thì làm sao thưa giáo sư?
GS Stephen Young: Sau đó thì Thứ Ba chúng tôi một nhóm thanh niên gặp nhau, toàn những người cùng tuổi, cùng làm việc ở Việt Nam, toàn ghét Cộng Sản, trong đó có ba người là con rể Việt Nam (có vợ Việt Nam). Có lẽ vì thế chúng tôi không thể dửng dưng với những gì sẽ xảy ra cho quê hương của vợ. Ngoài ra gia đình của vợ tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì liên hệ với tôi.
Nói tóm lại, nhóm thanh niên chúng tôi, hăng hái nhất là ba người con rể Việt Nam, gồm tôi, Ken Quinn và Al Adams, viết thư đi khắp nơi nhờ mọi người giúp. Rồi chúng tôi bầu Parker Borger làm người lãnh đạo, vì Parker từ chức rồi, không có việc làm (cười), nhưng Parker quen biết nhiều, lại dùng điện thoại trong Bộ Ngoại Giao từ phòng làm việc của Lionel Rosenblatt để liên lạc, vận động. Chúng tôi may mắn được Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy tích cực tiếp tay vận động hộ, cuối cùng thì chúng tôi có được một “Administrative Action” đồng ý cho phép khoảng 150,000 người, bằng số người Cuba trước đó được nhận vào Mỹ. Và đó là khởi đầu của việc chính quyền Hoa Kỳ cho phép người Việt Nam được vào nước Mỹ, dẫn đến đạo luật gọi là “Indochina Immigration and Refugees Act” sau này, mà khi rảnh hơn chúng ta sẽ nói chuyện rõ thêm.
NV: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.
Related news items:
Tin mới
- Căng thẳng tăng cao tại Việt Nam trong vụ tranh chấp với Trung Quốc - 14/05/2014 10:05
- Câu chuyện giàn khoan - 12/05/2014 18:41
- Ai thù, ai bạn? - 10/05/2014 14:51
- Biểu tình chống TQ xâm lược: Nên tham gia hay không? - 09/05/2014 20:40
- SỰ THẬT CẦN BIẾT VỤ “TÀU SÂN BAY KHOAN DẦU” HD981 CỦA TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VIỆT NAM - 08/05/2014 22:32
- Anh chị có đi biểu tình không? - 07/05/2014 20:25
- Việc phải tới, đã tới - 05/05/2014 16:47
- Bắc Kinh đang biến Đá Gạc Ma thành căn cứ lớn ở Trường Sa - 04/05/2014 21:04
- Hội Dân Oan Việt Nam có Ban Đại Diện - 02/05/2014 16:03
- Sài Gòn: Nhiều người biểu tình bị bắt trong ngày 30-4 - 01/05/2014 01:37
Các tin khác
- Vô địch "Vua Bếp Á Châu' bằng món “Thịt Kho Tàu“ - 29/04/2014 16:33
- Họp mặt thương phế binh tại Dòng Chúa Cứu Thế - 28/04/2014 21:44
- Tưởng niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam ở Sài Gòn - 28/04/2014 21:09
- Bốn cựu binh chiến tranh Việt Nam hội ngộ sau 44 năm - 26/04/2014 13:56
- Những chuyến phà, tàu cao tốc miệt Tây Nam Bộ - 22/04/2014 18:44
- Người đưa đò ở bến Ninh Kiều - 22/04/2014 15:33
- Ngành đường sắt Việt Nam chỉ 'há miệng chờ sung' - 21/04/2014 20:13
- Việt Nam 'mất chủ quyền' trong vụ đấu súng ở biên giới - 20/04/2014 16:48
- Phận đời nhà trọ Sài Gòn - 19/04/2014 14:20
- 'Huyện' Hoàng Sa thăm 2 quả phụ Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí - 19/04/2014 13:54