Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Covid Định Nghĩa Lại Nhân Quyền

statue of liberty coronavirus mask
NHÂN QUYỀN, đó là khái niệm chỉ đạo, tiêu biểu cho thời đại hiện hữu của nhân loại.
Đó là thước đo trình độ ‘văn minh’ của nhân loại hiện nay.

Hiểu theo nghĩa là một xứ, một thể chế chính trị, một người lãnh đạo quốc gia,… càng tôn trọng nhân quyền thì càng chứng tỏ là ‘văn minh’, hợp ý trời, được lòng dân.
Thậm chí để lại phúc đức vô hạn cho con cháu nữa. Nhân quyền đã trở thành một cái gì thiêng liêng mà không ai dám đụng tới.  Đụng tới là bị đại nạn ngay, nhẹ nhất thì cũng bị khinh thường, bị chê là độc tài, hủ lậu,…

Nặng hơn là có thể bị đảo chánh, mất job, mất quyền, mất tiền, mất danh, nhiều khi mất mạng luôn.
Không ai dám đụng thật. Ngoại trừ cô Vi đã thẳng tay giết cả trăm ngàn người, những người cô Vi cho sống sót thì phải vào khuôn vào phép, bị nhốt tại gia hết, nhân quyền gì gì đó của cả mấy tỷ dân thế giới bị chà đạp một cách trắng trợn và tàn bạo nhất mà không ai dám hó hé khiếu nại.

Trước hết, phải định nghĩa cho rõ ‘nhân quyền’ ở đây, kẻ này muốn nói về cái gì.  
Như đã khẳng định nhiều lần, kẻ này không phải là học giả chuyên về ngôn ngữ học hay triết học, nên không có nhu cầu bàn sâu về những ý nghĩa cao thâm.
Chỉ muốn định nghĩa nhân quyền hoàn toàn dựa trên sự hiểu biết bình thường của một người dân bình thường, chẳng phải là học giả, học thiệt gì ráo.

Nôm na ra ‘nhân quyền’ theo kẻ này, là những quyền căn bản của con người, là quyền được ăn no mặc đủ, quyền được có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc, quyền được tự do ăn nói, đi làm kiếm sống, di chuyển, đi shopping xài tiền, đi nhậu, đi đánh bạc, đi mát-xa, đi tắm biển, dắt con cháu đi sở thú, công viên, đi chơi đây đó không phải xin phép công an phường, họp mặt tiệc tùng với gia đình, họ hàng, bạn bè, thân hữu mà không bị công an đột nhập hỏi giấy phép, ra đường không phải mang theo đơn điền sẵn ghi rõ đi đâu, làm gì, gặp ai, bao lâu như bên Pháp hiện nay,…

Nhân quyền đây trên căn bản là những quyền về tinh thần nhiều hơn là về vật chất theo kiểu phải có tiền, phải có nhà cao cửa rộng, xe lớn, máy lạnh, TV,…
Mà cũng không phải là ‘dân quyền’ nặng mùi chính trị, nhắm vào quyền công dân như đi bỏ phiếu, không bị công an bắt bớ tù đầy vì bôi bác lãnh tụ hay khác biệt quan điểm chính trị, bị bịt miệng không được chống đối Nhà Nước,…

Nói nhân quyền là thước đo cho mức độ ‘văn minh’ dĩ nhiên sẽ bị nhiều học giả chỉ trích là có hơi hám kỳ thị vì hiển nhiên, đây là dùng thước đo theo tiêu chuẩn của các nước Âu Mỹ để lượng định cả thế giới, đưa đến kết luận là các nước Á Phi đều thuộc loại kém văn minh vì nhân quyền tương đối ít được tôn trọng hơn.

Cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu và nhất là cố Tổng Thống Phác Chánh Hy đã từng mạnh tiếng công kích việc Âu Mỹ cố áp đặt những tiêu chuẩn ‘văn minh’ của họ lên các xứ Á Phi là những xứ có văn hóa khác, với những định nghĩa về văn minh hoàn toàn khác.
Ở đây có một câu chuyện đáng suy ngẫm. Cách đây mấy chục năm, có một bà triết gia Phi Châu đã viết một cuốn sách gây chấn động thế giới.

Bà viết về việc các nước tiên tiến Âu Mỹ cố gắng bỏ ra bạc tỷ từ thập niên này tới thập niên khác, viện trợ cho Phi Châu với hy vọng giúp Phi Châu phát triển kinh tế, hội nhập vào đời sống ‘văn minh’ của Âu Mỹ, giúp dân Phi Châu có được cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, chẳng hạn như có cao ốc, xe hơi, máy lạnh, tủ lạnh, thang máy, computers, điện thoại,…

Để rồi các xứ Âu Mỹ than phiền dân Phi Châu chậm tiến vẫn chậm tiến, bạc tỷ đổ vào Phi Châu cũng chẳng khác gì đổ xuống Đại Tây Dương.
Chỉ vỗ béo cho mấy tay lãnh tụ độc tài và tham nhũng, lấy cả mớ tiền viện trợ bỏ ngân hàng Thụy Sỹ.

 

Zaire là một trong những xứ nghèo nhất trần gian, nhưng ông tổng thống Mobutu lại là một trong những đại tỷ phú giàu nhất thế giới.
Rồi bà đặt câu hỏi tại sao lại vậy? Tại sao dân Phi Châu vẫn không khá hơn?
Và bà đã trả lời bằng một câu hỏi khác:
Tại sao lại khẳng định dân Phi Châu cần có cao ốc, cần xe hơi, máy lạnh, tủ lạnh?

Tất cả những thứ đó chỉ là sản phẩm của kinh tế Âu Mỹ muốn nhồi nhét vào nhà của dân Phi Châu trong khi dân Phi Châu thật ra bất cần những thứ đó.
Trợ giúp đó là trợ giúp thật cho dân Phi Châu hay chỉ là cách cho dân Phi Châu tiền để họ mua những sản phẩm Âu Mỹ mà họ không cần?

Có phải chỉ là âm mưu thâm độc của ‘tụi đế quốc tư bản’ Âu Mỹ, cho tiền tay này, thu lại tiền tay kia không?
Dân Phi Châu có một câu chuyện diễu rất thịnh hành. Ông Bill Gates làm việc cật lực 20 tiếng một ngày trong gần cả đời. Để mãi đến cuối đời mới có được một cuộc sống nhàn hạ, nhà cao cửa rộng, bên cạnh hồ, ngày ngày ra câu cá ‘thư giãn’, chơi với con cháu, vui thú điền viên, ra trồng hoa, trồng rau ngoài vườn, lâu lâu rảnh rỗi vác súng đi săn thú rừng, thậm chí qua tới tận Phi Châu đi safari săn sư tử hay nai tơ.
Chi dzậy? Sao mà khổ dzậy?
Dân Phi Châu chẳng cần phải làm cật lực cả đời, mà suốt đời ngay từ thời tuổi trẻ, đã có tất cả những gì ông Gates làm việc thiếu điều ho lao luôn tới cuối đời mới có.

Dân Phi suốt đời thảnh thơi sống bên cạnh hồ, đi câu cá, đi săn, ăn đồ tươi, nằm võng ngủ trưa, vui thú điền viên, cả gia đình lúc nào cũng quây quần quanh nhau, bốn vợ hai chục cháu, hạnh phúc tràn trề, chẳng bao âu lo, chẳng biết ung thư, cao máu, cao mỡ là gì.
Như vậy ai khôn hơn ai?
Ông Gates hay anh nông phu Phi Châu?

Một câu chuyện không phải là diễu mà là chuyện thật nhưng tiếu lâm hơn chuyện diễu Ba Giai Tú Xuất:
 TT Clinton qua thăm Uganda. Bà Hillary tháp tùng theo, đi viếng thăm một trường trung học tại một tỉnh nhỏ. Bà ưu ái tặng cho trường 100 máy computers ‘hiện đại’ nhất, mua bằng tiền thuế dân Mỹ đóng, chở từ Mỹ qua.

Báo chí, TV loan tin rầm rộ, chính phủ Mỹ và Uganda nhẩy tưng tưng tung hô lòng tốt của Mỹ nói chung và của bà Đệ Nhất Phu Nhân nói riêng.
Vấn đề là sau đó, cái trường trung học này nhìn đống máy đó mà không biết phải làm gì vì thứ nhất cả trường, chưa một ai nhìn thấy cái computer, chẳng ai biết sử dụng, chẳng ai hiểu công dụng là gì, và thứ nhì, tếu hơn nữa, trường không có hệ thống điện, không có một ổ điện nào cho máy.

Kết quả, 100 cái máy đó chạy vô nhà các quan lớn Uganda hết. Nêu lên những chuyện trên để thấy hạnh phúc cá nhân, nhu cầu cá nhân thay đổi tùy nơi, văn minh và nhân quyền cũng thay đổi theo, đúng như ông Lý Quang Diệu đã nói, khác xa một trời một vực giữa các văn hóa khác nhau.

Do đó, nói nhân quyền là thước đo của văn minh có vẻ nặng mùi trịch thượng Âu Mỹ thật.
Biết vậy, nhưng thực tế là nhân quyền hiểu theo định nghĩa vừa nêu trên, vẫn là cái gì tất cả nhân loại cần có.

Lớp dân Phi Châu có cuộc sống thảnh thơi như trong câu chuyên trên chỉ là đám dân Phi Châu sống trong các bộ lạc trong rừng sâu thôi, chứ dân Phi Châu thành thị bây giờ đã không còn chấp nhận những hạnh phúc đơn giản mộc mạc như vậy từ lâu rồi.

Cái lý luận của bà triết gia đã trở thành những ngụy biện, bào chữa vá víu không ai còn coi như thật sự có giá trị gì.
Những quyền tự do cá nhân căn bản như vừa ghi ở trên đã trở thành những thứ gọi là … quý hơn cả mạng sống.

Cho tới khi cô Vi đến, cho biết thật ra mạng sống vẫn quý hơn mọi thứ quyền cá nhân.
Không còn mạng sống thì nhân quyền biến thành… ma quyền.
 Đưa đến việc cả thế giới lo bảo vệ mạng sống của dân, cất hết nhân quyền vào nhà kho khi cô Vi đến thăm trái đất.

 Dân Âu Mỹ buồn bực, dân Tầu, dân Việt và dân Củ Sâm chẳng thấy gì khác vì nhân quyền trong thế giới Cộng Sản chỉ có cho tầng lớp đại quan đỏ thôi chứ dân ngu khu đen thì chỉ đọc được trên báo đảng.
Các chính quyền CS vui mừng hả hê, thiếu điều bắt các xứ Âu Mỹ trả tiền bản quyền vì đã chép theo công thức trị dân của chúng, lấy khẩu trang hay bàn tay công an bịt miệng cả nước.

Bà ‘vua’ Hồng Kông mất không biết bao nhiêu tháng trời mà không dẹp được nội loạn, cô Vi tới nơi, tất cả dân Hồng Kông đóng cửa ngồi trong nhà, kể cả những anh chị sinh viên liều mạng nhất, chẳng biết sợ công an là gì nhưng nghe tên cô Vi là run lẩy bẩy, không ai xuống đường biểu tình nữa.
Tập Cận Bình thắp nhang cám ơn Quan Công đã phù hộ, gửi cô Vi đến đúng lúc.
Phải nói là cô Vi rất ‘công bằng’. Nghĩa là chẳng có chuyện kỳ thị bất cứ ai, dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào.

Tất cả thiên hạ sống trên thế giới này, bất kể giàu nghèo, sang hèn, da màu gì, nam hay nữ, già hay trẻ, mập hay ốm, thầy tu hay kẻ cướp, bảo thủ hay cấp tiến, cộng sản đỏ lòm hay chống cộng vàng khè, dân kinh đô ánh sáng Paris hay dân bộ lạc trong rừng Brazil, thủ tướng Anh hay anh bán thịt chợ Vũ Hán,… , tất cả đều được cô Vi chiếu cố hết.

Cái ảo vọng công bằng tuyệt đối cho cả nhân loại mà Các-Mác, Lê-Nin, Mao, Hồ, Pol Pot,… không thực hiện nổi bằng súng đạn, tù đầy, đấu tố, cải tạo tư tưởng,…, cô Vi đã làm được.

 Làm được với bàn tay sắt còn cứng hơn tay sắt của Xít-ta-lin. Bất thình lình cả thế giới, đặc biệt là các quốc gia Âu Mỹ với những truyền thống tôn trọng nhân quyền từ cả ngàn năm qua, hay ít nhất cũng từ thời Cách Mạng Pháp của 1789, hay độc lập của Mỹ 1776, đã mang tất cả mọi thứ nhân quyền quăng vào thù rác hết, theo lệnh của cô Vi.
Tất cả những quyền sơ đẳng và thiêng liêng nhất của cá nhân như quyền kinh doanh, quyền đi lại, quyền tụ họp, quyền ăn nhậu, ca hát nhẩy múa, quyền được tra tấn bằng karaokê, … đều một sớm một chiều bị chính quyền những xứ gọi là tôn trọng nhân quyền nhất từ cả trăm, cả ngàn năm nay, cấm đoán hết.

Lại còn bị phạt tiền và phạt tù nếu dám vi phạm nữa. Chỉ còn được quyền bịt kín mặt đi chợ mua đồ ăn hàng ngày thôi.
Thậm chí đau răng, nhức đầu xổ mũi cũng không còn cái quyền đi bác sĩ chữa trị nữa. Nôm na ra, cả thế giới đang bị… tù tại gia, mà cũng chẳng ai biết sẽ bị tù bao lâu, khi nào được thả.
 Không khác mấy anh quân cán chính VNCH bị VC bắt đi tù cải tạo năm xưa, chẳng biết ngày nào được thả.

Chưa hết. Hàng loạt biện pháp quái lạ nhất đã được cô Vi mang đến áp đặt lên thiên hạ:
– Trong phép giao tế thường ngày, gặp người quen không còn được hít chí rận trong tóc như cụ Biden thường biểu diễn, thậm chí cũng không được bắt tay nữa, mà chỉ có thể thúc cùi chỏ hay đá chân nhau thôi.

– Họp mặt tiệc tùng sinh nhật phải coi chừng công an có thể tông cửa vào bắt hết cả đám; chẳng biết có cản được dịch hay không nhưng chắc chắn là đã giúp công an Tầu Cộng và Việt Cộng có lý do chính đáng tông cửa bất cứ nhà ai bất cứ lúc nào.
– Viếng thăm người bệnh kể cả bố mẹ trong nhà già cũng không được phép nữa; và ông bà cũng không được chơi với cháu chắt gì nữa, kể cả cháu đích tôn.
– Lỡ cô Vi vào tới trong nhà thì vợ chồng cũng không được ngủ chung giường, kể cả những bà vợ mới cưới cũng phải nhường giường của chồng cho cô Vi.
– Ra đường thì như một thành phố ở Massachusetts đã ra lệnh, đi bộ cũng phải theo đúng lề, từ bắc xuống nam đi lề phải, từ nam lên bắc, đi lề trái; đi ngược chiều bị phạt 100 đô.
–Thống đốc New York, đã sao chép y chang sách vở công an VC: Khuyến cáo dân chúng thấy ai không tuân thủ luật cách ly, đứng cách nhau hai thước thì lấy máy hình chụp, gửi cho cảnh sát ngay.

Vài tuần nữa khi thực phẩm bắt đầu khan hiếm, dân New York sẽ được khuyến cáo chụp hình iPhone báo cho cảnh sát nhà nào dám ăn thịt gà, hay nhà nào ra vườn nướng BBQ sườn heo, để ‘công an’ New York của ông Cuomo đến bắt đi cải tạo.
– Trước đây, chỉ có ăn cướp mới bịt mặt để đi ăn cướp, bây giờ tất cả đều phải bịt mặt.

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tất cả mọi người vào nhà băng đều phải bịt mặt dù không muốn ăn cướp tiền, không bịt mặt thì bị ‘anh bảo vệ’ ngân hàng không cho vào; mai này phải đeo khẩu trang khi chụp hình căn cước hay bằng lái xe luôn không chừng.
– Thậm chí, cái quyền tự do nhỏ nhặt, căn bản nhất như đưa tay lên vuốt mặt, vuốt mũi cũng không được phép làm nữa.
–  Lạ hơn nữa, bây giờ cả chó mèo cũng bị cô Vi chiếu cố.

Trước đây, ta chỉ nghe chuyện thú lây bệnh qua người, bây giờ những anh chị mê thú vật đang lo toát mồ hôi là người sẽ lây bệnh qua con cún dễ thương trong nhà.
Mèng đéc ơi, Xit-ta-lin hay Hít-le sống lại cũng không dám mơ mộng được những cái quyền kinh hoàng đến thế.

Mà ghê gớm hơn cả, dù cô Vi ra tay bạo như vậy, dân chúng cả thế giới, kể cả những dân đã khai sanh ra những cuộc cách mạng vĩ đại đổi đời như dân Pháp, dân Nga, dân Mỹ,… cũng răm rắp cúi đầu nghe theo, không một ai dám hó hé chống đối.
Mới đây, có vài anh chị dám thò đầu ra đường phản đối bị nhốt quá kỹ, thì TTDC phe ta xiả tay tố ngay đó là đám phát xít thượng tôn da trắng!

Làm như thể các dân da đen, da nâu, da vàng, da đỏ quen với truyền thống làm nô lệ của dân da trắng, bây giờ đều rất thản nhiên chấp nhận bị nhốt liên tu bất tận, chỉ có đám da trắng thượng tôn chưa bao giờ bị nhốt mới phản đối thôi.
Công bằng mà nói, cô Vi cũng nhân hậu mang lại vài điều tốt cho nhân loại. Chẳng hạn như tập cho thiên hạ cái thói rửa tay một ngày hai ba chục lần, mỗi lần rửa tay phải xem đồng hồ hay lẩm nhẩm đếm tới 20 giây đồng hồ, nếu không thì cô Vi sẽ không buông tay đâu.

Vấn đề vệ sinh căn bản, thiên hạ, nhất là dân Tầu dân Việt ta, bây giờ mới bắt đầu chú ý tới.
Đến độ có người kỹ lưỡng khuyến cáo ta nên dùng cồn rửa cả rau, cả thịt cho sạch trước khi ăn, thiếu điều nên rửa đồ ăn bằng xăng hay thuốc DDT cho chắc ăn. Hay uống thuốc rửa nhà cầu để rửa ruột cho sạch luôn cho tiện.

Cô Vi cũng đã tập cho dân Việt ta lần đầu tiên từ ngày Vua Hùng còn sống, biết đứng xếp hàng trong trật tự quy củ, chứ không còn mạnh ai nấy lấn nữa, như lấn nhau, dành ăn càng cua trong tiệm buffet tự lấy đồ ăn.
Nhưng uy quyền của cô Vi cũng không phải là vô giới hạn đến độ thay đổi được những thói quen truyền thống của một dân tộc với mấy chục ngàn năm văn hiến.

Cứ đi vào một siêu thị Việt ở Bolsa sẽ thấy ngay. Các bà rất kỹ cho chính mình, đeo găng tay cao su vào tiệm để lựa đồ ăn, rất sạch sẽ vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
Xong ra xe, trước khi lên xe thì nhìn trước nhìn sau, lột găng tay vứt ngay xuống đất, liệng cách xa xe mình vài thước, rồi lên xe về tỉnh bơ.
Những chỗ công cộng luôn luôn là bãi rác chung.

Như ở VN ta, các bà quét nhà luôn luôn quét từ trong nhà ra tới cửa là hất tung ra đường hết, hay vác các thau nước sau khi lau nhà xong tạt ra ngay đường trước nhà, đâu còn là nhà mình nữa đâu mà sợ dơ.
Có những truyền thống dân tộc không bao giờ phôi phai, vài chục năm sống ở Mỹ làm sao xóa nổi.

Trở lại xứ Mỹ, trong thời gian gần đây, ta thấy TTDC nhao nhao chửi TT Trump lơ là, chậm chạp trong cách đối phó với cô Vi.
Đảng DC và đồng minh TTDC đã không ngừng tố cáo TT Trump đã lấy những biện pháp cấm cung và cách ly quá muộn để rồi không còn chặn vi khuẩn được nữa.
Sự thật có như vậy không? Có đúng là TT Trump đáng lẽ ra đã phải lấy những biện pháp gay gắt mạnh tay nhất để chặn cô Vi ngay từ đầu không?

Thứ nhất, chuyện đổ thừa lên đầu TT Trump vẫn chỉ là lập luận chạy tội cho các cụ thống đốc các tiểu bang DC bị nạn nặng nhất, dù biết tổng thống liên bang chẳng có quyền ra lệnh cấm cung hay cách ly bất cứ ai, tước đi nhân quyền của bất cứ ai hết, vì những quyết định đó thuộc thẩm quyền các thống đốc, các thị trưởng,…

Đừng quên Mỹ là một thứ hiệp hội của 50 nước, với 51 ‘tổng thống’, 51 thượng viện và 51 hạ viện (kể cả chính quyền liên bang) với cả ngàn nghị sĩ, dân biểu, không ai chịu thua ai, kỷ luật đảng là đúng zero.
Thứ nhì, Mỹ không phải là Trung Cộng hay Nga hay bất cứ xứ độc tài nào khác. Dễ gì mà tổng thống cho dù là có quyền, có thể ra lệnh vứt hết nhân quyền vào thùng rác, cấm tất cả kinh doanh phải đóng cửa, tất cả học sinh phải nghỉ ở nhà, tất cả dân chúng không ai được ra đường?

Làm sao TT Trump dám lấy quyết định tước đoạt tất cả những cái gọi là nhân quyền căn bản nhất nếu không có lý do trầm trọng, khủng khiếp nào?
Nhất là khi cả nước Mỹ với gần 350 triệu dân mà chỉ mới có đúng một người đầu tiên chết cuối tháng Hai?

Ngay cả trong tháng qua, khi Mỹ đã có tới mấy chục ngàn người chết, việc cấm cung và cách ly cũng vẫn bị coi thường bởi rất nhiều dân Mỹ.
Ngay tại San Francisco, báo đăng các công viên trong ngày cuối tuần vẫn đầy dân ra hóng mát, chạy jogging, làm pic-nic gia đình,…

Nhiều vụ biểu tình chống cấm cung đã xẩy trên cả hai tá tiểu bang. Hàng xóm kẻ này, một cặp vợ chồng Mỹ trắng trẻ, vẫn có ‘party’ vui vẻ hai ba lần mỗi tuần, tụ họp cỡ chừng 4-5 bạn bè, tắm hồ bơi sau nhà, ăn nhậu BBQ với bia (tuy không phải bia Corona!), trẻ con chạy nhẩy la hét ồn ào. Coi như chẳng có lệnh cấm cung hay cách ly gì hết.

Thử tưởng tượng TT Trump thực sự có quyền và đã ra lệnh cấm cung và cách ly khi mới có vài ba người chết thì dân Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, đảng đối lập DC và TTDC sẽ công kích cỡ nào?

Chuyện gì phải tới đã tới. Trong cái thành đồng của nhân quyền này, sau khi bị nhốt tại gia cả hơn hai tháng trời, dân Mỹ đã bắt đầu nổi loạn, xuống đường ‘đòi quyền sống’, đòi lại những nhân quyền căn bản nhất của họ.
Và quái lạ thay, cái đảng có tên là ‘Dân Chủ’ đã ôm lấy thái độ thiếu dân chủ nhất, đồng loạt bôi bác, nhục mạ họ là đám da trắng thượng tôn, kỳ thị.

Nhất quyết khóa tất cả ba cái ‘nhân quyền’ lăng nhăng vào tủ sắt, ít nhất cũng cho đến khi nào việc thắng cử trong cuộc bầu cuối năm được bảo đảm. Ta chờ xem những cái nhân quyền đó sẽ bị nhốt bao lâu.


Switch mode views: